Từ ngày 01/8, Zalo đưa ra một loạt thay đổi để hướng tới việc thu phí người dùng cho một số tính năng. Cụ thể, ứng dụng nhắn tin số một tại Việt Nam vẫn sẽ cho phép người dùng sử dụng miễn phí, nhưng sẽ hạn chế một số tính năng nếu như người dùng không sử dụng gói trả phí mang tên Zalo OA.
Các thay đổi về cơ bản không ảnh hưởng nhiều tới những người dùng Zalo với mục đích cá nhân mà hướng tới các doanh nghiệp và những cá nhân kinh doanh trên nền tảng này. Động thái này cho thấy Zalo đang có những bước chuyển mình để đa dạng hóa nguồn thu và phân chia khách hàng theo mục đích sử dụng.
Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào mà Zalo cũng như nhiều ứng dụng nhắn tin khác có thể duy trì dịch vụ miễn phí? Có những cách nào để các ứng dụng đảm bảo doanh thu và giữ chân khách hàng?
Cùng Vietcetera tìm hiểu cách các ứng dụng nhắn tin miễn phí kiếm tiền và duy trì dịch vụ của mình trong khi vẫn miễn phí với hầu hết người dùng.
1. Các gói trả phí
Đây là một trong những nguồn tiền trực diện nhất và rõ ràng nhất đối với các ứng dụng nhắn tin. Không chỉ riêng Zalo mà nhiều nền tảng khác như Telegram hay Line đều thiết kế các gói dịch vụ trả phí cho những cá nhân hay đơn vị với nhu cầu sử dụng cao hơn.
Để thực hiện việc này, các ứng dụng sẽ cung cấp hai sự lựa chọn: sử dụng gói miễn phí với những tính năng cơ bản nhất, hoặc là trả phí để được tiếp cận với những tính năng và dịch vụ nâng cao. Thông thường, những nền tảng nhắn tin sẽ có từ hai tới ba gói trả phí khác nhau cho người dùng cân nhắc.
Dịch vụ trả phí mới nhất của Zalo bao gồm hai gói: một gói nâng cao với giá 59 ngàn đồng một tháng, và một gói premium có giá 399 ngàn mỗi tháng. Bên cạnh đó, Zalo cho phép khách hàng đăng ký dùng thử các tính năng trả phí trong vòng 45 ngày với giá 10 ngàn đồng.
Để so sánh, hãy cùng xem xét các gói dịch vụ của hai nền tảng khác là Telegram và Wickr. Telegram chỉ có một gói trả phí mang tên Telegram Premium, có giá 119 ngàn một tháng tại Việt Nam. Trong khi đó, Wickr có tới ba lựa chọn có tính phí khác nhau cho người dùng, bao gồm gói Silver (4,99 đô/tháng), gói Gold (9.99 đô/tháng) và gói Platinum (25 đô mỗi tháng).
2. Phí quảng cáo
Quảng cáo luôn là một nguồn thu lớn của các ứng dụng miễn phí, đặc biệt là với các ứng dụng dựa nhiều vào thông tin người dùng như các nền tảng tin nhắn. Các nền tảng sẽ cho phép doanh nghiệp hoặc cá nhân kinh doanh chạy quảng cáo trên ứng dụng của mình và thu phí từ hành động này.
Đây là dịch vụ mà rất nhiều ứng dụng nhắn tin cung cấp, nhất là khi làn sóng thương mại điện tử đang ngày một lớn mạnh. Mỗi ứng dụng sẽ có những mức phí quảng cáo riêng tùy theo chiến lược quảng cáo của người dùng và đặc điểm riêng của từng ứng dụng.
Messenger là một trong những ứng dụng mà hầu hết doanh thu tới từ quảng cáo. Cụ thể, ứng dụng này sẽ đẩy quảng cáo dưới dạng hộp chat. Khi ấn vào hộp chat quảng cáo, ứng dụng sẽ hiển thị những thông tin quảng cáo và cho phép người dùng gửi tin nhắn cho đơn vị quảng cáo.
3. Phí dịch vụ
Về cơ bản, tất cả các ứng dụng liên lạc đều cho phép người dùng sử dụng miễn phí các tính năng liên lạc cơ bản như nhắn tin hay gọi điện. Thế nhưng ngày nay, các ứng dụng nhắn tin không chỉ để nhắn tin, mà còn cung cấp nhiều dịch vụ khác như chuyển tiền, mua sắm online, giải trí bằng âm nhạc và trò chơi điện tử,...
Đây chính là một nguồn thu khác cho các ứng dụng tin nhắn. Thông qua những dịch vụ đi kèm này, nền tảng không những có thêm tiền mà còn cung cấp cho người dùng những trải nghiệm mới và sản phẩm mới.
