Nhạc trưởng Nguyễn Phú Sơn: Kỷ luật giúp ta sáng tạo có chọn lọc | Vietcetera
Billboard banner

Nhạc trưởng Nguyễn Phú Sơn: Kỷ luật giúp ta sáng tạo có chọn lọc

“Những tràng pháo tay sau những nốt nhạc cuối cùng cất lên là phần thưởng xứng đáng nhất dành cho nghệ sĩ ở buổi hòa nhạc thành công.”
Nhạc trưởng Nguyễn Phú Sơn: Kỷ luật giúp ta sáng tạo có chọn lọc

Nhạc trưởng Nguyễn Phú Sơn | Nguồn: Photosynthesis Concert

Là nhạc trưởng trẻ nhất Việt Nam, Nguyễn Phú Sơn - một cái tên không còn xa lạ gì với những dàn nhạc giao hưởng hay các chương trình biểu diễn, hoà nhạc lớn nhỏ. Nhạc trưởng sinh năm 1991 cũng là người góp phần phổ biến cây đàn Clavecin (tổ tiên của cây đàn Piano) tại Việt Nam hiện nay.

Anh bắt đầu với những buổi học Piano đầu tiên vào năm 16 tuổi, cho đến nay đã là 15 năm học tập làm việc và chinh chiến qua những dàn nhạc lớn nhỏ từ châu Âu đến Việt Nam.

1. Trau dồi những kỹ năng khác nhau để làm việc trong môi trường đa văn hoá

Nếu như những người nghệ sĩ Violon thường có nhạc cụ của riêng, họ hiểu và đã chơi quá quen trên cây đàn của mình, thì người nghệ sĩ Piano không phải lúc nào cũng có thể biểu diễn trên cây đàn của họ. Trong những chương trình khác nhau, họ buộc phải làm quen với nhạc cụ mới một cách nhanh chóng.

Hoà nhạc "Kỷ niệm 250 năm ngày sinh nhà soạn nhạc Beethoven" | Nguồn: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Tương tự như vậy, đối với nhạc trưởng, đó luôn là người phải làm việc với nhiều dàn nhạc khác nhau trong mỗi buổi hoà nhạc. Bằng kinh nghiệm của mình, Nguyễn Phú Sơn cho rằng: "Mỗi dàn nhạc đều phản ứng với cú đũa của nhạc trưởng theo những cách khác nhau. Từng dàn nhạc là cá tính riêng, trình độ riêng với những truyền thống chơi các tác phẩm theo phong cách riêng. Những truyền thống này được hình thành và phát triển qua hàng chục, hoặc thậm chí trăm năm trong lịch sử mỗi dàn nhạc."

Ví dụ, với dàn nhạc châu Âu, phong cách làm việc của họ sẽ khác với một dàn nhạc châu Á. Đồng thời, việc chỉ huy một dàn nhạc chuyên nghiệp sẽ rất khác so với một dàn nhạc sinh viên.

Do vậy, để có thể cân bằng được điều này, người nhạc trưởng cần sự linh động rất lớn trong kỹ thuật dàn dựng tác phẩm, chỉ huy và cách đối nhân xử thế. Đặc biệt là đối với từng dàn nhạc mà họ làm việc. Sự thoả hiệp giữa nhạc trưởng và dàn nhạc là một điều kiện cần.

Ngoài ra đối với một người chỉ huy dàn nhạc, Nguyễn Phú Sơn cho rằng, hãy luôn tìm tòi, luyện tập và sáng tạo ở cả chuyên môn lẫn cuộc sống. Kinh nghiệm chỉ đến từ những thực hành mới có được. Anh quan niệm, bên cạnh việc nắm bắt những cơ hội đến với mình, còn phải tự tạo ra cơ hội và học hỏi.

Nguyễn Phú Sơn chỉ huy và trình diễn đàn Clavecin trong Christmas Concert tại Nhà thờ Lớn Hà Nội | Nguồn: Nguyễn Thành Trung

“Một người nhạc trưởng tâm huyết phải luôn gắn bó với nghề và làm tốt công việc của mình ở những lĩnh vực âm nhạc khác nhau. Hãy phát huy những điểm mạnh của mình, và bằng mọi cách làm tốt ở những lĩnh vực khác của nghề.” - Anh cho biết.

Hiểu được điều này và giữ được tình yêu thuần khiết, tuyệt đối trong âm nhạc mới là cách phát triển lâu bền.

2. Tối giản ngôn ngữ truyền đạt để đạt hiệu quả tối đa trong công việc

Lý giải điều này, Nguyễn Phú Sơn cho rằng: "Khi dàn dựng tác phẩm với dàn nhạc, nhạc trưởng cần tối giản ngôn ngữ lúc chỉ dẫn. Họ phải nói ngắn gọn, xúc tích. Điều này không chỉ mang lại thông tin chính xác cho nhạc công, mà còn giúp tiết kiệm thời gian và làm buổi tập hiệu quả."

Tại các buổi biểu diễn, khi lên tiếng là điều không thể, thì kỹ thuật chỉ huy là yếu tố sống còn. Đó là sự ra hiệu, hướng dẫn dàn nhạc bằng ngôn ngữ cơ thể. Và cao hơn nữa là sự diễn tả âm nhạc bằng cả thần thái để tạo ra cảm xúc, động lực cho dàn nhạc.

Với nhạc trưởng Phú Sơn, các động tác này được hiểu là dành cho dàn nhạc, chứ không phải là dành cho khán giả thưởng thức như nghệ thuật múa. Chính vì thế, những sự tạo dáng và trưng trổ của một chỉ huy trong dàn nhạc là điều không cần thiết và nên tránh.

Christmas Concert 2020 tại Nhà thờ Lớn Hà Nội | Nguồn: Nguyễn Thành Trung

Một chỉ huy có kinh nghiệm và dày dặn thực tế phải ý thức được tầm quan trọng của mỗi giai đoạn là như nhau. Để từ đó biết cách phát huy những kỹ năng chuyên môn khác nhau của một người nhạc trưởng.

“Đơn giản, bạn hãy hiểu công việc mà một nhạc trưởng cần làm với một dàn nhạc có thể chia ra làm hai giai đoạn, trong các buổi tập và trong buổi biểu diễn. Dù ở giai đoạn nào, nhạc trưởng luôn phải là người đưa ra cho dàn nhạc những gì họ cần để có thể chơi tốt, chơi hay.” - Nguyễn Phú Sơn đúc kết.

3. Chuẩn bị kỹ lưỡng - sự đảm bảo cho buổi biểu diễn thành công

Trước buổi tập hay biểu diễn, người nhạc trưởng phải dành nhiều thời gian nghiên cứu và học tác phẩm để làm việc với dàn nhạc. Họ phải chơi qua tác phẩm đấy trên đàn piano, sau đó phân tích tác phẩm cụ thể.

Nguyễn Phú Sơn trong một buổi tập của dàn nhạc | Nguồn: Nguyễn Thành Trung

Nguyễn Phú Sơn chia sẻ, trong quá trình phân tích tác phẩm, anh cũng sẽ lên ý tưởng, đoạn này sẽ nên chơi thế nào, đoạn kia to nhỏ ra sao, nhanh hay chậm. Từ đó tính xem doạn nào thì dàn nhạc sẽ gặp khó khăn về kỹ thuật, đoạn nào cần dựng kỹ và đoạn nào có thể chơi một cách trôi chảy mạch lạc.

"Một nhạc trưởng cần phải làm công đoạn này rất kỹ. Nó không chỉ để hiểu âm nhạc của tác phẩm hay đẩy những ý tưởng cá nhân của mình vào đó, mà còn là sự chuẩn bị để sắp xếp và điều phối thời gian cho các buổi tập. Từ đó làm cho các buổi tập hiệu quả hết mức có thể." - Anh cho biết.

Những người nhạc trưởng trên thế giới dù kinh nghiệm đến đâu cũng vẫn lo lắng hay căng thẳng trước khi làm việc với dàn nhạc. Xác suất về sự rủi ro hay những điều nằm ngoài kế hoạch, dự đoán là thứ chúng ta không thể lường được.

Nhạc trưởng là người chịu trách nhiệm toàn bộ cho chất lượng một chương trình với một tập thể, từ hàng chục đến hàng trăm con người. Vậy nên, chỉ huy là một công việc nhiều áp lực và căng thẳng.

Nguyễn Phú Sơn và dàn nhạc Hanoi Philharmonic trong hoà nhạc "Baroque Extravaganza" | Nguồn: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Với những người nhạc trưởng như Nguyễn Phú Sơn: "Thứ duy nhất có thể thưởng thức đó là âm nhạc. Những tràng pháo tay khi tiếng nhạc kết thúc là phần thưởng xứng đáng nhất dành cho nghệ sĩ ở một buổi hoà nhạc thành công."

4. Chỉ huy là người biết dùng kinh nghiệm của mình để dẫn đường và truyền cảm hứng

"Không chỉ điều khiển cho dàn nhạc chơi bằng những động tác chỉ huy của mình, người nhạc trưởng cần hướng dẫn họ chơi thế nào để hợp lý hơn. Cuối cùng là kết nối các nhạc công với nhau trong những chỗ cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bè. Hãy cho họ những lời khuyên, gợi ý đúng với những gì mà dàn nhạc cần. - Nguyễn Phú Sơn chia sẻ.

