Ở những năm đầu của tuổi 20, dù chưa rõ liệu mình có muốn làm mẹ hay không, tôi đã bắt đầu tìm đến những tựa sách về giáo dục trẻ. Phần vì tò mò về thế giới nơi những đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh về mặt tâm trí, tinh thần. Phần vì bị thu hút bởi cảm giác được hiểu về những ký ức và tổn thương thuở bé mà phần nhiều gắn với cha mẹ.
Những điều tôi tò mò đều ít nhiều được giải đáp, nhưng thứ tôi không ngờ đến nhất là qua những cuốn sách đó tôi cảm thấy thông cảm hơn với cha mẹ mình.
Nói như lời của TS. Lê Nguyên Phương, tác giả của tập sách Dạy Con Trong Hoang Mang – được nhận giải Sách Hay Nhất Việt Nam năm 2018, đó là “một cú lừa” dành cho các độc giả. Nói là dạy con nhưng thật ra là dạy chính mình. Nói là học cách làm cha mẹ nhưng thật ra là học cách làm con cái. Quá trình viết sách cũng là quá trình tác giả hoà giải với bố mẹ và với chính mình.
Thế nhưng, không quá trình hòa giải nào lại giống quá trình nào. Có những trường hợp thời gian hoà giải bằng cả một đời người, hoặc thậm chí không bao giờ xảy ra. Sự phát triển của internet giúp chúng ta chứng kiến rõ hơn bao giờ hết tình trạng đứt gãy của những mối quan hệ gia đình, giữa thế hệ này với thế hệ khác, giữa người với người.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm tích cực hoạt động trong lĩnh vực Tâm lý học, đặc biệt là Tâm lý học đường tại Mỹ và Việt Nam, TS. Lê Nguyên Phương sẽ nói gì khi nói về “khoảng cách thế hệ”?
Không phải khác biệt nào cũng dẫn đến mâu thuẫn
Sự khác biệt giữa các thế hệ luôn tồn tại dù bạn đang ở thời đại nào.
Nhưng nếu khác biệt được chấp nhận, khác biệt chỉ đơn thuần là khác biệt. Nó cũng giống như trong thế giới tự nhiên, đất trời vẫn giao thoa, muôn hoa vẫn đua sắc dù không loài nào giống hệt loài nào. Còn nếu khác biệt không được bao dung chấp nhận, chúng sẽ trở thành mâu thuẫn. Khi chúng ta tiếp tục dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn thì nó biến thành xung đột.
Khi mâu thuẫn hay xung đột xảy ra, chúng ta thường đổ lỗi cho giới trẻ, rằng họ bồng bột, thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, theo TS. Lê Nguyên Phương, chính người trẻ cũng là nạn nhân.
Cốt lõi vấn đề nằm ở việc tốc độ phát triển tư tưởng và nhận thức của chúng ta đang không bắt kịp với tốc độ hội nhập trên thế giới.
Nhiều thân chủ đến tham vấn TS. Lê Nguyên Phương đang ở lứa tuổi vị thành niên chia sẻ rằng: Các bạn thường phải vùng vẫy để thoát ra khỏi khung truyền thống mà cha mẹ vô tình hay hữu thức cho rằng nó có giá trị.
Khung truyền thống này không hẳn là đặc trưng của một xã hội, một nền văn hoá, mà nó có thể xuất phát từ tinh thần thời đại. Cụ thể hơn là tinh thần cơ khí, hay tư duy tuyến tính của thời công nghiệp hoá. Ở đó ta tin tác động A sẽ dẫn đến kết quả B, một câu chuyện hay phải dùng đến một cấu trúc X cụ thể, một sự kiện lịch sử xảy ra chỉ có một nguyên nhân hay một ý nghĩa.
Khi đó, bố mẹ thì quá cứng nhắc để tiếp nhận, hoá giải và dung hợp sự khác biệt. Những đứa trẻ thì mang theo tinh thần khám phá nên có thể khi chưa có sự định hướng đã vội vã tiếp thu tư tưởng bên ngoài. Cộng thêm việc thiếu sự thấu hiểu và giao tiếp, các khác biệt dần trở thành mâu thuẫn.
