Hơn 10 năm trước, Đức Hoàng là cây viết đinh của “Lăng kính Bóng đá” – chuyên mục đỉnh nhất với 2000 chữ mỗi ngày trên Báo Bóng đá. Hoàng cũng xuất bản tiểu thuyết đầu tay với một chút tiếng tăm đủ để dấn thân vào con đường văn chương sách vở.
Nhưng Hoàng bỏ sự nghiệp viết truyện (dù còn hẳn một bản thảo khác mà chính anh kỳ vọng hơn cuốn vừa xuất bản), cũng bỏ cả “Lăng kính Bóng đá” khi ấy đã trở thành thương hiệu để chuyển sang báo Lao Động, rồi VNExpress. Đức Hoàng phụ trách Góc Nhìn – Chuyên mục có số lượng bình luận cao nhất của VNExpress trong suốt 4 năm. Anh là tác giả của những bài báo với góc nhìn sắc bén, đa chiều về những vấn đề gai góc hướng tới nhóm người nghèo và yếu thế trong xã hội.
Nhưng cứ mỗi khi đang ở một cái “đỉnh” nào đó trong sự nghiệp, lại thấy Hoàng bỏ đi để theo đuổi một con đường mới. Nhiều người cố gắng đứng ở trên đỉnh càng lâu càng tốt, Hoàng không nằm trong số đó.
Với Hoàng, cái gì có thể bỏ được, và cái gì nhất định phải giữ lại?
Tôi bỏ việc suốt, lần nào cũng trong trạng thái đang được cơ quan yêu mến, thu nhập lúc nào cũng cao so với chúng bạn, nên nếu nói là người an toàn và thực dụng chắc chẳng ai tin.
Tôi thực dụng ở chỗ tôi xác định rất rõ cái gì là quan trọng với mình. Nó là một tập hợp nhỏ: gia đình, một vài người bạn thân, những người có thể cho tôi chỗ dựa tinh thần, và đặc biệt là cái tôi của một người viết. Tôi đã mưu sinh, nuôi sống gia đình được nhờ cái đó, nên sẽ phải bảo vệ nó bằng mọi giá, không thỏa hiệp. Còn lại, mọi thứ khác đều có thể bỏ đi.
Những thứ mọi người cho là rất quan trọng, như công việc lương 1 tỷ một năm chẳng hạn, tôi nghĩ một lúc không thấy nằm trong tập hợp “thực dụng” của mình. Thế là tôi bỏ.
Bỏ là một sự rẽ ngang dang dở, hay là khép lại để bắt đầu mới hoàn toàn?
Nếu mà bạn còn nghĩ đến cái bạn rời xa thì chắc không tính là “Bỏ” rồi. Người yêu cũng thế, công việc cũng thế mà bất kỳ ngã rẽ nào của cuộc đời, bạn còn ngoái lại tức là bạn chưa bỏ được đâu.
Tôi bỏ là bỏ hẳn. Tôi khá phũ với quá khứ. Nếu tôi viết một bài, người chịu trách nhiệm nội dung bảo bài này không dùng được em ạ, thì tôi vứt luôn. Tôi không có thói quen tìm cách gửi đăng báo khác (và khá ngạc nhiên khi nhiều tác giả gửi một bài báo nhiều nơi). Hơi cực đoan nhỉ, nhưng tôi tin là làm thế tôi mới tạo ra được cái mới.
Điều Hoàng trăn trở gần đây nhất là gì?
Điều tôi luôn trăn trở là sự thờ ơ của nhiều người sống xung quanh mình.
Có lần đồng nghiệp bảo tôi: “Viết về người dân tộc thiểu số thì liệu có ai đọc không? Độc giả của chúng ta là người thành thị mà”. Tôi kệ, rồi bài đó trở thành một trong những bài được chia sẻ nhiều nhất lịch sử tờ báo. Người ta thờ ơ đến mức không nhận ra rằng xã hội, hay là chính họ còn nhiều sự rung cảm đến mức nào. Cái gì là trend thì theo cho lành.
Mười mấy năm làm báo, tôi được xã hội nuôi để tìm kiếm và phát hiện các vấn đề ít được quan tâm. Tôi nhận được nhiều tình yêu, và hạnh phúc. Nhưng cũng luôn là nỗi thất vọng khi phát hiện ra rằng các vấn đề mà tôi cho rằng rất quan trọng, luôn nhận lại sự thờ ơ và lạnh nhạt.
Tôi có những chủ đề khiến tôi lay động, đơn cử, như cuộc sống của những người yếu thế, người di cư, người nghèo. Tôi trăn trở về việc làm thế nào để tác động lên nhiều người hơn nữa, và khiến họ cùng quan tâm đến những vấn đề mình quan tâm.
Đó có phải lý do khiến Hoàng bắt đầu với NICE không?
Từ khi làm nghề viết, tôi nhận ra mình có thể phiên dịch được cuộc sống của những người yếu thế đến với công chúng. Nhưng tôi cứ băn khoăn mãi, là viết thế thì có đủ không? Người ta đọc xong không hành động thì sao? Nghề của mình có phải chỉ là nghề viết không?
Trong The King's Speech, có một câu thoại mà tôi nhớ: "Nghề của tôi là làm cho người khác tin tưởng vào tiếng nói của chính họ". Tôi nghĩ mất mấy năm, xong kết luận đây có thể là giá trị của mình. Không cứ phải viết báo thì mới phiên dịch được tiếng nói của người yếu thế. Tôi có thể tạo ra các dự án tương tác với xã hội nhiều hơn.
Gần đây tôi cố thúc đẩy một dự án mới, là tập hợp những ý tưởng nhân văn trong xã hội lại thành một nền tảng, và dốc sức để các ý tưởng đó lan tỏa. Tôi gọi đó là NICE – Network of Initiatives for Community Empowerment, Mạng lưới sáng kiến phát triển vì cộng đồng.
Nếu không làm NICE nữa, Hoàng sẽ làm gì tiếp?
Ngay bây giờ tôi đang theo đuổi đâu đấy 12 cái dự án khác nhau, bao gồm NICE. Trong đấy có một nửa là dự án kinh doanh, một nửa là dự án thiện nguyện.
Mọi người bảo tôi bị nghiện cao độ. Nhưng tôi chỉ nghĩ chẳng tội gì không thử. 3 năm qua tôi huy động được tiền để xây mấy cái trường miền núi. Năm ngoái, chị Mai Anh (người sáng lập quỹ phẫu thuật từ thiện Thiện Nhân & các bạn) bảo: “Xây trường chưa tạo ra nhiều thay đổi đâu, chị em mình xây nguyên cái bản đi”.
Thế là tôi đang viết đề án cải tạo nguyên một cái bản vô danh ở miền núi Đông Bắc thành một khu trưng bày nghệ thuật sắp đặt. Chúng tôi hy vọng biến nó thành một địa điểm du lịch mới, và tạo ra sinh kế lâu dài cho người dân, hơn là các hoạt động từ thiện khác.
"Ràng buộc con người không phải là lời thề. Chỉ cần mình tự cảm thấy thiết tha với 1 điều nào đó, thế là đủ rồi" (Ruồi trâu). Hoàng thấy mình tha thiết với điều gì?
Tôi tha thiết với hiểu biết về cuộc sống con người. Tôi rất dễ tìm niềm vui khi đọc sách. Tôi có thể nhốt mình cả tháng trong nhà chỉ để đọc, và cảm thấy sung sướng khi đón nhận được cái gì mới trong não.
Tôi không đi café vì tôi không tha thiết với phong cảnh phố thị, với bầu trời, với những cuộc giao đãi hẹp. Tôi không đi du lịch để “tận hưởng thiên nhiên” hay “tĩnh tại tâm trí” vì tôi không thực sự tha thiết với rừng cây, với sóng biển.
Khi đi du lịch, tôi muốn tìm kiếm những hiểu biết mới, trò chuyện với người bản địa, đi xuyên qua những con phố và tòa nhà và tham gia vào các cộng đồng. Ví dụ nhé, việc khách du lịch làm đầu tiên khi đặt chân xuống sân bay Hong Kong là gì? Chụp ảnh check-in? Việc đầu tiên tôi làm là đánh bạn với một tay buôn thuốc lá lậu trong phòng hút thuốc, và gạ anh ta cho tôi về cái kho thuốc lậu ở khu Cửu Long xem cho biết.
Hoàng từng nổi tiếng với nickname “Hoàng Hối Hận”. Điều gì khiến bạn hối hận nhất từ trước đến giờ?
Tôi đã không dành đủ tình yêu cho những người xứng đáng. Nhiều lắm, không biết ai là nhất. Là mẹ tôi, là em tôi, hay là vợ tôi hay thằng cu Hoàng Anh rất muốn bố chấm xem tranh nó được mấy điểm nữa. Tôi tha thiết với nhiều thứ bên ngoài quá, si mê các biến động của cuộc sống. Tôi đã chọn trở thành con người của xã hội, và mọi người hiểu điều đó, động viên và tự hào. Nhưng sẽ không ngừng được áy náy đâu.
Hoàng có định viết truyện thêm một lần nữa không? Nếu có, nó sẽ về gì?
Tôi đang viết. Nó là một quyển sách về những ngã rẽ trong thế hệ chúng ta. Có lẽ cũng để trả lời câu hỏi ban đầu, về việc thế hệ chúng ta đã chọn giữ cái gì, và bỏ cái gì, dựa trên suy nghĩ nào?