Control freak: Bạn có đang làm việc cho một vị sếp ám ảnh kiểm soát? | Vietcetera
Billboard banner
06 Thg 01, 2021

Control freak: Bạn có đang làm việc cho một vị sếp ám ảnh kiểm soát?

Liệu bạn có đang làm việc cho một vị sếp bị ám ảnh kiểm soát? Người lúc nào cũng quản lý qui mô, làm việc một cách cứng nhắc và không ủng hộ sự thay đổi.
Control freak: Bạn có đang làm việc cho một vị sếp ám ảnh kiểm soát?

Đồi @anngshill cho Vietcetera

Những người sếp muốn được CC vào tất cả emails, có mặt trong tất cả các cuộc họp và đưa ra mọi quyết định, dù nhỏ nhất. Nỗi sợ của họ là “Nếu tôi không cầm tay chỉ việc, các bạn sẽ làm hỏng hết!”

Nhưng là nhân viên, bạn luôn cảm thấy bị gò bó, không có quyền tự chủ, tệ hơn là mất đi không gian để học hỏi và phát triển.

Liệu bạn có đang làm việc cho vị sếp bị ám ảnh về kiểm soát hay còn được gọi là ‘control freak’ (tạm dịch: ám ảnh kiểm soát)?

Control freak - những vị sếp quá chú trọng tiểu tiết

Trong cuộc sống, control freak thường được dùng để mô tả những người có hành vi ám ảnh đến mức cưỡng chế trong việc phải kiểm soát cuộc sống của bản thân lẫn những người xung quanh.

Ở khía cạnh công việc, control freak được dùng để ám chỉ một người sếp thích quản lý vi mô, luôn buộc công việc vận hành một cách cứng nhắc.

Tuy nhiên, khác với bạn nghĩ, việc theo dõi sát sao không hẳn bắt nguồn từ việc sếp có ‘tư thù cá nhân’ với bạn. Theo Harvard Business Review, hành vi này có thể đến từ việc họ:

  • Thiếu am hiểu về vị trí lãnh đạo của bản thân
  • Từng hoặc đang làm việc với người lãnh đạo có ám ảnh kiểm soát tương tự
  • Không có động lực để tự vấn và cải tổ phong cách làm việc
  • Có những nỗi bất an cá nhân

Dấu hiệu bạn đang làm việc cho một vị sếp ‘ám ảnh kiểm soát’

Không muốn ủy nhiệm cho người khác

Một vị sếp bị ám ảnh kiểm soát tin rằng nếu muốn công việc được “làm đúng”, thà rằng hãy tự làm. Dù đầu việc nhỏ, họ vẫn từ chối ủy nhiệm vì sợ sẽ mất thời gian hơn khi phải đi sau sửa sai cho người khác. Kể cả khi ủy nhiệm, họ phải quản lý vi mô từng bước một, hoặc mất quá nhiều thời gian để kiểm tra lại kết quả.

Kế hoạch và phương pháp cứng nhắc, không ủng hộ các cách làm mới

Trong các cuộc họp, người sếp kiểm soát có thể chặn lời hoặc hoàn toàn làm ngơ nhân viên, ra sức điều hướng ý tưởng theo ý mình, thay vì tạo ra một môi trường nơi mọi ý kiến đều được ghi nhận.

Họ thiếu cái nhìn tổng thể và dài hơi, từ đó đưa ra các kế hoạch quá mức chi tiết về mọi mặt . Họ hay bác bỏ những thay đổi và ứng biến, dù bản chất công việc luôn đòi hỏi sự linh hoạt. Nhân viên phải tuân theo những quy trình làm việc cứng nhắc, thay vì được trao quyền để đổi mới.

Quản lý vi mô (micromanaging)

Quản lý vi mô là khi người lãnh đạo theo dõi quá gần, kiểm soát và thường xuyên nhắc lại công việc cho nhân viên, trong khi để ý thái quá đến tiểu tiết. Mọi quy trình đều phải có sự can thiệp của họ, dù những quyết định nhỏ.

alt
Những vị sếp chú ý tiểu tiết đến mức "kì lạ"

Tác giả Gillian Tett trong cuốn “Fool’s Gold” viết: “Có một ranh giới mỏng manh giữa việc là một người lãnh đạo chú ý đến chi tiết (detail-oriented) muốn công việc được làm đúng cách, và một người ám ảnh tới mức độc hại.”

