Vì sao cảm giác bị “seen” tin nhắn lại đau đớn đến thế? | Vietcetera
Billboard banner

Vì sao cảm giác bị “seen” tin nhắn lại đau đớn đến thế?

Khi đợi chờ tin nhắn không còn là hạnh phúc, mà chỉ là niềm đau.
Vì sao cảm giác bị “seen” tin nhắn lại đau đớn đến thế?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Bạn mở điện thoại, thấy người ấy đã “seen” tin nhắn nhưng lại không “react” hay trả lời gì bạn. Thế là bạn lo lắng, thấp thỏm không hiểu mình đã làm gì sai.

Việc bị “seen không rep” tin nhắn là nỗi buồn chẳng của riêng ai. Trong thời đại của giao tiếp trực tuyến, hầu hết chúng ta đều từng gặp tình huống này ít nhất một lần.

Chữ “seen” tưởng chừng bé nhỏ, nhưng lại sở hữu mức độ sát thương vô cùng lớn lao. Nó có thể khiến bạn đi từ tâm trạng phấn chấn nhất đến ức chế, lo lắng, bồn chồn hay thậm chí xấu hổ trong một hoặc nhiều ngày liền. Vậy điều gì xảy ra trong não khiến bạn trở nên đau đớn đến thế khi bị “left on read”?

Suy nghĩ quá độ, tưởng tượng 7749 nguyên nhân

Suy nghĩ quá độ là tình trạng khá phổ biến mà nhiều người mắc phải, xảy ra do não bộ có thiên kiến tiêu cực. Điều này khiến bạn cho rằng những điều tồi tệ dễ xảy đến hơn những điều tích cực. Chúng ta cũng phản ứng mạnh mẽ với những sự việc tiêu cực hơn thường lệ.

Trong tình huống bị seen, thiên kiến tiêu cực khiến bạn “vẽ” ra 7749 viễn cảnh tồi tệ, bao gồm cả những lý do phi thực tế nhất. Bạn bồn chồn, lo âu và không ngừng võ đoán xem người nhận nghĩ gì về tin nhắn của mình.

Trên thực tế, có rất nhiều lý do người ta đọc mà chưa thể trả lời tin nhắn. Có thể họ không hứng thú, nhưng cũng có thể là đang bận việc gấp hoặc cần thời gian để trả lời rõ ràng. Tuy nhiên não thường đánh đồng nguyên nhân duy nhất là họ không muốn nói chuyện hoặc không có hứng thú với bạn.

Cảm giác thấp thỏm vì “việc chưa hoàn thành”

Để tạm quên việc bị seen, ta thường quay sang làm việc khác. Nhưng dường như càng cố gắng quên đi, chữ seen to đùng lại càng lờn vờn trong não.

Và thủ phạm cho sự “ám ảnh” này chính là hiệu ứng Zeigarnik. Đây là hiện tượng tâm trí bồn chồn bởi một việc còn dang dở. Trong tình huống bị seen, não bộ coi việc đối phương chưa trả lời tin nhắn là một nhiệm vụ như vậy.

16nov2023intext1jpg
“Nhiệm vụ” đang dang dở, mà trớ trêu thay bạn không thể tự mình hoàn thành nó.

Dù cố gắng lãng quên hay “lái” tâm trí sang việc khác, cảm giác bứt rứt vẫn còn nguyên trong não khiến bạn đứng ngồi không yên. Nhưng tình huống này trớ trêu ở chỗ, bạn không thể tự mình “hoàn thành” nó mà chỉ có thể ngồi im chờ đối phương trả lời. Vì vậy mà cảm giác bồn chồn không dễ dàng chấm dứt, thậm chí cứ ở mãi trong tâm bạn nhiều ngày liên tục.

Sự đầu tư mạnh mẽ về cảm xúc

Ngoài suy nghĩ quá độ và cảm giác bồn chồn, não bạn còn có thể chuyển sang trạng thái xấu hổ và muốn “sửa sai”. Bạn nhận định mình đang bị “bơ”, thậm chí muốn thu hồi tin nhắn. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn đang crush người ấy nhiều đến mức hình thành delusionship (mối quan hệ yêu đương với crush được hình thành trong trí tưởng tượng).

Theo tiến sĩ tâm lý David Cowan, dòng suy nghĩ tiêu cực này xảy ra có thể là kết quả của việc bạn đầu tư quá nhiều cảm xúc vào đối phương. Vì vậy, khi không nhận được sự quan tâm tương tự từ đối phương, sự mất cân bằng trong nhận thức sẽ xảy ra.

Điều này khiến các suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bạn đi chệch hướng, dẫn tới đánh giá thấp chính mình. Khi đó, ta thường tự chất vấn mình những câu như: “Có phải tin nhắn mình gửi không đủ thú vị? Sao mình lại gửi emoji này nhỉ? Nhìn thật ngu ngốc quá!”.

16nov2023intext2jpg
Khi không nhận được sự quan tâm tương tự từ đối phương, bạn dễ mất cân bằng nhận thức.

Làm gì để thôi bận lòng chuyện bị "seen"?

Nghĩ đơn giản cho đời thanh thản

Theo quy tắc dao cạo Occam, lời giải thích đơn giản nhất thường là lời giải thích xác đáng nhất, vì nó tránh được các giả định vô lý hoặc không cần thiết.

Nói cách khác, khi người yêu hay crush chưa trả lời tin nhắn, bạn có thể lý giải theo cách đơn giản nhất: họ đang bận. Điều này không chỉ giúp bạn bớt suy nghĩ quá đà, mà còn tránh việc giả định thiếu căn cứ rồi lại mắc rối trong mớ ngổn ngang do chính mình tạo ra.

Gọi thẳng nếu có chuyện gấp

Trong thời đại giao tiếp qua internet, chúng ta thường thoải mái với việc nhắn tin hay dùng emoji hơn so với việc gọi điện trực tiếp. Tuy nhiên nếu đó là tình huống cần giải quyết gấp, bạn nên chủ động gọi điện hoặc tìm gặp trực tiếp thay vì ngồi chờ đối phương phản hồi.

Nếu bản thân là người nhận tin nhắn

Đôi khi chúng ta cũng vô tình để người khác bị “seen” và gây mất lòng mà không để ý. Để tránh những tình huống như vậy, bạn có thể áp dụng các cách:

  • Tắt tính năng “seen” hoặc “read receipts” nếu có thể. Một số app nhắn tin cho phép bạn làm điều này, sẽ giúp giảm đáng kể sự lo âu cho người gửi nếu bạn vô tình đọc tin nhắn mà chưa trả lời được ngay.
  • Nhắn lại rằng sẽ trả lời sau nếu bạn chưa có thời gian đọc kỹ tin nhắn. Một số app còn có sẵn các mẫu tin nhắn nhanh giúp bạn dễ dàng làm việc này.
  • Chọn tính năng “đánh dấu chưa đọc” nếu lỡ ấn vào tin nhắn. Nhưng bạn cần chú ý khi dùng tính năng này, vì nó có thể gây ra cảm giác left on delivery.
  • Mẹo “100 điểm tinh tế”: Khi kết thúc cuộc trò chuyện, bạn có thể “react” hoặc gửi emoji để đối phương không bị seen.

Tuy nhiên cũng có những trường hợp bị làm phiền, bám đuôi dai dẳng qua tin nhắn. Khi đó, bạn không nên trả lời nửa chừng hoặc thả emoji cho xong chuyện, mà cần thẳng thắn vạch ra ranh giới với người kia.