Đi tìm biên độ văn hóa trong nghệ thuật cùng Cultural Advisor Nam Thi | Vietcetera
Billboard banner

Đi tìm biên độ văn hóa trong nghệ thuật cùng Cultural Advisor Nam Thi

Nếu như trước đây, yếu tố văn hoá trong sáng tạo nghệ thuật Việt Nam là mô phỏng, tái hiện, phục dựng, thì giờ là lúc tiếp biến với các yếu tố khác.
Đi tìm biên độ văn hóa trong nghệ thuật cùng Cultural Advisor Nam Thi

Nguồn: Nam Thi

Là một người trẻ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật với nhiều vai trò khác nhau, Nam Thi đã có một dấu ấn riêng trong vai trò cố vấn Văn hoá (đông-tây), Nghệ thuật, Tín ngưỡng. Để qua đó, các Đạo diễn, Giám đốc Sáng tạo, Giám đốc Mỹ thuật hình ảnh hoá và hoàn thiện các tác phẩm.

Nếu đã từng xem các MV như Kẻ cắp gặp bà già (Hoàng Thuỳ Linh), Đôi Khi (Nodey ft Suboi) hay I'm an idiot (JUUN D), hẳn bạn sẽ ấn tượng với những hình ảnh mang tính biểu tượng được đan cài lớp lang, dụng ý trong từng cảnh quay với sự góp mặt của Cố vấn Văn hoá Nam Thi.

Với vốn kiến thức, bề dày văn hoá, nghiên cứu cùng những thực hành nghệ thuật đương đại mới mẻ, các sản phẩm của Nam Thi luôn mang đến các câu chuyện và góc nhìn độc đáo. Trong bài phỏng vấn này, hãy cùng Vietcetera và Nam Thi tìm hiểu những câu chuyện về vai trò, sức sáng tạo của người Cố vấn Văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật.

Nam Thi nghĩ vai trò của một người cố vấn văn hoá trong các music video và photoshoot là gì?

Cái tên đã nói lên phần nào công việc của Nam Thi rồi, mình là người đề xuất những yếu tố về nội dung, hình ảnh liên quan đến Văn hoá sao cho phù hợp với tinh thần mà tổng thể dự án đang thực hiện.

Với mình, người Cố vấn Văn hoá (Cultural Advisor) trong một ekip sản xuất music video và photoshoot còn cần đóng vai trò như một nhân vật khơi gợi và kích động ý tưởng sáng tạo của các Nghệ sĩ, Đạo diễn hay Giám đốc Sáng tạo.

Một phân cảnh trong MV "Kẻ cắp gặp bà già" của Hoàng Thuỳ Linh do Nam Thi làm Cố vấn Văn hoá trực tiếp cho Art Director Ben Phạm

Thông qua những gì liên quan đến văn hoá để ekip cùng nhau phát triển. Từ đó, cụ thể hoá những ý tưởng này ở hình ảnh, yếu tố mỹ thuật một cách chất lượng nhất.

Mình vừa giúp cho cả team có một nền tảng để cùng thỏa sức “bay" sao cho ý tưởng độc đáo, mới lạ. Nhưng cũng là người “níu dây" để những ý tưởng đó không đi sai lệch, làm hỏng tinh thần cốt lõi của điểm văn hoá mà mình đang khai thác.

Làm sao để tìm được chất liệu văn hoá phù hợp cho mỗi music video và photoshoot bạn tham gia?

Mình sẽ làm việc sát nhất với Nghệ sĩ, Đạo Diễn và Giám đốc Sáng tạo để hiểu rõ tinh thần, bối cảnh và giá trị thông điệp cốt lõi mà dự án đó đang thực hiện. Sau đó mình sẽ nghiên cứu để cho ra chất liệu phù hợp nhất.

Ví dụ như MV "Kẻ cắp gặp bà già" của chị Hoàng Thuỳ Linh, mình cố vấn riêng cho Giám đốc Sáng tạo Ben Phạm. MV đó lấy bối cảnh và mạch truyện dân gian với nội dung trong tranh Hàng Trống. Qua đó, mình sẽ bám vào đó để đưa các thông tin, câu chuyện và gợi ý phù hợp để Ben Phạm thực hiện.

