Nhà xuất bản truyện tranh kiếm tiền như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner

Nhà xuất bản truyện tranh kiếm tiền như thế nào?

Với đầu tư về thời gian, tiền bạc và chuyên môn để đưa những quyển manga đến tay độc giả, các nhà xuất bản đã tạo ra nguồn thu lợi nhuận cho mình bằng cách nào?
Nhà xuất bản truyện tranh kiếm tiền như thế nào?

Nguồn: Nikkei Asia

Truyện tranh Nhật Bản (manga) là món ăn tinh thần cho mọi lứa tuổi với các thể loại phong phú khác nhau. Thực trạng này không chỉ ở riêng Việt Nam, mà còn phổ biến trên toàn thế giới.

Theo số liệu của AJPEA, năm 2020 doanh thu từ ngành công nghiệp xuất bản truyện tranh đã vượt con số 600 tỷ yên, tương đương 5,7 tỷ đô.

Với con số 2,26 tỷ ấn bản mỗi năm (trung bình 17 quyển/người), chiếm 40% tổng số ấn bản sách báo, truyện tranh, đã và đang đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho thị trường xuất bản chỉ riêng Nhật Bản.

1. Tiền nhượng quyền truyền thông

Có thể hiểu hệ sinh thái truyện tranh là mối liên kết được tạo nên từ tổng thể xoay quanh bộ manga gốc như phim hoạt hình anime dài tập, phim điện ảnh, live action, games, sản phẩm may mặc.

Các mối liên kết này phối hợp chặt chẽ với nhau vừa hỗ trợ sáng tạo, phát triển nên một hệ thống sản phẩm phái sinh từ truyện tranh. Nó vừa giúp tăng hiệu quả quảng bá, vừa tạo nguồn kinh phí quay trở lại phục vụ hoạt động sáng tác và xuất bản.

Tất cả đều quy về cho nhà sản xuất manga, vốn là đơn vị chịu trách nhiệm chính cho tác quyền và giá trị doanh thu cho tác giả và tác phẩm.

alt
Một trong những điểm cốt lõi tạo nên nguồn thu nhập của các nhà xuất bản truyện tranh nói riêng và ngành sáng tạo hình ảnh nói chung, là thông qua việc bán các sản phẩm được nhượng quyền truyền thông.

Trong suốt 3 năm từ 2016 - 2019, bộ Kimetsu no Yaiba (Thanh gươm diệt quỷ) chỉ bán được khoảng 3,5 triệu bản in. Con số này lập tức tăng lên gấp nhiều lần ngay sau khi anime lên sóng. Doanh thu của manga đã tăng lên mức cao kỷ lục, bán được hơn 82 triệu bản in chỉ trong năm 2020 và đến năm 2022, bộ truyện đã bán được hơn 150 triệu bản trên toàn thế giới.

Ngoài ra, Demon Slayer: Mugen Train, bộ phim điện ảnh anime được chuyển thể từ một tập truyện của Thanh gươm diệt quỷ đã phá vỡ gần như tất cả các kỷ lục phòng vé trên toàn thế giới. Từ đó trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu hơn 57 tỷ yên (500 triệu USD). Khoản phí được trao cho nhà xuất bản Shueisha để có bản quyền của câu chuyện là 4 triệu yên (34.767 đô).

Đến thời điểm hiện tại, Kimetsu no Yaiba đã thu về hơn 300 tỷ yên (hơn 2,5 tỷ đô) cho tất cả các bản truyện và sản phẩm đi kèm, biến Thanh gươm diệt quỷ thành một trong những con gà đẻ trứng vàng của NXB Shueisha.

Con số chính xác lợi nhuận của nhà xuất bản sẽ không được công bố chính xác là bao nhiêu khi các sản phẩm chuyển nhượng được ra mắt. Nhưng có chắc chắn rằng, một bộ manga thành công trong việc phủ sóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, sẽ góp phần thúc đẩy doanh số bán manga - nguồn thu nhập chính của các nhà xuất bản.

2. Phát hành chuyên trang truyện tranh

Những nhà xuất bản manga lớn nhất tại Nhật đều sở hữu cho mình các chuyên trang truyện tranh được phát hành hàng tuần hoặc tháng. Trong mỗi số phát hành sẽ đăng tải chương truyện mới của từng bộ manga. Những cái tên nổi bật có thể kể đến là:

  • NXB Kodansha: Nakayoshi, Afternoon. Manga tiêu biểu: Attack on titan
  • NXB Shueisha: Weekly Shonen Jump, Weekly Young Jump. Manga tiêu biểu: One Piece, Bleach, Jujutsu Kaisen
  • NXB Shogakukan: Shonen Sunday, Big Comic. Manga tiêu biểu: Doraemon, Thám tử lừng danh Conan
alt
Những nhà xuất bản manga lớn nhất tại Nhật đều sở hữu cho mình các tạp san truyện tranh được phát hành hàng tuần hoặc tháng.

Tập san truyện tranh được xem là bước đệm để thu hút thêm tệp khách hàng của nhà xuất bản đó. Theo chu kỳ mỗi tuần, tháng hoặc từ 2 -3 tháng, họ sẽ cho đăng tải một chương mới từ các đầu truyện khác nhau của các mangaka độc lập.

