Nếu mục tiêu không mang lại giá trị, hãy từ bỏ nó | Vietcetera
Billboard banner
07 Thg 02, 2021
Kinh DoanhLàm Việc Hiệu Quả

Nếu mục tiêu không mang lại giá trị, hãy từ bỏ nó

Theo Mark Manson càng sớm buông bỏ những mục tiêu không có lợi cho mình, chúng ta càng có thời gian để chuyển sang một mục tiêu khác tốt hơn.
Nếu mục tiêu không mang lại giá trị, hãy từ bỏ nó

Nguồn: Allan Mas/Pexels

Tiếp nối bài viết "Mục tiêu không thể chỉ có một, cũng không thể quá nhiều", dưới đây là phần tiếp theo của bài viết "The Surprising Science of Goal Setting (And Why You’re Probably Doing It Wrong)", được đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.

Hãy thành thật nhé. Chúng ta đều tệ trong việc biết rằng điều gì làm ta hạnh phúc. Chúng ta cũng tệ trong khoản biết rằng điều gì mình có thể làm và không. Chúng ta còn tệ trong việc đoán trước điều gì mà mình sẵn sàng đánh đổi. Và chúng ta tệ trong việc xác định khả năng của mình.

Vì thế, cũng dễ hiểu khi nói rằng chúng ta tệ trong việc chọn những mục tiêu có lợi cho mình.

Không phải lúc nào bạn cũng thành công khi đặt mục tiêu

Thỉnh thoảng, mục tiêu tốn quá nhiều nỗ lực so với giá trị thực của chúng. Thỉnh thoảng, mục tiêu mà ta nghĩ là khả thi lại chẳng hề dễ dàng. Thỉnh thoảng, khi gần chạm đến mục tiêu thì ta phát hiện ra mình chẳng tận hưởng nó chút nào.

alt
Mục tiêu không phải lúc nào cũng đáng với nỗ lực của ta| Nguồn: Shutterstock

Lý do mà thất bại đáng giá hơn thành công là bởi vì thất bại cho chúng ta biết mình thực sự nên theo đuổi điều gì.

Trở về website của tôi vào năm 2010. Tôi thất bại thảm hại trong việc phát triển một trang web dành cho nam giới. Về cơ bản, tôi đã chuyển đổi công việc của mình thành công việc của một người chịu trách nhiệm nội dung mà không nhận ra rằng mình sẽ ghét nó. Tôi xa lánh hàng nghìn độc giả của mình, những người đến website để đọc bài mà tôi viết chứ không phải của người khác. Tôi đã hoàn toàn chuyển hướng mô hình kinh doanh của mình mà chẳng hề nhận ra. Và rồi tôi nhận thấy rằng mình sẽ sớm phải dựa vào doanh thu quảng cáo nếu muốn làm ra tiền.

Thế là tôi bỏ việc.

Những mục tiêu đầy tham vọng mà tôi đã có trong từng ấy năm biến mất. Tôi để tất cả những người viết ra đi. Website của tôi trở về với định dạng blog. Và tôi bắt đầu lại sau vài tháng như thể những gì trước đây chưa hề diễn ra.

Tôi từ bỏ và/hoặc thất bại trước tất cả mục tiêu mà mình đặt ra ở đầu năm ấy.

Và tôi đã trở nên tốt hơn nhờ vào điều đó.

Mục tiêu là cách để bạn biết mình muốn hoặc không muốn gì

Giá trị của mục tiêu không phải dựa vào những gì ta đạt được, mà vào hướng đi mà nó cho ta. Mục tiêu hướng ta đến những gì mà chúng ta mong muốn trong cuộc sống và cho ta động lực để bước tiếp. Nhưng nếu trên đường đi, chúng ta nhận ra rằng mình chẳng mong muốn nó nữa, chúng ta nên dừng lại!

Rất nhiều người sẽ thất vọng về việc này. Đối với họ đây là thất bại. Thế thì sao? Thất bại là bình thường. Thất bại là cách mà chúng ta học hỏi. Càng sớm thất bại, chúng ta càng có thời gian tìm một mục tiêu khác tốt hơn, thay vì cứ mãi đuổi theo những thứ vớ vẩn.

Mỗi năm, tôi có 4-5 mục tiêu cho mình. Sau đó, tôi chia nhỏ mục tiêu theo từng quý và tháng.

Nhìn chung, tới tháng 6 của năm, một nửa mục tiêu của tôi đã thay đổi theo cách nào đó. Đến cuối năm, tôi thường sẽ bỏ ít nhất một trong số chúng bởi vì tôi học được rằng nó không phải là điều mình muốn. Và tới tháng 8 thì tôi thay đổi hoàn toàn các mục tiêu của mình.

alt
Mỗi năm tôi đều có khoảng 4-5 mục tiêu mà lin hoạt thay đổi nó| Nguồn: Unsplash

Những người linh hoạt với các mục tiêu của mình thường đạt được kết quả tốt hơn, so với những kẻ cứng đầu theo đuổi nó, đặc biệt là khi những mục tiêu ấy chẳng đi đến đâu.

Khi mục tiêu không còn phục vụ bạn, bạn chỉ việc từ bỏ

Từ bỏ những mục tiêu xa vời hoặc chẳng có ích gì cho bạn mang lại nhiều lợi ích. Chẳng hạn như bớt đi áp lực trong cuộc sống, cảm thấy tự tin hơn, ít các vấn đề về sức khỏe, chất lượng giấc ngủ được cải thiện, giảm các triệu chứng trầm cảm và thấy tích cực hơn.

Hãy nhớ rằng, mục tiêu là thứ bạn tự tạo ra. Không ai chấm điểm bạn cả. Không ai trừng phạt bạn bởi vì bạn không đạt được nó. Chúng chỉ có giá trị nếu mang lại lợi ích cho bạn. Vì thế, nếu mục tiêu chẳng có ích gì, bạn chỉ việc từ bỏ nó!

alt
Buông bỏ mục tiêu giúp bạn cải thiện tinh thần| Nguồn: Shutterstock

Sự thật là, chúng ta chẳng thể biết được rằng liệu mục tiêu có phù hợp với mình không cho đến khi ta thử nó. Chúng ta thường không biết mình muốn gì đến khi chúng ta đạt được hoặc cố gắng đạt được nó. Chúng ta nhiều khi không biết những gì mình trân trọng cho đến khi chúng ta sống theo những giá trị đó.

Mục tiêu chỉ là một cách để chúng ta thử nghiệm. Nếu chúng ta nhận ra mục tiêu đó không phục vụ những gì ta mong muốn và trân trọng, chẳng có gì xấu hổ nếu ta buông bỏ chúng và đi tìm những mục tiêu mới.

Được chuyển ngữ bởi Trân Lê