Ann Lind Andersen ở Cannes nói về Cannes
Mỗi năm một lần, Liên hoan phim Cannes đều làm người hâm mộ điện ảnh trên toàn thế giới ngóng chờ. Không chỉ là nơi so tài của nhiều bộ phim chưa từng được công chiếu rộng rãi, 12 ngày chiếu phim của Cannes còn quy tụ nhiều nhân vật nổi bật trong giới điện ảnh.
Vietcetera đã có một cuộc trò chuyện ngắn với Ann Lind Andersen - ký giả, nhà phê bình điện ảnh Đan Mạch nổi tiếng - về hành trình của cô với Liên hoan phim Cannes.
Ann là một ký giả đã nhẵn mặt với các công ty điện ảnh và Liên hoan phim lớn nhất thế giới. Cô còn là bình luận viên thường trực của lễ trao giải Oscar.
Lịch trình của Ann khoảng thời gian này có bận rộn không?
Khá bận. Tôi đã trải qua hơn một tuần lễ chỉ có xem phim và xem phim. Ở Cannes, mọi người được tự do chọn những bộ phim mình muốn xem. Phần lớn đều đến Liên hoan để xem 24 bộ phim tranh giải.
Năm 2019, tôi đến Cannes với tư cách một nhà phê bình điện ảnh đại diện cho cánh báo chí, thế nên phải xem liên tục 24 bộ phim. Năm nay thì thoải mái hơn nên tôi phát hiện giới hạn của mình chỉ là 4 bộ phim một ngày. 3 thì tốt, còn lên đến 5 là đầu bắt đầu đau rồi.
Vì phải xem liền tù tì hàng loạt phim trong nhiều ngày nên mọi người ở đây cũng khá mệt. Nhưng cứ tự nhủ là được đến xem phim là đã may mắn lắm, nên không có gì để phàn nàn cả.
Cannes năm nay có nhiều điểm khác biệt so với những năm trước chứ?
Covid-19 khiến lượng người tham dự ít hẳn hơn so với năm ngoái, cả giới xem phim lẫn các ký giả. Nhiều người nổi tiếng cũng ngại đến vì đại dịch.
Mọi năm, chương trình được tổ chức vào tháng 5, năm nay thì bị dời sang tháng 7. Mà tháng 7 ở Cannes thì cực kỳ nóng.
Oscar có vẻ được chú ý nhiều hơn Cannes (dựa theo số lượng kết quả tìm kiếm trên Google). Chị có nhận định thế nào về hai lễ trao giải này?
Việc chọn lựa bộ phim nổi bật của năm trong số rất nhiều phim đã chiếu trong năm khiến quy mô của Oscar lớn hơn khá nhiều. Còn Cannes chỉ tập trung vào lựa chọn bộ phim thắng cuộc trong 24 tác phẩm, gần như đều là các phim chưa công chiếu, được đưa vào tranh giải.
Những bộ phim được gửi đi tranh giải tại Cannes cũng đến từ nhiều quốc gia, khác với Oscar thường chọn những phim nói tiếng Anh. Tôi nghĩ đó là một số khác biệt nhất định giữa hai lễ trao giải này.
Cho tới thời điểm hiện tại, đâu là bộ phim gây ấn tượng với Ann nhất?
Phim của François Ozon - một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất của Pháp thời điểm hiện tại - với tựa đề Everything Went Fine. Người cha trong gia đình bị bệnh nặng và ông muốn được an tử. Thế là hai người con gái trong nhà phải quyết định xem họ có sẵn sàng giúp đỡ ba mình ‘được chết’ hay không.
(Chúng tôi có hỏi Ann về The French Dispatch - tác phẩm mới của Wes Andersen, và cũng là một trong những tác phẩm được ngóng đợi nhất tại Cannes. "Một bộ phim đậm chất Wes Andersen", Ann bày tỏ, "Nhưng nội dung của nó không quá ấn tượng với tôi.")
Hai năm nay, thế giới chứng kiến một đại dịch thế kỷ. Chị có nghĩ Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến đề tài của các bộ phim tại Cannes năm nay không?
