Mình đã khởi đầu năm nay bằng việc nhận thêm một trọng trách mới, là nhận nuôi thêm một bé mèo nữa. Hắn nghịch khỏe nên ăn cũng khỏe, mỗi lần đi vệ sinh là xào xạc xúc cát cứ như đang xây nhà vậy. Lúc bế về thì nhẹ tênh, giờ mỗi lần nhấc hắn lên là bắt đầu thấy nặng nặng rồi. Lỗ tai cũng bắt đầu dài ra. Ở tầm tuổi nhỏ xíu này, mèo lớn nhanh thật.
Ngồi nhìn mèo con lớn với những thay đổi rõ ràng như vậy, tự nhiên mình cũng lan man nghĩ tới một câu hỏi mà gần đây trong một buổi workshop TEDx mình có nhận được, đó là:
“Làm sao em biết được mình đang phát triển? Nhiều lúc em cảm thấy đã cố gắng nhiều nhưng vẫn cứ dậm chân tại chỗ.”
Ai cũng muốn mình tốt hơn mỗi ngày, nhưng đúng là không dễ gì để thấy rõ sự thay đổi ở bản thân. Đặc biệt là nếu bạn đang tập trung hoàn toàn cho việc phát triển bản thân, thì điều này càng khiến bạn sốt ruột hơn hẳn.
Mình nghĩ cách chúng ta phát triển đâu đó cũng giống như những cái cây mình đang trồng ở trong nhà. Sẽ không có chuyện tối đi ngủ, sáng đã thấy một chiếc lá to đẹp ngay trước mắt.
Thế nên bạn hãy khoan lo lắng nếu đã lâu rồi không thấy bản thân mình tiến bộ. Sự phát triển sẽ có những dấu hiệu của riêng nó, mà không cần đến các thành tựu để chứng minh. Bài viết này mình sẽ nói về những dấu hiệu cho bạn thấy là bạn đang âm thầm phát triển, ngay cả khi bạn không cảm thấy như vậy.
* Để giúp bạn dễ hình dung hơn thì mình sẽ so sánh các dấu hiệu này với các hoạt động làm vườn. Vì trừ khi bạn có phép thuật thì chẳng ai làm vườn mà lại thấy được ngay kết quả trong một sớm một chiều.
Mình tạm chia hành trình này thành 3 giai đoạn: Trồng cây - Chăm cây - Giữ vườn. Tuy vậy các dấu hiệu của sự phát triển không nhất thiết phải xuất hiện theo thứ tự như mình sẽ nói trong bài. Nó còn phụ thuộc vào mỗi cá nhân và môi trường. Chia như vậy chỉ để giúp bạn dễ theo dõi nội dung và đối chiếu với bản thân thôi nhé.
Giai đoạn 1: “Trồng Cây”
1. Ít nói về bản thân hơn
Thường thì ở giai đoạn đầu của bất cứ việc gì, chúng ta thường nói rất nhiều về bản thân. Điều này không có gì sai cả, vì khi chưa có đủ uy tín thì chúng ta cần phải giới thiệu bản thân trước khi có cơ hội để chứng minh bằng hành động.
Thế nhưng dù là vậy, mình nghĩ dấu hiệu phát triển là khi tư duy có sự chuyển dịch, từ cho rằng mình là trung tâm của vũ trụ sang hiểu rằng mình chỉ là một phần của cả tổng thể. Do đó chúng ta sẽ thích đặt câu hỏi cho/về người khác hơn.
Nó cũng giống như ở giai đoạn đầu của việc trồng cây, chúng ta phải học hỏi kinh nghiệm từ những người làm vườn khác. Nếu chỉ nói về vườn của mình trong khi nó lại chỉ đang trong trí tưởng tượng thì cũng không hay. Đôi khi còn khiến cho người ta không muốn chia sẻ kinh nghiệm của họ cho mình nữa.
Với mình đây là dấu hiệu đóng vai trò như một bước ngoặt quan trọng cho cả hành trình phát triển bản thân của mỗi người. Nó xuất hiện càng sớm, chúng ta lại càng tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức về sau.
2. Hiểu rằng cảm xúc khó chịu hoặc thoải mái chỉ có tính thời điểm
Cũng giống như khi mới bắt đầu trồng cây, mỗi khi ra vườn, chủ yếu ta sẽ chỉ toàn thấy đất sỏi, cây nhỏ, thỉnh thoảng còn có cây bị héo, nên đôi khi sẽ không vui, thậm chí còn có thể thấy chán nản. Nhưng vì hiểu những thứ tốt đẹp bền vững luôn cần thời gian để phát triển, thế nên chúng ta cũng nhận ra tâm trạng không thoải mái này chỉ là tạm thời.
Thật ra nếu có điều kiện chúng ta có thể thuê người khác về làm, hoặc ra ngoài mua cây lớn sẵn trồng vào vườn. Nhưng dù có được một vườn cây xanh tốt nhanh mà thiếu đi kinh nghiệm chăm sóc, thì sớm muộn gì cây cũng sẽ héo dần héo mòn mà chết. Hoặc cũng giống như khi đi làm, nếu chưa có nhiều kinh nghiệm lẫn khả năng chuyên môn mà đã được đưa vào vị trí quản lý thì khả năng thất bại là rất cao.
