Than phiền cũng cần thiết, nhưng làm sao mới hiệu quả? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
24 Thg 01, 2021
Chất Lượng Sống

Than phiền cũng cần thiết, nhưng làm sao mới hiệu quả?

Than phiền là bản năng của chúng ta, nhưng thường không được tận dụng hiệu quả. Vậy làm sao để biến than phiền thành kỹ năng có lợi cho mình?

Than phiền cũng cần thiết, nhưng làm sao mới hiệu quả?

Làm sao để than phiền đúng cách? | Nguồn: Anh Thư Ng @immortal_wurst cho Vietcetera

Than phiền là cách con người thể hiện suy nghĩ tiêu cực, chính vì thế mà nó thường không được nhắc tên trong các chiến lược quản lý cảm xúc, và người ta dần quên rằng nó cũng có những tác dụng riêng. Nhưng làm gì có ai chưa một lần than vãn trong đời? Nếu đã vậy, làm thế nào để biến than phiền thành một kỹ năng có lợi cho mình?

Tại sao chúng ta cần than phiền? 

Than phiền là bản năng tự nhiên của chúng ta. Có một thực tế là con người không giỏi lắm trong việc thể hiện cảm xúc nên thường chọn than vãn để thay thế. Đó là cách để con người thể hiện sự không hài lòng, nhắc nhở người khác chú ý đến vấn đề và nói lên cảm xúc tiêu cực trong mình.

Than phiền hiệu quả 1
Than phiền là bản năng của chúng ta, nhưng thường không được tận dụng hiệu quả.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận theo ý mình, do vậy việc phàn nàn hay không hài lòng là điều bình thường, thậm chí còn đem lại những lợi ích như:

1. Giải toả áp lực

Một chút than thở cuối ngày thực ra có thể giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng và nạp thêm năng lượng để đối mặt với vấn đề. Khi than phiền một cách hiệu quả và đúng mực, chúng ta đang gọi tên những cảm xúc thật sự của mình. Như vậy bất kỳ cảm xúc nào của mình cũng được nhận biết, trân trọng và điều này sẽ có lợi cho sức khỏe tinh thần của bạn. 

2. Chấp nhận cảm xúc

Khi bạn còn chia sẻ nghĩa là tinh thần của bạn vẫn còn ổn định. Nếu bạn để vấn đề tích tụ lâu ngày, nó có thể gây ra phản ứng tâm lý tiêu cực như áp lực, chán nản hoặc trầm cảm. Việc luôn cố gắng tỏ ra tích cực sẽ dễ dàng “đánh lừa” chúng ta mọi thứ đang ổn thỏa và ngó lơ vấn đề thực tế, cuối cùng không thể giải quyết chúng tận gốc. 

3. Mở lòng với người khác

Khi chia sẻ về rắc rối của mình với người khác theo hướng phù hợp, ngoài việc cho người đó cảm giác bạn tin tưởng họ, bạn còn có thể biết thêm những góc nhìn khác, toàn diện hơn, hoặc giải pháp bất ngờ mà bạn chưa tìm ra được. Một mũi tên trúng hai đích, bạn vừa được giải tỏa tinh thần, lại vừa thêm gắn kết với người cùng chia sẻ sự khó khăn đó.

4. Thúc đẩy sự thay đổi

Khi sự việc đi sai hướng, một lời phàn nàn đúng lúc sẽ tốt hơn là chẳng ai nói gì và để vấn đề trôi đi. Miễn là bạn biết cách đưa ra lời than phiền, thậm chí phê bình hiệu quả và dẫn dắt đôi bên đến giai đoạn tìm phương án giải quyết.

Vậy như thế nào mới là than phiền đúng cách? 

Chia sẻ cảm xúc là điều quan trọng, nhưng cách bạn chia sẻ mới sẽ quyết định xem cuộc trò chuyện đó sẽ đi theo hướng tích cực hay tiêu cực. Một khi bạn "bật chế độ", những lời than vãn sẽ dễ dàng tuôn trào ra và không có điểm dừng. Do vậy bạn cần nắm chắc kỹ năng than phiền để người khác không tự động né tránh điều này. 

hai kiểu than phiền:

  • Than phiền để giải tỏa (Expressive complaining): Khi chúng ta kêu ca đơn thuần chỉ để "xả hết" những tâm trạng tiêu cực. Ví dụ như "Bực ghê ta cứ rớt mạng hoài!"
  • Than phiền để tìm giải pháp (Instrumental Complaining): Khi bạn than phiền nhưng kèm theo hướng giải quyết hoặc mang tính xây dựng để thay đổi tình huống. Ví dụ như "Hôm nay mệt thế nhỉ, tối nay cậu giúp tớ rửa bát được không?"
Than phiền hiệu quả 2
Cách bạn than phiền sẽ quyết định xem cuộc trò chuyện đó sẽ đi theo hướng tích cực hay tiêu cực, và có hiệu quả hay không.

Cả hai kiểu than vãn đều có lợi theo cách riêng, và đây là cẩm nang để trở thành một người than phiền có hiệu quả:

Chú ý tần suất

Đầu tiên, bạn cần để ý tần suất mình đang than vãn, ai đang lắng nghe mình và thời điểm mình xả stress có hợp lý không, tránh trường hợp mình than nhiều đến mức người khác "không kịp thở".

Chuẩn bị nội dung

Trước khi bắt đầu, hãy tự kiểm tra lại xem bạn định than phiền về vấn đề gì, như thế nào. Việc này giúp bạn kiểm soát được lời nói và hành động tiếp theo, tránh “phun trào” không đáng có lên người nghe.

Thông báo thời điểm

Dù chỉ là muốn giải phóng cảm xúc hay tìm lời khuyên từ người bạn, hãy nói cho họ biết trước là bạn cần người lắng nghe mình than phiền một chút, để họ cảm thấy thoải mái và giúp đỡ bạn tốt hơn nếu cần.

Kiểm soát phương hướng

Bạn nên xây dựng thói quen suy nghĩ về mục tiêu của các cuộc hội thoại, tránh tự động biến mọi cuộc nói chuyện thành những buổi than vãn. Đồng thời hãy chừng mực trong những lời than phiền mình nói ra. Cố gắng giữ cho chúng đơn giản và ngắn gọn, bởi các mối quan hệ đôi bên không thể chỉ xây dựng trên mỗi sự tiêu cực.

Áp dụng phương pháp Sandwich

Đây là một chiến lược giao tiếp tinh tế, hoàn toàn khác với việc "thảo mai". Lớp bánh mì ngoài cùng là lời mở đầu cho hội thoại, nhắc đến một câu chuyện nào đó khiến người nghe cảm thấy đồng cảm. Phần nhân là vấn đề chính bạn muốn than phiền. Lớp bánh mì cuối cùng, bạn sẽ nói những lời gợi mở để tìm phương hướng giải quyết hoặc hỏi lời khuyên, nhờ vậy người nghe sẽ cảm thấy sẵn lòng giúp đỡ bạn hơn. 

Viết nhật ký

Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để lắng nghe và thấu hiểu mọi vấn đề cho bạn, nhưng quyển nhật ký thì có. Bạn có thể sắp xếp và điều tiết lại các suy nghĩ của mình qua cách viết tự do (word vomit) hoặc trả lời các câu hỏi theo mẫu sẵn. Đôi khi bạn sẽ tự tìm thấy hướng giải quyết cho vấn đề của mình trong quá trình giãi bày suy nghĩ, đồng thời học cách tiết chế việc đè nén cảm xúc tiêu cực.