Kinh nghiệm tiết kiệm tiền khi sống tự lập | Vietcetera
Billboard banner
20 Thg 11, 2019

Kinh nghiệm tiết kiệm tiền khi sống tự lập

Những ngày đầu sống tự lập, vấn đề khiến các bạn trẻ đau đầu nhất là quản lý tài chính cá nhân—một nỗi lo gần như bằng không khi vẫn còn sống cùng gia đình. Vì thế, nếu không chuẩn bị sẵn, những cú sốc về quản lý tài chính có thể sẽ khiến cuộc sống của bạn đảo lộn. Vietcetera sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền khi sống tự lập bằng 7 mẹo nhỏ sau đây.

Kinh nghiệm tiết kiệm tiền khi sống tự lập

Bạn là một sinh viên năm Nhất vừa đặt chân lên đất Sài Gòn nổi tiếng náo nhiệt lại đắt đỏ, bắt đầu cuộc sống tự lập và rời xa vòng tay của gia đình. Bạn vừa bước vào đời và phải học cách tự quản lý cuộc sống trên mọi khía cạnh. Bạn là bất kỳ ai như chúng tôi ngoài dòng đời náo nhiệt kia, đang tự mình bắt đầu một bước ngoặt mới trên hành trình trưởng thành, đó là sống tự lập.

Thời gian đầu sống tự lập sẽ không tránh khỏi một vài bỡ ngỡ và khó khăn, đau đầu nhất trong số đó chính là vấn đề quản lý tài chính cá nhân—một nỗi lo gần như bằng không khi vẫn còn sống cùng gia đình. Vì thế, nếu không chuẩn bị sẵn, những cú sốc về quản lý tài chính có thể sẽ khiến cuộc sống của bạn đảo lộn. Vietcetera sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền khi sống tự lập bằng 7 mẹo nhỏ sau đây.

1. Lập kế hoạch chi trả các hóa đơn trong tháng

Bạn có thể sử dụng các công cụ ghi nhớ để đánh dấu ngày chi trả các hóa đơn sinh hoạt. Một số gợi ý mà bạn có thể dùng là công cụ thủ công như sổ ghi chép đơn cử như Bullet Journal, hoặc ứng dụng quản lý chi tiêu trên điện thoại như Money Lover. Các ứng dụng giúp thanh toán hóa đơn cũng là một lựa chọn tiết kiệm, nhờ những chương trình khuyến mãi, ưu đãi thường nhật cho khách hàng.

Việc lập kế hoạch giúp bạn quản lý các khoản chi tiêu phát sinh một cách dễ dàng hơn, tránh những trường hợp như chợt nhớ ra mai là sinh nhật đứa bạn thân rồi mới cuống cuồng kiểm tra số tiền còn lại trong tài khoản.

Một điều quan trọng hơn cả, đó là việc lập kế hoạch chi tiêu sẽ giúp bạn nắm cụ thể nguồn thu và chi của mình mỗi tháng, từ đó có kế hoạch tiết kiệm sao cho hợp lý. Trích một phần nhỏ trong nguồn thu hàng tháng đưa vào quỹ tiết kiệm. Đời người luôn biến chuyển khôn lường, vì thế lúc nào bạn cũng nên giữ lại một khoản tiền phòng thân cho những lúc cấp bách.

Việc lập kế hoạch chi tiêu sẽ giúp bạn nắm cụ thể nguồn thu và chi của mình mỗi tháng từ đó có kế hoạch tiết kiệm sao cho hợp lý
Việc lập kế hoạch chi tiêu sẽ giúp bạn nắm cụ thể nguồn thu và chi của mình mỗi tháng, từ đó có kế hoạch tiết kiệm sao cho hợp lý.

2. So sánh hóa đơn của các tháng liền kề, nếu có sự chênh lệch lớn thì phải biết lý do tại sao

Nếu có bất kỳ thay đổi nào vượt khỏi kế hoạch chi tiêu ổn định mỗi tháng, bạn đều phải nắm rõ nguyên nhân. Từ đó, xem xét nguyên nhân đến từ tác động khách quan hay chủ quan để điều tiết cho hợp lý.

Ví dụ như, tháng hè vừa rồi, hóa đơn tiền điện nước tăng cao so với các tháng còn lại là do trời nóng dẫn đến mức tiêu thụ nhiều hơn, hay do vấn đề rò rỉ nước, ghi tiền điện sai? Hóa đơn mua sắm vượt mức tháng trước vì tháng này bạn có một vài lý do đặc biệt như đi dự đám cưới của đồng nghiệp, đi du lịch xa cùng gia đình,… hay chỉ vì bạn đã chi tiêu quá tay cho mấy gian hàng giảm giá trong siêu thị? Khi nhìn nhận được nguyên nhân, bạn sẽ tìm cách kiểm soát được nó.

3. Khi mua đồ điện, đồ gia dụng cần lưu ý công suất và mức tiêu thụ điện

Khi mua đồ điện hay đồ gia dụng, ngoài vấn đề giá cả và chất lượng, mức tiêu thụ điện cũng là một yếu tố cần phải lưu tâm. Đặc biệt là khi chọn những đồ điện như tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh,… hãy ưu tiên sản phẩm có tem “smart inverter”. Đây là tính năng giúp bạn tiết kiệm điện hơn nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng vận hành và độ bền cao. Các bạn trẻ vừa bắt đầu cuộc sống tự lập thường không để ý đến chi tiết nhỏ này, nhưng nó lại có ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của bạn.

