Feeling known - Bạn đã biết đến ngôn ngữ tình yêu thứ 6? | Vietcetera
Billboard banner
28 Thg 10, 2023
Cuộc SốngThương

Feeling known - Bạn đã biết đến ngôn ngữ tình yêu thứ 6?

Cùng tìm hiểu “ngôn ngữ thứ 6” mới được phát hiện trong tình yêu.
Feeling known - Bạn đã biết đến ngôn ngữ tình yêu thứ 6?

Nguồn: Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera

Bạn thể hiện tình yêu của mình theo cách nào? Nói lời động viên khích lệ ngọt ngào, dành thời gian bên người thương hay ôm hôn họ thật nhiều?

Những yếu tố trên có tên gọi “chính thống” là ngôn ngữ tình yêu (love language), chỉ cách một người cho và nhận cảm giác yêu trong một mối quan hệ. Gary Chapman, cha đẻ của thuật ngữ này, đã chỉ ra 5 loại ngôn ngữ tình yêu chính:

  • Lời yêu (words of affirmation): Kiểu tình yêu thể hiện qua câu chữ ngọt ngào, mang tính khen ngợi và khích lệ.
  • Thời gian bên nhau (quality time): Những giây phút riêng tư và thân mật, dành trọn sự chú ý cho đối phương như xem phim hay thưởng thức bữa tối lãng mạn.
  • Quà tặng (gifts): Tình yêu thể hiện trong những món quà được chuẩn bị cẩn thận, tâm huyết và thấu đáo, chẳng hạn quà sinh nhật handmade.
  • Cử chỉ chu đáo (acts of service): Cảm giác được người thương chăm sóc và quan tâm từ những điều nhỏ nhặt: san sẻ việc nhà, bóc vỏ tôm.
  • Những cái chạm (physical touch): Tình yêu được xúc tác bởi những cử chỉ như ôm hôn, âu yếm, cưng nựng hay làm tình.

Đến đầu năm 2023, một tài khoản TikTok tên Yuna (@wethelees) đã đưa ra khái niệm về ngôn ngữ tình yêu thứ 6 - “feeling known”.

Yuna chia sẻ cô từng nghe chồng mình kể với người khác về nỗi sợ khi xem Stranger Things của cô. Điều này khiến Yuna ngạc nhiên bởi cô chưa từng kể chuyện này với chồng, và cô cảm nhận được sự thấu hiểu anh dành cho mình.

Thế nào là cảm giác “feeling known”?

“Feeling known” có thể hiểu là cảm giác con người thật của chính mình được người thương thấu hiểu và chấp nhận. Theo chuyên trang về tâm lý tình yêu Bonobology, đây là một chìa khoá quan trọng giúp giữ lửa tình yêu. Nó xuất phát từ sự tôn trọng những khác biệt và sở thích riêng của đối phương, cũng như thấu hiểu với lựa chọn của họ.

Theo nhà nhân chủng học Helen Fisher, feeling known là yếu tố quan trọng giúp “nâng cấp” mối quan hệ từ cấp độ ham muốn lên đam mê, và từ đam mê lên cam kết.

Ở cấp độ đam mê, sự kết nối về cảm xúc giúp hai người vượt qua những ham muốn thể xác, để cùng nhau chia sẻ những trải nghiệm mới mẻ khác. Ở cấp độ cam kết, sự thấu hiểu và chấp nhận những điều chưa hoàn hảo ở nhau sẽ giúp cặp đôi đi cùng nhau lâu dài.

Điều gì tạo nên cảm giác “feeling known”?

Cảm giác “feeling known” thường thể hiện qua 4 yếu tố chính:

Sự chấp nhận và tôn trọng

Người thương chấp nhận và tôn trọng bạn vì chính bạn, không buộc bạn phải thay đổi hoặc thoả hiệp theo mong muốn của họ.

Chẳng hạn bạn thích ăn mặc theo style tối giản, nhưng người ấy lại thích phong cách rực rỡ hơn. Dù vậy, bạn không cần phải thay đổi phong cách chỉ để mặc đồ đôi cùng nửa kia.

Không chỉ trích những khác biệt “kỳ quặc"

Bạn có thể có những thú vui “tội lỗi” khác biệt với số đông như ăn pizza dứa. Hoặc trong khi cả thiên hạ đều thích Harry Potter, bạn lại chưa từng đụng đến một quyển truyện hay phim nào của series này.

Dù vậy, người thương không bao giờ càm ràm bạn về việc này. Bởi họ hiểu mỗi người có những sở thích riêng, và điều này cần được tôn trọng.

