Tại sao một số người có máu mạo hiểm? | Vietcetera
Billboard banner
02 Thg 03, 2022
Cuộc SốngTâm Lý HọcBổ Não

Tại sao một số người có máu mạo hiểm?

Tại sao có người thích chơi tàu siêu tốc có người lại thấy sợ?
 Tại sao một số người có máu mạo hiểm?

Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao trong đám bạn luôn có một đứa đam mê nghịch dại. Điển hình như các trò như phá chuông nhà hàng xóm hay chọc chó để bị đuổi. Lớn lên một chút thì nó sẽ là đứa lao đầu chơi các trò cảm giác mạnh như tàu siêu tốc hoặc leo núi mạo hiểm. Tương tự, ngoài đường luôn có những anh “dân tổ” đam mê bốc đầu thậm chỉ là thả tay lái khi đi xe máy.

Thrill-seeker là những người đi tìm kiếm cảm giác mạnh và khác lạ thông qua các trải nghiệm mới. Những người này có xu hướng chấp nhận rủi ro để có thể trải nghiệm sự mạo hiểm. Bên cạnh sử dụng từ thrill-seeker thì thuật ngữ sensation-seeker (người đi tìm một loại cảm giác khác) cũng thường được sử dụng thay thế.

Có nhiều lý do để một người tận hưởng các hoạt động thường đem lại nỗi sợ cho người khác như:

Vỏ não của người yêu mạo hiểm mỏng hơn

Não bộ của mỗi người cũng sẽ có cách đánh giá mức độ mạo hiểm khác nhau. Những người có vỏ não mỏng sẽ nhận thức về nguy hiểm ít hơn những người khác. Một nghiên cứu của Holmes và các đồng nghiệp tại Đại học Harvard và Bệnh viện Đa khoa Massachusetts đã chỉ ra điều này.

Sau khi đo đạc não bộ và làm kiểm tra với 1200 đối tượng nam và nữ ở lứa tuổi 18-35, Holmes nhận thấy những người thích cảm giác hưng phấn, mạo hiểm và bốc đồng có vỏ não (nơi được bao phủ bởi chất xám) mỏng.

Lớp vỏ nào này bao gồm vành cung vỏ não trước trán và hồi trán giữa, chịu trách nhiệm điều chỉnh cảm xúc và hành vi. Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc lớp vỏ này mỏng đi giảm sự ức chế, ảnh hưởng tới các quá trình đưa ra quyết định và khiến họ dễ dàng tham gia vào các hành vi mạo hiểm hoặc bốc đồng hơn người bình thường.

alt
Vỏ não mỏng khiến học có xu hướng "lao đầu" vào các trò chơi cảm giác mạnh

Họ cảm thấy hào hứng thay vì căng thẳng trước những trò mạo hiểm

Khi đối mặt với tình huống có tiềm ẩn nguy hiểm, gây hồi hộp thì hạch hạnh nhân sẽ đánh giá và “ghi nhận" lại điều này. Sau đó, cơ thể sẽ tiết ra một loạt các hormone và chất dẫn truyền thần kinh để cơ thể chuẩn bị đối phó với tình huống. Đây chính là phản ứng chiến hoặc chạy.

Trong quá trình này, cortisol có tác dụng báo động cơ thể để đối phó với căng thẳng (stress). Trong khi đó dopamine hoạt động như một phần thưởng, đem tới cảm giác thoải mái và hạnh phúc, tạo động lực cho não bộ vượt qua khó khăn.

Điểm khiến người yêu cảm giác mạnh khác đại đa số ở chỗ mức cortisol của họ tiết ra thấp nên phản ứng căng thẳng cũng giảm. Ngoài ra, theo như Tiến sĩ và giáo sư David Zald thì những người bị kích thích bởi cảm giác sợ hãi thường thiếu đi “phanh" trong đầu, nên lượng dopamine họ tiết ra và tái hấp thu cũng nhiều hơn.

Khi mức độ cortisol được tiết ra giảm và dopamin lại tăng cao, những người yêu mạo hiểm cảm thấy thích thú nhiều hơn căng thẳng. Đây là thứ khiến họ luôn cố gắng đi tìm bằng cách lặp đi lặp lại quy trình này. Việc vượt qua được nguy hiểm cũng làm tăng mức độ tự tin của họ.

Họ muốn rơi vào “trạng thái dòng chảy”

Những người đi tìm cảm giác ở cường độ cao (high sensation seeker) cũng cho rằng, họ tham gia các hoạt động thể thao mạo hiểm vì muốn được đưa vào trạng thái dòng chảy (flow state).

Đây là một khái niệm được tạo ra bởi nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi, miêu tả tình trạng khi chúng ta tập trung hoàn toàn năng lượng để tận hưởng niềm vui và sự thỏa mãn, để cho bản năng dẫn lối.

Máu mạo hiểm được quy định trong gen

Bên cạnh đó, nhà tâm lý học Marvin Zuckerman, người đã luôn nghiên cứu về chủ đề này từ những năm 1960 cho rằng việc đi tìm kiếm cảm giác mạo hiểm có cơ sở sinh học và khả năng di truyền cao, nghĩa là nó vốn được mã hóa trong gen và hệ thần kinh của chúng ta.

alt
Một số người đẻ ra đã có sẵn đam mê mạo hiểm trong người

Từ thời săn bắn hái lượm, con người đã luôn phải đi săn mồi và đây vốn là loại hoạt động mạo hiểm có nhiều rủi ro. Việc nhiều người hiện đại muốn đi nhảy dù hay leo núi cơ bản cũng khiến cơ thể tiết ra các chất hóa học giúp mô phỏng lại cảm giác săn mồi của ngày xưa.

Có nhiều kiểu người mạo hiểm ở mức độ khác nhau

Những năm 1970, Marvin Zuckerman đã làm một cuộc khảo sát nhằm phân loại tính cách những người thích cảm giác mạnh. Ông đã chia ra được thành 4 kiểu như sau:

  • Người thích phiêu lưu
  • Người tìm trải nghiệm mới
  • Người muốn vượt qua sự ức chế
  • Người dễ cảm thấy chán

Marvin Zuckerman cùng nhiều nhà nghiên cứu khác cũng đã phát triển nên một loại thang đo lường cảm xúc là BSSS (Brief Sensation-Seeking Scale) nhằm đánh giá mức độ đi tìm cảm giác mới của mỗi người.

Đam mê mạo hiểm cũng thường bị chỉ trích là có khả năng khiến người khác gây nghiện, những người này được gọi là “adrenaline junkies". Tuy nhiên thì bản thân những người đam mê mạo hiểm cường độ cao cũng được chỉ ra là ít cảm thấy căng thẳng, thỏa mãn với cuộc sống và tích cực.