Vì sao cứ tắm xong lại "nhẹ cả người"? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
14 Thg 04, 2021
Tâm Lý HọcBổ Não

Vì sao cứ tắm xong lại "nhẹ cả người"?

Trên cả sự sạch sẽ khi đã gột rửa hết bụi bẩn, cảm giác sung sướng và thoả mãn khi và sau khi tắm đến từ đâu?

Vì sao cứ tắm xong lại "nhẹ cả người"?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Bạn vừa kết thúc một ngày dài làm việc. Trở về nhà, điều đầu tiên bạn làm là lao vào phòng tắm và gội rửa một trận ra hồn. Bước ra, bạn cảm thấy như một con người mới. Trên cả sự sạch sẽ khi đã gột rửa hết bụi bẩn, đó là cảm giác nhẹ nhàng như bay, hay như có gì đó đang ôm lấy mình.

Hình ảnh ngâm bồn tắm từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự thư giãn. Vậy, cảm giác sung sướng và thoả mãn sau khi tắm đến từ đâu?

Nước ấm tạo ra sự vỗ về như một cái ôm

Lớp da của chúng ta được phủ khắp bởi một nhóm dây thần kinh mang tên CT afferent. Nhóm dây này xử lý và phản ứng trước những tiếp xúc cơ thể với 3 điều kiện: sự tiếp xúc, di chuyển nhẹ, và 32 độ C — cũng chính là nhiệt độ của con người. Vì vậy, CT afferent hoạt động mạnh mẽ nhất khi chúng ta được chạm vào, nắm tay ai đó, hay ôm lấy nhau.

Không như các hệ thần kinh và vùng não thụ cảm những cảm xúc tâm lý như vui, buồn hay đau khổ, CT afferent mang lại cho ta những cảm giác mang tính xã hội hơn, như “cảm thấy kết nối, an toàn và được yêu thương.”

bonaotam1
CT afferent hoạt động mạnh mẽ nhất khi chúng ta được chạm vào, nắm tay ai đó, hay ôm lấy nhau.

Ngoài những cú chạm, một trong những cách khác để đánh thức những cảm giác này là tắm. Một dòng nước chạy khắp cơ thể ở một nhiệt độ thích hợp sẽ là các điều kiện đủ để CT afferent thụ cảm, từ đó cảm giác “sung sướng” sẽ hình thành.

Ấm trên da làm ta ấm trong lòng

Việc cơ thể cảm nhận hơi ấm cũng có thể giúp bạn cảm thấy “ấm áp” về mặt tâm hồn. Khi tiếp xúc với nước ấm, nhiệt độ da trên cơ thể sẽ tăng, giúp giải phóng endorphins, một trong các loại hormones hạnh phúc. Phản ứng này cũng tương tự như lúc ta tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Tắm cũng có thể giúp giảm căng thẳng và lo âu. Khi tắm, đặc biệt là khi tắm nước nóng, nhiệt độ sẽ kích hoạt hệ thần kinh đối giao cảm, vốn chịu trách nhiệm cho các hoạt động tiêu hoá và nghỉ ngơi. Điều này giúp nhịp tim của bạn giảm và giúp cơ giảm đau mỏi — những phản ứng sinh lý của căng thẳng và lo âu. Tắm nước lạnh cũng được chứng minh là cải thiện tuần hoàn máu, vì vậy sẽ làm giảm huyết áp khi lo âu.

bonaotam2
Ai rồi cũng về nhà và tắm một trận thật phê.

Các bệnh nhân trầm cảm trong một thử nghiệm năm 2008 cũng đã báo cáo rằng họ cảm thấy khá hơn sau vài tuần giữ thói quen tắm 2 lần một ngày, mỗi lần 2 đến 3 phút. Sau đó, nghiên cứu kết luận rằng tắm, cũng là một trong những phương pháp thuỷ trị liệu, có hỗ trợ điều trị trầm cảm.

Thú vị hơn, các nhà khoa học tại đại học Yale cũng chỉ ra rằng những người cô đơn hơn thường có xu hướng tắm lâu và thích tắm nước ấm. Họ cho rằng sự ấm áp trên cơ thể có thể bù đắp "sự lạnh giá" trong tâm hồn và cuộc sống.

Tắm nước nóng hay nước lạnh thì tốt hơn?

Nước nóng và nước lạnh đều có những mặt lợi và hại khác nhau. Theo Medical News Today, các mặt lợi giữa tắm nước nóng và tắm nước lạnh là:

bonaotam4
Ích lợi của tắm nước nóng và nước lạnh.

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý những điều sau:

  • Tắm nước quá lạnh sẽ khiến động mạch bị thắt, ngăn máu chảy đến các cơ quan trọng yếu và gây đột quỵ.
  • Tắm nước quá nóng sẽ gây ra bỏng da hoặc sốc nhiệt.
  • Con người là động vật hằng nhiệt, vì vậy đừng xả nước lên đầu hay mặt khi bắt đầu tắm. Hãy làm ướt chân trước để cơ thể có thời gian điều chỉnh theo nhiệt độ của nước.

Bạn nghĩ gì khi tắm? Nghe ngay podcast Bít Tất #8: Vừa tắm vừa nghĩ của Vietcetera nhé!