Liệu Việt Nam có thể dẫn đầu công nghệ blockchain toàn cầu?

Chia sẻ của chị Lynn Hoàng, quản lý câu lạc bộ Blockchain Việt Nam về sự phát triển và tiềm năng ứng dụng cho nhiều lĩnh vực của Blockchain tại Việt Nam. Tại sao Blockchain lại được gọi là công nghệ “vạn năng” trong thời buổi cách mạng công nghiệp 4.0?

Hao Tran
Liệu Việt Nam có thể dẫn đầu công nghệ blockchain toàn cầu?

Liệu Việt Nam có thể dẫn đầu công nghệ blockchain toàn cầu?

Việt Nam đang có những bước chuyển tiến rõ rệt để được biết đến nhiều hơn là một cường quốc nông nghiệp. Chỉ riêng trong năm 2016, Việt Nam thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài lên đến 35,88 tỉ đô la Mỹ. Sự chuyển mình từ một nước xuất khẩu các mặt hàng truyền thống sang sản xuất phụ kiện, linh kiện điện tử đã đưa Việt Nam trở thành một trong những đối thủ đáng gờm đối với các cường quốc công nghệ như Trung Quốc và Ấn Độ. Những yếu tố kể trên đã góp phần tạo nên sức bật mạnh mẽ để Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Á, vượt cả các nước láng giềng như Thái Lan và Malaysia. Không những vậy, đó còn là tiền đề để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trong cuộc đua công nghệ blockchain (tạm dịch là chuỗi khối) với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Chúng tôi đã tìm gặp chị Lynn Hoàng, hiện là Giám đốc dự án tại Infinity Blockchain Labs và quản lý của câu lạc bộ Blockchain Việt Nam, một chi nhánh của Infinity. Qua trao đổi, chúng tôi muốn hiểu thêm về những nỗ lực của đội ngũ chị Lynn Hoàng trong công cuộc xây dựng Việt Nam thành một quốc gia đáng nể về công nghệ blockchain.

Hiện tại, Việt Nam đang sở hữu những ưu điểm cạnh tranh nào để trở thành một cường quốc blockchain?

Một trong những lợi thế hàng đầu của Việt Nam khi áp dụng công nghệ blockchain là giá thành sản xuất cạnh tranh. Theo Hội nghị Xuất khẩu Dịch vụ Công nghệ Thông Tin Việt Nam (VNITO), giá thành sản xuất nội địa rẻ hơn 50% so với Tây Âu và 30% so với Ấn Độ. Vì vậy, Việt Nam nghiễm nhiên trở thành một công xưởng hấp dẫn của thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Giá thành sản xuất thấp cộng thêm tình trạng lạm phát giảm, tỉ giá hối đoái ổn định, chúng tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam đang dần đi vào quỹ đạo và sẽ còn tiếp tục thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong thời gian tới.

Liệu có yếu tố thúc đẩy nào khác không? Ví dụ như tỉ lệ dân số trẻ với chuyên môn kỹ thuật cao chẳng hạn?

Dĩ nhiên rồi! Việt Nam đang có lượng dân số trẻ ở vào mức cao nhất thế giới. Tính đến năm 2017 trong tổng số 92 triệu dân, những người ở độ tuổi dưới 25 chiếm 40%, và khoảng 60%, tức 54 triệu dân, có trình độ học vấn và nghề nghiệp ổn định.

Nhưng nếu nói đội ngũ lao động trẻ là một yếu tố thu hút những doanh nghiệp và nhà đầu tư blockchain trong tương lai, thì theo tôi, mức độ tương tác công nghệ cao của Việt Nam còn hấp dẫn hơn thế gấp nhiều lần. Cụ thể, tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh luôn nằm ở mức 26%, cao hơn hẳn so với các quốc gia ở châu Phi và Trung Đông, vốn chỉ ở mức 13.6%.

