Nguyễn Quý Tiến hiện là founder của Mentori- một nền tảng về cố vấn, định hướng nghề nghiệp dành cho các bạn trẻ ở Việt Nam hiện nay.
Anh đã từng theo học và tốt nghiệp Đại học Ngoại thương chuyên ngành quản lý tài chính, tham gia vào nhiều dự án cũng như nắm những vị trí khác nhau trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, những câu chuyện giữa Vietcetera và anh có nhiều góc nhìn hơn chỉ là lý thuyết và tiền bạc.
1. Bạn đã kiếm 100 triệu đầu tiên như thế nào?
Mình mở một trung tâm nhỏ ở trường Đại học Ngoại thương để dạy tài chính, sau đó dùng tiền lời từ đầu chứng khoán và Forex để biến 200 USD đầu tiên thành 5000 USD. Khi ấy, đang trên đà thắng và có lãi, mình chỉ muốn tiếp tục thắng và kiếm được những khoản lớn hơn.
Nhưng khi tài khoản xanh, cũng là những lúc khó kiểm soát bản thân nhất. Và mình đã không giữ vững được kỷ luật. Mình thả trôi bản thân theo cảm xúc và mất gần hết số tiền kiếm được.
Đó là bài học, để đến giờ mình vẫn tự nhắc nhở bản thân về những đồng tiền và cám dỗ đầu tiên. Thắng không kiêu, bại không nản, không được lơ là, chủ quan.
2. Nếu như được quay về 23 tuổi, bạn sẽ cho bản thân lời khuyên về tiền như thế nào?
Đừng quá chắt bóp mà bỏ lỡ những thứ hay ho trong cuộc sống, nhưng cũng đừng phung phí tiền bạc vào những thứ không thực sự có giá trị (hoặc làm tăng thực lực của mình).
Tiết kiệm được một khoản vốn luôn mang lại cho mình nhiều lợi thế hơn. Tiền cho mình quyền được nắm lấy cơ hội và kiếm thêm tiền.
3. Nếu tất cả các công việc đều trả lương giống nhau thì bạn sẽ làm nghề gì?
Mình vẫn làm công việc hiện tại là tạo ra một nơi giúp mọi người thoải mái trò chuyện miễn phí, cùng những mentor có thể mang lại nhiều thay đổi ý nghĩa. Mình từng đọc được câu "The expert in anything was once a beginner" (tạm dịch: Chuyên gia nào cũng từng là tấm chiếu mới).
Ai cũng từng có lúc non nớt, khó khăn. Ai cũng từng có lúc hoang mang, lạc lối, kể cả những người giỏi nhất. Vì một khi đã đi, bạn phải bước từ vạch xuất phát.
Mình muốn đem đến một nền tảng giúp bạn vững chắc hơn từ những bước đi ấy, để bạn có đà tạo thành những bước chạy và tiến thật xa.
Và không cách nào tốt hơn việc có một người đồng hành và dẫn dắt. Cố vấn - mentoring 1:1 là đáp án tối ưu mình lựa chọn.
Mình thấy vui khi các bạn trẻ bớt đi được khúc mắc, nhẹ lòng hơn với những khó khăn, hay các anh chị mentor hào hứng vì chia sẻ tới đúng người, đúng việc. Mình biết việc mình đang làm là đúng và ý nghĩa. Thú thật là lúc đọc nhận xét mình thấy vui hơn cả khi nhận lương đầu tháng.
4. Nghề nghiệp yêu thích hồi nhỏ của bạn là gì?
Mình không có ước mơ làm kỹ sư bác sĩ như hay thấy trên sách báo. Mình chỉ biết mình muốn làm gì đó có ảnh hưởng tốt tới nhiều người nhưng vẫn được tự do.
Từ khi còn rất nhỏ, mình đã có suy nghĩ muốn kiếm được rất nhiều tiền để đi giúp đỡ các bạn nhỏ cơ nhỡ và có hoàn cảnh khó khăn.
5. Nếu bây giờ đi học lại, bạn sẽ học gì?
Vẫn là ngành Tài chính. Tài chính cho mình một góc nhìn rộng và tổng quan về xã hội, về kinh tế. Đó là nền tảng cơ bản để đánh giá “sức khỏe” của một quốc gia hay doanh nghiệp.
Tất cả mọi hoạt động của đời sống đều gắn liền với một hình thức tài chính nào đó, nên không học thì cũng sẽ đến lúc phải học thôi.
6. Bài học đầu tiên về tiền mà bạn sẽ dạy con cái là gì?
Đầu tư vào một cái gì đó sẽ sinh lời. Trong đó, công đoạn tìm hiểu, nghiên cứu và đánh giá khả năng đầu tư là tốn thời gian công sức nhất, nhưng đáng giá. Thêm vào đó là rèn luyện sự kiên trì, sự nhẫn nại cho con.
Điều này đã được mình đúc kết từ khi còn là sinh viên quyết định đầu tư chứng khoán. Trước đó, mình nghiên cứu rất kỹ, bản thân cũng đầu tư rất nhiều tiền đi học.
Cách đây 10 năm, mình sẵn sàng bỏ 6 triệu cho 4 buổi học, thời đó 6 triệu là một con số không hề nhỏ, chỉ để học xem các thầy dạy phương pháp gì.
Bên cạnh đó, mình tìm mua và đọc nhiều sách liên quan nhưng đọc có chọn lọc, vừa đọc vừa thực hành. Sau đó mỗi lần lại tổng hợp kiến thức, thử và sai rất nhiều lần trên thực tế để tạm rút ra một công thức chung cho bản thân.
