District Eight Việt Nam: Tôn vinh tài năng người nghệ nhân

Là một trong những thương hiệu thiết kế nội thất tại Việt Nam tiên phong theo đuổi phong cách Industrial, District Eight khuyến khích người thợ thủ công của mình vận dụng những kinh nghiệm vốn có và trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo để biến những sản phẩm đơn giản thành tuyệt tác tinh tế.

Oanh Tran
District Eight Việt Nam: Tôn vinh tài năng người nghệ nhân


Khác với các sản phẩm sản xuất đại trà, từng chi tiết nhỏ của một sản phẩm thủ công phản ánh rất rõ mức độ tỉ mỉ và cầu toàn của một người thợ. Có thể nói, đằng sau một sản phẩm thủ công đẹp là cả tấm chân tình của người thợ. Đó cũng là kim chỉ nam giúp công ty thiết kế nội thất và thiết bị giải trí cao cấp District Eight chiếm được lòng tin của các nhà sưu tập, các thương hiệu đối tác và khách sạn quốc tế – những người luôn muốn tìm kiếm những thiết kế đáng giá và có giá trị trường tồn với thời gian. Bất kể là tham gia vào công đoạn nào của quá trình thiết kế và sản xuất, mỗi cá nhân tại District Eight đều ý thức được rằng mình đang mang một trọng trách cao cả – đó là trực tiếp tạo nên giá trị cho sản phẩm và định vị hình ảnh thương hiệu, đặc biệt là ở vai trò người thợ thủ công.

Để hiểu rõ hơn về sự công phu của quá trình thiết kế và phát triển sản phẩm, chúng tôi đã thực hiện một chuyến đi đến trụ sở của District Eight ở quận Bình Tân để trực tiếp trò chuyện cùng những người thợ thủ công lành nghề ở đây. Liệu, làm thế nào để một chiếc ghế, chiếc bàn làm ra vừa phản ánh được sự sáng tạo của cả tập thể mà lại vừa mang được dấu ấn của từng cá nhân.

Người thợ mộc tỉ mẫn : Nguyễn Hoài Minh


Những sản phẩm của District Eight hầu hết là sự kết hợp đặc trưng giữa các vật liệu như sắt, thép, gỗ, và bê tông. Điều này đồng nghĩa với việc cần có một đội ngũ thợ thủ công đa dạng về chuyên môn. Ví dụ, muốn hoàn tất một chiếc bàn cho bộ sưu tập Kahn thì cần rất nhiều phương pháp thủ công, và các kinh nghiệm trong việc tính toán số liệu để đưa ra số đo chuẩn xác cho mẫu khung định hình hình dáng của phần “lưới thép”. Nhưng đó chỉ mới là một phần, chưa kể đến những công đoạn phức tạp để làm ra được phần đế xi măng của chiếc bàn.

Khi hoàn thiện tất cả chi tiết theo đúng những thông số đưa ra, thành phẩm cuối cùng sẽ là tuyệt tác mà không một dây chuyền đại trà nào có thể sản xuất ra được những sản phẩm tương tự. Đối với tôi, đây chính là dấu ấn riêng của District Eight – một phương pháp sản xuất mà muốn sao y là điều bất khả thi.

Anh Nguyễn Hoài Minh cùng đồng nghiệp đang đo đạc gỗNhững chiếc ghế cho bộ sưu tập Kink là một ví dụ khác, được gia công theo quy trình chà nhám và đánh bóng kỹ lưỡng. Theo suốt quá trình gồm 6 giai đoạn này là một đội ngũ từ nhà thiết kế cho đến người giám sát, tất cả đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn để duy trì chất lượng ổn định cho sản phẩm ổn định.

Quy trình sản xuất sản phẩm ở đây đòi hỏi nhiều kĩ năng ở người thợ thật, nhưng chúng tôi luôn sẵn lòng bắt tay vào làm vì mọi người luôn nhiệt tình hỗ trợ lẫn nhau. Chúng tôi tin rằng chỉ khi nào người thợ tự hào vì tâm huyết của mình thì sản phẩm làm ra mới chinh phục được khách hàng.

Người sắt: Trần Quốc Việt


Môi trường làm việc của người thợ làm sắt, thép tại District Eight yên tĩnh một cách lạ thường. Nhưng theo tôi, chính từ sự tĩnh lặng này mà chúng tôi có thể chuyên tâm thổi hồn vào những vật dụng đẹp đẽ mà bạn thường thấy ở showroom. Hơn nữa, chúng tôi cũng không phải đơn độc bên máy móc thô ráp mỗi ngày bởi xung quanh luôn có những mối quan hệ anh em khăng khít, đồng lòng tạo ra những sản phẩm chất lượng. Không đơn giản chỉ là đồ nội thất, những sản phẩm chúng tôi làm ra là cả một tác phẩm nghệ thuật. Suy nghĩ đó là nguồn động lực để tôi phấn đấu mỗi ngày.

