COVID dạy ta điều gì về ảnh hưởng của truyền thông? | Vietcetera
Billboard banner
14 Thg 08, 2021
Truyền Thông

COVID dạy ta điều gì về ảnh hưởng của truyền thông?

Truyền thông là chân kiềng quan trọng trong việc phòng chống dịch. Nhưng làm sao để tiêu thụ tin tức một cách tỉnh táo trước thời đại thông tin nhiễu loạn?
COVID dạy ta điều gì về ảnh hưởng của truyền thông?

Nguồn: Chris Yang//Unplash

Năm COVID thứ 2 tại Việt Nam đang để lại nhiều tác động hơn bao giờ hết. Không chỉ trong công tác y tế, lĩnh vực truyền thông cũng gặp rất nhiều thử thách trong thời điểm tin tức liên tục thay đổi và nhiễu loạn.

Truyền thông là một chân kiềng quan trọng trong việc thay đổi nhận thức và thói quen của người dân trong việc phòng, chống dịch. Dưới đây, tôi xin đưa ra 4 lời khuyên về truyền thông trong mùa dịch, áp dụng cho cả người làm và người nhận truyền thông, để chúng ta luôn tỉnh táo trước những "bão tin" COVID.

1. Hiểu đúng về nguồn tin chính thống

Ở thời đại số hoá, người dân liên tục tiếp xúc với các kênh và nguồn thông tin khác nhau. Sự bùng nổ về tin giả, các câu chuyện hư cấu trong thời đại COVID-19 không chỉ gây nhiễu loạn thông tin, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của mọi người trong những giai đoạn bất ổn.

Trước nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, công chúng (public audience) sẽ dễ trở nên hoang mang, hoặc có xu hướng rơi vào buồng vang thông tin. Khi bị điều hướng bằng tin giả, buồng vang thông tin có thể bóp méo góc nhìn của một cá nhân, ngăn họ mở rộng góc nhìn trong vấn đề.

bandocovid
Bản đồ COVID xác định vị trí các ổ dịch trong nước, được phát triển bởi Sở Thông tin và Truyền thông. | Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông

Vì vậy, trong thời điểm hỗn loạn thông tin, chúng ta cần tỉnh táo và chỉ lưu truyền nội dung chính thống. Một số cách để xác định nguồn tin chính thống là:

  • Người hay trang tin có tính chính danh (authenticity). Hãy để ý đến các tick xanh chính chủ, hoặc những cái tên chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực đáng quan tâm như y tế, giáo dục, truyền thông.
  • Nếu nguồn thông tin có mức độ độc quyền (exclusivity) càng lớn về lĩnh vực chuyên ngành, thì độ hiệu quả và tin cậy càng cao.
  • Thông tin nước ngoài nên có nguồn tin đến từ các hãng thông tấn có chính sách kiểm định sự thật như Reuters, New York Times, Wall Street Journal, hay báo chuyên ngành như The Lancet, Nature.
  • Thường được cập nhật theo khung thời gian cố định trong ngày để người đọc tạo thói quen cập nhật tin tức kịp thời và chính xác.

2. Tìm thấy sự rõ ràng và nhất quán trong thông điệp

Để truyền thông hiệu quả, thông điệp truyền thông cần có: (1) nội dung rõ ràng, dễ hiểu, (2) xuất hiện nhiều lần và (3) nhất quán theo thời gian.

Nội dung thông điệp truyền thông trong mùa dịch cần có sự rõ ràng về chiến lược và giải quyết theo hướng phù hợp. Thông điệp cũng cần lặp lại nhiều lần để người nhận ghi nhớ nhanh và lâu hơn. Một thông điệp khi xuất hiện đến lần thứ 5 sẽ có 90% khả năng được ghi nhớ. Nhưng dù là bao nhiêu lần, thông điệp cũng cần nhất quán.