Số tiền 200 USD lên 5000 USD mình kể trên chính là thành quả của việc bỏ thời gian và công sức, tập trung và kiên trì cho mục tiêu.
7. Thứ gì thúc đẩy bạn cố gắng trong thời gian qua?
Gia đình và mong muốn của bản thân. Đối với mình, gia đình luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Ba mẹ đã nuôi nấng, hy sinh nhiều thứ để mình và chị gái có được ngày hôm nay.
Vì vậy, mình luôn lấy đó làm động lực để liên tục tiến về phía trước.
8. Tài sản vô hình giá trị nhất mà bạn sở hữu là gì?
Các mối quan hệ và những trải nghiệm. Đó là thứ không thể đánh đổi được.
Trải nghiệm đã tạo nên con người mình ngày hôm nay có lẽ là lần mình phải học lại một môn tại Đại học. Lần đó mình học môn Lý thuyết tài chính, môn chuyên ngành đầu tiên nhưng điểm không cao, chỉ vừa qua môn.
Bản thân mình không cam lòng, quyết tâm xin học lại vì muốn đã học phải học cho giỏi. Mình ôn thi 3 tháng liền, đặt mua sách ngoại văn về và học hết gần 700 trang sách.
Kết quả, không những được A môn Lý thuyết tài chính, mình còn mở trung tâm dạy ôn thi chuyên các môn liên quan đến tài chính.
Đến bây giờ thì trung tâm đã đi vào ổn định, có lớp dạy ôn hầu hết các môn tại trường. Cũng chính nhờ có trải nghiệm quyết liệt này, mình mới có nhiều cơ duyên, cơ hội và có mình như ngày hôm nay.
9. Ngành nghề nào bạn nghĩ đang là xu hướng? Vì sao?
Công nghệ thông tin. Công nghệ dần dần sẽ thay thế con người làm việc, nên cần người tạo ra các công nghệ đó.
Bản chất của công nghệ là tối ưu năng suất lao động của con người. Chính nền tảng Mentori cũng được mình áp dụng công nghệ làm một trong các yếu tố cốt lõi.
Hãy tưởng tượng, nếu thực hiện matching (kết nối) bằng tay, bạn có thể mất từ một đến hai tháng để lọc dữ liệu, phát hiện trùng khớp và kết nối. Trong khi với công nghệ, nền tảng chỉ thực hiện trong vài phút, hiển thị dựa trên lựa chọn người dùng và đề xuất kết quả phù hợp.
Chúng ta cần dựa vào công nghệ để phục vụ nhu cầu cấp thiết thay vì sức người.
10. Kiến thức mới nhất mà bạn học được?
Đó là cách tạo ra một sản phẩm thực sự có giá trị - theo thuyết Job To Be Done của Clayton Christensen.
Để làm ra sản phẩm có giá trị, cần nói chuyện với người dùng, đặt họ vào bối cảnh, và quan sát trong lúc họ quyết định. Không còn là product focus mà là user focus - quan sát trải nghiệm người dùng, cố gắng đến tầng cao hơn bằng sản phẩm của mình.
Ngoài ra, mình còn học được một thuyết về giá trị xã hội và giá trị kinh tế. Đó là khi một hành động được định nghĩa là mang giá trị kinh tế thì không còn tạo giá trị về xã hội nữa.
Ví dụ như mình đến nhà bạn ăn và được mẹ bạn mời cơm, mình cảm thấy ngon và dành lời khen cho bác, đó là sự công nhận.
Nhưng cùng bữa ăn ấy, mình lại đề nghị để trả tiền cho bữa ăn thì đó lại tương đương với một sự xúc phạm. Trong mối quan hệ xã hội này, điều họ cần là sự tôn trọng chứ không phải là tiền.
Mình đã áp dụng cả 2 vào nền tảng Mentori đang xây dựng. Các mentor (cố vấn) mong muốn nhận lại không phải là lợi ích về kinh tế, mà là các giá trị chân thật: giúp đỡ được đúng người, đúng thời điểm và nhận lại một sự tôn trọng xứng đáng.
Bản thân mình và các cố vấn cũng đều chung một niềm tin rằng, tích cực giúp đỡ các bạn trẻ chính là góp phần xây dựng tương lai thế hệ trẻ Việt Nam.
Cuộc thi đầu tư Go Crypto - Path For Financial Freedom là chương trình đầu tiên kích hoạt chuỗi hoạt động dành cho sinh viên của Remitano. Remitano là một trong những giao dịch tiền mã hoá uy tín nhất trên thế giới, có mặt & phục vụ trên hơn 50 quốc gia.
Với sứ mệnh đưa tiền mã hoá đến gần hơn với giới trẻ thông qua sân chơi đầu tư thực tế, mang đến trải nghiệm thật, rủi ro bằng 0, Go Crypto hy vọng sẽ xây dựng một nền tảng kiến thức & kinh nghiệm vững chắc, từ đó giúp các bạn trẻ tự tạo nên hạnh phúc & tự do tài chính cho riêng mình.
Ngoài ra, Remitano còn tổ chức các buổi coaching 1-1 về kiến thức tài chính & lựa chọn nghề nghiệp trong lĩnh vực Blockchain. Tham gia để nhận quà theo tuần, với tổng giá trị giải thưởng lên đến 100tr VND tại đây.
Remitano là nhà tài trợ nội dung, nhân vật được phỏng vấn không phải là người quảng bá cho cuộc thi Go Crypto - Path For Financial Freedom.