Còn như MV Đôi Khi - Nodey ft. Suboi thì lại là văn hoá đương đại. Thế thì mình lại cần chọn ra các biểu tượng, chi tiết, hình ảnh văn hoá nó đúng với khung thời gian này. Từ đó để Đạo diễn Anh Phi và 2 stylist Alex Fox - Tigre có thể từ đó phát triển trong chuyên môn của mình.

Quá trình lên ý tưởng để sản xuất các MV, dự án mang yếu tố văn hoá của bạn diễn ra như thế nào?

Mình sẽ nhận "đề bài" từ phía Đạo diễn, hoặc ý tưởng hình ảnh từ phía Creative Director, sau đó mình nghiên cứu, rồi đưa ra một bảng nội dung về các yếu tố văn hoá (đông - tây; dân gian - đương đại).

Đôi khi mình sẽ đảm nhiệm cả phần biên kịch để có thể chủ động lồng ghép các yếu tố văn hoá trong quá trình lên kịch bản mình. Sau đó, cả nhóm sẽ nghe mình giải thích vì sao lại chọn yếu tố đó, ý nghĩa là gì. Cuối cùng mọi người thấy nó có khả thi để hình ảnh hoá nó không, xong xuôi thì chốt.

Nam Thi cùng Ekip sản xuất MV "Khi tình yêu đủ lớn" (Hoàng Thuỳ Linh)

Trong quá trình đó, khi có bất cứ khúc mắc nào về việc sáng tạo có làm quá, làm hỏng bản chất của điểm văn hoá đang sử dụng không, thì mình sẽ đưa ra nhận định tiếp.

Và nếu nhóm sáng tạo bí ý tưởng, thì mình có thể ngồi kể chuyện, hoặc đưa ra một biểu tượng, một thông tin thú vị nào đó mà “chỉ người nghiên cứu mới biết", để mọi người có thể có thêm hứng thú và nền tảng để phát triển kế hoạch ban đầu.

Làm thế nào để cân bằng được các yếu tố về màu sắc cá nhân, câu chuyện văn hoá và tính nghệ thuật trong mỗi dự án?

Ở những dự án mình làm, văn hoá là yếu tố sáng tạo, chứ không phải là chủ thể. Vì thế, mình không chủ trương và cũng gần như chưa tham gia những dự án mang tính phục dựng, mô phỏng.

Khi ta đã đặt vai trò của văn hoá ở vị trí yếu tố, thì việc thổi phong cách cá tính nghệ sĩ, hay phát triển tính nghệ thuật không còn phải lấn cấn.

Mình thích dựa vào văn hoá để mở rộng biên độ sáng tạo, làm ra những giá trị thẩm mỹ mới. Còn tính đúng/sai trong ý nghĩa văn hoá thì đã có mình giữ cán cân rồi, không lo. Bởi thế mà ba yếu tố: Màu sắc cá nhân, câu chuyện văn hoá và tính nghệ thuật luôn đan xen, bổ trợ và không thể tách rời.

Nam Thi cùng sáng tác thơ của mình | Nguồn: Nam Thi

Ví dụ về MV Đôi Khi - Nodey ft. Suboi, mọi người có thể thấy rằng tính nội dung của MV rất khó xác định. Điều tạo nên mạch kết nối cho từng khung hình chính là văn hoá. Người xem hay bình luận là cảm thấy khó hiểu, kỳ quặc, nhưng mọi người vẫn thấy tinh thần Việt Nam đương đại trong đó.

Ta có thể nhận ra đây là góc nhìn Việt Nam thông qua con mắt của một người nước ngoài. Đấy là thành công của ekip khi cân được cả 3 yếu tố mà câu hỏi nêu trên.

Lợi thế và khó khăn khi làm công việc này là gì?

Với cá nhân Nam Thi, lợi thế của mình chính nằm ở sự mới lạ của nghề này. Các lĩnh vực khác đều có Cố vấn Văn hoá, nhưng trong mảng Music Video, Điện ảnh, Photoshoot thì khá mới mẻ. Hầu như mọi người trong nghề đều bảo lần đầu biết đến.

