Tuấn Then và cuộc đối thoại nghệ thuật

"Các cuộc đối thoại nghệ thuật ở Việt Nam thường dẫn đến các mâu thuẫn cá nhân, một phần vì các thành viên tham gia đối thoại không chấp nhận sự phản hồi."

Thinh Hoang
Nguồn: Trần Tuấn

Nguồn: Trần Tuấn

Trần Tuấn sinh năm 1981, tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế năm 2006 khoa Sơn mài truyền thống, hiện là một nghệ sĩ thị giác. Năm 2010, anh quan tâm nhiều hơn tới nghệ thuật đương đại và thành lập Then Cafe - một không gian kết nối những người yêu nghệ thuật. Nghệ danh Tuấn Then cũng được hình thành từ khi này.

Từ 2010 đến nay, anh đã tham gia một số triển lãm đáng nhớ như Nặng Bồng Nhẹ Tếch (2011), Mây Biến Thể (2012), Nấm Hoàng Đế (2013) và Bài Học Đầu Tiên (2018). Series tác phẩm Ngón Tay Trỏ của anh đã được gửi tham dự Singapore Biennale 2013 - triển lãm lớn nhất về nghệ thuật đương đại khu vực Đông Nam Á. Hiện anh đang trong quá trình sáng tác tác phẩm Sóng Thần.

Năm 2018, anh cùng với Then Cafe và Làng Art Dom khởi động Dự Án Dấu Gạch Nối - Dash Project (được tài trợ bởi Quỹ Trao Đổi Văn Hóa Đại Sứ Quán Đan Mạch và Quỹ Tài Trợ Văn Hóa Hội Đồng Anh). Dự án đã tạo ra một không gian sáng tạo, trao đổi các ý tưởng nghệ thuật với các vấn đề xã hội, tăng cường khả năng can dự của người dân vào các hoạt động nghệ thuật. 

Tuấn đang thực hành đa phương tiện, biệt vị/tương tác với không gian  (site-specific),  cũng như các loại hình tạo ra vật phẩm nghệ thuật (object-based art). Chẳng hạn như các tác phẩm điêu khắc ngoài trời với những hình thù như  những hình thù của ngón tay trỏ, sự biến thể của mây hay cây nấm... tạo một sự tương quan giữa sản phẩm hư cấu với thế giới thực tại. Các tác phẩm này khiến người xem tự đặt câu hỏi về những vấn đề xã hội, hay hình dung được cụ thể những mối nguy hại vẫn đang diễn ra hằng ngày.

1. Theo anh, nghệ sĩ hay nghệ thuật có tách biệt khỏi cuộc sống hàng ngày không?

Mình xin phép không trả lời trực tiếp cho câu hỏi này vì nó quá khó để cho ra đáp án cụ thể. Với vị trí là một người thực hành, mình có một số trải nghiệm cá nhân có thể liên quan, hy vọng giải đáp phần nào đó câu hỏi này.

Nghệ thuật phản ánh chiều sâu đời sống hằng ngày của con người nói chung, và nghệ sĩ cần công chúng làm khán giả cho tác phẩm của mình. Đời sống hàng ngày cần nghệ thuật như là một (trong những) phép tham chiếu để nhận thức  thực  tại.

Hiện tại ở Việt Nam có rất nhiều nghệ sĩ đang rất cần mẫn tạo cho mình một hình ảnh "lạ". Bằng các tác phẩm, họ hy vọng xây dựng một dấu hiệu nhận biết riêng không bị nhầm lẫn của ai. Nhưng cũng không thể phủ nhận được rằng, cái hình thức "độc đáo" đó đồng thời đang đại diện cho trình độ thẩm mỹ, gu thẩm mỹ của một cộng đồng mà người đó chịu ảnh hưởng, trong đó có cả đời sống hằng ngày.

Người ta có thể ngăn cản việc giới thiệu, công bố tác phẩm nghệ thuật bằng cách can thiệp vào quy trình giới thiệu tác phẩm ra với công chúng. Ví dụ như là người ta kiểm duyệt các dự án trưng bày hoặc triển lãm nhằm mục đích "quy hoạch" số lượng  người xem, và đồng thời "quy hoạch" luôn nội dung cho người xem,

Vậy chúng ta có thể hiểu rằng việc kiểm duyệt thực chất là việc ngăn cản và chọn lọc người xem tiếp cận với tác phẩm nghệ thuật, chứ người ta không thể nào cấm đoán nghệ sĩ suy nghĩ, tư duy, sáng tạo. Hành động này chỉ có tác dụng ngăn cản người xem tiếp cận với tác phẩm, một cách tạm thời. Bởi vì bằng cách nào đó, các thực hành nghệ thuật sẽ có cách thích ứng với môi trường kiểm duyệt.

Hiện tượng vượt qua bức tường kiểm duyệt nghệ thuật khắc nghiệt của các nghệ sĩ Trung Quốc và xác lập một vị trí đáng nể trong các phong trào nghệ thuật thế giới trong thời gian qua là một ví dụ điển hình như thế.

2. Khi nào thì một tác phẩm hoàn thành? Khi nào là "đủ"?

Theo kinh nghiệm nghiệm của mình thì nghệ sĩ cần biết rõ mình đang quan tâm đến vấn đề gì, ưu tiên yếu tố nào, sử dụng lý thuyết nào để có một kế hoạch hành động phù hợp. Không ít lần mình phải chấp nhận huỷ bỏ tác phẩm mà không thể hoàn thành, như vậy là "đủ".

Cũng có trường hợp bản thân mình đóng vai khán giả để tận hưởng vẻ đẹp của tác phẩm được làm ra bởi cộng đồng chứ không phải bởi một nghệ sĩ. Vậy là mình không cần phải làm làm bất cứ việc gì, đối với mình như thế cũng là "đủ".

3. Anh định nghĩa như thế nào là "đối thoại nghệ thuật"?

Cho đến khi nào người ta định nghĩa được nghệ thuật là gì thì có lẽ cũng sẽ định nghĩa được thế nào là "đối thoại nghệ thuật".

Theo quan điểm cá nhân của mình thì để có một cuộc đối thoại nghệ thuật thì người tham gia cần thừa nhận tính tương đối của các lý thuyết và tôn trọng các "hệ quy chiếu thẩm mỹ" của người khác. Cách nhìn có thể là khác nhau, nhưng sự thật thì chỉ có một và bất biến. Tính tương đối mở ra nhiều cách mô tả một vấn đề, nhưng như thế không có nghĩa sự thật đã bị từ bỏ, mà chỉ là sự thật đó có thể phát biểu theo những cách định nghĩa khác nhau.

Thêm nữa, chúng ta không thể đối thoại mà không chấp nhận sự phản hồi theo nguyên lý nguyên nhân và hệ quả. Mỗi cá nhân mang đến cuộc đối thoại một thước đo quan điểm riêng, đó là sự khởi đầu cho một liên kết giữa cá nhân và tập thể đang diễn ra đối thoại.

Một cách tự nhiên, tập thể sẽ phản hồi trở lại, sự phản hồi trở lại này cho thấy sự liên kết đang được duy trì và sự đối thoại đang được tiếp tục diễn ra. Cho dù sự phản hồi đó là tích cực hay tiêu cực, thì nó luôn khởi đầu từ chính quan điểm của cá nhân nghệ sĩ.

Các cuộc đối thoại nghệ thuật ở Việt Nam thường dẫn đến các mâu thuẫn cá nhân một phần vì các thành viên tham gia đối thoại không chấp nhận sự phản hồi.

4. Các tác phẩm của anh dường như xoay quanh các vùng xám của lịch sử, mối quan tâm này của anh hình thành từ khi nào?

Mình quan tâm đến lịch sử nơi mình được sinh ra và lớn lên, hay chính xác hơn mình muốn nhìn thấy toàn cảnh một cách rõ nét nguồn gốc của mình. Đây là nguồn cảm hứng để mình đi tìm những "vùng xám" đã bị lãng quên, bị che giấu vì nhạy cảm hay, khó nói, hay vì một lý do nào đó mà không được ghi chép lại.