Theo tiến sĩ, mức độ của một mối mâu thuẫn hay xung đột thế hệ sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Nền văn hoá ảnh hưởng lớn nhất đến họ bảo thủ và truyền thống tới mức nào?
- Tập quán giao tiếp giữa các thế hệ có thông suốt và sâu sắc không?
- Mức độ các bố mẹ tiếp cận với các nền văn hoá khác?
- Và một biến số nhỏ khác là: Sự chênh lệch tuổi tác giữa bố mẹ và con cái là bao nhiêu?
Các chấn thương liên thế hệ đang chưa được nhìn nhận đúng mức độ của nó
Người ta thường gọi gen Z (hay các bạn sinh ra ở thời đại internet) là thế hệ “vượt sướng,” nhưng đâu đó người ta cũng nói rằng đây là thế hệ “mong manh” nhất. Nhiều thống kê cho thấy rằng tỷ lệ trầm cảm, lo âu, căng thẳng ở thế hệ này cao hơn bất kỳ các thế hệ nào trước đó.
Việc dễ bị tổn thương về cảm xúc đã đưa đến cho họ cái tên “thế hệ thuỷ tinh,” mang theo ít nhiều hàm ý về sự chê trách. Thế nhưng khi chê trách, có lẽ chúng ta đang chưa thật sự thấu hiểu. Bất kỳ một vấn đề nào nảy sinh luôn có thời gian “ủ mầm.”
Trong một giai đoạn lịch sử ngắn vài chục năm vừa qua, thế giới đã chạm đến nhiều điểm biến chuyển lớn.
Chẳng hạn về mặt cơ cấu kinh tế, nhiều công ty thiết định tài chính trên thế giới sụp đổ. Về mặt công nghệ kỹ thuật, AI đang mang đến những lo lắng về một tương lai bất định với nhiều nghề nghiệp bị thay thế. Về mặt chính trị, có những phát khởi của các lực lượng dân túy mang tính chất phát xít.
Rõ ràng giới trẻ bây giờ đang chịu áp lực lớn hơn rất nhiều so với thế hệ trước.
Đó là chưa kể các chấn thương liên thế hệ (intergenerational trauma) chưa được nhìn nhận đúng mức độ của nó.
Cứ mỗi cuộc chiến tranh đi qua lại có ít nhất khoảng 10% binh lính tham chiến mắc hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Và chỉ trong một thế kỷ qua, lịch sử loài người đã chứng kiến 2 cuộc chiến tranh thế giới với sự tham gia của hàng triệu người. Thế nhưng khó khăn của những binh lính bước ra từ 2 cuộc chiến đó vẫn chưa được nhìn nhận xứng đáng.
Riêng Việt Nam cũng có một lịch sử không hề bình lặng. Trong tác phẩm Tôi Là Con Gái Của Cha Tôi của tác giả Phan Thuý Hà, cuộc sống “khốc liệt” của những cựu binh trong thời bình được khắc hoạ rất rõ nét.
Những chấn thương tâm lý từ chiến tranh khiến họ gặp nhiều vấn đề trong việc giao tiếp và nuôi dạy con cái. Qua những lời nói và hành động, những chấn thương không được hoá giải đó cứ thế được ‘chuyển giao’ từ bố mẹ sang con cái. Thậm chí chúng còn được ghi vào gen di truyền cho đời sau.
Khi hiểu được điều này, ít nhiều các thế hệ có thể thông cảm và xích lại gần nhau hơn.
Gia đình không phải là một giao kèo
Theo thống kê của WHO vào năm 2014, hằng năm có khoảng 800.000 người chết vì tự tử trên thế giới (tương đương cứ 40 giây lại có một người). Tự tử là nguyên nhân thứ hai gây tử vong cho nhóm thanh thiếu niên 10 - 24 tuổi.
Tại Việt Nam, con số cũng vô cùng báo động. Có gần 40.000 người tự tử mỗi năm, gấp 4 lần số người tử vong vì tai nạn giao thông (theo thống kê của Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai năm 2017).
