Liệu nỗi đau có thể di truyền? Nếu có, thì bằng cách nào? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Liệu nỗi đau có thể di truyền? Nếu có, thì bằng cách nào?

Một đứa cháu gái có thể thừa hưởng đôi mắt sáng từ bà ngoại, và cũng có thể “thừa hưởng” những nỗi đau mà người bà ấy từng trải qua.

Liệu nỗi đau có thể di truyền? Nếu có, thì bằng cách nào?

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Đó là câu chuyện của Gretchen, một phụ nữ từng có ý định tìm đến cái chết do trầm cảm. Trong khi không thực sự trải qua biến cố nào trong cuộc đời, Gretchen luôn trong trạng thái đau đớn về tinh thần. Sau này, cô được biết, tình trạng tồi tệ ấy rất có thể bắt nguồn từ quá khứ đau thương của bà mình, người đã mất cả gia đình trong nạn diệt chủng Do Thái (Holocaust).

Nhưng Gretchen không phải là người duy nhất. Cô và nhiều trường hợp tương tự khác được nhắc đến trong quyển sách của Mark Wolynn về hiện tượng “chấn thương tâm lý liên thế hệ” (Intergenerational Trauma). Với nhiều nghiên cứu được thực hiện gần đây, giới khoa học ngày càng có cơ sở để tin tưởng vào giả thuyết: Nỗi đau có thể di truyền.

1. Chấn thương tâm lý liên thế hệ là gì? 

Intergenerational Trauma là một hiện tượng tâm lý cho rằng những nỗi đau về tinh thần có thể truyền từ đời này sang đời khác. 

Hiện tượng này lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1966 bởi các nhà tâm lý học Canada, khi các phòng khám ở nước này đồng loạt ghi nhận có nhiều bệnh nhân gặp vấn đề về tâm lý là con của bố mẹ từng sống sót qua nạn Holocaust.

Từ đó đến nay, đã có thêm nghiên cứu được tiến hành cho thấy thế hệ kế cận của những người từng trải qua chiến tranh, nạn diệt chủng, nạn đói, thảm họa thiên nhiên, chế độ nô lệ… có khả năng cao sẽ suy nghĩ và hành xử như trong “chế độ sinh tồn” mà ông cha họ từng sống qua.

IT_hinh1
Dù sống trong thời bình, con cháu của những người từng trải qua bi kịch thường được dạy phải sống như trong “chế độ sinh tồn”

Dấu hiệu chung của những người có hiện tượng tâm lý này là:

  • Thiếu niềm tin vào cộng đồng, xã hội
  • Thường xuyên đối mặt với lo âu, mất ngủ 
  • Luôn trong chế độ phòng vệ (fight or flight response)
  • Tự ti về bản thân và gia đình
  • Dễ có những suy nghĩ tiêu cực
  • Dễ bị kích động tâm lý

2. Ai có thể trải qua hiện tượng này?

Gia đình là ‘cái nôi’ của sự trưởng thành về mặt nhận thức và tâm lý của mỗi người. Do đó, những biến cố trong quá khứ của bố mẹ, ông bà, có thể ảnh hưởng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến các thế hệ sau.

Việt Nam có một lịch sử không hề bình lặng. Ở tầm vĩ mô, chế độ thuộc địa và nhiều cuộc chiến tranh là nguyên nhân dẫn đến nỗi đau của nhiều thế hệ người Việt. Ở tầm vi mô, câu chuyện ly tán, mất mát người thân của hàng vạn gia đình là lý do khiến đời sống tinh thần của nhiều người bị ảnh hưởng.

Trong số đó, người Việt tị nạn sau chiến tranh và con cháu của họ là những người có khả năng cao mắc phải hiện tượng tâm lý này. Hậu quả của việc sống trong thời chiến, trải qua hành trình vượt biển tàn khốc, đối mặt với vô vàn rào cản trong cuộc sống ở đất nước mới, dẫn họ đến nhiều vấn đề trong sức khỏe tinh thần.

IT_hinh2
Người Việt tị nạn mang trong mình nhiều nỗi đau tinh thần

Nhìn chung, con cháu của các nhóm sau thường sẽ có nguy cơ gặp phải hiện tượng này:

  • Người từng trải qua chiến tranh
  • Người tị nạn
  • Nạn nhân của chế độ diệt chủng
  • Nạn nhân của chế độ nô lệ, thuộc địa
  • Người trải qua nạn đói, nghèo, phân biệt chủng tộc
  • Người bị bạo hành gia đình, xâm hại tình dục
  • Người trải qua thiên tai, dịch bệnh
  • Người từng lạc mất người thân, v.v.

3. Chấn thương tâm lý có thể ‘di truyền’ ra sao?

“Nếu những vết thương lòng từ thế hệ trước không được hàn gắn, thường chúng sẽ được ‘chuyển giao’ sang đời sau qua sự kết nối, giao tiếp giữa bố mẹ và con cái về bản thân và thế giới, về ý nghĩa của sự an toàn và nguy hiểm.” Stephanie Swann, một tiến sĩ về tâm lý học và người điều hành Viện Thiền học Atlanta phát biểu.