Điều chủ chốt cho sự khác biệt này có thể là lòng tin. Nhiều người chật vật để chuyển giao từ vị trí quản lý cấp thấp (người hướng dẫn) sang vị trí cao hơn (trưởng nhóm, trưởng phòng ban) nên chưa thể buông tay và tin tưởng người khác.

Thường xuyên đánh giá và chỉ trích

Thay vì đưa ra lời khuyên xây dựng với từng cá nhân, control freak chỉ trích công khai - một phần nó đem lại cảm giác về quyền lực trong tập thể.

Bên cạnh việc chỉ trích nặng nề, những vị sếp kiểm soát cũng có xu hướng gây hấn thụ động, ví dụ như im lặng, cố tình làm ngơ cho đến khi nhân viên làm đúng như kỳ vọng.

Người ám ảnh kiểm soát có xu hướng phán xét người khác. Đây chính là một dạng hành vi kiểm soát, tạo cảm giác thỏa mãn tạm thời.

Theo nhà trị liệu Hokemeyer, họ có xu hướng phê bình bản thân quá nghiêm khắc hoặc từng trải qua cảm giác bị lép vế trước những người thân thiết. Như vậy, hành vi phán xét cũng là phản ứng phòng vệ trước nỗi sợ bị đánh giá.

Thiếu thấu cảm cho lỗi sai

Người sếp ám ảnh về kiểm soát thường đánh giá hệ nhị phân đúng-sai, không thấu cảm cho yếu điểm của người khác.

Không cân nhắc yếu tố may mắn và thời điểm, control freak tin rằng thành công luôn đến từ tài năng và sự cố gắng, trong khi sai lầm là dấu hiệu của sự lười biếng hoặc ngờ nghệch. Họ tin rằng tất cả mọi người cần phải thành công, mặc cho hoàn cảnh khởi điểm.

Làm thế nào nếu sếp bạn là một control freak?

Phong cách quản lý chuyên quyền sẽ giới hạn sự sáng tạo và mong muốn học hỏi. Nếu bạn là một nhân viên muốn tìm ý nghĩa trong công việc, việc chỉ nghe theo mệnh lệnh sẽ khiến bạn luôn trong trạng thái bức bối.

alt
Làm việc cho những người thích kiểm soát không phải là điều dễ dàng

Theo David Archer, đồng sáng lập công ty tư vấn quản lý Socia, nếu vấn đề nảy sinh từ việc thiếu niềm tin, cần khiến sếp bạn hiểu được rằng các phương pháp làm việc mới vẫn có thể đem lại kết quả tốt. Một số bước bạn có thể làm là:

  • Đừng đánh đồng thái độ kiểm soát của sếp bạn như hành động xuất phát từ sự thù hằn cá nhân, bởi điều này chỉ dẫn đến xung đột. Bạn có thể bắt đầu cuộc hội thoại “Tôi muốn cải thiện cách làm việc của mình, nhưng điều đó đòi hỏi chúng ta cần những phương pháp mới.”
  • Bước tiếp theo, nhân viên có thể đề xuất phương pháp mới cho một dự án không đặc biệt cấp thiết với tổ chức. Khi có thể chứng minh rằng phương pháp mới của mình hoàn toàn hiệu quả, họ có thể “xây dựng niềm tin từ những kết quả nhỏ.”

Tuy nhiên, nếu môi trường làm việc trở nên độc hại và không còn cơ hội để phát triển, nhân viên hoàn toàn có thể cân nhắc thay đổi bộ phận hoặc tìm công việc mới. Sẽ rất khó để thích nghi với môi trường hoặc thay đổi người lãnh đạo, nếu hành vi ám ảnh về kiểm soát nếu là một phần tính cách của họ.