Bình Bồng Bột: 5 Điều bạn cần nhớ nếu muốn trở thành dịch giả | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
16 Thg 03, 2021

Bình Bồng Bột: 5 Điều bạn cần nhớ nếu muốn trở thành dịch giả

Bình Bồng Bột chia sẻ gì về nghề dịch sách nhân dịp quyển sách mới của anh, "Vẫy vùng giữa vũng lầy", được cấp giấy phép tái bản?
Bình Bồng Bột: 5 Điều bạn cần nhớ nếu muốn trở thành dịch giả

Nguồn: Maika Elan cho Vietcetera

Trước khi Bình Bồng Bột là Bình Bồng Bột, anh là Trần Minh - một cây bút với nhiều bài phỏng vấn và điểm nhìn đỉnh. Sau khi bạn thân anh - Đinh Đức Hoàng - nghĩ ra cái tên Hoàng Hối Hận, Bình Minh trở thành Bình Bồng Bột.

Giai đoạn 2014-2015, Facebook đồng loạt “tuýt còi”những nick Facebook không phải tên thật. “Bình Bồng Bột là tên của tui, mẹ tui gọi vậy, mấy cô bồ cũng gọi vậy, Facebook không phải là nơi kết nối mọi người hay sao? Sao lại cấm người ta sử dụng một cái tên ai cũng biết”. Đã có một cuộc trò chuyện “nảy lửa” với đội ngũ nhân viên của Facebook, để chúng ta vẫn còn được thấy cái tên Bình Bồng Bột hiện tại.

Tôi kể câu chuyện này vì nghĩ khả năng ăn nói của anh hẳn đóng vai trò rất lớn dẫn anh đến con đường viết lách, cũng như trở thành một người dịch sách nổi bật. 4 quyển sách đã ra đời từ lúc anh bước chân vào sự nghiệp dịch giả vào năm 2016. Từ quyển đầu tiên “Tôi là Zaltan Ibrahimovic” tới quyển mới nhất “Vẫy vùng giữa vũng lầy” (sách đã được cấp phép tái bản chỉ thời gian ngắn sau khi phát hành), Bình Bồng Bột có những đúc kết gì về nghề làm dịch giả?

(Xem thêm cuộc trò chuyện của Bình Bồng Bột tại đây)

1. Bước đầu tiên để đến với nghề dịch: phải “mắc dịch”

Nguồn Tiacuten Phugraveng cho Vietcetera
Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

Bình hay nói với mọi người là con người ta luôn phải “mắc” một cái gì đó thì mới làm được. Mắc ăn thì phải ăn, mắc ngủ thì phải ngủ, và mắc dịch, thì mới có thể dịch. Nếu bạn để ý thì sẽ thấy những quyển Bình dịch toàn là sách… ế, ít người biết. Mỗi khi đọc một quyển sách thấy hay thật hay và muốn bàn luận về nó, thay vì cảm thấy cô đơn bởi chưa ai từng đọc, chi bằng mình chia sẻ nó cho mọi người cùng biết.

Hơi cồng kềnh, nhưng Bình nghĩ đó là con đường dịch giả nào cũng từng đi qua. Vì nghề dịch, nói thẳng ra, chẳng nuôi được mình (Bình luôn khuyên các bạn trẻ hãy tìm một công việc nuôi sống được bản thân trước, rồi hẵng nghĩ đến đi dịch sách).

Nên để sống với một nghề không nuôi nổi mình, mình phải tự nuôi đam mê dành cho nó cái đã.

2. Kiểm duyệt giúp chúng ta sáng tạo hơn

Nguồn NXB Tao Đagraven
Nguồn: NXB Tao Đàn

Con đường dẫn đến cái tên “Vẫy vùng giữa vũng lầy” là một hành trình dài. Bởi với cái tựa “Skinny Dip” nguyên bản, bạn vốn đã có thể đón nhận nó với nhan đề... “Bơi Truồng”. Nhưng cái tựa dễ dàng cho người dịch ấy đã không được duyệt, nên Bình phải ‘vật lộn’ với việc nghĩ ra một tựa đề khác.

“Cái khó nhất của việc dịch sách là khâu kiểm duyệt”. Tuy vậy, sự khó đó lại dẫn đến cái tên mà dịch giả tự thấy thích gấp nhiều lần cái tên trước. “Câu chuyện diễn ra ở vũng lầy, và mình cứ nghĩ hoài về cái vũng lầy, rồi sự đam mê nói lái của mình nảy ra cái chữ vẫy vùng”.

Những câu chửi thề xuất hiện trong sách, vì kiểm duyệt, cũng đã phải giảm nhiều tông so với nguyên tác. Nhưng bởi với anh, chửi thề là một hoạt động phi văn hóa nhưng đầy văn hóa. Đó là sự phát tiết của những phẫn nộ, đó là thứ không nên được giấu đi.

