Có nhất định phải đưa ra lời khuyên khi an ủi ai đó? | Vietcetera
Billboard banner
24 Thg 07, 2020
Cuộc SốngThương

Có nhất định phải đưa ra lời khuyên khi an ủi ai đó?

Khi an ủi một ai đó, chúng ta hãy suy nghĩ thât kỹ trước khi đưa ra lời khuyên. Nếu muốn, bạn có thể cân nhắc 5 điều sau cho lời khuyên của bạn hữu ích hơn

Có nhất định phải đưa ra lời khuyên khi an ủi ai đó?

Hình ảnh được thực hiện bởi Nhi Thanh.

Làm một người bạn tốt là bao gồm cả việc trở thành chỗ dựa tinh thần cho bạn bè trong những lúc buồn chán, đau khổ hoặc gặp khó khăn, cũng như đưa lời khuyên khi cần. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách khuyên nhủ duyên dáng. Khi ấy, người nghe chạnh lòng hoặc chống đối, người khuyên mất hứng và bực tức, thế rồi bầu không khí yên bình giữa những người bạn sẽ không còn nguyên vẹn.

Tiến sĩ Tâm lý học Thomas Plante chia sẻ, có trường hợp chỉ một lời khuyên nhưng lại đẩy tình bạn đến bờ vực nguy hiểm nếu không được truyền tải đúng cách. Nó sẽ dễ bị hiểu lầm thành lời dạy dỗ, chỉ trích, hoặc xâm phạm tự do cá nhân.

Thế nhưng, giữ im lặng có thể khiến người khác hiểu lầm rằng bạn vô tâm, nhất là khi người đó đang muốn nghe ý kiến của bạn. Bài viết này sẽ chia sẻ 9 cách giúp bạn vẹn cả đôi đường, theo lời khuyên của giáo sư Meg Selig.

Trước khi đưa ra lời khuyên, bạn cần cân nhắc 5 điều:

Trước khi đưa ra ý kiến cá nhân bạn nên cân nhắc 5 điều sau
Trước khi đưa ra ý kiến cá nhân, bạn nên cân nhắc 5 điều sau.
  1. Một người trưởng thành, phát triển bình thường, có quyền đưa ra mọi quyết định về cuộc sống của họ. Cuối cùng, tất cả những gì họ làm sẽ đến từ quyết định ấy.
  2. Họ sẽ phải sống với những quyết định của mình và hệ quả về sau. Còn bạn – người đưa ra những lời khuyên thì không. Đừng trách khi họ làm trái, cũng đừng vội khen khi họ nghe theo. Chỉ họ mới có thể đánh giá đó là một lời khuyên tốt hay tồi.
  3. Tất cả những gì bạn biết hoặc được nghe kể chỉ là phần nổi. Vì vậy, lời khuyên của bạn cũng chỉ dừng ở mức tương đối.
  4. Nếu bạn cũng liên lụy trong chuyện này, có thể bạn sẽ khó tránh khỏi tính chủ quan. Hãy cố gắng trở thành một người đánh giá công tâm để đưa ra lời khuyên lợi cả đôi đường, thay vì chỉ né tránh những hậu quả không tốt cho mình.
  5. Trên đường đời bạn không thể tránh khỏi mọi quyết định sai lầm. Hãy lấy đó làm bài học để luôn giữ sự khiêm tốn khi đưa lời khuyên, tránh thể hiện mình “biết tuốt".

Cách đưa lời khuyên thật duyên dáng

Bởi vì người đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm về sau không phải là bạn, nên mục đích của mọi lời khuyên nhủ chỉ nên dừng lại ở mức đưa lựa chọn để tham khảo, tiếp sức, và hãy tôn trọng quyết định của họ. Bạn có thể an ủi, khuyên nhủ một cách ý nhị với những cách sau:

1. Ở bên cạnh và lắng nghe

Sự hiện diện và thời gian lắng nghe tâm sự vốn dĩ đã có tác dụng vỗ về một tâm hồn đang nặng trĩu. Tuy nhiên, đừng chỉ ngồi nghe thụ động và giữ im lặng. Hãy cố gắng tương tác, gợi ý bằng những câu hỏi, câu cảm thán như:

"Vậy sao?"

"Sao lại thế được..."

"Rồi cậu làm thế nào?"

Những câu hỏi này vừa thể hiện sự quan tâm của bạn theo từng nhịp câu chuyện, vừa có khả năng gợi mở, giúp người kể thêm thoải mái để trải lòng hơn.

Ở bên lắng nghe một cách chủ động và không phán xét đã là một sự vỗ về lớn lao
Ở bên lắng nghe một cách chủ động và không phán xét đã là một sự vỗ về lớn lao.

2. Thể hiện sự đồng cảm với cảm xúc người kể

Cho dù bạn không có kinh nghiệm về vấn đề của họ, hãy cố gắng lắng nghe, đặt mình vào trường hợp đó và thể hiện sự đồng cảm chân thành. Khi đang chìm trong đau khổ, một câu đơn giản như "Đúng là khó khăn thật", "Chỉ nghe thôi đã thấy mệt rồi, nói gì đến người trong cuộc như bạn"... là đủ để người kể cảm thấy được thấu hiểu rồi.

