Nhà nghiên cứu kiếm tiền như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner

Nhà nghiên cứu kiếm tiền như thế nào?

Công việc nghiên cứu khoa học có thực sự "lộc lá" như trên phim?
Nhà nghiên cứu kiếm tiền như thế nào?

Nguồn: Pexels

Trên các phim siêu anh hùng Hollywood, thường có một nhà nghiên cứu nhận tiền tài trợ của các công ty tư nhân, sau đó “hóa điên” và trở thành phản diện. Đây là một kịch bản thường thấy, nhưng không hoàn toàn tương xứng với cách “kiếm cơm” của những học giả ngoài đời thực.

Trên thực tế, các học giả có thể có nhiều nguồn thu nhập khác nhau nếu biết tận dụng hết khả năng của mình. Công việc của họ thường gắn liền với các trường đại học hay các viện nghiên cứu, hoặc cũng có thể là các công ty hay đơn vị nghiên cứu tư nhân.

Tuy nhiên, để có thể “hái ra tiền” với một công việc liên quan tới tri thức thì một nhà nghiên cứu có rất nhiều thứ để đánh đổi và cố gắng. Vậy các nhà nghiên cứu kiếm tiền như thế nào?

1. Lương và tiền giảng dạy

Các học giả và nhà nghiên cứu thường kiêm trách nhiệm là các giảng viên trong trường đại học. Họ sẽ được trả lương cứng với một số giờ dạy cố định theo tháng, cùng với những công việc khác mà một giảng viên phải làm như chấm bài hay làm giáo án.

Nếu một nhà nghiên cứu quyết định đầu quân cho đại học công lập, mức lương của họ sẽ tính theo hệ số lương theo quy định của nhà nước. Theo cách tính này, một giảng viên đại học công lập sẽ có mức lương khoảng từ 10 tới 12 triệu đồng mỗi tháng.

Tuy nhiên, con số trên có thể tăng nếu nhà nghiên cứu quyết định “đầu quân” cho các đại học tư hay các đại học tự chủ tài chính. Một ví dụ điển hình cho trường hợp này là Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

Sau ba năm thí điểm tự chủ tài chính, thu nhập bình quân của cán bộ giảng viên tại đây đã tăng từ khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng lên khoảng 22 triệu đồng. Thu nhập không chỉ tăng trong khối giảng viên, mà còn ở khối hành chính và các phòng ban khác trong trường.

Lương và tiền giảng dạy cũng phụ thuộc vào học hàm, học vị của nhà nghiên cứu. Một thạc sĩ hẳn sẽ có mức thu nhập thấp hơn một phó giáo sư trong cùng ngành.

28jun2022judithbutlerdurchmisstdiejpg
Triết gia, nhà nghiên cứu Judith Butler trên bục giảng. | Nguồn: Der Tagesspiegel

Bên cạnh lương và tiền giảng dạy là một số khoản phụ cấp khác và tiền dạy thêm giờ nếu giảng viên dạy vượt số giờ quy định. Một giảng viên thuộc biên chế của một trường đại học vẫn có thể ký hợp đồng dạy với những trường khác để tăng thu nhập và đáp ứng nhu cầu giảng viên ở những nơi thiếu hụt.

2. Tiền nghiên cứu

Đúng với danh xưng “nhà nghiên cứu,” các dự án nghiên cứu ở nhiều cấp độ khác nhau là một trong những nguồn thu nhập chính của họ. Các nhà nghiên cứu tham gia vào dự án sẽ nhận được tiền công và một số khoản phụ cấp phục vụ cho quá trình tiến hành nghiên cứu.

Với các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, tức cấp độ cơ bản nhất, nhà nghiên cứu có thể nhận được từ 25 tới 30 triệu đồng cho mỗi đề tài trong một năm. Đơn vị chủ trì và tài trợ cho những đề tài này là các trường đại học hoặc các khoa trong trường, các viện nghiên cứu, hay các đơn vị chính sách trực thuộc nhà nước.

Với các đề tài cấp cao hơn như cấp nhà nước, con số con thể gấp nhiều lần số thu nhập ở đề tài cấp cơ sở. Tuy nhiên, chỉ những nhà nghiên cứu cấp cao nhất và có những ảnh hưởng nhất định mới được giao phó những dự án này.

Các đề tài nghiên cứu cấp cơ sở không có nhiều, các đề tài cấp cao hơn như cấp quốc gia thì lại càng ít hơn. Vì thế, không phải nhà nghiên cứu nào cũng có cơ hội tham gia liên tục vào các dự án nghiên cứu.

Mặt khác, việc trả tiền công nghiên cứu được thực hiện từ trên xuống dưới, tức từ người chủ biên đề tài tới những người cùng tham gia. Do đó, khoản tiền nghiên cứu sẽ phải chia nhỏ ra thành những phần không bằng nhau cho nhiều người.

Trong trường hợp nhà nghiên cứu tìm ra một phát kiến có tính đột phá, họ có thể “chào mời” nghiên cứu của mình cho các công ty tư nhân để phát triển và nhận vốn hỗ trợ. Các công ty có thể chọn mua lại hoàn toàn công trình nghiên cứu, hoặc tài trợ cho công trình đó.