Bởi có niềm tha thiết giữ những câu chửi thề đúng nghĩa, thay vì chỉ một chữ "chết tiệt" như cả một tuổi thơ anh đã hiểu nhầm rằng "người Mỹ không biết chửi thề", Bình đã phải nghĩ ra rất nhiều cách để câu chửi 'nhẹ' đi. Một câu chửi thề 'nhẹ' là câu không có dấu nặng trong đó, là một cách.

3. Hãy dịch sách thành một bản nhạc

Nguồn Maika cho Vietcetera
Nguồn: Maika Elan cho Vietcetera

Khi được hỏi yếu tố then chốt quyết định một bản dịch hay là gì, Haruki Murakami (một dịch giả xuất sắc, bên cạnh việc là một nhà văn xuất sắc) đã trả lời: “Là đôi tai. Tôi cho là nếu không nhạy cảm với thanh âm thì không thể dịch tốt được… Nếu muốn bản dịch điên rồ của mình đọc được, nhất định phải dùng tai mà lắng nghe nhịp điệu của văn bản.”

Tại sao có những cuốn sách mình đọc rồi là không dừng lại được, còn có những quyển lật chưa được ba trang là… ngủ? Vì những quyển sách cuốn mình đi ấy, tự thân chúng có nhịp điệu. Từng câu chữ đều trơn tru với đủ thanh âm bổng trầm, đến nỗi người ta quên mất mình đang đọc sách. Tựa đề với hai chữ “vẫy vùng” và “vũng lầy” trong tựa đề sách của Bình đã là một cuộc chơi của nhịp điệu.

Vậy nên trước khi là một người dịch giỏi, hãy là một người có đôi tai bén nhạy.

4. Dịch sách như một trò chơi xếp hình

Nguồn Maika cho Vietcetera
Nguồn: Maika Elan cho Vietcetera

Tiếng Anh rất thích sử dụng sở hữu cách: my house, my wife. Nhưng trong tiếng Việt, về nhà với vợ thì không hề mang nghĩa về một ngôi nhà nào đó khác với vợ của… người khác. Tiếng Anh rất thích dùng câu bị động, nhưng Tiếng Việt lại toàn câu chủ động. Dịch giả không có nghĩa là chuyển thể y hệt những gì mình đọc. Đôi khi, người dịch phải biết phá vỡ cấu trúc của câu tiếng Anh, để bản dịch mình được tròn trịa.

Việc mò mẫm trong bóng tối để tìm ra trong biển từ vựng một mảnh ghép thích hợp cho bản dịch, với Bình, là hành trình rất "đã". Trong sách có một nhân vật rất yêu cừu, nhưng ‘chửi’ ai đó là “đồ yêu cừu” thì rất bình thường. Đó là lúc Bình tạo ra câu “đồ ái cừu”. “Ái” và “cừu” đứng riêng rẽ chẳng có gì đặc biệt. Nhưng ghép với nhau, lại ra màu sắc đậm sự mỉa mai.

Một người quen của Bình từng nói độ 10 năm nữa thôi, nghề dịch sách sẽ không còn chỗ đứng nữa. Vì mọi người đều được phổ cập ngoại ngữ. Nhưng tạo ra nhịp điệu đậm màu tiếng Việt từ một quyển sách nước ngoài, Bình không nghĩ là có bất kỳ phần mềm nào làm được.

5. Một cuốn sách hay là một cuốn sách mà mỗi lần đọc lại đều tỏa ra một ánh sáng khác

Nguồn Maika Elan cho Vietcetera
Nguồn: Maika Elan cho Vietcetera

Lần đầu tiên Bình đọc Thiên Long Bát Bộ, Bình thích Kiều Phong. Lần thứ hai, Bình rất thích Đoàn Dự. Lần thứ ba, Bình mê mẩn Hư Trúc. Nhìn lại, Bình thấy đó như hành trình trưởng thành của một con người.

Kiều Phong như một vị thần, hoàn hảo không tì vết. Đoàn Dự thì giống á thần, vừa thần vừa con người ('mê gái' là một khuyết điểm rất con người). Còn Hư Trúc là một con người đúng nghĩa, anh có những cái sai, nhưng khiến mình đồng cảm được. Mỗi lần đọc, hay mỗi lần dịch, Bình lại tìm được những ánh sáng khác trong cuốn sách mình đang thưởng thức.

Nghề dịch chỉ thuần túy là một cuộc chơi, không có đỉnh cao nào cả. Hết cuốn này thì sẽ có cuốn khác. Bình luôn mong mọi người khi bước vào nghề dịch đừng bị áp lực bởi vấn đề tiền bạc.

Bởi khi mình xem thứ gì đó là một cuộc chơi, mình mới thoải mái vẫy vùng trong vẻ đẹp của nó.