Điều tệ nhất của việc học Giáo dục | Vietcetera
Billboard banner

Điều tệ nhất của việc học Giáo dục

Ta không ngừng tự hỏi bản thân rằng liệu nhân cách, trí tuệ, và cuộc đời mình có thể đã thay đổi ra sao nếu như ngày trước ta được chỉ dạy đúng đắn. 
Điều tệ nhất của việc học Giáo dục

Nguồn: Chi Nguyễn

Vào một ngày đầu hè cuối năm 2 Tiến sĩ, tôi và một người bạn học đã tự hỏi nhau: “Điều tệ nhất của việc học Giáo dục là gì?”

Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng tệ nhất có lẽ là ít tiền, là nhận ra mình có lẽ không phù hợp với dạy học trò hay đối đáp với phụ huynh. Tuy nhiên thì những cái tệ này vẫn còn có giải pháp.

Thật ra, điều tệ nhất chính là khi tôi nhận ra rằng càng học, ta càng nhận ra có rất nhiều điều mình được dạy trước đây bởi bố mẹ, thầy cô là chưa thực sự đúng, thậm chí phản giáo dục. Lúc này, ta không ngừng tự hỏi bản thân rằng liệu nhân cách, trí tuệ, và cuộc đời mình có thể đã thay đổi ra sao nếu như ngày trước ta được chỉ dạy đúng đắn.

Cha mẹ không hoàn hảo

Vài năm trước, trong lớp học về Phân hóa giai cấp trong Giáo dục, chúng tôi cùng đọc và thảo luận cuốn "Chọn trường đại học (Choosing college)” của Patricia McDonough. Cuốn sách này là nghiên cứu so sánh bốn nhóm học sinh ở bốn trường cấp ba khác nhau tại Mỹ (giàu-nghèo, công-tư, theo đạo-không theo đạo) để xem quá trình học sinh chọn trường đại học khác nhau như thế nào ở từng tầng lớp xã hội, môi trường học tập.

Đọc xong cuốn sách, bạn nam da màu ngồi đối diện tôi phát biểu, giọng đầy thất vọng:

– Cuốn sách này làm mình cảm thấy rất buồn. Hơn 10 năm trước lúc mình nộp học đại học, chẳng có ai nói với mình là mình nên có người hướng dẫn, nên có gia sư SAT. Trường cũng chẳng có chương trình định hướng đại học. Bố mẹ mình cũng chẳng biết gì vì họ đâu có được đi học đại học. Mình là người đầu tiên trong gia đình được đi học. Ai cũng mừng, chỉ vậy thôi!

Tương tự, cô bạn người Mỹ gốc Á ngồi ngay cạnh tôi cũng chia sẻ rằng, ngày trước mẹ cô chỉ mong cô học ở trường nào giá rẻ nhất. Nếu bạn từng đọc “Đại học hay ‘học đại’?”, bạn cũng biết rằng tôi hầu như không có ai giúp đỡ khi chọn trường đại học. Nhưng vì ba mẹ tôi là những người có lối suy nghĩ tự do, luôn tin tưởng và cổ vũ tôi đi theo những gì tôi cho là phù hợp. Tôi may mắn chọn được (và đỗ vào được) một ngôi trường và một ngành học hợp với mình.

alt
Tôi may mắn chọn được (và đỗ vào được) một ngôi trường và một ngành học hợp với mình | Nguồn: Pexels

Nhưng điều đó không có nghĩa là ba mẹ tôi hoàn hảo. Tôi là một đứa trẻ nhạy cảm. Vì thế, từ khi còn rất bé, tôi đã ý thức được nhiều điều người lớn nói về mình, nói với mình, nói trước mặt mình, và nói sau lưng mình có ý nghĩa như thế nào.

Có nhiều điều trong quá khứ mà ba mẹ hoặc những người lớn trong gia đình nói hay cư xử với tôi mà sau này nhìn lại bằng con mắt của người làm Giáo dục, tôi biết đó là điều không không phù hợp. Nhưng tôi không bao giờ trách ba mẹ tôi, bởi vì những gì họ từng làm đều là vì họ nghĩ điều đó sẽ tốt cho tôi, bởi vì tình yêu vô điều kiện họ dành cho tôi. Thành thật mà nói, không có người làm cha làm mẹ nào là hoàn hảo cả.

Cha mẹ chỉ dạy con cái những gì họ biết

Trừ những người có kiến thức chuyên sâu về Giáo dục ra thì cha mẹ thông thường học cách dạy con dựa vào cách họ được dạy dỗ (từ 20-30 năm trước hoặc hơn), từ những gì họ nghe ngóng và rút kinh nghiệm trong cuộc sống, hoặc từ trực cảm cá nhân của họ.

Hãy để tôi nhắc lại một lần nữa, cha mẹ không thể dạy cho con cái những gì mà họ không biết. Bởi vậy, kể cả với hai bằng cao học về Giáo dục, tôi không thể nào quay lại và nói với ba mẹ tôi:

Tại sao ba mẹ không cho con “vốn văn hoá (cultural capital)”, “vốn xã hội (social capital)”, “vốn con người (human capital)” như lý thuyết của Pierre Bourdieu, James Coleman, Gary Becker? Tại sao ba mẹ không dạy cho con là đạo Khổng có nhiều điểm lạc hậu, phong kiến, để cho con có “tư duy phê phán (critical thinking)” như cách John Dewey, Emile Durkheim, Paulo Freire hướng dẫn? Tại sao ba mẹ không biết được rằng “khuyến khích - positive reinforcement” là phương pháp được chứng minh hiệu quả hơn nhiều “trừng phạt - negative reinforcement” đối với trẻ nhỏ?…

alt
Cha mẹ không thể dạy cho con cái những gì mà họ không biết | Nguồn: Pexel

Tôi không thể làm như vậy được. Bởi vì lý do duy nhất tại sao tôi có được những kiến thức này là bởi ba mẹ tôi đã dồn hết cố gắng cho tôi được đi học. Ba mẹ tôi có thể không biết nhiều điều nhưng nếu có một điều nào đó họ biết chắc, họ sẽ làm tất cả để tôi có được điều đó. Đó là tại sao tôi đi được đến ngày hôm nay.

Cha mẹ bạn có thể cũng như vậy. Họ yêu bạn, họ mong điều tốt nhất cho bạn, nhưng họ không thể làm tất cả mọi việc cùng một lúc. Trách nhiệm đi làm, kiếm tiền, cho con ngày ăn ba bữa, ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè, “tương đối” vui vẻ trong cả năm… đã là một gánh nặng kinh khủng. Và vì họ không thể làm tất cả, họ gửi bạn đến trường để nhờ cậy thầy cô.

Nhưng thầy cô cũng không hoàn hảo

Năm tôi lên 4 tuổi, tôi có một buổi “tiệc” sinh nhật đầu tiên ở nhà trẻ. Ba mẹ tôi chuẩn bị rất nhiều kẹo và bánh. Đó là tiệc sinh nhật đầu tiên của tôi, tôi đã vô cùng háo hức.

Đến giờ học, cô giáo chỉ đạo cho tôi đứng lên, cầm một túi bánh quy nhỏ (tôi vẫn còn nhớ đó là túi nhỏ nhất trong bọc bánh, có những chiếc bánh quy bé xíu hình que) và phát cho các bạn. Mỗi bạn chỉ được một cái que!

Tôi nghe thế cũng không hỏi gì nhiều và sẵn sàng đi phát bánh. Trong khi đó, cả lớp đã ngồi xuống sàn, xếp thành một vòng tròn.

Cô yêu cầu các bạn phải xòe sẵn hai tay ra đợi đến lượt mình thì cầm. Tôi kiên nhẫn đi vòng tròn phát que bánh cho từng bạn, các bạn cũng kiên nhẫn xòe tay ra chờ đợi.

Bất chợt, một bạn trai nghịch ngợm trong lớp đứng vụt lên khi tôi vừa đi qua, lấy thêm một que nữa trong tay tôi. Thấy thế, cô giáo hét lên đanh thép, mắt trợn ngược, bắt bạn trả lại tôi ngay. Bạn trai trả lại que bánh, mắt nhìn xuống đất như một con mèo ăn vụng bị bắt quả tang.

Tôi vẫn tiếp tục chuyến “tour” phát bánh của mình, trong lòng cảm thấy có điều gì đó không thoải mái, có lẽ vì tôi không quen nhìn bạn mình trong tư thế khúm núm, rụt rè đến vâỵ. Tôi tự hỏi: “Mấy bọc kẹo, bọc bánh to hơn cô để đâu? Sao không phát luôn?” và nghĩ có lẽ cô đợi đến cuối giờ sẽ phát hết. Nhưng không.

Vào giờ ngủ trưa, khi mắt tôi còn thao láo lên dòm theo mấy gói bánh kẹo sinh nhật của mình để ở góc nhà thì cô giáo gọi vào một “tổ” 4-5 cô giáo khác trong trường: “Có đứa lớp em hôm nay mang bánh kẹo sinh nhật” - Cô giáo nói và chia bọc bánh kẹo cho các cô kia. Cứ như thế, sột soạt, chóp chép, các cô bóc bánh, ăn kẹo, cười nói rôm rả cả một buổi trưa. Các cô còn vui vẻ mang hàng túi bánh kẹo thừa ra về.

Sau giờ ngủ trưa, cô giáo lại dựng cả lớp dậy. Mọi thứ diễn ra như bình thường. Một điều bất thường duy nhất là tôi – một con bé 4 tuổi bàng hoàng, ngỡ ngàng, uất ức. Đó là lần đầu tiên, và cũng là lần cuối cùng tôi tổ chức sinh nhật ở lớp.