Thế nên tốc độ phát triển ban đầu có thể hơi chậm, nhưng nó giúp chúng ta có đủ thời gian để xây dựng một nền tảng vững chắc trước khi có thể chống chịu những thử thách khó khăn hơn.
3. Nhận ra cảm xúc khó chịu nhanh hơn và nhắc mình không hành động hấp tấp khi đó
Một khi đã gieo hạt xuống đất thì cách duy nhất để biết có điều gì tiến triển hay không là chờ cho đến khi mầm cây trồi lên khỏi mặt đất. Cũng có trường hợp xấu là tất cả hạt ta gieo xuống đều không thể nảy mầm.
Cuộc sống là vậy, những việc bất như ý sẽ luôn xảy ra, đa phần lý do đều đến từ những thứ mà chúng ta không thể kiểm soát được. Thế nên để đối diện với những tình huống như vậy thì tốt hơn là chúng ta bắt đầu từ thứ có thể kiểm soát được, đó là bản thân mình.
Hiểu được như vậy một cách triệt để cũng là lúc chúng ta bắt đầu quản lý cảm xúc tốt hơn, thể hiện qua việc chúng ta để ý và nhận diện được ngay thời điểm cảm xúc khó chịu xuất hiện.
Khi đó chúng ta có thể chậm lại, nhắc nhở bản thân là “À, mình đang cảm thấy khó chịu đây, cần dừng lại một chút cái đã”. Làm được như vậy sẽ giúp chúng ta tránh được những hành động mà thường sau này khi cảm xúc qua đi sẽ làm chúng ta hối hận.
Giai đoạn 2: “Nuôi cây”
4. Vui khi thấy người khác đạt thành tựu, chứ không phải khi họ gặp thất bại
Cũng giống như việc khi thấy vườn cây của nhà hàng xóm phát triển tươi tốt, chúng ta càng thấy có động lực hơn trong việc chăm sóc khu vườn của mình.
Chính động lực này sẽ thúc đẩy chúng ta chủ động đi hỏi kinh nghiệm của những người thành công, biết thêm một vài bí quyết để mang về ứng dụng cho vườn mình. Làm được việc này sẽ tạo ra thêm lực đẩy để chúng ta đi xa hơn rất nhiều.
5. Muốn giúp đỡ người khác khi thấy họ thất bại, hoặc ít nhất là không nhắc đến thất bại đó trước mặt họ
Khi vườn của người hàng xóm có cây bị chết, ban đầu chúng ta có thể cảm thấy buồn cho họ, rồi về sau thì muốn hỗ trợ và không xoáy sâu thêm nỗi đau này ở họ. Nếu mình có nhiều cây thì có thể san sẻ bớt cây của mình cho họ. Hoặc nếu đó là loại cây mình có thể trồng thành công thì thử hỏi xem họ có muốn nghe kinh nghiệm từ mình hay không.
Dấu hiệu này xuất hiện khá rõ ràng với mình khi làm nhiệm vụ Design Coach ở GEEK Up. Mỗi khi các dự án gặp vấn đề vì team không làm theo góp ý của mình, thì thay vì như ngày xưa mình sẽ trách móc trước cho đã cái tôi, thì bây giờ mình lại rất muốn tìm cách an ủi team, mặc dù có thể các bạn ấy cũng không cần mình phải làm điều đó.
Mình có mong muốn này không phải vì mình muốn tỏ ra là người anh tốt bụng hay đạo đức gì cả, mà chỉ đơn giản là vì mình cũng đã từng trải qua nhiều khoảng thời gian như vậy. Những lúc như thế nếu có một đàn anh nào đó giúp mình bớt nghi hoặc bản thân hơn thì tốt biết mấy. Thế nên bây giờ mình cũng muốn được làm điều đó cho người khác.
6. Trong một khoảng thời gian dài liên tục có nhiều người nói bạn đã thay đổi
Cây cối thay đổi theo thời tiết, mùa xuân thì tươi tốt, mùa thu thì thay lá. Chúng ta cũng vậy. Hành trình phát triển bản thân là quá trình liên tục phá bỏ đi những phiên bản không phù hợp, bồi đắp hoặc xây dựng những phiên bản con người mà chúng ta muốn trở thành.
Điều này sẽ làm cho những người xung quanh ngạc nhiên, và nhận ra đôi khi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn chúng ta đã trở thành con người rất khác.
Ở giai đoạn có nhiều dấu hiệu này, thỉnh thoảng chúng ta sẽ cảm thấy cô đơn. Có một câu nói mô tả được ý này:
“To reach greater heights, we must be willing to let go of 90% of our connections.” (Tạm dịch: Để vươn tới những tầm cao mới, chúng ta phải sẵn lòng từ bỏ 90% các mối quan hệ của mình.)
