Mean world syndrome - Thế giới có thực sự tàn độc như bạn nghĩ? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Mean world syndrome - Thế giới có thực sự tàn độc như bạn nghĩ?

Nhiều nghiên cứu cho thấy, càng tiêu thụ nhiều nội dung tiêu cực, bạn càng có cái nhìn bi quan về thế giới.
Mean world syndrome - Thế giới có thực sự tàn độc như bạn nghĩ?

Nguồn: Wired

1. Mean world syndrome là gì?

Mean world syndrome (tạm dịch: Hội chứng thế giới tàn bạo) là một thiên kiến cho rằng thế giới đầy rẫy nguy hiểm hơn mức thực tế. Nguyên nhân hình thành suy nghĩ này thường là do xem quá nhiều tin tức tiêu cực và nội dung bạo lực trên truyền thông.

Hội chứng này làm gia tăng các cảm xúc tiêu cực như lo âu, sợ hãi, bi quan, và luôn đề cao cảnh giác với mọi sự việc xung quanh. Về mặt lâu dài, hội chứng này có thể gây ra cái nhìn bi quan cực đoan về thế giới, để lại nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật.

2. Nguồn gốc của mean world syndrome

Cụm từ này xuất hiện lần đầu trong một nghiên cứu của giáo sư truyền thông George Gerbner năm 1970. Ông nhận thấy những người xem TV trên 3 tiếng/ngày có mức độ sợ hãi, lo lắng, bi quan và cảnh giác cao độ hơn. Trong khi ở cùng một khu vực đó, những người ít xem TV không có xu hướng suy nghĩ và hành động như vậy.

Theo The Atlantic, số lượng tội phạm ở Hoa Kỳ tăng đáng kể trong những năm 1960-70. Điều này khiến lượng tin tức và nội dung tiêu cực tăng lên đáng kể trên các kênh thông tin đại chúng, từ đó củng cố những nỗi sợ hãi và hoang tưởng tồi tệ nhất ở con người.

22feb2023imagepng
Người xem TV trên 3 tiếng/ngày có mức độ sợ hãi, lo lắng, bi quan và cảnh giác cao độ hơn. | Nguồn: Business Tech

Cũng theo giáo sư Gerbner, người mắc “hội chứng” này có xu hướng coi bạo lực là giải pháp cho các vấn đề họ gặp phải, thay vì giải quyết chúng theo cách nhẹ nhàng hơn. Họ cũng thường không nhận ra tin giả, dễ bị kiểm soát và thao túng tâm lý.

3. Vì sao mean world syndrome trở nên phổ biến?

Hiện tượng này trở nên phổ biến trong thời kỳ dịch bệnh, khi thời gian sử dụng các thiết bị điện tử của con người tăng lên. Theo nghiên cứu của Pew Research, đa số người Việt Nam tra cứu và tiêu thụ thông tin trên các thiết bị này.

Theo bản năng, chúng ta có xu hướng ghi nhớ thông tin tiêu cực nhanh và lâu hơn. Điều này dẫn đến doomscroll - hành vi liên tục lướt và đọc thông tin tiêu cực trên mạng. Khi doomscroll thời gian dài, chúng ta bị bủa vây bởi các tin tức tiêu cực, từ đó nhìn nhận thế giới xung quanh một cách cực đoan. Đây chính là biểu hiện điển hình của mean world syndrome.

Trong thời điểm hiện tại, chúng ta cũng đối mặt với nhiều tin không vui. Điển hình phải kể đến trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ & Syria và làn sóng đại sa thải của nhiều công ty lớn. Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của ChatGPT cũng làm dấy lên những lo ngại về khả năng AI thay thế nhiều công việc của con người trong tương lai.

Nhìn chung, tin tức tiêu cực vẫn tồn tại ở khắp mọi nơi. Để tiếp nhận chúng mà không mắc phải mean world syndrome, bạn có thể tham khảo một số cách sau:

Đặt câu hỏi để thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực

Thông thường, những suy nghĩ đầu tiên xuất hiện là phản ứng mang tính tự động. Nhưng khi những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện dồn dập, chúng tạo thành một vòng luẩn quẩn khiến ta chìm sâu vào mà khó thoát ra được.

Khi rơi vào vòng tuần hoàn đó, bạn cần đặt các câu hỏi phản biện lại nội dung đã tiêu thụ. Cách này giúp bạn nhìn thấy một khía cạnh khác của vấn đề, thậm chí phát hiện tin giả khi cần thiết. Một số câu hỏi bạn có thể tham khảo bao gồm:

  • Những suy nghĩ này phản ánh sự thật, hay chỉ là ảo tưởng của riêng mình?
  • Có điều gì chứng minh được suy nghĩ này là thật không?
  • Mình đã đọc thông tin này từ đâu? Đó có phải là nguồn đáng tin cậy không?

Tăng cường “nạp” thông tin tích cực

Trong thời đại thông tin số, chúng ta khó mà tránh được hoàn toàn các nguồn tin tiêu cực. Đó là chưa kể có những tin chúng ta vẫn phải biết để tự bảo vệ chính mình.

Dù vậy, vẫn có những cách giúp bạn chủ động tiếp xúc với những điều tích cực, tránh bị “quá tải” thông tin. Chẳng hạn bạn có thể chụp lại, lưu giữ những lời khen của sếp hay người ấy, để bất cứ khi nào cũng có thể mở ra đọc. Bạn cũng có thể hồi tưởng những kỷ niệm đẹp để tăng cảm giác an toàn và thoải mái, song đừng đắm chìm quá sâu vào chúng.

Tích cực mở mang tầm nhìn

Mean world syndrome khiến ta cho rằng thế giới đầy rẫy nguy hiểm. Nhưng cần lưu ý đó là thế giới bạn nhìn qua truyền thông, còn thế giới thực bên ngoài rộng lớn và phức tạp hơn nhiều.

Vì vậy nếu có thể, bạn nên dành thời gian đi du lịch. Nếu chưa có điều kiện, bạn có thể duy trì các sở thích lành mạnh, tham gia các câu lạc bộ phù hợp. Đây là cơ hội giúp bạn mở mang tầm nhìn và nhận thấy nhiều khía cạnh của cuộc sống, từ đó thoát khỏi vòng lặp tiêu cực.

07jul2022cfz2jpg
Đi du lịch giúp bạn mở mang tầm nhìn, thấy được nhiều khía cạnh của cuộc sống sau màn hình. | Nguồn: Unsplash

Hạn chế sử dụng điện thoại khi không cần thiết

Đôi khi, điều duy nhất bạn cần làm để “chạy trốn” thế giới thông tin là bỏ điện thoại xuống. Nên dành khoảng 1 giờ/ngày cho những hoạt động thư giãn không cần tới điện thoại như ngâm bồn tắm, vẽ tranh, đọc sách hay chơi nhạc.

Bên cạnh đó, bạn nên đặt ra một khung giờ nhất định trong ngày để xem tin tức, và tắt thông báo đẩy (push notification) trong thời gian còn lại. Việc này giúp bạn tránh bị xao nhãng và quá tải thông tin.

4. Cách dùng mean world syndrome

Tiếng Anh

A: I'm overwhelmed by the amount of information I receive everyday. I only see negative news everywhere.

B: That’s mean world syndrome. You should pick your sources carefully to fight it.

Tiếng Việt

A: Mình bị quá tải vì đống tin tức mỗi ngày quá. Lúc nào mình cũng đọc phải toàn tin tiêu cực.

B: Đó là hội chứng “thế giới tàn bạo” đấy. Cậu nên chọn lọc nguồn thông tin để sống sót giữa nhiều luồng thông tin này.