True crime (tội ác có thật) là các tiểu thuyết, phim và podcast phân tích những vụ án mạng có thật. Khoảng 40% trong số đó nói về các vụ giết người, kể lại chi tiết hành động của tội phạm và những người có liên quan. Điều này khiến nó bị không ít chuyên gia coi là “văn hóa rác rưởi” (trash culture) do lo ngại ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý những người sống sót.
Dù vậy, những tác phẩm true crime vẫn có sức hút nhất định với người tiêu thụ nội dung toàn cầu. Điển hình phải kể đến Investigation Discovery - phim tài liệu true crime liên tục đứng top lượt xem ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy điều gì khiến chúng ta hứng thú với những câu chuyện không mấy vui vẻ này?
Não bộ vốn ưu ái những gì tiêu cực
Nếu để ý, bạn sẽ nhận ra hiện tượng này trong nhiều tình huống hàng ngày. Chẳng hạn khi được sếp nhận xét bản báo cáo rất tốt và chỉ có vài lỗi cần cải thiện, bạn sẽ nhớ những lỗi sai ấy mà quên đi lời khen ban đầu.
Nguyên nhân là từ thời xa xưa, người tiền sử phải luôn chú ý đến những yếu tố nguy hiểm tiềm tàng để sống sót. Dần dần, thói quen này được não bộ “mã hóa” để trở thành phản xạ giúp chúng ta an toàn. Theo chuyên trang Psychology Today, thông tin tiêu cực cũng khiến vỏ não (cerebral cortex) hoạt động mạnh hơn, từ đó định hình hành vi của chúng ta.
Đây cũng là lý do giới truyền thông ưu tiên nội dung tiêu cực, bởi họ biết chúng luôn có lượng người đọc cao. Khi kết hợp với lối kể chuyện kịch hóa và hiệu ứng hình ảnh, thì phim true crime dễ dàng thu hút lượng người xem khổng lồ.
True crime giúp chúng ta “chuẩn bị” sẵn sàng
Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Social Psychological and Personality Science, phụ nữ thường ưa thích truyện và phim true crime hơn đàn ông. Họ có xu hướng tìm đọc/xem những tác phẩm chứa thông tin về động cơ của hung thủ và cách tự vệ trong trường hợp bị tấn công.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Amanda Vicary, đây là cách đơn giản giúp họ tự phân tích môi trường sống hiện tại, nắm được đặc điểm của các hung thủ tiềm năng và lên kế hoạch phòng tránh. Bác sĩ tâm thần Sharon Packer cũng nhận định, nhiều phụ nữ coi việc tiêu thụ nội dung về true crime như một màn “tập dượt” phòng khi sự việc tương tự xảy ra với họ.
Chúng ta thích cảm giác hồi hộp true crime mang lại
Theo giáo sư tội phạm học Scott Bonn, việc xem những cảnh bạo lực có thể khiến bạn bị căng thẳng nhẹ. Hệ quả là tuyến thượng thận sản sinh một lượng adrenaline vừa đủ khiến bạn giật mình và có chút thích thú.
Cảm giác này hoàn toàn khác với cảm giác sợ hãi khi quá nhiều adrenaline tiết ra, khiến phản ứng chiến hay chạy (fight-or-flight mode) được kích hoạt. Bạn có thể hình dung nó tương tự như cảm giác hưng phấn ở người ưa mạo hiểm khi chơi tàu lượn siêu tốc.
Ngoài ra theo tiến sĩ tâm lý học pháp y Katherine Ramsland, não bộ vốn “khoái” thu thập thông tin và đoán xem điều gì xảy ra tiếp. Đây là yếu tố thường thấy ở phim true crime, khi khán giả có thể vào vai “thám tử” suy đoán xem ai là thủ phạm trước khi nhà chức trách tìm ra. Nếu đoán đúng, họ nhận được “phần thưởng” là dopamine, còn đoán sai thì cũng chẳng bị sao cả.
True crime khiến chúng ta hài lòng với cuộc đời hơn
MC Tamron Hall từng phát biểu rằng, đa số khán giả xem series ID’s Deadline: Crime của cô đều cảm thấy biết ơn vì những tội ác được nhắc đến trên phim không xảy ra với họ. Nhiều chuyên gia tâm lý cũng nhận định, cảm giác hài lòng và nhẹ nhõm này là một trong các lý do true crime thu hút khán giả.
Theo bác sĩ Sharon Packer, khán giả có thể buồn vì điều không may xảy ra, nhưng họ vẫn mừng vì người khác đã gánh nó thay cho họ. Không những vậy, họ còn được nghe chuyên gia phân tích, nắm được động cơ của hung thủ để chủ động phòng tránh điều tương tự xảy ra. Nói cách khác, họ được “hưởng lợi” khá nhiều từ bi kịch của một người xa lạ.
Không chỉ đồng cảm với nạn nhân, nhiều khán giả còn đồng cảm với hung thủ. Điều này đặc biệt đúng nếu họ trải qua những vấn đề mà hung thủ cũng gặp phải. Khi chứng kiến hung thủ gây tội ác như một cách “trả đũa” cuộc đời, hệ thần kinh gương hoạt động khiến họ cảm nhận được sự thỏa mãn, dù không trực tiếp “xuống tay”.
Cần lưu ý gì khi xem phim true crime?
True crime có thể mang lại cảm giác vừa căng thẳng lại vừa hào hứng, chính vì vậy nó rất dễ gây nghiện. Bản chất “đi tìm câu trả lời” của những vụ án cũng dễ thu hút bạn vào cốt truyện, từ đó xem liên tục không ngừng nghỉ.
Tuy nhiên việc tiêu thụ quá nhiều nội dung tiêu cực có thể mang lại cái nhìn bi quan cực độ về thế giới. Điển hình có thể kể đến mean world syndrome - thiên kiến cho rằng thế giới nguy hiểm hơn mức thực tế. Do đó bạn cần giới hạn thời gian xem phim true crime, và tìm hiểu các nguồn thông tin khác về vụ án để có cái nhìn đa chiều.