Đã tròn 2 thập kỷ kể từ lần xuất bản đầu tiên của Women Don't Ask (Tạm dịch: Phụ nữ không hỏi). Trong một nghiên cứu từ quyển sách này, đàn ông có xu hướng đàm phán lương cao gấp 8 lần phụ nữ. Và theo tạp chí Forbes, hiện nay vẫn còn nhiều người tin rằng phụ nữ ít lên tiếng về tiền lương hơn.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng phụ nữ tham gia lực lượng lao động tăng lên đáng kể, tạo nên nhiều sự xoay chuyển trong thị trường lao động. Dẫu vẫn còn nhiều bất bình đẳng về giới, phụ nữ đã âm thầm từng bước đấu tranh quyền lợi cho bản thân, bộc lộ năng lực chuyên môn của mình giống như cách các đồng nghiệp nam mạnh dạn thể hiện bấy lâu.
Điều này đặc biệt được thể hiện rõ trên các nền tảng trực tuyến mà mọi người dùng để mở rộng kết nối trong công việc, tiêu biểu là LinkedIn. Vậy cụ thể hơn, phụ nữ đang làm gì trên LinkedIn?
1. Tạo hồ sơ chuyên nghiệp
LinkedIn hiện tại đang là trang mạng xã hội tốt nhất cho doanh nghiệp và những cá nhân muốn mở rộng kết nối trong công việc của mình. Có rất nhiều ý kiến cho rằng đàn ông quan tâm đến sự nghiệp của họ hơn và LinkedIn vẫn là một mạng xã hội nơi nam giới chiếm ưu thế. Trong khi đó, Facebook, Instagram hay Pinterest mới là những trang mạng xã hội cho phụ nữ.
Tuy nhiên, trong một thập kỷ vừa qua, lượng người dùng là nữ của LinkedIn tăng từ 35% lên 43%. Riêng ở Việt Nam, con số này chiếm tới 51.6%. Cayla Dengate, chuyên gia tư vấn của LinkedIn chia sẻ rằng công ty này đang nỗ lực để cải thiện tình trạng mất cân bằng về giới, tức là sẽ ngày càng có nhiều phụ nữ được khuyến khích tham gia LinkedIn hơn.
Không chỉ xuất hiện nhiều hơn, phụ nữ thậm chí còn tận dụng tốt nền tảng này hơn nam giới. Harvard Business Review cho biết sự hoàn thiện của tài khoản LinkedIn sẽ tỉ lệ thuận với tiền lương của người sử dụng. Điều này càng đúng hơn đối với phụ nữ, khi phụ nữ có tài khoản LinkedIn hoàn chỉnh có thu nhập cao hơn 8.8% so với những phụ nữ còn lại, trong khi chỉ số tương ứng ở đàn ông là 3.1%.
Lý do là bởi một khi phụ nữ cung cấp nhiều thông tin và xây dựng được hồ sơ chi tiết, nó sẽ đặt cho nhà tuyển dụng một góc nhìn khách quan, họ có nhiều dữ liệu hơn để đánh giá năng lực của ứng viên thay vì chỉ dùng cái nhìn định kiến phụ nữ sẽ làm không tốt bằng đàn ông.
Vì thế, chưa cần phải kèn trống khoa trương, chỉ riêng việc phụ nữ trau chuốt sự hiện diện trực tuyến (digital presence) của mình cũng đã góp phần rất lớn trong công cuộc rút ngắn bất bình đẳng về lương giữa nam và nữ.
2. Khai thác tiềm năng kết nối của phụ nữ
Hoàng hậu của Fulbe, Ashanti Ghana, bà Ameenata Koita, người sở hữu gần 13,000 lượt theo dõi trên LinkedIn chia sẻ rằng chúng ta có thể tận dụng lợi ích của LinkedIn, qua đó, kết nối phụ nữ trên nền tảng này tạo thành một công động giúp đỡ lẫn nhau.
Không chỉ riêng bà Ameenata, số lượng phụ nữ nắm giữ các vị trí cao xuất hiện ngày càng nhiều trên LinkedIn trong những năm vừa qua. Họ cũng dùng sức ảnh hưởng của mình để giúp đỡ thêm nhiều phụ nữ.
Jerrilynn Thomas, chiến lược gia về Marketing và Hợp tác của LinkedIn cho rằng lý do lớn nhất hạn chế phụ nữ sử dụng LinkedIn là do họ không hiểu hết tiềm năng kết nối của nền tảng này. Cô đã thành công kết nối hàng ngàn phụ nữ có sức ảnh hưởng trên LinkedIn qua dự án Smart Women Partner của mình.
Tại sự kiện kết nối lớn nhất của dự án trong năm vừa qua, Jerrilynn đã mời tới 5 diễn giả từ nhóm 100 chủ doanh nghiệp nữ của cô. Họ cùng đồng tình rằng giới nữ kết nối với nhau tốt hơn trên LinkedIn nhờ khả năng giao tiếp khéo léo và trực giác thiên phú. Phụ nữ có thể dễ nhận diện được người phù hợp với họ để mở rộng mạng lưới quan hệ những người cùng chung chí hướng.
