Được giới trẻ yêu mến, tại sao Baemin phải rút khỏi Việt Nam? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
25 Thg 11, 2023

Được giới trẻ yêu mến, tại sao Baemin phải rút khỏi Việt Nam?

Hành trình từ tân binh triển vọng thành bại binh trong thị trường dịch vụ vận tải của Baemin đã diễn ra thế nào?
Được giới trẻ yêu mến, tại sao Baemin phải rút khỏi Việt Nam?

Nguồn: Baemin

1. Chuyện gì đang xảy ra

Vào ngày 24/11, nhiều người dùng của ứng dụng giao đồ ăn Baemin nhận thông báo (qua mail và ứng dụng) về việc Baemin chính thức ngừng hoạt động tại Việt Nam từ ngày 8/12/2023.

Nhiều người dùng tỏ ra tiếc nuối trước quyết định của ứng dụng từ xứ sở kim chi. Trên thực tế, sự việc này đã có những chỉ dấu từ tháng 9 năm nay, khi Baemin thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm nhân viên tại Việt Nam và chỉ còn bám trụ ở những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, hay Đà Nẵng.

2. Tại sao Baemin từng là tân binh giao đồ ăn đầy triển vọng?

Sau khi gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2019, Baemin cho thấy tiềm năng trở thành một ứng dụng giao hàng lớn. Trong một thị trường mà Grab Food và Shopee Food thống trị, sự xuất hiện của Baemin cùng bộ nhận diện màu xanh ngọc và chữ trắng bắt mắt đã trở thành một luồng gió mới.

Khởi đầu trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng ổn định và dồi dào nguồn vốn đầu tư cho startup, Baemin không ngại đổ tiền vào thị trường Việt Nam để có thể tăng độ nhận diện với người dùng Việt và tranh thị phần với hai ông lớn còn lại.

Kết quả của việc này là những chiến dịch truyền thông, marketing, và quảng cáo xuất sắc, khiến Baemin được lòng người dùng Việt, đặc biệt là giới trẻ.

24nov2023325156baemincover021653060093jpg
Một chiếc biển quảng cáo rất đáng yêu. | Nguồn: Brands Vietnam

Về phía các nhà hàng, họ nhận thấy mình được lợi lớn khi trở thành một phần trong hệ sinh thái của Baemin. Nguyên nhân là bởi Baemin biết tận dụng nguồn vốn của mình để giảm mức chiết khấu nhằm cạnh tranh với đối thủ. Họ cũng thu hút được đội ngũ tài xế công nghệ đông đảo ở nhiều tỉnh thành.

Cuối cùng, thành công của Baemin ở giai đoạn đầu còn nằm ở những mã giảm giá dành cho khách hàng. Có những thời điểm, bạn có thể mua một ly trà sữa Phúc Long với giá chỉ 20-25 ngàn trên Baemin, và không mất phí vận chuyển.

3. Covid khiến Baemin hụt hơi?

24nov2023doan170081362388317008136239501671037479jpg
Số liệu tính tới hết năm 2022. | Nguồn: Momentum Works/CafeF

Sau dịch Covid, các nhà hàng ưu tiên thắt chặt chi tiêu do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Mức chiết khấu từ 15-20% mà những ứng dụng giao hàng đặt trở thành mục tiêu cắt giảm.

Baemin của giai đoạn sau dịch những năm 2021, 2022 không còn là Baemin dồi dào tiền vốn như 2019, 2020 do tác động của mùa đông gọi vốn lẫn tình hình ảm đạm sau dịch. Ứng dụng này không thể đưa ra các mã giảm sâu như trước nên ít khách hơn.

Điều này khiến cho nhà hàng ít đơn mà lại phải chịu chiết khấu cao nên nhiều hộ kinh doanh đồ ăn ngưng hợp tác với app. Thị phần cứ thế thu hẹp dần mà không thể đòi lại nếu chỉ dựa vào những chiến lược truyền thông và marketing đơn thuần.

Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư không còn tin vào chiến lược bung tiền, mà giờ đây chỉ lựa chọn những đơn vị nào có sản phẩm thực sự nổi bật, chiến lược kinh doanh rõ ràng, và lộ trình thu lời nhanh chóng.

4. Khó khăn chung, sao chỉ mình Baemin ra đi?

Việc không có sản phẩm nào khác ngoài dịch vụ giao đồ ăn chính là điểm khác biệt sống còn giữa Baemin và Gojek, Grab, hay Shopee. Với nhiều sản phẩm khác nhau, các siêu ứng dụng như Grab có thể lấy mảng kinh doanh khác để bù lỗ cho mảng giao hàng.

Điều này cho thấy mô hình kinh doanh của Baemin mong manh thế nào trước khó khăn. Baemin suy cho cùng chỉ là một trong nhiều ứng dụng giao đồ ăn - và chỉ có mỗi mảng này - nên dòng tiền dần trở nên thưa thớt.

Những nguyên nhân khác tới từ việc ứng dụng chưa tạo được trải nghiệm tốt cho người dùng. Nhiều người chỉ ra rằng app Baemin hay giật, lag, lại không có nhiều hàng quán như những app khác. Có người thì đặt câu hỏi về cách tính khoảng cách và tính giá giao hàng của ứng dụng này.

5. Khi nào thì mùa đông gọi vốn kết thúc?

Dòng vốn thưa thớt cùng không khí ảm đạm của chiến sự và biến động kinh tế khiến các doanh nghiệp phải “rón rén” bước qua mùa đông gọi vốn.

Những doanh nghiệp lớn quyết định cắt giảm nhân sự và tinh giản bộ máy như một phương án đối phó tạm thời. Những doanh nghiệp nhỏ hơn với mô hình kinh doanh nhiều rủi ro hơn - như Baemin chẳng hạn - đã chết cóng trong mùa đông ấy.

Vào giữa năm nay, các trang tin tài chính và kinh tế như Wall Street Journal hay Financial Times đưa ra dự đoán rằng mùa đông gọi vốn sẽ kéo dài trong khoảng 12 tháng. Khi ấy, lạm phát và lãi suất ngân hàng đều cao ngất ngưởng, khiến nguồn vốn cho đầu tư mạo hiểm thưa thớt.

Thế còn hiện tại thì sao? Lạm phát và lãi suất có giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Làn sóng cắt giảm nhân công chưa thực sự chấm dứt, đặc biệt là ở khối ngành công nghệ. Tình hình chính trị thế giới nóng hơn bao giờ hết với hai xung đột lớn đang diễn ra.

Nếu như năm 2023 kết thúc với viễn cảnh này, thì khó mà có thể trông đợi vào một năm 2024 khởi sắc. Tất cả những gì ta có thể mong ngóng là sự phục hồi từng bước của nền kinh tế thế giới trong năm tiếp theo, trước khi mơ tới một 2025 bùng nổ.