Để về già sống “vô tư”, bao nhiêu tiền là đủ? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
12 Thg 11, 2022

Để về già sống “vô tư”, bao nhiêu tiền là đủ?

Bạn chỉ có "đủ" khi có mục tiêu rõ ràng.
Để về già sống “vô tư”, bao nhiêu tiền là đủ?

Nguồn: Ketut Subiyanto/Pexels

Prudential Vietnam x Vietcetera

Những năm mới đi làm, đứng giữa khoảng mông lung của những cánh cửa sự nghiệp, tôi và những người bạn của mình vẫn hay bắt gặp nhau thở dài: Đến bao giờ mới đủ tiền nhỉ? Đủ để mua nhà, đủ để đi du lịch chỗ này chỗ kia mỗi tháng, đủ để về già không có con cái thì cũng tự lo được cái thân mình,...

Cũng như chữ “già” không được định nghĩa qua số nếp nhăn, chữ “đủ” cũng chẳng có một giới hạn cụ thể nào.

Nói ước lệ thì chỉ cần “tâm mình thấy đủ thì đủ thôi”. Còn nói theo các chuyên gia tài chính cá nhân thì bạn “chỉ có đủ khi bạn có mục tiêu rõ ràng”. Bài viết này tổng hợp các công cụ thường được dùng để ước tính con số an toàn tài chính để cùng bạn đi trả lời câu hỏi “bao nhiêu là đủ”.

Bước 1: Xác định độ tuổi bạn sẽ “già”

Hay nói cách khác là xác định thời gian bạn muốn nghỉ hưu mà vẫn có thể an tâm về nền tảng tài chính của mình. Tức là sau “nghỉ hưu” bạn có thể theo đuổi những dự án nhiều tham vọng hơn, có thể làm việc theo sở thích mà không phải lo sợ không đủ chi phí sinh hoạt cơ bản hàng tháng. Bạn có thể không giàu, nhưng bạn có trong tay nhiều sự lựa chọn hơn.

Nếu bạn muốn chạm mức an toàn tài chính này càng sớm thì nỗ lực đòi hỏi càng nhiều. Việc lựa chọn thời điểm này cũng sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố khác như: tài sản/nợ hiện có, tình trạng sức khoẻ, các công việc bạn có thể làm và mang lại thu nhập.

Nếu bạn đã có một khoản tiết kiệm, có thu nhập ổn định hàng năm, thì “ngay bây giờ” là thời điểm phù hợp để bạn bắt đầu xây dựng quỹ tài chính cho tương lai tự do, độc lập khi về “già”. Ngược lại, nếu thu nhập của bạn đang không ổn định, hoặc bạn đang mắc kẹt trong những khoản nợ thì việc trước hết là hãy nhanh chóng xây dựng tài sản vô hình là kỹ năng, kiến thức, tìm kiếm công việc phù hợp và trả hết những khoản nợ.

Bước 2: Đo độ lớn của quỹ tài chính cá nhân cho tuổi về “già”

Trước khi đổ tiền vào lọ thì cần xác định độ lớn của chiếc lọ. Một trong những cách đơn giản nhất là lấy số tiền chi tiêu hàng năm chia cho lãi suất kỳ vọng hàng năm. Đây là cách đòi hỏi bạn phải có một khoản tích luỹ tương đối lớn tại mốc thời điểm bạn xác định muốn tự do tài chính ở bước 1.

Chẳng hạn, bạn muốn có khoảng 40 triệu/đồng một tháng, tức là khoảng 500 triệu đồng/năm, để chi tiêu khi về già. Giả sử tỷ suất sinh lợi ròng kỳ vọng là 5%/năm (thông qua đầu tư vào bất động sản cho thuê hoặc trái phiếu, cổ phiếu có cổ tức ổn định) thì tài sản bạn cần có tại thời điểm muốn nghỉ hưu là: 500/5% = 10 tỷ đồng. Lúc này bạn có thể chi tiêu thoải mái chỉ dựa vào tiền lãi mà không phải đụng vào vốn gốc.

Một cách phổ biến khác thường được sử dụng trong giới tư vấn tài chính là quy tắc 4%. Quy tắc này được nghiên cứu bởi William P. Bengen, một nhà cố vấn tài chính ở Nam California từ năm những năm 1990.

Cụ thể ông nhận định rằng: bạn có thể thoải mái rút 4% từ quỹ hưu trí của mình trong năm đầu tiên nghỉ hưu và điều chỉnh số tiền đó theo lạm phát cho mỗi năm tiếp theo mà không lo hết tiền trong ít nhất 30 năm. Điều kiện là toàn bộ số tiền tích luỹ này sau nghỉ hưu này phải được đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu, trong đó cổ phiếu chiếm 50-75% danh mục đầu tư.

Theo tính toán này, nếu bạn xác định trung bình chi phí một năm của mình sau khi về già là 500 triệu đồng thì số tiền bạn cần tối thiểu là 12,5 tỷ đồng. Công thức ở đây là lấy mức chi tiêu kỳ vọng hàng năm chia cho 4% (hoặc nhân lên 25 lần).

Tuy nhiên không phải ai cũng đầu tư chứng khoán, nên theo anh Liêm Trần, Branch Manager - MDRT 2023 của Prudential Việt Nam, để dễ dàng cho việc hoạch định kế hoạch tích lũy, các bạn trẻ có thể lựa chọn cách tính đơn giản là tích lũy theo mức chi tiêu, hoặc tham khảo cách tính dự phòng tài chính cho kế hoạch tuổi già bằng công cụ tự động tại đây.

Anh Liêm cũng đưa ra ví dụ cụ thể như sau. Giả sử một người đang ở độ tuổi 25 dự tính tích lũy trong 30 năm. Mỗi năm chi tiêu khoảng 120 triệu. Giả thiết lạm phát là 4%/năm, lãi suất ngân hàng là 7%/năm trong 30 năm và người đó chọn gửi tiền tích luỹ vào ngân hàng.

Nếu toàn bộ tiền tích lũy đều được đem đi gửi ngân hàng thì đến tuổi “về già”, người này cần có trong tài khoản tối thiểu 5,6-6 tỷ, tức là cần tích lũy khoảng 60 triệu/năm.

Bước 3: Dự tính thay đổi có thể xảy ra

Dù tính theo cách nào thì khả năng tích lũy thực tế của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố phát sinh khác như hư hỏng nhà cửa, xe cộ, bệnh tật, rủi ro tai nạn, lãi suất ngân hàng, lạm phát.

Nếu bạn sử dụng quy tắc 4% thì có thể lưu ý thêm rằng, khi ước tính tuổi thọ trung bình của mình thấp hơn và chỉ nghỉ hưu trong vòng 20 năm (thay vì 30), bạn có thể rút nhiều tiền hơn để chi tiêu trong năm thứ nhất, hoặc tích lũy ít tiền đi.

Nhiều chuyên gia tài chính trên thế giới cũng đang tranh luận rằng quy tắc 4% nên được thay đổi thành quy tắc 3.3% khi nhiều yếu tố kinh tế - xã hội đã thay đổi, chẳng hạn như lạm phát ngày càng tăng.

Ngoài ra, theo TS. Võ Đình Trí, hãy tạo danh mục đầu tư cho số tiền đã tích lũy được, bởi mỗi lớp tài sản có mức độ rủi ro khác nhau. Tỷ trọng của từng loại tài sản trong danh mục không có ảnh hưởng lớn trong một vài năm đầu, nhưng sẽ là rất lớn trong nhiều năm về sau. Đối với những người về hưu ở Việt Nam, để có dòng tiền ổn định, một phương án phù hợp cho họ sẽ là nắm giữ một số cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức tốt, hay kết hợp giữa cổ phiếu có cổ tức tốt và trái phiếu.

Kết

Kế hoạch để đạt mức an toàn tài chính cho tuổi "già" nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào tình trạng tài chính và tài sản vô hình của mỗi người, nhưng chắc chắn sẽ không có mục tiêu nào thành hiện thực nếu bạn không hành động quyết liệt với những gì đã đặt ra. Tùy theo độ tuổi mong muốn nghỉ hưu hãy cùng điều chỉnh kế hoạch với những thông số phù hợp nhé.

Từ năm 2020, nhận thấy già hóa dân số là vấn đề mang tính xã hội, Prudential phối hợp cùng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) và Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học (ISMS) thực hiện nghiên cứu “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già".

Với mục tiêu giúp mọi người đạt được những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống, Prudential đã thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp khi chung tay hành động để già hóa dân số không trở thành thách thức của xã hội.

Không chỉ thực hiện cam kết lâu dài trong việc mang đến những giải pháp bảo về tài chính và sức khỏe của mọi người, Prudential còn thể hiện vai trò doanh nghiệp kiểu mẫu của ngành bảo hiểm khi đóng góp tiếng nói về thực trạng già hóa dân số, đồng thời giúp cộng đồng, đặc biệt là thế hệ người trẻ trang bị được các công cụ, kỹ năng và giải pháp thiết thực để chuẩn bị tốt cho một tuổi già như mong đợi.

Độc giả có thể tham khảo ngay trang thông tin “Tự do Tuổi 50" do Prudential Việt Nam phát triển TẠI ĐÂY.