Với những chương truyện được độc giả phản hồi tích cực, nhà xuất bản sẽ tập hợp các chương và phát hành thành một cuốn truyện hoàn chỉnh.

Bên cạnh việc thu lợi nhuận từ các sản phẩm in ấn, các chuyên trang thời trang còn phát triển cho riêng mình phiên bản kỹ thuật số trên website và ứng dụng. Tuần san Shonen Jump còn phát triển nền tảng website và ứng dụng, cho phép người độc giả thưởng thức các chương truyện với mức phí đăng ký giá $1,99/tháng.

Con số này khi nhân với 2,4 triệu users Shonen Jump đã có (vào năm 2019), ước tính mang về cho NXB Shueisha 4,7 triệu đô-la mỗi tháng.

3. Tiền bán bản quyền

Manga từ lâu đã không chỉ là sản phẩm mang tính giả trí của Nhật Bản mà nó còn là chất liệu để xuất khẩu văn hóa. Một trong những nguồn thu chính của nhà xuất bản đến từ việc bán bản quyền cho một nhà xuất bản tại đất nước khác.

Để những bộ manga như Thám tử lừng danh Conan, Doraemon, Thủy thủ mặt trăng,... xuất hiện tạo thị trường Việt Nam, các NXB Việt Nam như NXB Trẻ, Kim Đồng,... đã phải làm việc với các NXB tại Nhật để thầu bộ truyện về nước mình.

Những con số này thường không được tiết lộ, nhưng chắc chắn không phải là con số nhỏ, lợi nhuận sẽ càng tăng tỉ lệ thuận với số bản quyền cho nhiều nước khác nhau.

4. Doanh thu sản phẩm dựa trên số lượng đầu bìa bán ra

Nguồn doanh thu bền vững và thiết yếu nhất của các nhà xuất bản tất nhiên đến từ lợi nhuận của việc phát hành sản phẩm. Tùy thuộc vào mức niêm yết giá bìa và khoản khấu trừ các chi phí sản xuất của bộ truyện, số tiền kiếm được của mỗi nhà xuất bản là khác nhau.

alt
Một trong những nguồn thu chính của nhà xuất bản đến từ việc bán bản quyền cho một nhà xuất bản tại đất nước khác. | Nguồn: NXB Kim Đồng

Nguồn thu từ số lượng sản phẩm bán ra là phần quan trọng nhất trong miếng bánh doanh thu của mỗi nhà xuất bản. Muốn bán được nhiều sản phẩm thì đi kèm với nó phải có kế hoạch truyền thông dài hạn như:

  • Phát hành song song bản thường và bản đặc biệt
  • Box set
  • Quà tặng kèm như bìa rời, bookmark
  • Tạo sự kiện cho fan
  • Giao lưu cùng tác giả quốc tế

Manga Chú thuật hồi chiến (Jujutsu Kaisen) phát hành tại thị trường Việt Nam bởi NXB Kim Đồng đã phát hành song song cả 2 phiên bản thường và đặc biệt.

Chỉ tính riêng tập một, bản thường được tặng kèm thẻ bo góc còn bản đặc biệt có bọc bảo vệ sách kèm. Số lượng 40,000 bản in cho bản thường với mức giá 30.000 VND. Số lượng 10,000 bản in cho phiên bản đặc biệt với mức giá 65.000 VND. Nếu lợi nhuận là 5%, NXB Kim Đồng đã thu về trung bình hơn 90 triệu cho tập đầu tiên của Jujutsu Kaisen.

5. Phát hành những sản phẩm độc quyền

Một bộ manga khi đã có một lượng người đọc trung thành và một hệ sinh thái liên kết chặt chẽ, độc giả sẽ tìm đến không chỉ vì muốn đọc mà còn vì sưu tầm mang tính độc quyền. Do đó, lợi nhuận của nhà xuất bản sẽ đến từ việc phát hành các sản phẩm in ấn độc quyền, có số lượng giới hạn.

Bộ truyện Vua Bóng chuyền (Haikyuu!!), NXB Shueisha đã mở bán độc quyền một bộ thẻ bài 52 lá cho người hâm mộ với mục đích sưu tầm.

Bộ truyện One Piece bên cạnh chính truyện, NXB Shueisha còn hút ví người hâm mộ bởi những tập truyện spin-off cuộc đời các nhân vật, dưới hình thức phát hành giới hạn số lượng.

Kết

Một bộ manga thành công không chỉ góp phần mang đến lợi ích về mặt kinh tế cho các nhà xuất bản mà còn giúp phổ biến nền văn hóa Nhật Bản vượt xa ra khỏi biên giới đất nước.

Bên cạnh những vấn đề về doanh thu, nhà xuất bản còn đóng vai trò bảo trợ tác quyền cho tác giả và đứa con tinh thần của họ. Vậy nên, bản quyền là một trong những yếu tốt cần được lưu ý.

Bên cạnh đó, lợi nhuận dành cho đội ngũ sáng tạo một bộ truyện cũng là một yếu tố cần lưu ý, nhằm góp phần xây dựng một hệ sinh thái manga phát triển và bền vững.