Watercooler chat - Những cuộc trò chuyện “nhỏ mà có võ” nơi công sở | Vietcetera
Billboard banner

Watercooler chat - Những cuộc trò chuyện “nhỏ mà có võ” nơi công sở

Khi buộc phải chuyển sang làm việc trực tuyến do đại dịch, có tới 43% nhân viên cảm thấy nhớ các cuộc trò chuyện này.
Watercooler chat - Những cuộc trò chuyện “nhỏ mà có võ” nơi công sở

Nguồn: The Office

1. Watercooler chat là gì?

Watercooler chat (ˈwɔːtə ˈkuːlə ʧæt) là những cuộc trò chuyện ngắn, ngẫu hứng và thân mật giữa các nhân viên văn phòng khi họ tranh thủ nghỉ giải lao giữa giờ làm. Các cuộc hội thoại kiểu này thường diễn ra ở những địa điểm ít “hình thức” hơn như bàn uống nước, máy pha cafe, khu vực ăn uống hay hút thuốc.

Watercooler chat có phần hơi giống với office gossip (tám chuyện nơi công sở), song mang sắc thái nghĩa tích cực hơn và thường nói về các chủ đề không liên quan tới công việc (như sở thích, gia đình…). Các phiên bản khác của cụm từ này là watercooler talk hay watercooler conversation.

2. Nguồn gốc của watercooler chat

Thuật ngữ này xuất phát từ một nét văn hóa công sở của người Mỹ. Khi nghỉ ngơi giữa giờ làm, dân văn phòng nước này thường ra cây nước (water cooler) lấy nước và nếu thấy một đồng nghiệp khác cũng ở đó, họ sẽ chủ động bắt chuyện. Dần dần, cây nước trở thành điểm tụ tập, tán gẫu của dân văn phòng trong những giờ phút giải lao.

Sau này khi máy pha cà phê trở nên phổ biến trong văn phòng, nó dần thay thế cây nước trở thành tụ điểm trò chuyện mới. Điều này dẫn đến sự ra đời của một thuật ngữ mới là coffee break (cafe giờ giải lao). Tuy nhiên từ watercooler chat vẫn được sử dụng với đa số các cuộc trò chuyện giữa giờ, thậm chí cả trong ngữ cảnh làm việc online.

3. Vì sao watercooler chat phổ biến

Watercooler chat vốn bị nhiều quản lý coi là lãng phí thời gian, gây ảnh hưởng đến năng suất làm việc của nhân viên. Một số quản lý thậm chí còn giới hạn thời gian giải lao của nhân viên, hoặc chia nó thành những khung giờ ngắn để nhân viên không “tám” được quá lâu.

Nhưng thực tế, watercooler chat lại đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Theo một cuộc khảo sát của Small Business Trends năm 2021, có tới 43% nhân viên văn phòng cho biết họ nhớ những cuộc trò chuyện ngắn này - điều khó có thể tái hiện ở môi trường làm việc online do đại dịch.

Theo Tim Eisenhauer, tác giả sách Who The Hell Wants to Work for You?, watercooler chat tạo ra một môi trường thoải mái, giúp nhân viên tạm tách rời khỏi công việc để cùng trò chuyện và hiểu nhau nhiều hơn. Điều này đặc biệt quan trọng khi chúng ta dần trở lại văn phòng sau thời gian dài làm việc từ nhà, bởi có không ít người cảm thấy mất kết nối với đồng nghiệp.

Watercooler chat giuacutep chuacuteng ta kết nối lại với đồng nghiệp sau thời gian dagravei lagravem việc từ xa
Watercooler chat giúp chúng ta kết nối lại với đồng nghiệp sau thời gian dài làm việc từ xa. | Nguồn: Pexels

Những cuộc trò chuyện ngẫu hứng này còn giúp xóa nhòa khoảng cách giữa nhân viên các phòng ban, giải tỏa stress và tăng năng suất làm việc. Bên cạnh đó, chúng có thể là nơi những ý tưởng hay bất ngờ xuất hiện. Chính vì vậy nếu biết vận dụng tốt, watercooler chat có thể trở thành chiến lược quản lý nhân sự hiệu quả cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên có vài điều ta cần lưu ý để không biến thành “bà tám công sở” hay “ông hoàng drama” trong những cuộc trò chuyện này. Nên tránh những chủ đề nhạy cảm như chính trị, lương bổng hay đào sâu vào đời tư của người khác. Bên cạnh đó, ta cũng cần tránh tán gẫu quá lâu ảnh hưởng đến tiến độ làm việc, và không nên làm phiền đồng nghiệp khác nếu họ muốn dành thời gian nghỉ ngơi một mình.

4. Sử dụng watercooler chat như thế nào?

Tiếng Anh

A: It’s so hard to connect with other people in a virtual office.

B: So true, I really miss the watercooler chats. They are so hard to recreate in an online environment.

Tiếng Việt

A: Thật khó để kết nối với mọi người trong một văn phòng ảo.

B: Chuẩn rồi, tôi nhớ mấy cuộc trò chuyện nhỏ dã man. Thật khó để tái hiện chúng trong môi trường làm việc online.