Trước khi đến đây, hẳn nhiều người cũng nghĩ nội dung các bộ phim năm nay cũng sẽ xoay quanh chuyện Covid-19, chuyện giãn cách xã hội. Nhưng thật bất ngờ là các nội dung đều rất phong phú. Chẳng hạn bộ phim Benedetta của Paul Verhoeven kể về chuyện 2 nữ tu sĩ phải lòng nhau (phim vừa có yếu tố tình dục, vừa hài hước, và cũng là tác phẩm lạ nhất tôi được xem trong Cannes tính đến thời điểm hiện tại).
Có lẽ bởi vì việc các bộ phim nói về Covid-19 xuất hiện trong năm nay vẫn còn khá sớm. Chúng ta có thể chờ đợi việc đại dịch xuất hiện trong phim ảnh vào Cannes năm sau, hoặc năm sau nữa.
Ngành công nghiệp điện ảnh sẽ có những biến chuyển nào sau đại dịch?
Sự thay đổi lớn nhất đã đến từ giới báo chí, những người viết về phim ảnh. Thông thường, vào mọi năm, tính đến giờ tôi đã bay đi khắp nơi để dự các loại Liên hoan phim và gặp gỡ rất nhiều người để phỏng vấn trực tiếp. Nhưng khi đại dịch ập đến, chúng tôi học cách dự Liên hoan phim trên... máy tính, và sắp xếp các cuộc gặp qua Zoom.
Dĩ nhiên, việc gặp trực tiếp George Clooney sẽ thích hơn hẳn việc phải nói chuyện với ông qua màn hình. Nhưng chi phí cho việc làm mọi thứ online bớt đắt đỏ hơn, và cũng ít tổn hại đến môi trường hơn nữa.
Tôi nghĩ sau Covid-19, giới làm phim sẽ nghiêm túc suy nghĩ về việc các sự kiện nào đủ long trọng để dồn nhiều chi phí (bao gồm tiền vé máy bay hai chiều, tiền khách sạn, tiền ăn cho mọi khách tham dự), còn các sự kiện nào nên giảm bớt hoặc tổ chức online để tiết kiệm hơn.
Chắc hẳn chị đã có rất nhiều cuộc trò chuyện thú vị với các nhân vật nổi tiếng xuất hiện tại Cannes. Đâu là cuộc trò chuyện chị nhớ nhất?
Tôi có dịp phỏng vấn Josh O'Connor (diễn viên nổi tiếng với vai diễn trong The Crown) và hỏi về cách cậu ấy xác định vai diễn nào là phù hợp với mình. Josh bày tỏ cậu luôn cố gắng chọn những vai thể hiện góc nhìn thú vị về tính nam hiện đại.
Ở bộ phim mới nhất, có một cảnh quay Josh nude hoàn toàn phần thân trước, và trong thời gian rất lâu. Việc một diễn viên trẻ sẵn sàng đi xa đến vậy cho vai diễn của mình là một điều khiến tôi thấy rất ấn tượng.
Ngoài ra, cuộc trò chuyện với François Ozon cũng gợi cho tôi nhiều suy ngẫm. Trong và sau đại dịch, các đạo diễn vẫn luôn băn khoăn câu chuyện về việc lựa chọn nền tảng - nên chiếu phim thuần truyền thống ở rạp, hay để chúng ‘bay nhảy’ khắp các dịch vụ xem video trực tuyến.
Vậy chị có nghĩ sau đại dịch, văn hóa đi xem phim tại rạp sẽ mất dần không?
Hy vọng là không. Khi Covid-19 có chiều hướng giảm, tôi thấy các rạp cũng đang ‘rục rịch’ trở lại và được đón nhận khá nồng nhiệt. Mong rằng đó là một tín hiệu tốt cho các rạp phim.
Bởi tôi rất đồng tình với ý kiến của một lãnh đạo tại Liên hoan phim Cannes. Ông nói rằng rạp phim là nơi duy nhất mà bạn có thể tận hưởng tác phẩm một cách thuần túy nhất - từ đầu đến cuối và không có bất kỳ sự ngắt quãng nào.
Sẽ không ai gõ cửa nhà bạn, sẽ không có lúc bạn chợt nhớ ra mình còn việc gì cần hoàn thành, hay bạn sẽ không bất chợt thấy thèm rồi đi pha một cốc cà phê.
Và đó, là trải nghiệm xem phim tuyệt vời nhất.