Guilty pleasure - Đã ưng quá chừng mà sao cứ phải giấu? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Guilty pleasure - Đã ưng quá chừng mà sao cứ phải giấu?

Khi bạn muốn xõa, nhưng lại sợ bị đánh giá.
Guilty pleasure - Đã ưng quá chừng mà sao cứ phải giấu?

Nguồn: Phim Weightlifting Fairy Kim Bok-joo

1. Guilty pleasure là gì?

Guilty pleasure (thú vui tội lỗi) chỉ những thứ ta rất mê nhưng đi ngược lại với ý kiến số đông. Bởi xung quanh chẳng có ai cùng hội cùng thuyền nên ta cảm thấy xấu hổ, sợ bị đánh giá, không dám bộc lộ sở thích đó ra ngoài.

Đó chính là cảm giác khi bạn hào hứng định kể về bộ phim vừa cày, nhưng chưa kịp mở lời thì tụi bạn đã thi nhau chê bai nó. Vậy là bạn im bặt, chẳng dám kể mình ghiền bộ phim đó thế nào. Hay khi đã “viêm màng túi”, bạn vẫn quyết chốt đơn bằng chiếc thẻ tín dụng còn chưa trả hết nợ tháng trước, vừa thanh toán vừa thấy tội lỗi.

Guilty pleasure còn có một lớp nghĩa khác là sở thích những thực phẩm không mấy lành mạnh (như đồ ăn nhanh, đồ ngọt). Đây là những đồ ăn mà ta biết là mình “không nên ăn”, nhưng khi được ăn thì sẽ có cảm giác vui sướng trong lo lắng.

21aug2023jacekdylagjo8c9bt3uo8unsplashjpg
Lương chưa về nhưng vẫn quyết tâm với đam mê chốt đơn. | Nguồn: Unsplash

2. Nguồn gốc của guilty pleasure

Khái niệm “vui sướng trong tội lỗi” vốn đã xuất hiện nhiều lần trong triết học cổ đại. Chẳng hạn theo Aristotle, niềm vui là đức hạnh nếu đi kèm với hành động đáng kính, và là tội lỗi nếu đi kèm “hành động xấu xa”. Plato cũng cho rằng, những niềm vui càng tiêu tốn ít nỗ lực trí tuệ thì ở đẳng cấp càng thấp.

Đến năm 1860, guilty pleasure được nhắc tới lần đầu trên tờ New York Times nhằm chỉ hoạt động mại dâm. Khi đó cụm từ vẫn mang đậm tính tiêu cực và tập trung nhiều vào khía cạnh “tội lỗi”. Cho đến giữa thế kỷ 20, sự phát triển của truyền thông dần làm thay đổi nét nghĩa gốc của cụm từ, khiến nó được hiểu như sự nuông chiều bản thân nhiều hơn.

Đến những năm 1990, công chúng trở nên cởi mở với guilty pleasure, thậm chí bàn luận về nó trên internet. Thuật ngữ từ đó được sử dụng với nét nghĩa như hiện tại.

3. Vì sao guilty pleasure phổ biến?

Guilty pleasure vẫn luôn là đề tài được bàn luận phổ biến trên mạng xã hội. Đặc biệt, hashtag #guiltypleasure đạt tới 357 triệu view trên TikTok, và được gắn vào gần 2 triệu bài đăng trên Instagram. Đây cũng là chủ đề yêu thích của truyền thông khi phỏng vấn người nổi tiếng, nhờ tính chất khó đoán và đánh vào tính tò mò của công chúng.

21aug2023screenshot20230821142951jpg
Vợ chồng Thái tử William và Công nương Kate cũng có “guilty pleasure” là ăn kem. | Nguồn: The Mirror

Bên cạnh đó, không ít hoạt động “nuông chiều bản thân” của chúng ta có thể được xếp vào guilty pleasure: cày phim dù deadline chất đống, uống trà sữa dù đang ăn kiêng hay lướt TikTok tới khuya dù phải đi làm sớm vào hôm sau. Vì vậy không có gì khó hiểu khi chúng ta dễ dàng kết nối và gợi mở câu chuyện với chủ đề này.

Ở một khía cạnh khác, guilty pleasure còn phần nào giúp bạn “kiến tạo” bản sắc cá nhân, gây ấn tượng trong các bối cảnh xã giao. Nó cũng có tác dụng bonding hữu hiệu khi bạn phát hiện người có cùng guilty pleasure với mình. Dù sở thích là công cụ gắn kết phổ biến, nhưng khi sở thích đó “độc và lạ”, hiệu ứng gắn kết của nó tăng lên rất nhiều lần.

Điển hình một người bạn của tôi từng phát hiện cả bạn và crush có chung sở thích ăn lòng mề. Vậy là bạn biến nó thành đề tài bắt chuyện, và giờ thì hai bạn đã yêu xa được hơn một năm nay!

Tận hưởng guilty pleasure thế nào cho “healthy và balanced”?

Dù mang lại nguồn dopamine khổng lồ, một số guilty pleasure sẽ phản tác dụng nếu chúng ta sa đà không lối thoát. Chẳng hạn việc ăn đồ ngọt hay thức khuya quá nhiều đều hại sức khỏe. Vậy làm thế nào để “enjoy cái moment này” sao cho có chừng mực?

Ấn định thời gian: Hãy để bản thân tận hưởng niềm vui sướng vừa vặn. Chẳng hạn bạn cho phép mình thức thêm 15 phút xem phim, thay vì thức tới 4 giờ sáng để cày hết season để rồi sáng hôm sau không dậy được.

Biến guilty pleasure thành phần thưởng: Cách này sẽ giúp bạn “nhân đôi” động lực, có thêm niềm hạnh phúc nho nhỏ khi hoàn thành mục tiêu. Được uống trà sữa khi làm xong bài, mua chiếc túi yêu thích khi đạt KPI tháng hoặc cheat day sau 5 ngày ăn kiêng đều là những cách giúp bạn tận hưởng niềm vui mà không còn cảm giác tội lỗi.

4. Cách sử dụng guilty pleasure?

Tiếng Anh

A: You look so tired at work today!

B: Yeah I know, I binge-watched an entire season of "Breaking Bad" last night. Haizz, that’s my guilty pleasure.

Tiếng Việt

A: Nay trông bà làm việc mệt thế bà!

B: Ừ tôi biết, tôi đã cày nguyên một mùa “Breaking Bad” đêm qua mà. Haizz, “thú vui tội lỗi” của tôi đấy.