Vì sao "Uber Trung Quốc" - Didi bay màu?
Lệnh trừng phạt Didi một lần nữa cho thấy tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh lên các công ty công nghệ lớn.
1. Chuyện gì vừa xảy ra?
Ngày 04/07 vừa qua, chính phủ Trung Quốc yêu cầu xóa Didi - nền tảng gọi xe của nước này khỏi các cửa hàng ứng dụng. Didi là dịch vụ gọi xe hàng đầu quốc gia này từ năm 2016, với 377 triệu người dùng thường xuyên tính đến tháng 03 năm nay.
Động thái được đưa ra chỉ bốn ngày sau khi Didi huy động được 4,4 tỷ USD trong đợt IPO tại Sàn giao dịch chứng khoán New York. Lệnh trừng phạt là đòn giáng mạnh vào tham vọng của startup được mệnh danh là “Uber Trung Quốc”. (Theo cnbc.com)
2. Tại sao Didi bị phạt?
Didi bị phạt do các nhà chức trách nhận thấy công ty "vi phạm nghiêm trọng" trong việc thu thập và sử dụng dữ liệu khách hàng.
Trong thông báo của mình, Cục quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) không nêu cụ thể những sai phạm của Didi. Thông báo chỉ cho biết lệnh phạt được đưa ra dựa trên thông tin được cung cấp, kiểm tra và xác minh.
CAC cho biết đã yêu cầu Didi nghiêm túc sửa chữa các vi phạm. Didi cũng được đề nghị phải cam kết bảo vệ an toàn thông tin cá nhân của tất cả người dùng.
Đây không phải là dấu chấm hết cho Didi, khi CAC cho biết ứng dụng vẫn có khả năng được khôi phục trong tương lai.
3. Các mốc thời gian của sự kiện là gì?
Không phải ngay lập tức mà nhà chức trách Trung Quốc trừng phạt Didi. Những động thái “cảnh báo” từ chính quyền đến doanh nghiệp này đã có từ đầu năm nay.
- Tháng 03/2021, cơ quan quản lý thị trường của thành phố Quảng Châu triệu tập Didi. Nhà chức trách khi đó đã yêu cầu Didi phải cạnh tranh công bằng, cam kết không sử dụng thông tin cá nhân của người dùng để tính giá cao.
- Tháng 04/2021, trong các vụ kiện, Didi cùng gần 30 công ty internet khác của Trung Quốc được yêu cầu phải tuân theo các quy tắc chống độc quyền.
- Tháng 05/2021, các cơ quan quản lý vận tải đã gặp Didi, yêu cầu công ty đảm bảo tính công bằng và minh bạch về giá cả và thu nhập của tài xế.
- Ngày 02/07, CAC yêu cầu Didi ngừng đăng ký người dùng mới để nhà chức trách tiến hành đánh giá các vấn đề an ninh mạng.
- Ngày 04/07, Didi chính thức bị yêu cầu xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng.
4. Didi phản ứng như thế nào?
Trong thông báo được đăng vào tối 04/07, Didi gửi lời cảm ơn tới chính phủ vì đã giúp họ điều tra rủi ro, cũng như hướng dẫn Didi khắc phục vi phạm. Phía công ty cho biết họ sẽ tận tâm giải quyết vấn đề này.
Về phía người dùng, Didi cho biết những người đã cài ứng dụng Didi từ trước sẽ không bị ảnh hưởng. Những người dùng này, bao gồm cả tài xế và hành khách, vẫn có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ.
5. Hậu quả nào đã xảy ra với Didi?
Phiên giao dịch sáng 06/07 chứng kiến giá cổ phiếu của Didi sụt giảm 20% so với ngày IPO, xuống còn 12,49 USD. Mức giảm này cũng khiến vốn hóa thị trường của Didi “bốc hơi” 15 tỷ USD. (Theo vneconomy.vn)
Lệnh trừng phạt là một phần trong chiến dịch truy quét của chính phủ nhằm vào các công ty internet lớn. Điều này gây ra lo ngại trong giới đầu tư. Sau động thái trừng phạt Didi, cổ phiếu của hàng loạt những doanh nghiệp này đều lao dốc.
Giá cổ phiếu của Tencent và Uber, hai cổ đông lớn nhất của Didi cũng giảm lần lượt 2,7% và 1,8% từ đầu tuần.
6. Những sự việc tương tự cho thấy điều gì?
Đây không phải lần đầu một ứng dụng của Trung Quốc bị yêu cầu gỡ bỏ. Năm 2018, hai ứng dụng chia sẻ video Kuaishou và Huoshan cũng nhận lệnh phạt tương tự. Chính quyền Trung Quốc khi đó cáo buộc nội dung trên 2 nền tảng này cổ vũ việc mang thai ở tuổi vị thành niên.
Trong năm 2018, Neihan Duanzi - một ứng dụng của ByteDance, công ty mẹ của TikTok cũng bị gỡ bỏ. Quyết định được đưa ra sau khi nền tảng này bị các nhà quản lý cho rằng “cung cấp nội dung thô tục”.
Ở bức tranh rộng hơn, Didi chỉ là một trong những doanh nghiệp lớn bị chính quyền Trung Quốc “sờ gáy”. Trước đây, Bắc Kinh từng chặn đợt IPO giá trị 35 tỷ USD của Ant Group và mở cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào hai tập đoàn lớn Alibaba và Meituan.
Cùng với hàng loạt cuộc điều tra nhằm vào các doanh nghiệp công nghệ, Bắc Kinh cho thấy họ đang để mắt đến tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của các doanh nghiệp lớn này.
Xu hướng người tiêu dùng ngày càng có ý thức về quyền riêng tư cũng nở rộ trong những năm gần đây. Đây cũng là một yếu tố dẫn đến sự mạnh tay của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp công nghệ - đơn vị nắm giữ và xử lý lượng thông tin cá nhân khổng lồ.
Các lệnh trừng phạt cũng là thông điệp rõ ràng mà Bắc Kinh muốn gửi đến các doanh nghiệp Trung Quốc, rằng chính phủ có thẩm quyền đối với họ.
Điều này vẫn sẽ luôn được khẳng định, ngay cả khi doanh nghiệp đó hoạt động toàn cầu, hay cổ phiếu được niêm yết và giao dịch ở nước ngoài.
7. Có nỗi lo về bảo mật dữ liệu hay không?
Sau khi Bắc Kinh thông báo sẽ tiến hành đánh giá các vấn đề về dữ liệu của Didi, tin đồn xuất hiện mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội ở Trung Quốc. Những tin đồn này nghi ngờ rằng Didi đã "bán" dữ liệu cho Mỹ để được niêm yết.
Tin đồn lây lan nhanh đến nỗi phía Didi phải đính chính rằng công ty lưu trữ tất cả dữ liệu của mình trên các máy chủ ở Trung Quốc chứ không phải ở nước ngoài. Tài khoản Weibo của Didi sau đó cũng kêu gọi người dân không lan truyền và tin vào những tin đồn vô căn cứ. (Theo asia.nikkei.com)
Việc quan hệ Mỹ - Trung xấu đi trong những năm gần đây cũng đẩy mối lo về bảo mật dữ liệu gia tăng. Trong bối cảnh hai cường quốc tranh giành lợi thế kinh tế, quân sự và công nghệ, hai bên đều cảnh giác để đảm bảo rằng thông tin dữ liệu của mình được an toàn.