Những ngày đầu đi làm, tôi thường bắt tay ngay vào công việc mà ít khi chú tâm đến quá trình thiết kế sản phẩm. Nhưng đến thời điểm này, tôi lại thấy mình háo hức mỗi khi nghĩ đến việc cải tiến sản phẩm. Được làm việc trực tiếp với kỹ sư là một lợi thế, đặc biệt là khi sản phẩm mẫu đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng trong việc đo đạt, tính toán số liệu và chỉnh sửa liên tục. Chúng tôi thấy mình giống nghệ sĩ hơn là một công nhân, bởi không phải người công nhân nào cũng có cơ hội để thu nạp những kinh nghiệm quý báu như thế này. Nếu quy trình chế tác mẫu diễn ra thuận lợi, chúng tôi có thể cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm chủ lực hơn. Và đó cũng chính là câu chuyện đằng sau chiếc ghế của bộ sưu tập Akron – một sản phẩm khiến tôi tự hào về từng chi tiết. Việc giành hết thời gian và tâm huyết để tạo ra một sản phẩm thật sự mang đến cảm giác mãn nguyện trong tôi.

Người hùng bê tông: Trần Văn Hai

Trước khi làm việc ở đây, tôi chưa từng có kinh nghiệm về chất liệu bê tông. Lần đầu tiên xử lý chất liệu này là khi thiết kế những chiếc bàn ăn cho bộ sưu tập Kahn. Trong suốt quá trình sản xuất, ban quản lý không ngừng khuyến khích tôi ứng dụng những kinh nghiệm vốn có vào quá trình xử lý nguyên liệu chất liệu này bởi họ tin rằng tôi làm được. Bộ sưu tập Kahn đòi hỏi quá trình thiết kế lặp đi lặp lại để tìm ra một công thức trộn bê tông hoàn hảo, cho phép dát mỏng mà vẫn đảm bảo tính nâng đỡ. Chúng tôi đã thử rất nhiều cách khác nhau, từ việc thay đổi cấu trúc khung đến tỉ lệ hỗn hợp. Sau quá trình thử nghiệm và phát triển đó, chúng tôi cho phép mình dừng lại, suy ngẫm và chọn một giải pháp để theo đuổi đến cùng. Đó là khi chúng tôi chắc rằng mình đã thử thách bản thân đủ nhiều để tạo ra một sản phẩm xứng tầm.

Anh Trần Văn Hai cần mẫn bên các sản phẩm bằng bê tôngTôi cảm thấy vui khi khách hàng nhìn thấy sản phẩm của mình và hiểu được giá trị của một sản phẩm đẹp cả về tổng thể lẫn từng chi tiết. Một vinh dự khác của tôi là được tận mắt nhìn thấy những yếu tố mà mình dung hoà để định hình sản phẩm đó – từ màu sắc, cân nặng đến kết cấu và độ bền, cũng như những nỗ lực đằng sau một sản phẩm đẹp. Theo tôi, sản phẩm của chúng tôi rất đẹp, không đơn giản chỉ vì tổng thể hài hòa mà còn là kết quả của sự phối hợp ăn ý giữa những người nghệ sĩ với nhau.

Người vạn năng: Phạm Thanh Hùng


Tôi đã làm việc tại District Eight từ những ngày đầu thành lập cách đây 7 năm. Hiện tại, tôi chịu trách nhiệm về mảng bảo trì máy móc, trang thiết bị và ánh sáng nhằm đảm bảo tiến độ công việc luôn diễn ra suôn sẻ. Bất cứ khi nào khâu sản xuất gặp trục trặc là tôi phải lập tức nhảy vào và phối hợp cùng các kỹ thuật viên để tìm ra giải pháp.

Kiểm định chất lượng cũng là một phần không thể xem nhẹ. Khi một mẫu thiết kế sắp được đưa vào sản xuất, tôi phải xem xét lại tất cả các chi tiết và thông số của sản phẩm để chắc rằng mẫu chính xác tuyệt đối. Ở District Eight, thay vì dùng máy móc và công nghệ, chúng tôi kiểm định từng chi tiết nhỏ nhất bằng chính cặp mắt của người làm nghề để đảm bảo sự nhất quán cho tất cả thiết kế. Một sản phẩm thu hút được khách hàng phải hội tụ đủ những yếu tố như tính ứng dụng cao, vẻ ngoài bắt mắt và thiết kế độc đáo. Sau đó, cá nhân tôi sẽ kiểm tra lại những yếu tố như kết cấu bề mặt – cụ thể như mặt bê tông này đã được đánh bóng chưa, còn cạnh này thì nên phủ bằng cát hay khung thép này có nên mạ không?

Anh Phạm Thanh Hùng đang tập trung gia công các chi tiết nội thấtNgoài ra, tôi còn tham gia đóng góp ý kiến với các anh chị nghệ nhân để chắc chắn rằng chúng tôi vẫn đang trên đà phát triển ra những sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao và đạt chất lượng. Có thể nói, cùng nhau sáng tạo là một điểm tạo nên sự khác biệt của chúng tôi.

Và cuối cùng, chúng tôi còn nhấn mạnh sự đa dụng của những thiết kế nội thất. Ví dụ như chiếc ghê kiêm giá sách này chẳng hạn. Ngoài tính ứng dụng cao, thiết kế này còn phù hợp với nhiều không gian khác nhau trong nhà. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không dừng lại ở đó. Tôi tin rằng, với đội ngũ những người thợ lành nghề đầy nhiệt huyết và sáng tạo, chúng tôi có thể phát triển ra nhiều sản phẩm đẹp và đa năng hơn nữa.

Bài viết này được dịch bởi Oanh Tran.

Xem thêm:

[Bài viết] Darren Chew: Mang District Eight và nội thất Việt vươn tầm thế giới


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục