“Thế nào là sợ chết khiếp?” - Biên kịch Khánh Hoàng kể chuyện viết phim hài và kinh dị | Vietcetera
Billboard banner

“Thế nào là sợ chết khiếp?” - Biên kịch Khánh Hoàng kể chuyện viết phim hài và kinh dị

Vietcetera cùng trò chuyện về ngành nghề biên kịch cùng Khánh Hoàng, đạo diễn bộ phim đình đám năm 2017, 'Em Chưa 18'
“Thế nào là sợ chết khiếp?” - Biên kịch Khánh Hoàng kể chuyện viết phim hài và kinh dị

Nguồn: Khánh Hoàng

2017, ‘Em chưa 18’ khuynh đảo phòng vé Việt, đánh bại loạt bom tấn quốc tế và lập kỷ lục phim có doanh thu khủng nhất thị trường trong nước - gần 200 tỉ. Là cột mốc đáng nhớ của nhà biên kịch trẻ Khánh Hoàng, song thành tựu này cũng đồng thời đặt ra cho anh nhiều rào cản. Tới tận hôm nay, giới truyền thông vẫn gọi anh là “biên kịch của ‘Em chưa 18’”.

‘Vu Quy Đại Náo’ được viết sau này, với hệ thống nhân vật đồ sộ, mà người viết phải dụng công cân bằng mạch truyện, chừa “đất” để diễn viên tỏa sáng và phát triển tính cách, là phim yêu thích nhất của Hoàng.

12 câu chuyện dưới đây, chính là hành trình để trở thành một biên kịch thành công.

1. Có thể kịch bản của bạn sẽ không ai chịu biến thành phim!

Khi mới bén duyên với nghề biên kịch, anh chắp bút cho kịch bản đầu tay “Mùa viết tình ca”. Trái với mong đợi, cốt truyện nhận được cái lắc đầu của tất cả mọi người.

“Kịch bản quá lãng đãng, thơ mộng, hiền và rất khó để làm”

Sau thành công của ‘Em chưa 18’, Hoàng mới quay lại hoàn thiện kịch bản đầu tay này. Sau nhiều năm “ngủ đông”, tác phẩm lọt vào mắt xanh của nhà sản xuất Lý Minh Thắng và ca sĩ Minh Hằng. Giữa năm 2018, ‘Mùa viết tình ca’ ra mắt màn ảnh lớn, và được ví như ‘khúc hát thanh xuân đầy màu sắc’.

Poster Mugravea viết tigravenh ca Nguồn CGV Cinemas Vietnam
Poster 'Mùa viết tình ca' | Nguồn: CGV Cinemas Vietnam

2. Funny và Comedy là 2 khái niệm khác nhau

Khi tìm hiểu về biên kịch, bạn hì hụi sưu tầm, chắt lọc công thức xây dựng cốt truyện từ sách, từ khóa học điện ảnh, sau đó bất giác phát hiện: ta vẫn lửng lơ ở tầng lý thuyết.

Khi dạy lớp viết phim hài, Hoàng kể học viên của anh thường giật mình “Ồ thì ra trước đây mình không biết gì về hài cả”.

Niềm vui (fun) thường tùy hứng, được đón nhận nhiều theo cách. Trong khi đó, hài hước (comedy), thì kể cả nắm công cụ vận hành, bản thân người biên kịch vẫn sẽ gặp khó khăn để viết lên những miếng hài duyên dáng.

Nắm được công cụ là bước cơ bản, làm chủ nó đòi hỏi 1 quá trình dài.

Một phacircn cảnh vui trong Vu Quy Đại Naacuteo Nguồn Afamily
Một phân cảnh vui trong 'Vu Quy Đại Náo' | Nguồn: Afamily

3. Cốt truyện phổ biến nhất của mọi kịch bản phim là:

...Fish Out Of Water (Cá Ra Khỏi Nước). Đây là kỹ thuật kể chuyện được ứng dụng nhiều, thậm chí có thể trở thành cốt truyện duy nhất cho hầu hết các kịch bản phim.

Nhân vật chính đang ngủ yên trong thế giới cũ, bỗng một ngày bị kéo vào thực tại mới. Biến cố ập đến buộc họ phải định hình nhận thức, tìm cách đương đầu. Mạch truyện này cũng được khai thác triệt để trong phim hài. Tèo Em, Để Mai Tính, Em Chưa 18... là những ví dụ.

Ngoài tập trung vào 1 nhân vật trung tâm, thể loại thứ 2 rơi vào 1 nhóm nhân vật , mỗi người khoác lên mình một cá tính riêng. Cách họ phản ứng với tình huống tréo ngoe đẩy mạch truyện lên cao trào, tạo ra nhiều nút thắt.

4. Chi phối cảm xúc khán giả với 3 bước hù dọa

Phim kinh dị thường có phát triển theo 3 tầng cảm xúc mà người biên kịch cần nắm rõ.

  • Tầng 1: Lo lắng
  • Tầng 2: Sợ hãi
  • Tầng 3: Kinh hãi

Một gia đình chuyển đến nhà mới, cảm giác lo lắng nhen nhóm hình thành. Khi nỗi sợ trở nên hữu hình và điều bất thường xảy đến với từng thành viên, sự sợ hãi xâm chiếm, họ vội vã tìm lối thoát hoặc lựa chọn đối đầu. Nhưng cảm giác kinh hãi nhất không đến từ việc bản thân bị đe dọa, mà chứng kiến người thương rơi vào hiểm nguy. Bị động, bất lực là đại diện cho tầng cảm xúc cuối cùng.

Hiểu được bản chất của nỗi sợ, Hoàng ứng dụng vào phim “Thất Sơn Tâm Linh”, tạo ra nỗi ám ảnh mang tên: “sợ chết khiếp”.

Một phacircn cảnh trong Thất Sơn Tacircm Linh Nguồn thanhnienvn
Một phân cảnh trong 'Thất Sơn Tâm Linh' | Nguồn: thanhnien.vn

5. Phim sản xuất nội địa vẫn ăn khách

2019 là năm thăng hoa của điện ảnh Việt với xấp xỉ 40 phim ra rạp. Dù rất nhiều nhà phát hành ưu ái cho dòng phim remake (làm lại theo kịch bản có sẵn), nhưng những kịch bản nội địa vẫn là trọng tâm của ngành điện ảnh.

Những kịch bản này làm mưa làm gió phòng vé và thu được rất nhiều tình cảm của khán giả đến xem phim. Phim Việt không còn mang tiếng là "phim-Việt-Nam mà" như trước nữa.

Thaacuteng Năm Rực Rỡ

6. Biên kịch phải… tự học?

Hiện nay chỉ có trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội là nơi đào tạo chính quy ngành biên kịch. Chúng ta cũng vì thế rất thiếu các biên kịch được đào tạo bài bản, phần lớn là tự học rồi mở lớp dạy học.

Bản thân đội ngũ giảng dạy cũng tác ra thành hai nhóm. Người nghiên cứu, phê bình kịch bản thì có cách tiếp cận rất khác với người làm biên kịch đang thực chiến trên phim trường. Trong đó, những biên kịch “tự học” trở thành thành phần nhạy bén với thời thế, nắm được cách thức phim ảnh đang vận hành, tích lũy được kho kiến thức mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Tuy nhiên người viết biên kịch thực sự lại eo hẹp về thời gian, khó gắn bó lâu với nghiệp dạy.

7. Việc đầu tiên của nghề biên kịch, là phải có kịch bản!

Khởi đầu là “kẻ tay ngang”, Khánh Hoàng trải qua nhiều ngành nghề, từ giáo viên, copywriter, viết báo, viết quảng cáo rồi cuối cùng chọn điểm dừng ở biên kịch, anh hiểu những trở ngại mà người trẻ đối mặt thời điểm chập chững bước vào ngành.

Việc dành thời gian để ngồi viết cho xong kịch bản đầu tay để có thể cầm nó đi chào mời các nhà sản xuất, là bước quan trọng nhất mà anh cho rằng, tất cả những ai muốn theo nghề này, cần phải lưu ý.

8. Xương sống của kịch bản xuất phát từ trải nghiệm cá nhân

Yếu tố gia đình có trong mọi sản phẩm của Hoàng. Trong 'Em chưa 18', Linh Đan khao khát được ba mẹ lắng nghe và thấu hiểu. Sự kết nối tình thân là nguồn cảm hứng xuyên suốt phim.

Bản thân Hoàng là người coi trọng giá trị gia đình, luôn coi việc giải quyết những mâu thuẫn thế hệ, là kim chỉ nam cho mọi kịch bản mình viết. Chính anh cũng tin rằng, người viết từ trải nghiệm cá nhân sẽ viết lên những câu chuyện dễ “chạm” nhất.

9. Làm phim kinh dị, mình phải... giết người?

Có thế mạnh với phim hài - tình cảm, Hoàng vẫn thử sức với thể loại khó nhằn, là phim kinh dị. Hoàng kể, để nhân vật hiện lên chân thực anh luôn tìm cách hóa thân thành nhân vật.

Vào hoàn cảnh đó, kẻ thủ ác gây án thế nào, làm hại nạn nhân ra sao, điều gì đang diễn ra trong tâm trí hắn. Là nạn nhân chứng kiến, Hoàng sẽ làm gì, sẽ tháo chạy hay chống trả một sống một còn? Viết truyện đôi khi như một hành trình kịch tính mà biên kịch phải đóng mọi vai diễn của mọi nhân vật trong đó.

Một phacircn cảnh trong Thất Sơn Tacircm Linh Nguồn vnreview
Một phân cảnh trong 'Thất Sơn Tâm Linh' | Nguồn: vnreview

10. Khi ‘chạy theo trend’ đồng nghĩa với ‘lạc hậu’

So với âm nhạc hay các loại hình nghệ thuật khác, phim ảnh khó chạy theo xu hướng thịnh hành. Từ các khâu lên ý tưởng, kịch bản, phát triển rồi bấm máy, hậu kỳ, đòi hỏi 1 năm hoặc hơn.

Khi đến với công chúng, tất cả những yếu tố trendy đã lạc hậu. Đặt ngược vấn đề, phim tạo ra trend là một điều may mắn, nhưng xác suất thấp, thậm chí không tưởng.

Người làm phim tất nhiên vẫn có những thống kê về thể loại phim được khán giả yêu thích, nhưng chỉ dừng ở mức tham khảo.

11. ‘Feel Good’ là công thức thành công duy nhất

Một bộ phim được định nghĩa trong mỹ từ chuẩn mực “chất lượng”, “xuất sắc” không có nghĩa nó đem tới sự hài lòng và thỏa mãn đến mọi khán giả. Lứa tuổi, môi trường sống và tư duy khác nhau ảnh hưởng đến cách tiếp nhận một bộ phim.

Đối với anh, chuẩn mực duy nhất là khi làm phim, hãy trở thành khán giả của mình trước. Nếu bản thân hài lòng với thành quả, những đồng nghiệp trong nghề đều ‘feel good’ về bộ phim, thì có nghĩa sản phẩm đó thực sự ổn.

12. Hãy nghi ngờ cả những lời khuyên quý giá nhất

Với Khánh Hoàng, có 2 bước cần thực hiện để viết tốt: Đặt bút xuống viết, đặt tay xuống gõ ra những bản thảo đầu tiên, để ý tứ bật ra, thành hình. Ý tưởng tốt sẽ chỉ xuất sắc khi được viết ra. Điều thứ hai và cũng quan trọng nhất: hãy lắng nghe và hoài nghi. Lắng nghe để chắt lọc những kinh nghiệm quý báu từ bậc tiền bối, nhưng hãy đặt câu hỏi, chất vấn và chắt lọc. Không phải mọi bài học thành công từ người khác đều trở thành kim chỉ nam của bản thân. Viết tốt là dám viết, chủ động lắng nghe và chọn lọc.