3.“Viết ra tiền”

Xuất bản là công việc mà nhà nghiên cứu bắt buộc phải làm để có thể thăng tiến trong sự nghiệp của mình. Họ sẽ viết các bài báo hoặc bài công bố trên các chuyên trang nghiên cứu vừa để “trình làng” những tri thức mới mà họ tìm được, vừa để làm dày hồ sơ nghiên cứu và đáp ứng các tiêu chí để đạt học hàm, học vị.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các nhà nghiên cứu không kiếm ra tiền từ ngạch xuất bản này. Thay vào đó, nhà nghiên cứu kiếm tiền từ việc viết sách. Sản phẩm sách của nhà nghiên cứu thường là sự tổng kết của công trình nghiên cứu chính mà họ theo đuổi.

28jun2022f35e7668f6fe11e693502e995a9a3302jpg
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang trong buổi ra mắt cuốn "Thiện", "Ác" và Smartphone. | Nguồn: Ybox

Nhà nghiên cứu còn có lựa chọn dịch sách hoặc hiệu đính sách, chứ không nhất thiết phải viết một sản phẩm sách mới hoàn toàn. Mặt khác, cũng có nhiều người chọn viết về những chủ đề chẳng liên quan gì tới lĩnh vực của họ.

Ví dụ cho trường hợp này là T.S Đặng Hoàng Giang, một kỹ sư tin học và tiến sĩ kinh tế với nhiều đầu sách về bệnh trầm cảm và các chủ đề xã hội.

Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu có thể góp bút cho các đơn vị báo chí hoặc truyền thông để kiếm thêm thu nhập. Họ có thể tự gửi bài tới các báo, hoặc các báo sẽ đặt bài viết từ họ và đăng bài trên danh nghĩa ý kiến độc quyền của chuyên gia.

Một ví dụ điển hình cho mô hình này là sự cộng tác giữa Vietcetera và nhiều học giả như T.S Võ Đình Trí, T.S Đặng Hoàng Giang, hay PGS.TS Nguyễn Phương Mai.

Bước chuyển từ nhà nghiên cứu thành ký giả có thể đem lại khoản lợi nhuận đều đặn cho một người nghiên cứu. Họ sẽ nhận được tiền nhuận bút từ việc viết hoặc dịch sách, đi kèm với tiền hoa hồng cho lượng sách bán ra được. Vì thế, mỗi dự án viết hay dịch khác nhau sẽ mang lại một mức thu nhập khác nhau.

Thông thường, mỗi ký giả sẽ nhận khoảng 10% tiền hoa hồng từ số lượng in ấn. Với những ai cộng tác cũng các đơn vị báo chí, họ có thể nhận từ vài trăm ngàn tới khoảng hai triệu đồng cho mỗi bài viết, tùy thuộc vào nội dung, dung lượng bài, và đơn vị họ làm việc cùng.

4. Nói cũng ra tiền

Một cách “kiếm cơm” của các nhà nghiên cứu là trở thành diễn giả hoặc người dẫn dắt trong các buổi hội thảo, buổi nói chuyện, hay các sự kiện trước công chúng. Những sự kiện này cần có những ý kiến chuyên sâu của các chuyên gia, và đây chính là phần việc mà các nhà nghiên cứu có thể đóng góp.

Để kiếm tiền từ nguồn này, nhà nghiên cứu cần khéo léo sử dụng danh tiếng học thuật của mình từ những bài công bố hay báo cáo nghiên cứu. Bên cạnh đó, kỹ năng nói và diễn đạt lưu loát trước đám đông cũng là một kỹ năng bổ trợ cần thiết để có thể “nói ra tiền.”

Với sự phát triển mạnh của các mô hình sự kiện trực tuyến, nhà nghiên cứu có thể trở thành diễn giả ngay tại nhà mình. Thu nhập từ việc làm diễn giả có thể tính theo giờ hoặc trả toàn bộ cho một sự kiện. Số tiền mà một người có thể nhận tùy thuộc vào danh tiếng và khả năng thương lượng với ban tổ chức.

Trung bình, một nhà nghiên cứu sẽ nhận được khoảng 1,5 triệu đồng tới 3 triệu đồng cho mỗi giờ nói, tùy vào sự kiện và tầm vóc của diễn giả. Những nhà nghiên cứu có “số má” hơn có thể có những mức trả cao hơn lên tới 5 triệu một giờ hoặc hơn.

Kết

Công việc nghiên cứu không đơn thuần chỉ là nghiên cứu, mà còn kéo theo nhiều trọng trách khác trong các trường đại học. Các dự án nghiên cứu cũng không có nhiều để đáp ứng cho nhu cầu thu nhập của tất cả các nhà nghiên cứu.

Vì thế, một nhà nghiên cứu ắt phải tận dụng tối đa các nguồn thu trong phạm vi công việc, hoặc làm thêm những ngành nghề khác.

Nếu một nhà nghiên cứu thành công trong việc tìm một đơn vị để thương mại hóa nghiên cứu thành sản phẩm tiêu dùng, đó thực sự là viễn cảnh “trong mơ” mang về khối thu nhập khổng lồ. Tuy nhiên hướng đi này không những rất khó, mà còn bị hạn chế trong khối nghiên cứu khoa học tự nhiên.

Sự bất bình đẳng về thu nhập giữa hai khối tự nhiên và xã hội trong giới nghiên cứu cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Các công ty cũng như các quỹ nghiên cứu sẽ dễ chi tiền cho một nghiên cứu về hạt giống lúa, hơn là một nghiên cứu xã hội học.