Ta có thể thấy nỗ lực này của Bộ Y tế trong các chiến dịch dễ nhớ, dễ làm như Ở nhà vẫn vui, Thông điệp 5K hay Rửa tay 6 bước.

thongdiep5k
Thông điệp 5K là một trong các thông điệp được lan toả tốt nhất năm nay. | Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Khi một thông điệp được lan toả hiệu quả, nó tự ắt sẽ kéo theo những hiệu ứng tích cực từ cộng đồng. Đơn cử là MV Ghen Cô Vy đã xuất hiện trên The Last Week Tonight, cộng đồng mạng cũng bắt đầu tham gia các hội nhóm như GHÉT BẾP, ĐOẢNG VIỆC NHÀ hay Ở nhà vui thấy bà!.

Nhưng khi thông tin thay đổi liên tục và thông điệp trở nên phân mảnh, nó sẽ rất khó lan toả và dễ gây hoang mang. Ta thấy điều này ở các thông tin về mức độ phong phú của thực phẩm, sự không rõ ràng về định nghĩa của “hàng hoá thiết yếu,” dẫn đến tình trạng panic buy. Hoặc quy định về giờ giới nghiêm và đối tượng được phép ra ngoài, khiến nhiều người quyết định ra đường vào nửa đêm để tập thể dục.

3. Sử dụng đa kênh trong truyền thông

Ở thời đại kỹ thuật số, một thông điệp truyền thông sẽ lan toả hiệu quả khi nó được phân phối kết hợp giữa các kênh truyền thông truyền thống và truyền thông số.

Ngoài việc sử dụng báo chí chính thống, và các kênh truyền thông như tin nhắn, còn nên linh hoạt phối hợp với các KOL, đặc biệt là trong ngành giải trí và các nền tảng phổ biến như Youtube, Tiktok, Facebook.

Ngoài ra, vai trò của kênh thông tin truyền miệng giữa các nhóm nhỏ trên mạng xã hội cũng rất quan trọng. Theo nghiên cứu mới đây của nhóm nghiên cứu đại học RMIT Việt Nam và Georgia (Mỹ), thông tin chính phủ nếu chỉ qua các kênh truyền thông truyền thống sẽ không thể tác động trực tiếp tới thái độ và hành vi của người dân về giãn cách xã hội.

Với việc chúng ta ngày càng có xu hướng nghe ngóng những người xung quanh, thành công của các chiến dịch truyền thông phần lớn nhờ vào các hội nhóm, các micro-KOL có mức độ ảnh hưởng nhóm nhỏ, và sức mạnh tương tác cá nhân trong cộng đồng nhỏ.

Ở góc độ người nhận, bạn cũng cần chọn lọc cho mình nguồn kênh có thông tin khách quan và đáng tin cậy để không bị "sa bẫy" giữa rừng tin.

4. Chú ý tới các yếu tố gây nhiễu (noise) từ phía đối tượng truyền thông

Ngoài những yếu tố chủ quan nêu trên, hiệu quả truyền thông trong mùa dịch cao hay thấp cũng tùy thuộc vào đối tượng truyền thông.

Trước khi đọc tin, chúng ta thường sẽ có thái độ từ trước, và đặt kỳ vọng rằng thông tin sẽ khớp với hệ thống niềm tin của mình. Từ đây, ta sẽ loại bỏ các thông tin không phù hợp với suy nghĩ của mình, và phóng đại hóa những điều mình tin là có thật. Thiên kiến tiêu cực cũng làm bàn đạp cho các thông tin gây nhiễu, điển hình là tin giả.

Ngoài ra, theo thuyết ảnh hưởng xã hội (social influence theory), chúng ta có xu hướng hành xử dựa trên các bằng chứng từ trải nghiệm của người quen (social proof) và các lời khuyên từ cộng đồng (social persuasion).

Các xu hướng tâm lý khác như FOMO hay tâm lý bầy đàn cũng là yếu tố ảnh hưởng đến chúng ta ở thời điểm này. Khi thuộc một cộng đồng, ý chí của chúng ta dễ bị cuốn theo đám đông và ít quan tâm tới tính đúng sai hay chính thống. Điều này giải thích cho trào lưu tích trữ giấy vệ sinh vào năm 2020, hay việc hành lá trở thành một tiền tệ mới ở Việt Nam vào năm 2021.

Hãy giữ tư duy phản biện khi đọc tin tức, và biết cách phân biệt tin giả.