Câu chuyện này dạy cho đứa trẻ 4 tuổi điều gì? Bất công trong xã hội? Tham ô? Đạo đức giả? Quyền lực? Bất tín? Tôi không biết nữa. Nhưng ngày hôm đó, khi mới lên 4 tuổi, tôi đã chọn im lặng.

Và tôi vẫn chọn im lặng cho tới tận bây giờ bởi vì ba mẹ tôi giải thích rằng thời kỳ đó, kinh tế nước nhà còn chưa phát triển, các cô mẫu giáo thì không được đào tạo cẩn thận, cứ chơi được với trẻ con là cho đi trông trẻ thôi.

alt
Các cô mẫu giáo thì không được đào tạo cẩn thận, cứ chơi được với trẻ con là cho đi trông trẻ thôi | Nguồn: Unsplash

Bọc bánh, bọc kẹo đó có thể không là gì đối với tôi nhưng có ý nghĩa lớn hơn với các cô. Có thể họ đói? Con họ đói? Cha mẹ họ đói? Có thể họ lớn lên thiếu thốn nên mỗi khi thấy đồ ăn là cảm giác phải làm mọi cách để chiếm hữu? Có thể cha mẹ họ đối xử với họ khi còn nhỏ không tốt nên họ không để tâm đến suy tư của trẻ con? Rất nhiều điều có thể đã xảy ra để khiến cho họ có cách hành xử như vậy.

Tôi thường nghĩ, vì các cô giáo mầm non khi đó không được đào tạo, tức là các cô không biết, và vì thế, tôi cũng quyết định không trách cứ các cô.

Có nhiều chuyện tương tự như vậy xảy ra khi tôi còn đi học. Ví dụ như hồi lớp 1 tôi bị đánh rất nhiều. Ngày nào cũng bị cô giáo chủ nhiệm lôi ra đánh. Bị đánh nhiều đến mức mà sau này, khi một người bạn của tôi khóc vì bị đánh vào tay. Tôi chạy ra an ủi bạn và hỏi bạn bị đánh bao nhiêu cái. Khi biết bạn bị đánh 10 cái, tôi nói: “Ôi, đừng khóc, thế vẫn còn tốt lắm. Tớ bình thường toàn bị đánh 20 cái cơ!”

Là một người làm Giáo dục, đối với tôi, việc này không thể chấp nhận được! Nhưng sau này tôi biết rằng cô giáo chủ nhiệm tôi năm lớp 1 là cô giáo mới ra trường. Giáo viên tiểu học hồi đó cũng không thực sự được đào tạo bài bản. Vì có thể cô không biết, tôi cũng không muốn trách gì cô nữa.

Tại sao tôi lại “thù dai nhớ lâu"?

Khi tôi bắt đầu viết lại những mẩu chuyện kiểu như thế này trên trang cá nhân, nhiều người vào bình luận hỏi tại sao tôi “thù dai nhớ lâu” đến vậy. Vài người lại nói vì tôi có “trí nhớ siêu phàm” nên mới viết được những chuyện kiểu như thế này để mọi người có cái “giải trí”.

Sự thật là càng học nhiều về Giáo dục, tôi lại càng nhớ ra nhiều chuyện về học hành trong quá khứ, kết nối lại các sợi dây liên kết để thấy rằng chúng có ảnh hưởng tới tôi hiện nay như thế nào. Đó, như tôi nói, là điều tệ nhất khi học Giáo dục.

Tuy nhiên, tôi không chỉ nhớ những chuyện buồn, tôi còn nhớ những chuyện vui. Nhớ những thầy cô đã dạy cho tôi niềm tin vào con người, vào Giáo dục, vào khả năng kỳ diệu của tri thức để làm thay đổi con người.

Rồi tôi tự hỏi, điều gì khiến tôi tha thứ và không tha thứ những con người và những câu chuyện trong quá khứ? Điều gì khiến tôi cảm thấy dễ quên và không thể quên? Gần đây, tôi nghĩ câu trả lời là: Tình yêu.

Tôi nhận ra rằng tôi dễ dàng tha thứ cho những điều người khác làm không đúng với mình khi còn nhỏ nếu họ không biết điều mình làm là sai (thiếu kiến thức) hoặc/và những điều này xuất phát từ dụng tâm tốt. Như tôi đã viết, mặc dù có nhiều điều trong quá khứ ba mẹ hay thầy cô đối với tôi là không theo chuẩn Giáo dục, nếu tôi biết tất cả những hành động này xuất phát từ tình yêu và mong mỏi để cho tôi tốt lên, tôi sẽ không bao giờ trách cứ họ.

Tuy nhiên, tôi không thể tha thứ cho những người mà hành động của họ xuất phát từ sự hiểu biết rõ ràng về Giáo dục nhưng được thực hiện với ý đồ đen tối để hành hạ học sinh, trục lợi cho bản thân mình.

Ví dụ như những thầy cô từng bắt nạt chúng tôi (theo đúng nghĩa của từ này) cả về thể xác lẫn tinh thần vào thời điểm mà chúng tôi còn non nớt và dễ đổ vỡ nhất. Ví dụ như những thầy cô làm mọi cách để chúng tôi thấy quyền lực của đồng tiền, của địa vị, của quan hệ xã hội lớn đến thế nào trên bục giảng. Ví dụ như những thầy cô sỉ nhục chúng tôi trước lớp là “ngu”, “chậm”, “dốt”, “chỉ cần cù bù thông minh".

Đối với những thầy cô và những “người lớn” như thế, đôi khi tôi nghĩ tại sao họ lại làm những việc họ đã làm? Tại sao họ không nghĩ rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ lớn và nhìn lại những kỷ niệm trong quá khứ này với con mắt kinh thường? Tôi cũng không biết nữa. Nhưng những câu chuyện như thế này khiến tôi muốn học thêm về Giáo dục và muốn làm cuộc sống trở nên tốt hơn cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Đáng tiếc, tha thứ và quên đi cũng không có nghĩa là tôi hết băn khoăn cuộc đời mình sẽ khác đi như thế nào nếu được đối xử một cách tinh tế hơn khi còn nhỏ.

alt
Đáng tiếc, tha thứ và quên đi cũng không có nghĩa là tôi hết băn khoăn cuộc đời mình sẽ khác đi như thế nào nếu được đối xử một cách tinh tế hơn khi còn nhỏ | Nguồn: Unsplash

Không có một ngày nào trôi qua mà tôi không tự động viên bản thân là hãy làm hết sức mình; không có tuần nào trôi qua mà tôi không hét lên “Im Lặng!” với những tiếng xì xầm từ quá khứ; không có một tháng nào trôi qua mà tôi không nhìn lại mình và tự hỏi: “Tôi đang nghĩ những điều này về bản thân là vì chính tôi nghĩ ra điều đó hay ai đó áp đặt suy nghĩ này trong tôi từ khi còn nhỏ?”

Tôi không thể chấp nhận được mỗi khi đọc bài báo mạng về bạo hành trẻ em mà phía dưới dày đặc những bình luận kiểu như: “Hồi nhỏ bố mẹ tôi đánh tôi suốt, tôi vẫn lớn ok, có sao đâu, mạnh mẽ hơn là đằng khác!” Tốt cho bạn, nhưng nếu được sống lại những ngày đó ngay bây giờ, bạn có muốn hay không? Bạn có nghĩ rằng nếu bạn cảm thấy “ổn” khi bị người khác bạo hành thì con cái bạn rồi cũng thấy thế; rồi chúng cũng sẽ bạo hành những đứa con, người vợ, và những người xung quanh.

Không! Không thể! Những lối tư duy kiểu như thế này cần phải chấm dứt ngay lập tức!

Ai rồi cũng phải học

Tôi viết ra những điều này không nhằm làm khuấy lên quá khứ không vui của bạn hay làm bạn cảm thấy lo lắng khi đang là bố mẹ hay giáo viên. Tất cả những điều tôi muốn nói là: Chúng ta đang sống trong một xã hội vận động không ngừng. Giáo dục ngày một khác, môi trường sống ngày một khác, tâm sinh lý của trẻ em cũng ngày một khác. Là người trưởng thành, chúng ta phải sống có trách nhiệm hơn, với chính mình và với người khác.

Làm giáo viên là phải học. Làm bố mẹ cũng phải học. Làm người lại càng phải học.

Chúng ta học để hiểu hơn về trẻ em, về thanh thiếu niên, và để mở lòng đón nhận những tư duy mới, chấp nhận con trẻ như chúng vốn có. Nhưng nếu những thứ phải học là quá nhiều, làm bạn cảm thấy choáng ngợp. Không sao cả! Hãy bắt đầu bằng một điều đơn giản nhất: tình yêu. Nếu tất cả những gì bạn nói, bạn làm, bạn suy nghĩ xuất phát từ tình yêu trong sáng, muốn người khác được tốt hơn thì dù bạn có gặp lỗi lầm, va vấp, tôi tin người đó cũng sẽ tha thứ cho bạn. Tôi, tha thứ cho bạn!

Xem thêm:

[Bài viết] Mình sẽ cố gắng để trở thành một giáo sư tử tế

[Bài viết] Yêu cho roi cho vọt có đang được hiểu đúng

[Bài viết] Con hư tại mẹ: Khi nữ giới phải gánh trách nhiệm vì hai chữ thiên chức