5. Có tác phẩm nào khiến anh bối rối trong quá trình sáng tác? Vì nội dung nhạy cảm, vì làm lộ diện góc tối của mình, hay đơn giản vì không khả thi, nhiều áp lực?

Trong một dự án phối hợp với Think Playgrounds để cải tạo một sân chung của một khu dân cư tại Hà Nội năm 2019, mình trực tiếp gặp người dân để lấy thông tin về nhu cầu và mong đợi từ dự án. Mình khá sốc vì đại diện cho khu nhà nhất định chỉ muốn có ảnh Bác Hồ và ghế đá công viên chứ không cần tác phẩm nghệ thuật. Vậy là mình xin được rút khỏi dự án để người khác phù hợp hơn tiếp tục công việc. 

Đó không phải là lần duy nhất mình gặp phải vấn đề này, thực tế là không phải lúc nào cộng đồng cũng hoan hỉ đón nhận một tác phẩm nghệ thuật. Cá nhân mình thấy các thực hành nghệ thuật ở không gian công cộng hoặc cộng đồng thường phải cố gắng rất nhiều để giữ được sự cân bằng. Một một bên là quan niệm thẩm mỹ mà nghệ sĩ đang theo đuổi, bên kia là thị hiếu thẩm mỹ bình dân của số đông.

Nếu không cân bằng được, dự án sẽ bị lệch ra khỏi mục tiêu ban đầu và dần trở thành một dự án phát triển xã hội với rất ít yếu tố thẩm mỹ. Hoặc ngược lại, hành vi của nghệ sĩ sẽ  mang tính chất truyền giảng một cách khiên cưỡng, ép buộc người dân chấp nhận "cái" mình vừa làm ra là một "tác phẩm". 

6. Như thế nào thì được gọi là "tự do trong nghệ thuật"?

Mình chưa bao giờ được trải nghiệm điều này một cách trọn vẹn trong suốt quá trình thực hành nghệ thuật những năm qua. Đơn giản vì mình chưa đủ hiểu biết để nhận thức đúng thế nào là tự do, có phải tự do nghĩa là  không cần phải xin phép hay báo cáo ai về công việc của mình?

Tự do trong nghệ thuật có tương tự như thế không? Mình đang trên đường đi tìm kiếm điều đó và khá hứng thú với hành trình khám phá, có khi còn nhiều hơn cả đích đến.

7. Anh không chỉ sáng tác mà còn sáng lập không gian cho nghệ sĩ ở Huế cùng sinh hoạt trao đổi. Anh có thu được gì cho thực hành nghệ thuật khi mở rộng phạm vi làm việc của mình như vậy không?

Mình được nhiều chứ, rất nhiều nữa là khác, Then Café là một trong những cầu nối các nghệ sĩ địa phương với nghệ sĩ bên ngoài giới hạn địa lý thành phố Huế. Đây là nơi mình gặp thêm nhiều bạn bè, cả nghệ sĩ trong nước lẫn quốc tế, điều này góp phần rất lớn cho việc duy trì năng lượng sáng tác. 

Ngoài ra, Then Cafe là một không gian thử nghiệm quan trọng của mình trong quá trình tìm kiếm một phương thức thực hành nghệ thuật thích ứng với kiểm duyệt. Ở đó khán giả có cơ hội trực tiếp tương tác với tác phẩm nghệ thuật một cách chân phương nhất.

Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory là không gian đầu tiên tại Việt Nam có chủ đích dành riêng cho nghệ thuật đương đại. Mang mô hình như một doanh nghiệp xã hội, The Factory tập trung vào các hoạt động văn hoá liên ngành nhằm giới thiệu và nâng cao kiến thức về nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.

Địa chỉ: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, 15 Nguyễn Ư Dĩ, Phường Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh
Thông tin liên hệ: art@factoryartscentre.com | +84 (0)28 3744 2589


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục