Đầu tư crypto: Chọn coin thế nào để tránh hàng "dỏm"? | Vietcetera
Billboard banner

Đầu tư crypto: Chọn coin thế nào để tránh hàng "dỏm"?

Đừng nghe ai đó "phím" coin này coin kia ngon lắm mà đã vội mua!
Đầu tư crypto: Chọn coin thế nào để tránh hàng "dỏm"?

Khi mới bắt đầu, giữa một rừng crypto thì ta nên chọn lựa như thế nào? | Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera.

Theo một kết quả khảo sát của Pew Research Center mới đây, có tới 16% người Mỹ trưởng thành đã từng đầu tư, mua bán hay sử dụng tiền mã hóa (crypto). Ở lứa tuổi 18-29, tỷ lệ này lên đến 31%.

Đấy là khảo sát ở Mỹ, nhưng Chàng-Ngốc-Già biết ở Việt Nam thì số bạn trẻ đam mê crypto cũng không phải là thấp. Chàng-Ngốc-Già cũng hay nhận được câu hỏi từ các bạn trẻ, rằng nên chọn coin nào vốn ít, tiềm năng sinh lời nhiều mà ít rủi ro.

Mình thì không thể chắc chắn 100% coin nào xịn hay coin nào dỏm, nhưng mình có thể gợi ý một số tips nên làm để chọn coin an toàn hơn. Vậy khi mới bắt đầu, giữa một rừng crypto thì ta nên chọn lựa như thế nào?

“Nằm lòng” một số cách đầu tư cơ bản

Bạn có thể đến với crypto với mục đích đầu tư, lướt sóng đầu cơ, hay kết hợp cả hai. Tuy nhiên với người mới bắt đầu, chỉ nên phân bổ một tỷ trọng nhỏ của tài sản chẳng hạn ở mức 5-10%, và chỉ tập trung vào những cryptos đã khẳng định được giá trị qua mức vốn hóa và tính thanh khoản. Tips ở đây là hãy bắt đầu với những cryptos nằm trong top 10.

Hoặc bạn có thể chọn giải pháp đơn giản hơn, là đầu tư crypto trong dài hạn. Nếu theo cách chơi này, bạn chỉ cần chọn một vài cryptos chính sau khi đã nghiên cứu tìm hiểu, rồi cứ thế tích lũy dần theo phương pháp DCA (Dollar Cost Averaging - trung bình giá).

Cũng như những cổ phiếu tốt, việc mua và nắm giữ trong thời gian dài cho thấy hiệu quả đầu tư cao hơn rất nhiều so với mua đi bán lại nhiều lần. Nhưng với những người đã có hiểu biết nhất định về thị trường crypto, thì mức độ biến động (volatility) của giá là sức hút khó cưỡng lại được.

Một thay đổi vài chục phần trăm trong ngày của cổ phiếu vốn là điều hiếm hoi, thì lại rất phổ biến trên thị trường tiền mã hóa. Nhưng có điều, những trường hợp này phần lớn là các loại cryptos hay tokens mới xuất hiện trên thị trường mà thôi.

Với người mới bắt đầu, chỉ nên phân bổ một tỷ trọng nhỏ của tài sản chẳng hạn ở mức 5-10%.

5 Bước để nhận biết coin dỏm

Mức độ tin cậy của một coin dựa trên nhiều yếu tố. Các chuyên gia trên thị trường thường có lời khuyên chung cho người mới bắt đầu, là phải dành một nguồn lực đáng kể để thẩm tra trước khi bắt đầu mua.

Bước 1: Nghía “profile”

Đầu tiên, ta cần phải kiểm tra background của đội ngũ sáng lập, điều hành. Hãy xem hồ sơ cá nhân của họ có phải là những người giỏi chuyên môn và có tiếng tăm trên thị trường chưa.

Rất nhiều team lập token mới nhưng hồ sơ rất mờ nhạt, hoặc không rõ ràng. Ví dụ, họ chỉ nói là “chuyên gia” trong một số năm, nhưng không nêu cụ thể có các dự án hay tổ chức lớn nào từng làm trước đó có gắn liền với chuyên môn.

