Nắng trước 9 giờ có thật sự tốt không? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
05 Thg 11, 2020
Beauty

Nắng trước 9 giờ có thật sự tốt không?

Tắm nắng thế nào để không gây hại cho da?

Nắng trước 9 giờ có thật sự tốt không?

Nguồn: Shutterstock

Có rất nhiều lầm tưởng cho rằng ra ngoài đón nắng trước 9 giờ sẽ giúp hấp thụ vitamin D nhiều nhất. Sẽ không khó để bạn bắt gặp hình ảnh các mẹ, các bác sáng nào cũng bế cháu ra ngồi trước nhà tắm nắng.

Nhưng liệu nắng trước 9 giờ sáng có thật sự tốt như ta nghĩ? Và liệu chúng ta có đang bảo vệ làn da đúng cách?

Hiểu về nắng và tia mặt trời

Thành phần trong tia nắng

Dựa vào quang phổ điện từ, các bức xạ mặt trời có thể được chia làm 2 loại tia sáng: tia sáng thấy được và tia sáng không thấy được.

Tia sáng thấy được giúp chúng ta nhìn thấy mọi vật. Trong tia sáng thấy được còn có ánh sáng xanh hay High Energy Visible Light (HEV), giúp duy trì hoạt động của sóng não, sản xuất hormones và tái tạo tế bào. Tuy nhiên, ánh sáng xanh cũng có thể làm tổn hại mắt hoặc gây lão hoá da sớm.

Phần ánh sáng không nhìn thấy được chính là tia cực tím (UV). Có 3 loại tia cực tím gồm UVA, UVB và UVC. Nhờ có tầng ozone hấp thụ, chúng ta đã được bảo vệ khỏi UVC, loại tia cực tím nguy hiểm nhất.

Nhờ có tầng ozone hấp thụ chúng ta đã được bảo vệ khỏi UVC loại tia cực tím nguy hiểm nhất Nguồn Unsplash
Nhờ có tầng ozone hấp thụ, chúng ta đã được bảo vệ khỏi UVC, loại tia cực tím nguy hiểm nhất. | Nguồn: Unsplash

Khi chúng ta tiếp xúc với nắng, tia UVB chuyển hoá cholesterol trên da, cung cấp năng lượng cho quá trình tổng hợp vitamin D. Song, UVB cũng là tia gây rám nắng và bỏng lớp da ngoài.

Tia UVA, tuy không gây đau rát, nhưng lại tác động sâu bên trong da, thúc đẩy lão hoá. Do tầng ozone ngày càng mỏng đi, các tia cực tím lại đi vào khí quyển nhiều hơn, khiến việc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời càng nguy hiểm.

Xét về khía cạnh thời gian, nhiều nghiên cứu cho rằng thời điểm lý tưởng để tắm nắng là buổi trưa, bởi đó là lúc có nhiều tia UVB nhất, và bạn có thể hấp thụ lượng lớn vitamin D lớn trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc không nên ở ngoài nắng quá lâu, khiến da cháy nắng.

Vị trí địa lý cũng ảnh hưởng tới chất lượng nắng

Vị trí địa lý cũng là tác nhân ảnh hưởng đến tia mặt trời. Tuỳ vào từng toạ độ, khu vực mà mỗi tia mặt trời sẽ có nhiệt độ khác nhau.

Vị trí địa lý là một yếu tố lớn ảnh hưởng đến chất lượng của nắng mặt trời Nguồn We Heart It
Vị trí địa lý là một yếu tố lớn ảnh hưởng đến chất lượng của nắng mặt trời. | Nguồn: We Heart It

Ở những vùng ôn đới rõ rệt 4 mùa như châu Âu hay châu Mỹ, ánh nắng có nhiệt độ cao nhất vào mùa hè và thấp nhất vào mùa đông. Vùng cận nhiệt và nhiệt đới gần với xích đạo sẽ thường xuyên hứng chịu các đợt nắng nóng và gay gắt, với nhiệt độ luôn ở mức trên 30 độ C từ sớm.

Nếu đang sống tại các vùng nhiệt đới như Việt Nam, nắng trước 9 giờ có thể là một ý kiến tồi. Bởi các đợt nắng sẽ gay gắt hơn, và bạn cũng có nhiều nguy cơ mắc các bệnh về da liễu.

Nắng cũng ảnh hưởng đến tâm trạng

Khoa học đã chứng minh nắng cũng gây ảnh hưởng đến tâm trạng chúng ta. Khi ta tiếp xúc với nắng, não sẽ giải phóng serotonin, giúp giảm lo âu, điều tiết tâm trạng và tập trung tốt hơn.

Việc không tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh trầm cảm theo mùa, hay còn gọi là SAD. Tuy nhiên, tắm nắng quá nhiều cũng có thể dẫn tới trầm cảm theo mùa ngược, hay còn gọi là Summer SAD.

Da bạn cần gì để đón nắng an toàn?

Đến hiện tại, chưa có nghiên cứu nào cho rằng tắm nắng trước 9 giờ sáng là tốt cho sức khoẻ. Nhưng chắc chắn nắng mặt trời là nguồn tốt nhất để bạn hấp thụ vitamin D.

Việc đón nắng an toàn phụ thuộc vào nơi bạn sinh sống cũng như tình trạng sức khoẻ của da. Trên hết, cần lưu ý những điều sau để bảo vệ bản thân khỏi những nguy hiểm mà tia mặt trời có thể gây ra:

Hãy luôn thoa kem chống nắng trước khi ra khỏi nhà Nguồn Unsplash
Hãy luôn thoa kem chống nắng trước khi ra khỏi nhà. | Nguồn: Unsplash
  • Chọn mua kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên, và sử dụng trước khi ra ngoài từ 15-30 phút. Ngoài mặt, bạn cũng nên thoa tất cả các vùng da lộ ra ngoài như cổ, gáy, tay, chân. Nếu hoạt động ngoài trời thường xuyên, nên thoa kem lại sau 1-2 tiếng.
  • Theo WHO, chỉ nên hấp thụ nắng có nhiệt độ dưới 30 độ C từ 5-15 phút, khoảng 2-3 lần/tuần trên cánh tay, bàn tay và mặt. Cần lưu ý rằng tắm nắng chỉ cung cấp một phần vitamin D cho cơ thể. Phần còn lại vẫn phụ thuộc vào chế độ ăn và sinh hoạt của bạn.
  • Nếu bạn chưa biết, quần áo cũng có chỉ số chống nắng, gọi là UPF. Chỉ số này cho biết lượng tia cực tím sẽ đi xuyên qua loại một loại vải bất kỳ. Các loại vải dày như denim, len hay canvas, hoặc vải có màu tối hơn sẽ bảo vệ da tốt hơn. Các loại vải có chỉ số từ 30 trở lên sẽ bảo vệ da tốt nhất.
  • Nếu bạn muốn tắm nắng để có da ngăm, hãy thoa kem chống nắng và che chắn đầy đủ. Lưu ý rằng, tắm nắng quá lâu có nguy cơ dẫn đến bệnh da liễu như bỏng rát, khô nẻ và ung thư. Thời điểm hiệu quả nhất, theo Healthline, là từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.