Ngoài ra, số lượng kỹ sư lành nghề của nước ta cũng đang tăng lên đáng kể. Tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 290 trường đại học ở Việt Nam đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin, đồng nghĩa với việc có khoảng 40,000 sinh viên IT tốt nghiệp mỗi năm. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chính điều này đã đưa Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia đào tạo kỹ sư toàn cầu.

Trước cơ hội vàng này, liệu Chính phủ đã có những động thái như thế nào?

Có thể thấy, chính phủ Việt Nam đã thông qua và thiết lập rất nhiều chương trình hỗ trợ và phát triển các hệ sinh thái công nghệ (ecosystem) đa dạng phù hợp với sự phát triển đa ngành. Trong đó, công nghệ blockchain là một điển hình. Ví dụ như NATEC (Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ), một dự án được phát triển bởi Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm cung cấp các khóa giảng dạy, ươm mầm và thúc đẩy doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ tài chính cho các công ty khởi nghiệp. Hoặc như NATIF (Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia), một dự án khác từ phía Chính phủ để thúc đẩy lĩnh vực IT. Chương trình này nhận gần 50% nguồn vốn cho việc nghiên cứu khoa học và công nghệ, và 50% còn lại ưu tiên cho các khoản vay thương mại và vay ưu đãi.

Thêm vào đó, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng là một động lực khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghệ cao. Nếu như mức thuế thông thường là 20% thì với các doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực IT, mức thuế này được giảm từ 3-10%. Một tín hiệu khả quan khác đến từ quy mô đầu tư vào các khu công nghệ mà ví dụ cụ thể nhất chắc hẳn là Công viên Phần mềm Quang Trung ở thành phố Hồ Chí Minh. Đây là khu công nghiệp tập trung chuyên ngành công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, và đứng thứ 3 trong tổng số 8 khu ở châu Á.

Sứ mệnh và tầm nhìn của câu lạc bộ Blockchain Việt Nam là gì?

Câu lạc bộ Blockchain Việt Nam, hay còn gọi tắt là VBC, là một tổ chức cộng đồng trực thuộc Infinity. Nhiệm vụ của chúng tôi là kết nối các doanh nhân, giảng viên, nhà thiết lập chính sách cũng như các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam nhằm tạo nên bước chuyển tiếp đến tương lai một cách thông suốt và hiệu quả nhất. Chúng tôi hướng tới việc tạo dựng nền tảng kiến thức và nhân rộng ảnh hưởng tích cực của việc ứng dụng blockchain. Chúng tôi hy vọng câu lạc bộ Blockchain Việt Nam sẽ là tiếng nói đáng tin cậy và hiệu quả cho cộng đồng blockchain ở Việt Nam.

Vai trò của chị trong câu lạc bộ là gì?

Với tư cách là Giám đốc Dự án, tôi có trách nhiệm giám sát tình hình phát triển của cộng đồng blockchain ở Việt Nam thông qua việc đào tạo, tư vấn và xây dựng mạng lưới quan hệ. Tôi hy vọng sẽ góp phần xóa bỏ quan niệm rằng Việt Nam chỉ là một quốc gia sản xuất gia công giá thành thấp.

Điều gì đã nhen nhóm hứng thú về công nghệ blockchain trong chị?

Tôi bắt đầu biết đến và có hứng thú với blockchain vào khoảng 5 năm trước, nhưng sai lầm là đã không đầu tư ngay tại thời điểm đó. Qua một thời gian, tôi dần quên bẵng đi. Mãi tới khi thấy các loại tiền ảo như Ethereum và Bitcoin dần trở nên thu hút và có sức ảnh hưởng, niềm hứng thú Blockchain trong tôi lại có dịp trỗi dậy. Năm ngoái, khi tham gia vào ba blockchain và Fintech Hackathons, tôi đã may mắn thắng tất cả. Từ thời điểm đó, tôi quyết định dành hết toàn bộ công sức để tìm hiểu về công nghệ. Mặc dù chỉ mới ở giai đoạn thử nghiệm, tôi vẫn tin chắc rằng một ngày nào đó, công nghệ blockchain ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới sẽ trở thành nền tảng sống còn cho nền kinh tế toàn cầu. Nói cách khác, blockchain sẽ tái thiết xã hội như cách mà Internet đã làm.