Mình không lo về sự cạnh tranh. Vì thực sự để có ngày hôm nay, đó là một quá trình rất dài âm thầm nghiên cứu, tổng hợp và tích luỹ kiến thức. Văn hoá là tri thức, không phải là thứ bạn muốn có ngay thì sẽ có được.

Một điểm mạnh nữa, mình là một người thực hành nghệ thuật đương đại, có kinh nghiệm làm báo chí quốc tế và trẻ tuổi. Thế nên mình hiểu tinh thần và phong cách thẩm mỹ mà bạn bè trong lĩnh vực sáng tạo đang làm.

Bộ hình Huyền Học Phương Đông với các lớp lang triết học về Âm Dương, Tử Vi, Tướng Pháp cùng thực hành nghiệm lý giải đoán tương lai của xa xưa được biểu hiện bằng ngôn ngữ Thời trang hôm nay | Nguồn: L'Officiel Vietnam

Kiến thức là mênh mông vô tận, mình không là gì cả. Ngoài kia nhiều người hiểu biết sâu rộng hơn mình. Nếu như các ekip tìm đến các chuyên gia, họ sẽ cho ekip được rất nhiều thông tin, nhưng không thể chọn thông tin chắt lọc cho ekip. Mà ekip cũng khó “gạn đục khơi trong” để ứng dụng thông tin đó vào thực tế. Lúc đó, mình là người xử lý được khó khăn cốt lõi này.

Về khó khăn thì đây là một “thị trường ngách". Không phải lúc nào các nghệ sĩ cũng làm MV hay photoshoot như vậy. Thế thì mình không sống được với nghề trên giá trị vật chất. Mình sống với lĩnh vực này bằng niềm yêu thích.

Trên hết là mình được mang những hiểu biết nhỏ bé của mình ứng dụng vào đời sống. Ít nhất là thấy sự hiểu biết cũng có giá trị, chứ không chỉ trên sách vở hay trong đầu.

Theo Nam Thi, yếu tố văn hoá đã được quan tâm đúng mức trong các lĩnh vực nghệ thuật ở Việt Nam chưa?

Thực ra thì chẳng có bảng thống kê mức độ nào cả , nên mình không dám đánh giá. Cá nhân mình thấy yếu tố văn hoá đang có vị thế lớn và khả năng lan tỏa mạnh. Nếu không thì sao những người như mình có cơ hội được thể hiện như bây giờ?.

Mình thấy là yếu tố văn hoá trong sáng tạo nghệ thuật tại Việt Nam đang có những bước chuyển. Nếu như trước đây là mô phỏng, tái hiện, phục dựng, thì rõ ràng giờ là lúc tiếp biến với các yếu tố khác.

Nam Thi tham gia talkshow trong chuỗi sự kiện triển lãm Mộng Bình Thường của NTK Thuỷ Nguyễn với vai trò diễn giả tại ĐH Hoa Sen - chia sẻ với các bạn sinh viên về hoạt động sáng tạo nghệ thuật dựa trên yếu tố văn hoá.

Nhạc dân gian giờ có thể chơi với âm thanh điện tử. Các biểu tượng văn hoá Việt Nam được khoác lên những phong cách thẩm mỹ hiện đại và quốc tế hơn trong MV, bộ ảnh hay video quảng bá truyền thông...

Nhưng điều quan trọng nhất là giá trị dân tộc/con người nằm sâu trong các yếu tố đó không đổi. Đây chính là những chuyển động giúp tạo ra đời sống mới cho chính văn hoá của chúng ta.

Bạn đánh giá như nào về cơ hội và thách thức cho nghề này ở các lĩnh vực nghệ thuật khác trong tương lai?

Văn hoá chính là con người chúng ta. Từ những cái đơn giản nhất như cách chúng ta thở, than vãn hay chống nắng khi đi đường mỗi ngày,... nó cũng là văn hoá của xã hội mình.

Vì thế, ở mọi lĩnh vực nghệ thuật hay không phải nghệ thuật thì công việc Cố vấn Văn hoá như Nam Thi cũng có rất nhiều đất để phát huy.

Thách thức được đặt ra ở đây là, các lĩnh vực ấy có chịu cùng chuyển mình để sáng tạo ra những tác phẩm đột phá, ấn tượng và lạ lẫm từ yếu tố văn hoá hay không thôi.