Cryptocurrency là gì? Loại tiền này có dùng để mua đồ được không? | Vietcetera
Billboard banner
14 Thg 07, 2020
Xu Hướng Kinh Doanh

Cryptocurrency là gì? Loại tiền này có dùng để mua đồ được không?

Tại sao Bitcoin trở nên phổ biến? Và tại sao Việt Nam vẫn chưa chấp nhận thanh toán bằng loại tiền này?

Cryptocurrency là gì? Loại tiền này có dùng để mua đồ được không?

Nguồn: Pxhere

1. Cryptocurrency là gì?

Cryptocurrency nghĩa là tiền mã hoá hay tiền điện tử, có mục đích sử dụng giống các loại tiền tệ thông thường nhưng được sử dụng hoàn toàn trên internet và được mã hoá để bảo mật thông tin cùng các giao dịch. Cryptocurrency hiện không bị quản lý bởi bất cứ tổ chức hay chính phủ nào. (Theo investopedia.com)

Bitcoin là đồng tiền mã hóa xuất hiện đầu tiên, cũng là loại tiền phổ biến và có giá trị cao nhất. Các loại tiền mã hóa ra đời sau đó được gọi là Altcoin.

2. Nguồn gốc

Khái niệm về cryptocurrency đã xuất hiện vào năm 1983 bởi David Chaum. Từ đó về sau, rất nhiều loại tiền theo khái niệm này đã ra đời nhưng đều thất bại nhanh chóng như E-Gold, Beenz hay Flooz. Vấn đề chung của các loại tiền này là ở việc bảo mật và thường xuyên bị kiểm soát bởi một bên thứ ba (chính phủ, ngân hàng trung ương…). 

Cho tới năm 2009, nhóm lập trình viên bí danh Satoshi Nakamoto đã cho ra mắt Bitcoin dựa trên công nghệ blockchain. Nhờ đáp ứng được nhu cầu bảo mật tuyệt đối, Bitcoin trở thành loại tiền mã hóa phổ biến nhất. Khá nhiều loại tiền mã hóa về sau cũng sử dụng công nghệ blockchain.

*Công nghệ blockchain hoạt động như một quyển sổ cái ghi chép mọi giao dịch xảy ra trên hệ thống tiền điện tử. Việc sửa đổi thông tin đòi hỏi sự xác nhận của tất cả người dùng đang tham gia blockchain, vì vậy không có một bên nào được toàn quyền kiểm soát các dữ liệu, giúp việc giao dịch tuyệt đối bảo mật và an toàn.

Nguồn hình Unsplash
Nguồn hình: Unsplash.

3. Đặc trưng của cryptocurrency

Tính bất biến (immutability): Công nghệ blockchain giúp cho các giao dịch đã được xác nhận không thể bị thay đổi. Đồng thời, mỗi người dùng sẽ có các mã khoá riêng (private key) nên người khác không thể truy cập hay thay đổi thông tin của họ.

Phi tập trung (decentralized): Tiền mã hoá không được quản lý bởi một máy chủ trung tâm mà được phân phối trên một mạng lưới hàng ngàn máy tính (mạng phi tập trung). 

Tính minh bạch (transparency): Các giao dịch tiền mã hoá không phải thông qua bên trung gian mà để người dùng tự kiểm soát. Họ sẽ tự chủ động trong giao dịch và tra soát thông tin giao dịch trên mạng lưới.

4. Cryptocurrency khác gì so với tiền thông thường?

Nguồn hình Cơ NguyễnVietcetera
Nguồn hình: Cơ Nguyễn/Vietcetera.

5. Ưu nhược điểm của cryptocurrency

Ưu điểm

Chi phí giao dịch thấp: Phí giao dịch tiền điện tử gần như bằng 0, và hiện tại rất nhiều đồng tiền đang phát triển để giao dịch hoàn toàn không mất phí.

Tốc độ giao dịch nhanh chóng: Với cryptocurrency bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc giao dịch quốc tế. Để chuyển tiền từ Việt Nam sang các lục địa khác có thể chỉ mất khoảng 15 - 20 phút, thậm chí vài phút.

Tính ẩn danh: Mọi thông tin cá nhân (địa chỉ ví điện tử, số dư, lịch sử giao dịch…) của bạn đều được giữ bí mật và chỉ có mình bạn biết được.

Nhược điểm

Tạo điều kiện cho tội phạm: Do tính ẩn danh và không bị kiểm soát nên tiền mã hoá có tiềm năng trở thành phương tiện nhiều tội phạm ưa dùng.

Tính an toàn và bảo mật: Nếu bạn không có những kiến thức và kỹ năng về tiền mã hoá thì các hacker luôn có những cách để tiếp cận ví tiền của bạn và đánh cắp chúng. 

Biến động giá cao: Cryptocurrency có tính biến động giá rất cao. Vào đầu năm 2017 giá Bitcoin là 1.000 USD nhưng đến cuối năm 2017 nó đã lên đến 20.000 USD. Nhưng sau đó lại giảm xuống mức 6.000 USD vào cuối năm 2018. 

6. Bạn có thể làm gì với cryptocurrency?

Mua hàng: Hiện nay, đã có rất nhiều cửa hàng chấp nhận bitcoin như một hình thức thanh toán hợp lệ, cả trên online hay tại cửa hàng. Apple hiện đã cho phép thanh toán 10 loại tiền điện tử khác nhau trên AppStore.

Đầu tư: Tiền điện tử có tính biến động cao nên nếu bạn có khả năng đầu tư và nắm bắt thị trường, đây sẽ là một loại hình đầu tư béo bở. Tuy nhiên, chính tính biến động cao lại là rủi ro khi nó làm giá của tiền mã hoá có thể tăng rất nhanh nhưng cũng có thể giảm rất nhanh. 

7. Sử dụng cryptocurrency tại Việt Nam là phạm pháp?

Cryptocurrency là gì Loại tiền này có dùng để mua đồ được không2

Nguồn hình: Unsplash.

Từ ngày 1/1/2018, nếu bạn dùng các loại cryptocurrency để mua bán hàng hoá ở Việt Nam sẽ bị coi là phạm luật, còn dùng VND để mua tiền mã hoá thì hoàn toàn hợp pháp.

Việt Nam vẫn nằm trong “vùng xám” về pháp lý của tiền mã hoá, không cấm nhưng cũng chưa khuyến khích. Nhiều vấn đề về cơ sở pháp lý liên quan đến loại tiền tệ mới này cần được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hướng hoàn thiện.

8. Thuật ngữ liên quan

Stable coin (Đồng tiền ổn định) là một loại tiền điện tử có độ biến động cực thấp có thể được sử dụng để giao dịch trên thị trường chung.

Whale (cá voi) dùng để chỉ các cá nhân hoặc tổ chức nắm giữ số lượng lớn cryptocurrency và có thể gây ra các biến động lớn trên thị trường.

9. Có thể bạn muốn biết

Tính đến tháng 4/2020, trên thế giới đã có hơn 5.392 loại tiền điện tử đang được giao dịch với tổng vốn hóa thị trường (market cap) là 201 tỷ đô la.

Những nhà sáng lập Bitcoin đã đặt giới hạn khai thác cho đồng tiền này là 21 triệu bitcoin. Tính đến nay, đã có 18.5 triệu Bitcoin xuất hiện và chỉ còn khoảng 2.5 triệu bitcoin để khai thác.