Ở góc độ chuyên môn, người nhạc trưởng không được phép lặp đi lặp lại các động tác như đã được lập trình trong cả quá trình tập và diễn. Động tác chỉ huy thường phụ thuộc vào việc dàn nhạc đang cần gì trong lúc chơi. Vì vậy mà nhạc trưởng phải luôn sát sao với dàn nhạc.

Hoà nhạc gây quỹ Photosynthesis tại Nhà hát Lớn Hà Nội | Nguồn: Photosynthesis Concert

Kinh nghiệm làm nghề cho Nguyễn Phú Sơn những ý thức về tầm quan trọng và sự cân bằng giữa nhạc cảm và nhạc lý. Với anh, nhạc trưởng phải truyền cảm hứng cho dàn nhạc trong cả quá trình luyện tập và biểu diễn.

Về mặt nhạc lý, phải rõ ràng và chính xác với các động tác chỉ huy khi cần thiết. Nhất là lúc dàn nhạc gồm hàng chục con người đang cần một người dẫn đường để có thể bám vào.

Nếu chẳng may ai đó lỡ nhịp, thì có lẽ nhạc trưởng là người duy nhất cứu được cả tác phẩm và đưa người đó chơi đúng trở lại. Đây cũng là trách nhiệm của người dẫn dắt dàn nhạc - sao cho một buổi biểu diễn của dàn nhạc đó chất lượng nhất có thể.

5. Chọn lọc để theo đuổi những giá trị nghệ thuật bền vững

Xét ở góc độ khách quan, theo Nguyễn Phú Sơn, nền âm nhạc cổ điển của Việt Nam đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, để sớm bắt kịp được những nước láng giềng có nền âm nhạc cổ điển phát triển mạnh ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay gần đây là Trung Quốc,... thì chúng ta cần phải dần tăng tốc.

Phú Sơn biểu diễn trong Christmas Concert 2020 | Nguồn: Nguyễn Thành Trung

Dưới góc nhìn của mình, anh cho rằng: " Tại Việt Nam, nhạc cổ điển đang ở trong môi trường cạnh tranh cực kỳ khốc liệt với các dòng nhạc khác - dễ nghe, dễ học và phổ biến hơn. Âm nhạc cổ điển có một thị trường riêng biệt. Tuy nhiên, sự phổ cập âm nhạc cổ điển còn quá nhỏ và sức lan toả vẫn kém so với các thể loại âm nhạc khác.

Một lầm tưởng phổ biến đó là chúng ta cho rằng nhạc cổ điển là văn hoá của phương Tây và là thứ xa lạ không phù hợp để phát triển tại một đất nước Á Đông. Tuy nhiên không phải thế, nó ở quanh ta và rất gần gũi.

Ví dụ điển hình là những năm 1990, nhạc dự báo thời tiết của Đài Việt Nam ai cũng đều cảm thấy giai điệu đó hay hay, vui vẻ và quen thuộc. Nhưng không phải ai cũng biết tên. Đó là bản Concerto Bốn Mùa của Vivaldi.

"Nhạc cổ điển xuất hiện rất nhiều ở các phương tiện thông tin đại chúng. Từ phim hoạt hình, quảng cáo cho đến Video của những Youtuber nổi tiếng. Người ta nghe cái gì quen thuộc thì sẽ thấy hay. Đây vừa là một trong những cách giải quyết vấn đề, đồng thời cũng là lý do cho việc đẩy mạnh sự lan toả âm nhạc cổ điển trong xã hội hơn nữa." - Anh nói.

Nguyễn Phú Sơn giới thiệu về âm nhạc Baroque trong chương trình Evolution tại Viện Goethe Hà Nội | Nguồn: Yen Nhi Cao

Cho đến nay, vẫn luôn có nhiều cuộc tranh cãi về vấn đề một bộ môn nghệ thuật mà không thể đem lại lợi nhuận thì nó sẽ tự đào thải. Nhưng xét cho cùng, nghệ thuật nên có mục đích cao cả nhất là nâng cao thẩm mỹ, làm đẹp cho tâm hồn và khích lệ khả năng sáng tạo.

Chúng ta hãy hy vọng đến một ngày, những người bạn quốc tế đến Việt Nam không chỉ để xem múa rối nước, nghe hát chầu văn, mà còn tới để thưởng thức những buổi hòa nhạc của các nghệ sĩ âm nhạc cổ điển Việt Nam.