Cách nhận biết “bẫy” tin giả về COVID-19 trên mạng xã hội | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Cách nhận biết “bẫy” tin giả về COVID-19 trên mạng xã hội

Giáo sư đại học Stanford cho biết nỗi bất an khiến chúng ta dễ “mắc bẫy” tin giả. Làm thế nào để nhận biết tin giả về COVID-19 trên mạng xã hội?

Cách nhận biết “bẫy” tin giả về COVID-19 trên mạng xã hội

Giáo sư ngành Truyền thông tại Đại học Stanford Jeff Hancock khuyến nghị: hãy tìm kiếm thông tin về virus corona từ những nguồn tin có uy tín thay vì những bài đăng/chia sẻ trên mạng xã hội.

Trong thời gian thực hiện lệnh giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, mạng xã hội là phương tiện phù hợp nhất giúp chúng ta kết nối với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Tuy nhiên, đó cũng vô tình trở thành một nguồn thông tin và lời khuyên sai lệch, thậm chí là gây hại.

Jeff Hancock là giáo sư chuyên ngành Truyền thông tại trường Nhân văn và Khoa học – Đại học Stanford, đồng thời cũng là trưởng phòng Thí nghiệm Truyền thông Xã hội Stanford. Dưới đây là những chia sẻ của ông về lý do các thông tin sai lệch này có sức hút đến vậy và làm thế nào để phòng tránh chúng.

Một số tin giả được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội giữa đại dịch COVID19 sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Một số tin giả được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội giữa đại dịch COVID-19.

Mặt lợi và hại của việc sử dụng mạng xã hội trong đại dịch

Mạng xã hội giúp mọi người nhanh chóng biết được những gì đang xảy ra ngay tại nhà. Chúng ta có thể cập nhật tình hình dịch COVID-19 ở mọi nơi trên thế giới hoặc ngay tại khu vực chỉ trong vài phút, thậm chí là vài giây. Mạng xã hội cũng là một phương tiện hữu ích để tương tác với mọi người. Điều này rất quan trọng cho sức khỏe tâm lý trong thời điểm thực hiện lệnh giãn cách xã hội.

Nhưng việc tiếp cận với tất cả các thể loại tin tức cũng có thể làm tăng mức độ lo âu. Chúng ta thường có xu hướng chú ý đến những thông tin tiêu cực, và việc lo lắng cũng là một phản ứng dễ hiểu.

Làm thế nào để phân biệt tin giả và tin thật về virus corona?

Điều cơ bản nhất là tìm kiếm thông tin từ những nguồn tin uy tín thay vì những bài đăng hoặc chia sẻ trên mạng xã hội. Hãy chủ động tìm kiếm và theo dõi các kênh thông tin chính thống. Trên thế giới, có rất nhiều trang tin như New York Times đang cho phép đọc miễn phí những tin tức liên quan đến dịch COVID-19. Tại Việt Nam, các bạn có thể tham khảo 8 nguồn tin chính thống này.

Dấu hiệu nào để nhận biết tin giả và tin thật?

Tin giả có xu hướng chứa đựng thông tin có phần “giật gân”, khiến người đọc cảm thấy hoang mang, giận dữ hay lo lắng. Bất kỳ thông tin nào có dấu hiệu trên đều cần được kiểm chứng. Một vài dấu hiệu khác cần lưu ý đó là nguồn tin không rõ ràng, lượng like hoặc lượng người hưởng ứng cao bất thường.

Các đặc điểm thường thấy ở tin giả sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Các đặc điểm thường thấy ở tin giả.

Có gì mới trong cách mọi người đang bàn luận về đại dịch?

Giáo sư Hancock tin rằng cách mọi người giao tiếp trên mạng xã hội đang phản ánh rất rõ nỗi lo âu và sợ hãi với chủng virus mới. Mọi người đều đang cố gắng tìm hiểu thêm về nó và cách xử lý những bất tiện trong cuộc sống thường ngày do dịch bệnh gây ra. Sử dụng mạng xã hội là một cách để họ giải quyết những vấn đề trên, cũng như để giải toả nỗi lo lắng và bất an của mình.

Điều gì khiến mọi người tin vào tin giả?

Khi mọi người sợ hãi, họ sẽ tìm kiếm thông tin để giảm thiểu cảm giác bất an. Chính tâm lý này khiến họ dễ dàng tin vào những thông tin sai lệch hoặc lừa đảo, vì những tin tức đó khiến họ cảm thấy đỡ hơn, hoặc giúp họ tìm một cái cớ để đổ lỗi cho những gì đang diễn ra. Đây cũng là lý do vì sao thuyết âm mưu lại phổ biến đến vậy.

Cũng cần nhắc lại một lần nữa, cách để hạn chế điều này là chủ động theo dõi các nguồn tin uy tín và đã được kiểm chứng.

Các nguồn tin giả lợi dụng nỗi bất an và lo lắng của người dùng mạng xã hội trong thời điểm này để trục lợi sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Các nguồn tin giả lợi dụng nỗi bất an và lo lắng của người dùng mạng xã hội trong thời điểm này để trục lợi.

Ai là người đứng sau những luồng thông tin giả và lừa đảo? Động cơ của họ là gì?

Vì mô hình kinh doanh của ngành truyền thông dựa trên sự chú ý của người dùng, kẻ xấu sẽ sử dụng tin giả hoặc tin sai lệch để thu hút sự chú ý của họ, từ đó kiếm tiền dựa trên sự chú ý ấy. Hay nói cách khác, tiền là động cơ chính.

Một động cơ khác của tin giả đó là gây hoang mang dư luận. Chẳng hạn, ở phương Tây, những người ủng hộ các đảng phái chính trị cũng còn sử dụng tin giả để gây bất lợi cho đối thủ chính trị của họ.

Các mạng xã hội cần làm gì để xử lý tin giả? Người dùng cần làm gì?

Một giải pháp tức thời đó là gạt bỏ những thông tin giả mạo và ngăn không cho tin giả lan truyền trên mạng xã hội. Đây là trách nhiệm quan trọng mà những nền tảng mạng xã hội bắt buộc phải làm.

Về lâu dài, người dùng cũng cần phải hiểu rõ cách nhận biết tin giả và thông tin không chính xác. Họ cũng cần kiểm chứng nguồn tin kỹ càng, cũng như cập nhật tin tức từ những nguồn có uy tín. Nếu có nghi ngờ, dù rất nhỏ, về tính xác thực của thông tin đó thì tốt nhất đừng vội chia sẻ.

Bài viết của Melissa De Witte trên trang Stanford News, được chuyển ngữ bởi Sơn Đặng.

Xem thêm:
[Bài viết] 3 Phương pháp phân biệt tin giả trên mạng
[Bài viết] Khủng hoảng nỗi sợ mùa dịch: Cảnh giác trước ‘đại dịch thông tin’