Cũng liên quan đến đội ngũ sáng lập, điều hành, ta hãy theo dõi các trao đổi của họ trên mạng xã hội. Khi thành viên hỏi một câu hỏi khó mà người đại diện né tránh, hoặc xóa comment thì rất nhiều khả năng dự án coin này có gì đó mờ ám.

Bước 2: Xem xét coin có được kiểm định (audited) chưa

Hiện nay có một số tổ chức kiểm định coin độc lập để xếp hạng mức độ rủi ro của coin. Bạn có thể tham khảo một số nguồn như RugDoc, BSCheck, và Token Sniffer.

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý là phải vào đọc cụ thể báo cáo, vì một số coin dù ghi là đã được kiểm định, nhưng kết quả là rất rủi ro, không nên tham gia.

Bước 3: Kiểm tra là độ thanh khoản của coin

Hãy đặt câu hỏi: “Bây giờ mua thì dễ đấy, nhưng đến lúc muốn bán liệu có dễ không?”

Để kiểm tra việc này, bạn hãy thử với số tiền nhỏ trước, chẳng hạn mua 10 USD rồi bán 10 USD, rồi tăng lên mua 50 bán 50. Nếu ổn thì thử lần nữa, mua 100 và bán 100 trước khi bỏ ra số tiền thực sự lớn hơn.

Bước 4: Kiểm tra mức độ tập trung nắm giữ

Hãy kiểm tra mức độ tập trung nắm giữ của một ai đó, vì nếu phần lớn giá trị của coin nằm ở một hay một vài địa chỉ ví nào đó thì đây cũng là một dấu hiệu khả nghi.

Chàng-Ngốc-Già thường kiểm tra giá trị và lịch sử giao dịch thông qua địa chỉ ví nắm giữ trên trang web etherscan hay bscscan.

Bước 5: Kiểm tra xem coin có bị khóa về thời gian hay không

Bạn nên kiểm tra xem đồng coin khi tạo quỹ thanh khoản (liquidity pool) thì có bị khóa về thời gian không, chẳng hạn 30, 60, hay 90 ngày. Hãy thực hiện điều này để ngăn chặn việc những người nắm giữ số lượng coin có thể Rug Pull bất ngờ.

Bạn nên cẩn thận, vì những người sáng lập có thẻ bất ngờ đóng dự án, rút coin khác trong pool ra. Những vụ lừa đảo như thế này thường xảy ra ở thị trường DeFi và trên các sàn giao dịch phi tập trung DEXs.

Mức độ tin cậy của một coin dựa trên nhiều yếu tố.

Kết

Với crypto, việc đầu tư, đầu cơ, hay kết hợp cả hai là mục đích khác nhau của mỗi người. Từ đó sẽ có cách thức thực hiện khác nhau.

Có những người biết đó là coin nhiều rủi ro nhưng vẫn tham gia vì hy vọng mình vào đúng thời điểm, sẽ rút ra kịp thời. Tuy vậy, cũng có người cẩn trọng với những coin mới khi mức độ tin cậy chưa cao, nhưng sau này lại thành ra bỏ lỡ một cơ hội rất lớn vì coin thực sự có giá trị và phát triển như vũ bão.

Điều quan trọng nhất khi tham gia crypto, là mỗi người cần xác định mình có kỳ vọng gì từ loại tài sản này, và kỳ vọng trong ngắn hạn hay dài hạn. Hãy tự hỏi mức độ chấp nhận rủi ro của mình là bao nhiêu, nghĩa là trong trường hợp thua lỗ toàn bộ, thì có thể chấp nhận ở mức nào.

Ảnh hưởng từ các thông tin trên mạng xã hội là rất lớn, do đó các bạn trẻ cần biết cách sàng lọc thông tin, biết tự mình thực hiện việc kiểm tra đối chiếu. Người ta ví việc tìm được những coin có giá trị trong tương lai là như đi tìm ngọc. Mà cái gì quý hiếm, thì không dễ mà tự dưng tìm thấy được đâu.