Với mình, dấu hiệu này thấy rõ nhất ở giai đoạn 25 tới 30 tuổi, mình gần như mất đi hầu hết các mối quan hệ bạn bè thân thiết trước đó. Thậm chí sợi dây kết nối với những người thân trong gia đình cũng trở nên mờ nhạt, nhưng may mắn vì là người trong gia đình, mà sau này khi có thời gian hơn thì phần nào đã khắc phục lại được.
Mọi thứ đều cần sự đánh đổi, nên để thay đổi, có lẽ sự ra đi của các mối quan hệ là không thể tránh khỏi.
7. Cảm thấy thích thú khi ở một mình
Giống như trồng cây, phát triển bản thân là một quá trình chậm chạp. Chúng ta cần phải học cách quan sát các dấu hiệu để điều chỉnh lại hướng đi khi cần thiết. Cũng giống như người làm vườn phải cẩn thận chầm chậm nhìn kỹ vào lá cây để tìm ra sâu hại.
Thời gian ở một mình để chiêm nghiệm lại những gì đã xảy ra trong mọi khía cạnh, từ cảm xúc, hành vi tới lối suy nghĩ, là khoảng thời gian cực kỳ quan trọng đối với mình. Nó giúp mình nhận ra những lỗi tư duy hoặc những niềm tin không phù hợp đang ngăn cản mình trở thành người mà mình mong muốn.
Giai đoạn 3: “Giữ vườn”
8. Tự nói với bản thân “không sao” khi đối mặt với thất bại hoặc bị đối xử bất công
Ngay cả khi được người thân nhận ra tình trạng và an ủi, thì thay vì than thở, bạn vẫn có thể mỉm cười, cảm ơn sự quan tâm và nói với họ là không sao cả. Điều này không chỉ xuất phát từ việc bạn muốn người thân an tâm về mình, mà còn đến từ tư duy lạc quan, sự kiên cường hay nội lực mà bạn đã xây dựng được.
Quá trình trồng cây sẽ có cây phát triển tốt, cũng sẽ có cây chết đi, hay thậm chí những cây đã từng phát triển xanh tươi thì cũng có thể khô héo. Nhưng dù phải trải qua điều gì thì bạn hiểu rằng chỉ có kiên trì tiếp tục trồng thì mới thành một khu vườn xanh tươi.
9. Có thể từ chối nhiều hơn mà không cảm thấy khó chịu
Đây là khi bạn bắt đầu hiểu được có những nguồn tài nguyên giá trị và hữu hạn mà bạn không hề muốn lãng phí, như thời gian hay năng lượng. Nhờ vậy mà bạn bắt đầu đặt ra những ranh giới cho mình và nói “không” bất cứ khi nào lằn ranh này bị chạm tới.
Cũng như khu vườn của chúng ta sẽ luôn tồn tại những giới hạn như diện tích đất, thời gian chúng ta có thể dành để chăm sóc, hay điều kiện thời tiết. Thế nên chúng ta cần biết khi nào không nên trồng thêm cây mới, và loại cây nào thì sẽ không phù hợp để đưa vào trồng trong vườn.
Nhờ sự thoải mái từ chối và biết tôn trọng tài nguyên hơn sẽ giúp chúng ta tập trung vào thứ chúng ta muốn để phát triển bền vững.
10. Nhận ra không cần tất cả mọi người đều phải thích mình
Vườn của bạn, trồng gì là do bạn. Nếu cây bạn thích là những loại cây có vẻ ngoài xù xì gai góc như xương rồng, hay là những loại ăn thịt côn trùng như cây nắp ấm, thì cũng có sao đâu nếu người khác không thích những cây này.
Nếu may mắn đôi khi cũng có những vị khách thật sự thích những loại cây gai góc mà bạn trồng trong vườn. Đó sẽ là những vị khách hợp gu để đồng hành cùng bạn lâu dài hơn trên hành trình phát triển bản thân.
Đây là dấu hiệu rõ ràng của việc bạn bắt đầu xây dựng được sự tin tưởng vào bản thân, hiểu được các giá trị của mình và kiên cường giữ vững chúng. Điều này sẽ giúp bạn xây dựng được sự tự tin lành mạnh.
Suy nghĩ cuối
Trong sự nghiệp có những thời điểm, sự phát triển của mình chậm rãi, khô khan, hay thậm chí mình cảm thấy chán nản với những kết quả không như mong muốn. Nhưng may mắn là nhờ nhận ra những dấu hiệu kể trên, mình đã thêm kiên trì hơn với những điều mình đang làm, muốn làm, và sẽ làm trong tương lai.
Một lần nữa mình cũng nhắc lại, thứ tự của các dấu hiệu nói trong bài chỉ dựa theo những chiêm nghiệm của mình khi nhìn lại hành trình mười mấy năm qua. Có thể những dấu hiệu ở phía sau đã xuất hiện sớm hơn nhưng lúc đó mình chưa thể nhìn ra.
Hy vọng qua bài viết này bạn có thể tự nhìn ra những dấu hiệu phát triển ở bản thân và bớt lo lắng nếu thấy mình đang dậm chân tại chỗ.
* Bạn có thể xem podcast trên kênh YouTube @hoangthoughts để nghe đầy đủ nội dung về các dấu hiệu phát triển trong bối cảnh công việc.