Việc một thanh thiếu niên tự tử đã từng là tin tức mà người ta chỉ biết đến qua báo đài. Còn giờ đây nó là tin mà có lẽ ai cũng từng biết đến ít nhất một trường hợp trong phạm vi cùng thành phố hay thậm chí là cùng lớp học, cùng nhà.
Theo TS. Lê Nguyên Phương, một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều thanh thiếu niên lựa chọn tự tử là vì cảm giác không có lối thoát, không có một nơi nương tựa hay sự hỗ trợ nào, thậm chí là từ gia đình.
Không chỉ là bị bạn bè bắt nạt, các em còn có thể bị chèn ép bởi chính người lớn. Họ có thể không tác động về mặt thể chất, nhưng họ gạt bỏ, phủ nhận vấn đề của các em. TS. Phương chia sẻ, thầy từng gặp trường hợp một em học sinh nhận được lời dặn từ mẹ rằng “thôi thì cứ ráng nhịn” vì bà đã phải tốn nhiều công sức và tiền bạc để lo cho em được học ở một trường quốc tế.
Khổ thay khi bị người thân yêu nhất của mình đẩy ra, các em sẽ cảm giác như mình phải đối phó với cả thế giới, cuối cùng khi kiệt sức các em lựa chọn sự “giải thoát.”
Chúng ta hay nghĩ rằng những người có một mối quan hệ huyết thống với mình, như cha mẹ, ông bà, anh chị em phải là một mối quan hệ xã hội “giao kèo.” Họ phải là người hiểu mình nhất, thương mình nhất, là người luôn ở đó để làm chốn nương tựa cho mình. Thế nhưng không hẳn là như vậy.
Nơi tương tựa là cả thế giới này. Nó có thể là một vùng nắng ấm giữa tiết trời đông. Là một tán cây rộng lá bay bay giữa tiết hè. Là cái gật đầu và nụ cười của một bác bảo vệ bạn hay gặp.
Nếu mở lòng đón lấy những gì mà trời đất ban cho, bạn sẽ thấy những khổ đau hiện tại chỉ là nhất thời. Nó cũng như một vị khách đến rồi sẽ đi một ngày nào đó.
Khi các bạn vượt qua được những chấn thương và khổ đau đó, định mệnh mà các bạn từng ghét bỏ có thể trở thành sứ mệnh của cuộc đời bạn – bạn sẽ sở hữu khả năng thông hiểu người khác hơn và trở thành người đi giúp đỡ người khác.
Bạn không nhất thiết phải chữa lành ai cả. Chỉ cần chúng ta thật sự lắng nghe bằng sự đồng cảm và thấu hiểu trọn vẹn. Không cần phải hăm hở đưa ra lời khuyên cho ai cả, chỉ cần chúng ta trung thực và kiên nhẫn với nhau.
Cuộc đua duy nhất trên thế giới này là thương yêu
Thương yêu là thứ quyền lực mạnh mẽ nhất trên thế giới này. Nhưng khi thương yêu được sử dụng như một công cụ để dẫn tới quyền lực thì nó trở nên vô hiệu.
Thương yêu ở đây phải bắt đầu từ sự quan tâm vô điều kiện, có nghĩa là đừng để “chiếc loa phường” lao xao trong đầu mình với những đoán định rằng phải thế này mới đúng, thế kia là sai.
Còn gốc rễ của sự quan tâm vô điều kiện thì xuất phát từ việc bạn có trung thực và chân thành với người đối diện và với chính bạn hay không. Bạn vẫn có thể nói ra những điều mình không hài lòng về đối phương một cách yêu thương và thẳng thắn, để không tạo ra áp lực cho họ về việc bị “trừng phạt” hay phải lấy lòng.
Đến cuối cùng không còn cuộc đua nào về kiến thức hay trải nghiệm, mà chỉ còn cuộc đua của thương yêu.
Đón xem tập podcast Have A Sip với khách mời TS. Lê Nguyên Phương, phát sóng tối thứ 6 ngày 21/07/2023 trên YouTube của Vietcetera, Spotify và Apple Podcast.