Luôn có không gian an toàn cho đối phương

Trong mối quan hệ, bạn luôn cảm thấy an toàn để chia sẻ cùng người ấy những khía cạnh yếu đuối của bản thân. Việc xây dựng không gian an toàn về cảm xúc (emotionally safe space) là yếu tố quan trọng giúp xúc tác các cuộc trò chuyện sâu sắc, khiến cả hai hiểu về nhau nhiều hơn.

Không gian an toàn được tạo ra khi cả hai có thể trò chuyện một cách thoải mái mà không lo sợ bị đối phương đánh giá. Nhờ vậy, bạn cảm thấy được tôn trọng, thấu hiểu và lắng nghe mà không bị bất an.

26oct2023feelingknownint1jpg
Khi cảm thấy an toàn bên đối phương, bạn có thể thoải mái chia sẻ về khía cạnh dễ tổn thương của mình.

Cảm giác được lắng nghe, ghi nhận

Nửa kia luôn tạo cho bạn cảm giác được lắng nghe, đặc biệt là khi bạn chia sẻ về những điều nhỏ nhặt nhất. Họ nhận ra và ghi nhớ từng chi tiết về sở thích hay nỗi sợ của bạn, dù có thể bạn chưa từng kể với họ.

Ngay cả khi không có cùng sở thích hoặc mối quan tâm chung, họ vẫn dành thời gian lắng nghe bạn trò chuyện. Chẳng hạn bạn thích chơi game nhưng nửa kia lại không biết gì về nó. Khi bạn kể về game bạn đang chơi, người ấy vẫn nỗ lực lắng nghe và duy trì cuộc đối thoại trong một thời gian nhất định.

Làm sao để bồi đắp ngôn ngữ thứ 6 trong mối quan hệ?

Vì cấp độ thấu cảm cao, feeling known thường bị hiểu nhầm là “đặc sản” chỉ tồn tại ở các cặp đôi đã yêu nhau một thời gian. Tuy nhiên theo Bonobology, bạn hoàn toàn có thể phát triển khả năng này ngay từ giai đoạn mới quen biết đối phương.

Khác với 5 kiểu ngôn ngữ trên, ngôn ngữ thứ 6 này cần nỗ lực từ cả hai bên để xây dựng thành công. Quá trình này cũng cần nhiều thời gian hơn, nhưng đổi lại hai bạn sẽ nhận “quả ngọt” trong những giai đoạn sau của mối quan hệ. Bạn có thể áp dụng các bí quyết như:

Để ý chi tiết nhỏ ở đối phương

Đây là bước cơ bản giúp bạn nắm được những đặc điểm cụ thể trong tính cách, suy nghĩ và hành vi của đối phương, từ đó áp dụng rộng rãi ở nhiều khía cạnh.

Lấy ví dụ người ấy thích mùi chanh, bạn sẽ tự hiểu rằng họ thích uống trà chanh, và nến thơm hương chanh sẽ là món quà sinh nhật lý tưởng. Điều này thể hiện sự quan tâm bạn dành cho họ.

Bên cạnh sở thích, việc chú ý đến nỗi sợ của người ấy là yếu tố quan trọng. Nó giúp bạn hạn chế khả năng vô tình khơi dậy nỗi ám ảnh của họ, từ đó để lại ấn tượng không tốt.

Chẳng hạn nếu người ấy ghét tiếng nổ, thì việc gây bất ngờ bằng một chùm bóng bay trong tiệc sinh nhật họ chắc chắn là một nước đi vào lòng đất.

26oct2023feelingknownint2jpg
Việc “để ý tiểu tiết” sẽ giúp bạn ghi điểm với đối phương ngay từ giai đoạn mới quen nhau.

Giao tiếp thẳng thắn thay vì tự kết luận

Khi không rõ điều gì về đối phương, chúng ta có xu hướng nhanh chóng tự đi đến kết luận về họ. Điều này vô tình tạo khoảng cách giữa hai người, khiến việc giao tiếp không còn hiệu quả. Chẳng hạn nếu người yêu từng ly hôn nhiều lần, đừng vội kết luận họ “cả thèm chóng chán” và sẽ lặp lại điều đó với bạn.

Trong trường hợp này, bạn có thể giao tiếp thẳng thắn với họ để tìm hiểu kỹ nguyên nhân vì sao. Đôi khi quá trình này cần nhiều thời gian để đôi bên cùng mở lòng và tin tưởng lẫn nhau. Vì vậy, bạn nên cho đối phương thời gian để làm điều đó.