Khi chọn những đồ điện như tủ lạnh máy giặt máy lạnh… hãy ưu tiên sản phẩm có tem “smart inverter”
Khi chọn những đồ điện như tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh,… hãy ưu tiên sản phẩm có tem “smart inverter”.


4. Hạn chế ăn ngoài

Việc hạn chế ăn ngoài không chỉ giúp tiết kiệm tiền mà còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của chúng ta. Thường xuyên ăn ở hàng quán bên ngoài đòi hỏi mức chi tiêu cao hơn, do phải chịu thêm thuế, chi phí mặt bằng, nhân viên, phí phục vụ,… nên giá cả của thức ăn ngoài hàng quán luôn cao hơn nhiều so với giá trị thực.

Vì thế, nếu bạn có thể tự nấu ăn tại nhà thì sẽ tiết kiệm được một khoản chi tiêu không nhỏ, đồng thời có thể chủ động về thành phần dinh dưỡng cũng như đảm bảo mức độ an toàn và sạch sẽ hơn.

5. Nấu ăn cho nhiều bữa một lượt

Nếu bạn có cuộc sống bận rộn và phải sống một mình mà lại muốn tiết kiệm, vậy thì nấu ăn chính là một kỹ năng thiết yếu bạn cần tự trang bị cho mình. Vậy nấu ăn thế nào là chất lượng nhưng vẫn tiết kiệm? Câu trả lời là: nấu một lần ăn cả tuần. Bạn chỉ cần dành thời gian một lần nhưng có thể chuẩn bị thức ăn cho một tuần dài, tiết kiệm được kha khá thời gian.

Yếu tố tạo nên sự tiết kiệm đáng kể cho phương pháp nấu ăn này chính là chi phí nguyên liệu thực phẩm. Việc mua thực phẩm kiểu “nhỏ giọt” sẽ đắt hơn là mua số lượng lớn cho cả tuần. Nếu mua số lượng lớn ở chợ sẽ còn trả giá được nhiều hơn. Bên cạnh đó, các siêu thị cũng thường đưa ra mức giá ưu đãi khi mua một món hàng với số lượng lớn.

Bạn có thể dành thời gian một lần để chuẩn bị thức ăn cho một tuần dài vừa tiết kiệm được thời gian công sức vừa tiết kiệm tiền bạc
Bạn có thể dành thời gian một lần để chuẩn bị thức ăn cho một tuần dài, vừa tiết kiệm được thời gian công sức, vừa tiết kiệm tiền bạc.

Đồng thời, đừng quên đăng ký thẻ thành viên ở siêu thị bạn hay lui tới để được hưởng các chương trình khuyến mãi thường kỳ. Bạn sẽ tiết kiệm được kha khá chi tiêu dựa vào phương pháp này đấy.

6. Mua sắm với bạn bè

Thỉnh thoảng, bạn băn khoăn vì một món hàng giá hời nhưng khối lượng hoặc dung tích lại quá lớn, chẳng hạn như một chai toner, một lọ nước hoa. Trong trường hợp này, tìm một hoặc một vài người bạn để cùng mua chung và chiết ra chai nhỏ, bạn vừa sẽ có được lượng sản phẩm nhiều hơn chai nhỏ, nhưng với giá rẻ hơn là tự bỏ tiền mua chai dung tích lớn.

Các trang bán hàng online luôn có ưu đãi cho hóa đơn từ một mốc tiền cố định trở lên, thậm chí là miễn phí giao hàng và đi kèm quà tặng. Bạn có thể tận dụng những ưu đãi này bằng cách rủ bạn bè cùng mua sắm.

7. Đặt mục tiêu tiết kiệm

Sau khi đã cắt giảm được một phần chi tiêu không cần thiết như ăn uống, mua sắm, việc quan trọng tiếp theo là đặt mục tiêu tiết kiệm. Điều này sẽ giúp bạn nhắc nhở bản thân chi tiêu hợp lý và kìm hãm những mong muốn nhất thời.

Bạn có thể tham khảo chức năng “goal save”, tài khoản tiết kiệm online. Một số ứng dụng ngân hàng còn có tính năng tự đóng tài khoản khi tới số dư nhất định. Chẳng hạn, nếu đặt hạn mức là 10 triệu, khi số tiền trong tài khoản thẻ quá 10 triệu thì số dư sẽ được chuyển sang tài khoản tiết kiệm. Số tiền trong tài khoản tiết kiệm này chỉ có thể rút khi đến thời hạn. Trước thời hạn đó, nếu muốn rút tiền thì bạn phải ra ngân hàng. Điều này sẽ giúp bạn tránh những trường hợp “nổi hứng” tiêu tiền nhất thời.

Kết

Học cách chi tiêu là một quá trình thiết yếu và cần một thời gian lâu dài. Đây cũng là bước đầu để bạn học cách ổn định cuộc sống tự lập, không để tiền bạc trở thành một nỗi lo âu, mỗi ngày đều trong tình trạng chạy đua và “thắt lưng buộc bụng” sau những đợt tiêu tiền chóng vánh và không cần thiết. Về lâu dài, học cách quản lý chi tiêu sẽ là tiền đề mang đến cho bạn một cuộc sống cân bằng và bền vững hơn.

Bài viết này được thực hiện bởi Linh Bùi.

Xem thêm:

[Bài viết] Money blueprint tác động đến cách bạn tiêu tiền như thế nào?

[Bài viết] 5 Cơ hội kiếm tiền trong thời đại công nghệ