Một minh họa cho nguồn thu này là Zalo và ví điện tử Zalo Pay. Ứng dụng này cho phép người dùng giao dịch miễn phí, nhưng trong một số trường hợp thì ứng dụng sẽ thu phụ phí.
Ví dụ, người dùng Zalo Pay có thể rút tiền từ ví điện tử về thẻ ngân hàng của mình mà không mất phí trong 5 lần chuyển đầu tiên, nhưng sẽ bị tính phí là 0.4% giá trị giao dịch từ lần chuyển thứ 6.
Một ví dụ khác cho việc phụ thu là ứng dụng LINE của Nhật Bản. Không dừng lại ở ví điện tử và dịch vụ liên lạc, LINE còn là một nền tảng phát nhạc trực tuyến (LINE Music), ứng dụng khám bệnh và chăm sóc sức khỏe (LINE Healthcare), và thậm chí còn phân phối truyện tranh (LINE Manga).
LINE yêu cầu người dùng trả phí để duy trì những dịch vụ này, mức phí thay đổi tùy theo từng dịch vụ cũng như theo nhu cầu của người dùng trong mỗi dịch vụ.
Với định hướng phát triển phù hợp, đã có thời điểm LINE soán ngôi Apple Music và Spotify để trở thành đơn vị phân phối âm nhạc lớn nhất Nhật Bản. Người dùng tại Nhật Bản có hai lựa chọn: trả 500 Yên mỗi tháng cho tổng cộng 20 tiếng phát nhạc, hoặc trả 1000 Yên mỗi tháng để truy cập không giới hạn.
4. Tiền bán các sản phẩm đi kèm dịch vụ
Các dịch vụ của ứng dụng nhắn tin, dù là miễn phí hay trả phí, thì đều có thể có những sản phẩm bán kèm. LINE cho người dùng nhắn tin miễn phí và bán các bộ sticker theo nhân vật hoạt hình.
Gã khổng lồ WeChat của Trung Quốc cũng bán các bộ sticker đặc biệt bên cạnh những sticker cơ bản. WeChat thậm chí còn cho phép người dùng thiết lập, đăng tải, và bán các bộ sticker của riêng mình.
WeChat và LINE còn có tính năng giải trí, trong đó người dùng có thể chơi trò chơi điện tử và tương tác với bạn bè trên những trò chơi ấy. Sản phẩm bán kèm với tính năng này là các vật phẩm trong game, hoặc các đơn vị tiền trong game để mua vật phẩm. Ngoài ra, hai ứng dụng này bán cả các filter hoặc các bộ trang trí ứng dụng theo chủ đề,...
Sự khác nhau giữa phí dịch vụ và tiền thu từ các sản phẩm đi kèm nằm ở khả năng tiếp cận. Khi một người dùng phải trả phí để sử dụng một dịch vụ, tức là khả năng tiếp cận dịch vụ bị giới hạn trừ khi thanh toán. Ngược lại, người dùng có thể không mua các sản phẩm đi kèm nhưng vẫn có thể sử dụng miễn phí các tính năng mà ứng dụng cho phép.
5. Tiền tài trợ và ủng hộ
Không phải ứng dụng nào cũng có một hàng dài dịch vụ như LINE và WhatsApp. Một số ứng dụng như Telegram và Signal chỉ đơn thuần là ứng dụng nghe-gọi-nhắn, do đó không có những nguồn thu từ quảng cáo hay bán sản phẩm đi kèm dịch vụ.
Bên cạnh đó, hai ứng dụng này không trực thuộc một công ty công nghệ nào, do đó thiếu đi một nguồn tiền ổn định từ công ty mẹ. Vì vậy, để duy trì hoạt động, những đơn vị này thường xuyên nhận tiền từ các quỹ hay các cá nhân ủng hộ đường hướng hoạt động của ứng dụng.
Trước khi mở gói trả phí, nguồn thu duy nhất của Telegram tới từ tài trợ của người sáng lập. Trong khi đó, Signal liên tục nhận các khoản tiền ủng hộ từ những cá nhân ủng hộ chính sách bảo mật và không liên kết của công ty này, bao gồm khoản tiền 50 triệu đô từ cựu sáng lập viên của WhatsApp là Brian Actor.
Kết
Sự việc Zalo giới hạn tính năng và tiến hành thu phí người dùng thực ra không bất ngờ. Nếu nhìn vào xu thế hoạt động và vận hành các ứng dụng nhắn tin, ta có thể thấy đây là hướng đi phù hợp và tất yếu.
Tuy nhiên, Zalo cũng như bất kỳ ứng dụng nhắn tin nào đều có thể bị thay thế nếu làm mất lòng người dùng. Do đó, việc xác định những phương án tính phí sao cho phù hợp là điều kiện tiên quyết của bất cứ nền tảng nhắn tin nào.