Muốn bất khả chiến bại khi xin việc? Hãy tìm “Kiến thức Đặc dụng” của riêng bạn | Vietcetera
Billboard banner

Muốn bất khả chiến bại khi xin việc? Hãy tìm “Kiến thức Đặc dụng” của riêng bạn

Tìm một việc bạn làm hoài không chán nhưng với người khác lại như tra tấn, bạn đã biết kiến thức đặc dụng của mình là gì chưa?
Muốn bất khả chiến bại khi xin việc? Hãy tìm “Kiến thức Đặc dụng” của riêng bạn

Nguồn: Pexels.

“Nỗi sợ bị thay thế” là chuyện không của riêng ai trên thị trường lao động cạnh tranh. Ngay cả IT một thời là “vua của mọi nghề” cũng đang mất ưu thế tại Mỹ. Theo thống kê từ The Wall Street Journal, tỉ lệ thất nghiệp IT đã tăng đến 4,3% so với 3,8% bình quân cả nước ở nửa cuối năm 2023.

Giữa guồng cạnh tranh đó, có phải chỉ cần chuyên môn cao là bạn đã cầm chắc bàn thắng khi đi xin việc?

Hơn cả chuyên môn, có một khái niệm mới mang tên "specific knowledge" (tạm dịch: kiến thức đặc dụng), giúp bạn vững vàng trên thị trường lao động.

Trích từ quyển sách nổi tiếng The Almanack of Naval Ravikant đạt top 1 Amazon Best Seller, khái niệm "kiến thức đặc dụng" được doanh nhân Naval Ravikant nghiên cứu sau thời gian gây dựng đỉnh cao sự nghiệp của ông. Vậy kiến thức đặc dụng là gì, và làm sao để bạn tìm thấy nó?

Kiến thức đặc dụng là gì?

Kiến thức đặc dụng (specific knowledge) là những việc bạn say mê làm 24/7 không chán, nhưng với người khác thì lại như tra tấn. Bạn luôn tò mò muốn được làm việc này, trong khi người khác thì chịu thua.

Tác giả Naval Ravikant so sánh hành trình tìm ra “kiến thức đặc dụng” giống như một siêu anh hùng tìm cách giải quyết vấn đề thế giới. Một điều mà chỉ có bạn mang đến được cho cộng đồng và thế giới quanh bạn, chứ không phải ai khác, giúp bạn tiến gần hơn với sự "độc nhất vô nhị".

alt
Một việc bạn làm sáng đêm tối ngày không chán, nhưng người khác thì chịu thua, đó là gì? | Nguồn: Pexels.

Ví dụ một kỹ sư mân mê hộp số của xe Wave để tìm hiểu cách xe hoạt động, trong khi bạn thấy nó chán phèo và… chịu chết nếu mình phải làm việc này. Người kỹ sư đã sở hữu “kiến thức đặc dụng” là cách vận hành máy móc - điều mà họ càng làm càng thích, giúp họ trụ vững trên thị trường lao động.

Kiến thức đặc dụng không thể được học từ trường lớp nơi mọi đứa trẻ đều tiếp cận cùng một nguồn kiến thức như nhau. Trái lại, đây là những công việc thuộc phạm trù kỹ năng bẩm sinh và mang tính cá nhân cao.

Một số ví dụ kiến thức đặc dụng:

  • Kỹ năng “sale”, đàm phán và nắm bắt tâm lý con người chớp nhoáng.
  • Khả năng mò mẫm nghiên cứu suốt hàng giờ liền không mệt.
  • Khả năng đọc lướt nhưng nắm ý nhanh hơn mọi người.
alt
Naval Ravikant gợi ý bộ kỹ năng đơn lẻ nhưng lợi hại, giúp bạn đánh vào một “ngách” của công việc và tỏa sáng trong chính chiếc ngách ấy | Nguồn: ANA LORENA FABREGA.

Đọc đến đây, có công việc nào hiện lên trong đầu bạn chứ?

Làm sao để tìm ra kiến thức đặc dụng cho riêng mình? 3 Dấu hiệu nhận biết

Bạn không coi đó là công việc, trong khi người khác thì có

Hiểu đơn giản, đây là việc mà bạn tận hưởng như đang… chơi, dù người khác phải loay hoay tìm cách làm tốt nó. Dù “chơi” nhưng bạn vẫn tạo ra giá trị và mang về thu nhập cho bản thân. Điều này tạo nên lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn khi bạn đi đường dài với công việc này.

Ngay cả khi tính chất công việc áp lực cao, như gặp gỡ đàm phán khách hàng, bạn vẫn thoải mái đón nó như một “ván game” vì kỹ năng ăn nói bẩm sinh giúp bạn tự tin mình làm tốt việc này hơn ai khác.

Càng làm, bạn càng sản sinh năng lượng… làm tiếp

Nếu bạn tự hỏi vì sao có những người dành tận 30 tiếng xem Oppenheimer và mò mẫm kiến thức cơ học lượng tử để xem, họ sở hữu kiến thức đặc dụng về nghiên cứu và độ tò mò nhất định để làm việc này mãi không chán. Thời gian dường như trôi rất nhanh khi bạn làm những công việc này.

alt
Càng làm công việc này, bạn càng được tiếp thêm năng lượng làm tiếp và kết quả là thời gian trôi qua rất nhanh | Nguồn: Pexels.

Tương tự như khi bạn ngả lưng nghe nhạc, đọc sách, thả lỏng cơ thể sau một ngày dài, bạn cũng hạnh phúc tương tự khi được làm đúng kiến thức đặc dụng của mình.

Một công việc chân ái sẽ sản sinh hormone “hạnh phúc” Dopamine liên hồi, cho bạn động lực và năng lượng làm, làm nữa, làm mãi.

Không ai có thể “dạy” bạn kiến thức này, ngoài bản thân bạn

Vì mang tính cá nhân cao, kiến thức đặc dụng của mỗi người được tạo ra từ vô vàn trải nghiệm, hoàn cảnh, xuất thân rất khác nhau. Chính bạn phải là người phát triển kiến thức đặc dụng của riêng mình, và sự hỗ trợ từ giáo sư đại học hay vị sếp đáng mến chỉ mang tính tham khảo.

“Thứ duy nhất bạn có thể học được từ giảng viên đại học, là cách để trở thành một… giảng viên đại học y như họ” - Naval chia sẻ, nhấn mạnh rằng bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội tìm ra kiến thức đặc dụng của bản thân nếu chạy theo các lộ trình rèn luyện chung của người khác.

Tìm ra được ngách này, bạn sẽ khó bị thay thế hơn trên thị trường lao động thách thức.

Vì kiến thức này không thể hình thành tự sự gò ép, hãy cho bản thân bạn nhiều thời gian để nghiền ngẫm những gì bạn thích. Tự nhiên, nhẹ nhàng và thoải mái, đây sẽ là khởi đầu để bạn tìm ra chân ái sự nghiệp của mình.