Khi tận dụng được tiềm năng này, phụ nữ sẽ có khả năng kết nối với những mentor kinh nghiệm, tiếp cận cơ hội việc làm tốt hơn và nguồn kiến thức vô tận. Từ đó, mở đường dẫn lối cho hàng ngàn phụ nữ khác tiến bước theo
3. Truyền động lực để sẵn sàng lên tiếng vì quyền lợi
Gần đây báo cáo chênh lệch thu nhập của bà Claudia Goldin đã đạt giải Nobel về kinh tế học và truyền cảm hứng cho nhiều người. Một người phụ nữ khác có tên Charlotte Chaze (32 tuổi), dù không đạt giải Nobel, nhưng cũng góp sức giải quyết vấn đề này theo cách rất riêng của mình.
Giống như nhiều người trẻ khác, cô cũng quan tâm đến minh bạch lương. Nhưng thay vì chỉ chia sẻ với bạn bè hay đồng nghiệp, Charlotte đã công khai mức lương của từng công việc cô đã làm trên kênh LinkedIn của mình, từ những công việc không công đầu tiên cho đến khi đạt được mức lương $150,000 như hiện giờ.
Tuy nhiên, hiện tại Charlotte không còn là một nhân viên hợp đồng nữa, và mức lương của cô cũng tương đối cao so với mặt bằng chung. Cô không khuyến khích mọi người đều công khai mức lương giống như cô. Cô làm điều này là vì mong muốn sẽ khuyến khích phụ nữ mạnh dạn yêu cầu mức lương xứng đáng với mình vì họ có đủ năng lực để làm như thế.
Bài đăng của Charlotte đã thu về hơn 21,000 lượt xem với nhiều bình luận tích cực. Điều này chứng tỏ rằng phụ nữ ngày càng ý thức được sự bất công và sẵn sàng đứng lên cho quyền lợi chính đáng của mình.
Một ví dụ có tính lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa là chiến dịch toàn cầu We Can Do It của LinkedIn. Mở màn bằng một bộ phim giàu cảm xúc kể về những câu chuyện đời thực đầy cảm hứng của bảy người phụ nữ, đến từ bảy quốc gia và làm việc trong bảy lĩnh vực khác nhau.
Qua đó, LinkedIn nêu bật sự tuyệt vời của cộng đồng phụ nữ, cách họ trở thành đồng mình của nhau, cùng giúp đỡ nhau giữ vững sự nghiệp đi qua khó khăn của đại dịch hay chuyển đổi suôn sẻ sang một công việc mới.
Xuyên suốt chiến dịch #WeCanDoIt, tiếng nói của các thành viên nữ trên nền tảng đã được nâng cao và khuyến khích. Ngày càng có thêm nhiều người sử dụng hashtag chia sẻ câu chuyện cá nhân của họ để giúp đỡ và cổ vũ cho những người phụ nữ đi làm trên toàn thế giới.
Đồng thời, để giúp mọi người và doanh nghiệp thực hiện các bước cải thiện bình đẳng giới tại nơi làm việc, LinkedIn cũng cung cấp các khóa học trực tuyến miễn phí rất thiết thực, đem đến các kiến thức và kỹ năng mềm quan trọng cho phụ nữ để nâng cao năng lực và sở hữu mức lương cạnh tranh hơn trên thị trường.
Những thử thách phía trước để yêu cầu mức lương tương xứng với mình
Sự lo lắng và dè dặt trong buổi phỏng vấn cũng khiến phụ nữ không đàm phán được mức lương xứng đáng. Theo một nghiên cứu mới của các giáo sư tại Đại học Harvard chỉ ra rằng, fear of backlash (tạm dịch: nỗi sợ phản ứng dữ dội) chính là yếu tố làm giảm khả năng thành công khi thương lượng về lương.
Với nhiều định kiến xoay quanh việc phụ nữ không nên đàm phán về lương, điều đó khiến phụ nữ không thật sự thoải mái khi thảo luận về vấn đề này với nhà tuyển dụng vì họ sợ mình sẽ gây mất hoà khí đôi bên. Có lẽ bởi vậy mà cho dù tỷ lệ phụ nữ đàm phán về lương đã dần được cải thiện, có khi còn cao hơn nam giới nhưng thu nhập của họ vẫn thấp hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng khó có thể cởi mở chia sẻ mức lương cụ thể khi chưa trao đổi trực tiếp và đủ hiểu về năng lực của ứng viên. Khi đó, phần việc thuộc về ứng viên là tìm hiểu mức lương chung trên thị trường sau đó đối chiếu với bản thân nhằm đưa ra con số phù hợp nhất khi thảo luận.
Nhà tuyển dụng không phải lúc nào cũng vào vai phản diện tìm cách hạ lương thấp nhất có thể. Những nhà tuyển dụng tốt ngược lại còn mong muốn ứng viên dám đứng lên bảo vệ quyền lợi cho mình. Khi đó, việc nói về lương là một điểm cộng cho thấy bạn có sự chủ động tìm hiểu, nắm bắt tốt về thị trường và chứng minh đầy đủ những kỹ năng, thành tích liệt kê trước đó.
Bamboo Careers mong muốn được đồng hành cùng bạn trên hành trình tìm kiếm mức lương phù hợp. Ứng dụng tra cứu lương sẽ giúp bạn định vị bản thân trên tấm bản đồ sự nghiệp của mình. Để từ đó, bạn sẽ có thể tự tin hơn trong lần phỏng vấn tiếp theo.
Như bà Marie Curie đã từng nói :”Không có gì trong cuộc sống là đáng để sợ hãi. Đó chỉ là những điều chưa được tìm hiểu và giải thích".
Bài viết được thực hiện bởi Tường Nguyễn.