3. Tự cân nhắc tình hình

Thay vì đưa ra những câu khẳng định, kết luận về vấn đề của người khác, hãy khiêm tốn và cố gắng nhìn nhận những khó khăn riêng của họ. Sau khi quan sát, lắng nghe tình hình, bạn chỉ nên thể hiện sự thấu hiểu của mình bằng các những câu "ước chừng" như:

"Không biết đúng không nhưng mình nghĩ là..."

"Có vẻ như em cần..."

"Hay là anh thử làm thế này xem có được không?"

Cách này cho thấy sự tôn trọng của bạn trước những khó khăn và rắc rối mà họ đang phải đối mặt (nếu vấn đề đơn giản thì họ đã không tìm lời khuyên) và không áp đặt họ hành động theo ý bạn.  

4. Kể một câu chuyện tương tự

Thay vì đưa ra lời khuyên trực tiếp, bạn có thể truyền tải thông qua một tình huống thực tế của bản thân, hoặc của người bạn biết. Cách này có thể mang đến tia hi vọng cho những rắc rối của họ.

Lưu ý là hãy tóm gọn câu chuyện theo 3 ý cơ bản: tình huống tương tự với vấn đề họ đang gặp phải như thế nào, bạn/ người trong câu chuyện đã quyết định thế nào, và kết quả ra sao.

5. Giúp họ mở rộng góc nhìn

Nếu bạn đủ tinh ý để nhận ra người bạn của mình chưa thấy được toàn bộ khía cạnh của vấn đề, hãy nhẹ nhàng dẫn dắt họ sang những chiều hướng khác, chẳng hạn như:

"Đó cũng là một cách. Nhưng nhìn theo hướng khác thì sao bạn không thử..."

"Ý này bây giờ nghe có vẻ ổn đó. Nhưng bạn thử hình dung cho một tháng, hoặc một năm nữa xem?”

Đôi khi bạn không cần khuyên cụ thể mà chỉ cần giúp họ mở rộng góc nhìn để tự tìm hướng giải quyết
Đôi khi bạn không cần khuyên cụ thể mà chỉ cần giúp họ mở rộng góc nhìn để tự tìm hướng giải quyết.

6. Hãy bênh vực những cảm xúc chính đáng

Khi có vấn đề xảy đến, nhiều người có xu hướng tự đổ lỗi và khắt khe với bản thân quá mức. Nếu gặp trường hợp này, hãy giúp người đó được giải toả những cảm xúc chính đáng

Chẳng hạn, một cô gái có quyền đau buồn, giận dữ khi bị lừa dối, chứ không nên chỉ chăm chăm tự trách mình vô tâm. Hay một chàng trai cũng có thể bày tỏ cảm xúc, chia sẻ gánh nặng, chứ không nên mãi tự trách sao mình yếu đuối, kém cỏi. 

7. Nếu không thể đưa lời khuyên thẳng thắn, hãy đưa ra câu hỏi dẫn dắt

Những câu hỏi này giúp họ nhận ra giá trị mình muốn hướng đến, từ đó tự đưa ra lời giải cho những vấn đề của bản thân mà không cần bạn phải khuyên nhủ gì. Những câu hỏi dẫn dắt có thể là:

"Vậy điều gì quan trọng nhất với cậu?"

"Cậu muốn trở thành người như thế nào? Hiền lành cam chịu như A, hay cứng rắn quả quyết như B?"

8. Nếu phải đưa ra lời khuyên, hãy nói thật chân thành

Đôi khi, người bạn đó đang thật sự cần nghe ý kiến của bạn. Vì thế, một câu nói chân thành, dù có vẻ “lời thật mất lòng", lại chính là điều họ mong muốn nhất. Tuy nhiên, trước khi đưa ra ý kiến, hãy nhớ đến 5 điều cần được cân nhắc ở đầu bài. Như vậy lời khuyên sẽ công tâm hơn, cũng như giảm bớt cảm giác khó chịu nếu bạn phải đón nhận phản ứng tiêu cực từ bạn của mình.

Bên cạnh đó, đừng quên nhấn mạnh rằng: "Có thể tớ không hiểu hết được những vấn đề sâu xa bên trong, nhưng đây là ý kiến của tớ. Người quyết định vẫn là cậu. Nhưng dù thế nào, tớ vẫn sẽ ủng hộ cậu!"

Đôi khi một lời khuyên chân thành cùng sự ủng hộ tuyệt đối mới là điều họ mong muốn nhất
Đôi khi, một lời khuyên chân thành cùng sự ủng hộ tuyệt đối mới là điều họ mong muốn nhất.

9. Thử hỏi họ “Có cần tớ giúp gì không?”

Khi bạn đã được nghe chia sẻ và nhận thấy họ cần giúp đỡ, đồng thời bạn có khả năng giúp họ. Tuy nhiên, bạn cần tự đặt giới hạn cho bản thân để tránh bị cuốn quá sâu vào những vấn đề cá nhân.

Kết

Chia sẻ nỗi buồn không nhất thiết là phải đưa ra lời khuyên cụ thể. Đôi khi một lời khuyên phiến diện còn tệ hơn cả sự im lặng. Bạn có thể đồng cảm với những tâm hồn đang tổn thương bằng nhiều cách khác nhau, hoặc đưa ra lời khuyên một cách ý nhị. Hãy để niềm an ủi và bình yên là điểm kết cho buổi tâm sự, thay vì là một trận cãi vã và thêm một người tổn thương, tức tối.