Làm việc chăm chỉ để lương cao hơn? - Những điều cần biết để kỳ vọng phù hợp | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
26 Thg 12, 2023

Làm việc chăm chỉ để lương cao hơn? - Những điều cần biết để kỳ vọng phù hợp

Người ta thường bảo "chăm chỉ hơn" không đồng nghĩa với "lương cao hơn". Nhưng nếu không nhờ làm việc chăm chỉ hơn thì việc tăng lương phù thuộc vào những yếu tố nào?
Làm việc chăm chỉ để lương cao hơn? - Những điều cần biết để kỳ vọng phù hợp

Nguồn: Liza Summer/ Pexels

Theo kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2023 có đến 76,2% người lao động tình nguyện làm thêm giờ để nâng mức thu nhập của mình. Nếu công ty bạn có chế độ trả lương tăng ca thì làm thêm giờ sẽ mang lại lợi ích tài chính tức khắc, nhưng nó cũng mang đến những ảnh hưởng về hiệu suất lâu dài.

Thế nên, để lương tăng, bạn không chỉ cần phát triển bản thân, làm việc thật chăm chỉ, gây ấn tượng với sếp, mà còn phải dựa vào rất nhiều yếu tố khác.

Chẳng hạn như sáng suốt hoà vào dòng chảy của những biến động thị trường mà mình không thể kiểm soát. Giống như một thuyền trưởng trên con thuyền của mình, ông sẽ chỉ huy được đoàn viên của mình nhưng không thể điều khiển được thời tiết hay hướng gió.

Bài viết sau chỉ bàn về việc tăng lương, không bàn đến việc tăng thu nhập.

Những yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng lương mà bạn có thể kiểm soát

1. Nâng cấp chuyên môn và năng lực bản thân

Không ngừng học tập và trau dồi các kỹ năng đồng nghĩa với nâng cao giá trị của bản thân và mức lương mình xứng đáng nhận được.

Đồng thời, làm thật tốt công việc và thể hiện bản thân đúng mức sẽ khiến bạn được chú ý cho đợt tăng lương tiếp theo. Tuy nhiên, những người sếp thấu đáo sẽ muốn bạn làm việc thông minh và đảm bảo hiệu suất lâu dài hơn là "bán mình" cho công việc rồi hụt hơi sau đó.

2. Dám nhận trách nhiệm mới

Người xứng đáng được tăng lương sẽ có khả năng nhận những trách nhiệm mà người khác không dám nhận hoặc có ảnh hưởng lớn đến sự thành công của công ty.

3. Trau dồi kỹ năng đàm phán

Tổng hợp lại các thành tựu để làm dẫn chứng và sử dụng khôn khéo khả năng đàm phán sẽ giúp bạn dễ dàng thuyết phục sếp tăng lương.

4. Nuôi dưỡng các mối quan hệ

Ngoài mở rộng và nuôi dưỡng các mối quan hệ bên trong công ty, bạn có thể tận dụng các buổi hội thảo hay mạng xã hội như LinkedIn để gặp gỡ và làm giàu các mối quan hệ bên ngoài. Điều này không chỉ giúp bạn tăng độ nhận diện bản thân mà còn là cơ hội để học hỏi thêm nhiều điều mới.

5. Tìm hiểu thị trường và mở lòng cho những cơ hội mới

Hiểu rõ về mức lương tối thiểu trong ngành sẽ giúp bạn đàm phán mức lương phù hợp. Đồng thời, bạn cũng sẽ biết được công ty với mức phụ cấp và những đợt tăng lương phù hợp.

Đồng thời, hãy mở lòng và tìm hiểu những công ty với phúc lợi cao hơn để đưa ra những quyết định sự nghiệp khi cần thiết nhé.

Nguồn Cowomen Pexels
Nguồn: Cowomen/ Pexels

Những yếu tố bạn không thể kiểm soát

1. Tình hình kinh tế

Những yếu tố khách quan ảnh hưởng trên phạm vi rộng như suy thoái kinh tế, lạm phát hay khủng hoảng tài chính sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính của công ty.

2. Tiêu chuẩn và xu hướng ngành

Tiêu chuẩn ngành là phạm vi mức lương cơ bản được trả cho một số vị trí trong ngành. Tiêu chuẩn ngành có thể thay đổi dựa vào nhu cầu tuyển dụng trong nội bộ ngành hay còn gọi là xu hướng ngành.

Bạn có thể tham khảo các ứng dụng tra cứu lương và cố vấn tăng lương để có cái nhìn tổng quan về thị trường lao động, chẳng hạn như Bamboo Careers. Điều này giúp bạn định vị bản thân ở đâu giữa sự biến động không ngừng của ngành bạn nói riêng và thị trường nói chung.

3. Tình hình doanh nghiệp

Cho dù bạn đã nỗ lực đóng góp cho công ty nhưng lợi nhuận đi lên hay đi xuống là do công sức của toàn thể nhân viên cũng như tình hình kinh tế. Việc lợi nhuận thấp hơn cũng sẽ ảnh hưởng tới ngân sách chi trả cho các phúc lợi hoặc tăng lương cho nhân viên.

4. Chính sách lương của công ty

Một số công ty sẽ đưa ra những chính sách giới hạn mức lương hay phụ cấp tối đa mà bạn được nhận.

5. Tự động hoá và tiến bộ khoa học

Tỷ lệ lao động trong các ngành nghề có nguy cơ tự động hóa cao ở Việt Nam đang là 70% (Theo Vneconomy). Điều này đang làm dấy lên nhiều lo ngại cho những lao động ở vị trí ít chuyên môn và có ảnh hưởng, dù không trực tiếp, đến cơ cấu lương và tiền lương của mọi người.

Vì sao cần biết về những tác nhân không thể kiểm soát?

Vì có thể hiện tại bạn đã làm hết sức rồi. Việc tăng lương không chỉ đơn thuần dựa vào những nỗ lực tự nhận thức "mình chưa tốt ở điểm nào" và liên tục phát triển bản thân.

Hiểu rõ về tiêu chuẩn ngành ngay từ những ngày đầu xin việc sẽ giúp bạn đặt ra những kỳ vọng thực tế về mức lương mình được nhận. Từ đó bạn sẽ hình thành cho mình khả năng đàm phán tốt hơn.

Ngoài ra, hiểu được những tác nhân bên ngoài như chính sách trả lương sẽ hỗ trợ bạn định hình sự nghiệp tương lai. Bạn có thể so sánh được việc mình thăng chức hay đổi công ty sẽ mang lại nhiều giá trị hơn. Hay giữa thời kỳ nền kinh tế chung đang suy thoái hay công ty bạn có lợi nhuận giảm so với quý trước, liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để xin tăng lương.

Biết mình có gì và biết thích nghi theo những thay đổi của môi trường là bạn đã gần chạm đến một cột mốc trong hành trình tăng lương của mình. Tuy nhiên, quyết định ấy còn phụ thuộc vào những người có thẩm quyền và bạn sẽ cần vận dụng những kiến thức mình có để thuyết phục họ như thế nào.

Câu chuyện lương bổng khi làm công thường xuyên nằm trong nhóm chủ đề "khó nói". Nhưng mọi sự chuẩn bị sẵn sàng sẽ luôn giúp chúng ta tự tin hơn. Và hành trình này của bạn có sự đồng hành của Bamboo Careers.

Bài viết được thực hiện bởi Tường Nguyễn.