Sau khi dành ra 5 tháng để quan sát và phỏng vấn 41 người mẹ từng trải qua nạn diệt chủng Rwanda năm 1994, tiến sĩ Lidewyde H. Berckmoes và các đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu về Hành vi Phạm tội và Áp chế Luật ở Hà Lan đã tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy: Nạn diệt chủng ảnh hưởng trực tiếp đến cách họ giao tiếp với con cái đang ở tuổi vị thành niên của mình.

Cụ thể, các người mẹ này thường giữ im lặng về quá khứ, hoặc thể hiện hy vọng rằng những sự kiện kinh khủng như vậy sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Và hệ quả gián tiếp của bi kịch này rất có thể là thế hệ thứ hai, thứ ba của họ sẽ phải sống trong tình trạng nghèo đói, bạo lực, với nhiều áp lực về công việc và tệ nạn xã hội bủa vây. 

Còn nhà tâm lý học Elena Cherepanov của Đại học Cambridge thì viết trong quyển sách của mình về hiện tượng này như sau: “Sống trong những điều kiện khốn khó có thể khiến các bậc cha mẹ truyền cho con cháu của họ những thông điệp chăm chăm vào sự phòng vệ trước nỗi đau, như ‘Đừng tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, nguy hiểm lắm!’”

Và nỗi đau cũng có thể được di truyền qua gen, hay nói đúng hơn là sự ‘bật - tắt các gen’ (Ngoại di truyền/ Epigenetics). Trong những năm gần đây, giới khoa học đang tranh luận để tìm hiểu xem liệu bên cạnh ADN, thì những đặc điểm ngoại vi như thói quen, lối sống, bệnh tật, ký ức từ bố mẹ có thể được truyền sang đời sau như thế nào. 

Vì nếu như đã có nhiều nghiên cứu cho thấy việc bố mẹ hút thuốc lá có thể để lại những di chứng ngoại di truyền ở con cái, thì tại sao nỗi đau từ các bi kịch của cuộc đời, lại không thể ảnh hưởng đến các thế hệ sau theo cách tương tự?

IT_hinh3
4 Cách mà nỗi đau có thể ‘di truyền’ qua các thế hệ

4. Đâu là cách ta dừng ‘vòng tròn’ nỗi đau này?

Thế hệ sau luôn có xu hướng học cách nhìn cuộc sống từ các thế hệ trước. Một người bạn của tôi cho biết, việc hôn nhân của bố mẹ anh không hạnh phúc đã khiến anh có cái nhìn tiêu cực về việc lập gia đình. 

Điều này cho thấy, không cần là một nỗi đau quá lớn như chiến tranh hay diệt chủng, mà những bi kịch xảy ra trong gia đình, những nỗi đau thường gặp trong xã hội, đã có thể làm thay đổi nhận thức, niềm tin, lối sống của một hay nhiều thế hệ.

Do đó, hiện tượng tâm lý được nhắc đến trong bài viết này nằm trong nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới, vì nó không chỉ xuất hiện trong một nhóm người, mà có khả năng gây nên những ‘vòng tròn’ nỗi đau đối với cả nhân loại.

Trong khi các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục đào sâu, và chưa có kết luận tuyệt đối nào về mức độ và cách thức mà nỗi đau tâm lý có thể di truyền, thì chúng ta có thể bắt đầu nhận thức về nó. Vì chỉ khi nhìn ra được nguồn gốc của nỗi đau, ta mới có thể bắt đầu hành trình chữa lành.

Để “chặn đứng” con đường di chuyển của nỗi đau, cách quan trọng nhất là đối diện và đối thoại. Các thành viên trong gia đình nên mở lòng để trao đổi về những điều ‘không nói ra’ như tình thương dành cho nhau, những câu chuyện quá khứ, những nỗi sợ thầm kín… để có thể thông cảm lẫn nhau và hàn gắn khoảng cách thế hệ.

Hoặc nếu không thể nói về nỗi đau một cách trực tiếp, thì ta có thể trải lòng qua nghệ thuật. Bằng cách viết, vẽ, hay thực hành nghệ thuật nói chung, bạn hoàn toàn có thể giải tỏa những cảm xúc tiêu cực trong lòng. Và bạn cũng có thể thưởng thức nghệ thuật.

IT_hinh4
Qua nghệ thuật, nỗi đau có thể được chữa lành

Hiện đã có những nhà làm phim, nhà văn hải ngoại mở rộng cuộc bàn luận về quá khứ và nỗi đau, qua những tác phẩm về cộng đồng di cư gốc Việt. Nổi bật trong số đó là tập truyện ngắn The Refugees của Viet Thanh Nguyen, tiểu thuyết On Earth We’re Briefly Gorgeous của Ocean Vuong (cả hai nhà văn đều đang được hãng phim A24 chuyển thể tác phẩm thành phim), hay phim tài liệu ngắn No Crying at the Dinner Table của Carol Nguyen (giải Phim tài liệu xuất sắc nhất trong LHP SXSW 2020), v.v. 

Ở đó, qua hành trình tự chữa lành của những người làm nghệ thuật, rất có thể bạn cũng sẽ tìm được sự cảm thông cho những nỗi đau của chính mình.