Tại sao chị lại cho rằng blockchain có thể tạo ra ảnh hưởng to lớn đến vậy đối với Việt Nam?

Tôi tin rằng, nếu Việt Nam tập trung xây dựng một nền kinh tế số, tác động của nó sẽ cực kỳ lớn lao. Nếu chúng ta có thể quản lý và xây dựng thành công mô hình phát triển này, các yếu tố năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong tất cả các lĩnh vực sẽ được cải tiến một cách đáng kể. Có thể nói, blockchain là yếu tố quyết định việc một quốc gia có chiếm được thế chủ động hay không trong thời buổi thế giới đã và đang tiến đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nói ngắn gọn hơn là Nền công nghiệp 4.0.

Ngoài blockchain Việt Nam, chị có tham gia vào cộng đồng blockchain ở các nước khác không?

Ở thời điểm hiện tại, tôi chỉ tập trung vào Việt Nam. Với sự mệnh đưa Việt Nam trở thành một cường quốc blockchain – VBC mong muốn sẽ trở thành một trong những trung tâm blockchain lớn nhất thế giới. Hiện chúng tôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ và hợp tác từ phía các ngành, Chính phủ và doanh nghiệp. Đó cũng chính là nguồn động lực khiến tôi vững tâm đi tiếp với lĩnh vực này.

Chị có thể chia sẻ đôi điều về đội ngũ đằng sau câu lạc bộ Blockchain, cũng như chuyên môn hoạt động của Infinity Blockchain Labs được không?

Infinity Blockchain Labs là một công ty nghiên cứu và phát triển các dịch vụ công nghệ trung gian và điều tiết (RegTech) áp dụng công nghệ blockchain. Công việc của chúng tôi là tạo nên sự liên kết giữa các doanh nghiệp và trung tâm điều tiết liên ngành, đồng thời hỗ trợ cho những dự án blockchain mới mở. Thông qua những hoạt động đó, chúng tôi mong muốn đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong việc nghiên cứu và phát triển blockchain.

Lời cuối, chị có thể chia sẻ về những việc làm cần thiết nhằm khai thác triệt để tiềm năng mà công nghệ blockchain có thể mang lại cho Việt Nam được không?

Theo tôi, có hai yếu tố chủ chốt để phát triển thành công công nghệ blockchain. Một là phải xây dựng được cơ cấu chính sách sáng suốt. Vì blockchain vẫn còn là một dạng công nghệ mới nên nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với tình trạng mơ hồ khi đối mặt với các luật trí tuệ cũng như các quy định hiện hành. Một cơ cấu chính sách tốt sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường hoạt động và bảo vệ khách hàng tối ưu hơn.

Yếu tố thứ hai là xác minh danh tính online. Gần đây, những người tiên phong trong công nghệ blockchain đang phải đối mặt với vấn đề chi phí cao do việc xác minh danh tính online đòi hỏi. Xác định chính xác danh tính khách hàng là vấn đề đáng quan tâm hàng đầu và mang tính rủi ro cao. Nếu mắc sai lầm, hậu quả sẽ khó mà lường được. Đối với việc xây dựng và duy trì an ninh, hệ thống nhận dạng số của Chính phủ sẽ giúp đơn giản hoá tiến trình nhận biết khách hàng, qua đó độ tin cậy đói với công nghệ blockchain ở Việt Nam cũng sẽ được cải thiện đáng kể.

Vietcetera chân thành cảm ơn chị Lynn đã tham gia vào cuộc trò chuyện này. Chúc chị luôn thành công với những dự định sắp tới!

Bài viết này được dịch bởi Vy Lam.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục