Sau khi tốt nghiệp đại học, mình chọn làm ở một lĩnh vực hoàn toàn mới mà sau này được gọi là UX/UI Design, hay còn gọi là Thiết kế sản phẩm.
Ở thời điểm năm 2012, hai năm sau khi internet Việt Nam chuyển sang cáp quang, khái niệm thiết kế website vẫn còn rất mù mờ. Đa phần thị trường cho rằng web là một sản phẩm của bộ nhận diện thương hiệu, và sử dụng kỹ thuật dàn trang truyền thống.
10 năm mình hoạt động ở một lĩnh vực chưa có trường chính quy nào dạy chuyên sâu, nên tất cả kiến thức và thành quả mình có đều tới từ việc tự học. Việc tự học đó đã giúp mình chạm đến nhiều mục tiêu, nên đây sẽ là một chủ đề chứa nhiều giá trị cá nhân.
Cách đây 3 năm, mình cũng bắt đầu viết lách, và vẫn liên tục áp dụng kỹ năng tự học để viết tới ngày hôm nay. Vì vậy mình mong những chia sẻ sau đây sẽ hữu ích cho mọi người.
Tự học có phải là học một mình, không cần người khác giúp đỡ?
Cũng như bất kỳ những năng lực có từ “tự” như: tự nhận thức, tự yêu bản thân, tự quản lý,... thì kỹ năng tự học phải có nền tảng là sự chủ động. Như vậy tự học theo mình là “khả năng chủ động trong việc phát triển kiến thức hoặc thành thục một loại kỹ năng nào đó”.
Chủ động bởi vì ta phải là người xác định nhu cầu và hiểu được tốc độ tiếp thu, thực hành của chính mình rồi từ đó chọn lựa điều gì là phù hợp. Đây cũng là thứ tạo ra sự khác biệt so với việc học theo khung giờ cố định và giáo án định hướng từ thầy cô trong trường.
Hiểu được việc này sẽ rất quan trọng. Nó giúp chúng ta dễ chấp nhận rằng tự học sẽ cô đơn. Trong cuộc sống, vì khả năng – nguồn lực và sở thích của mỗi người là khác nhau, nên đôi khi ta sẽ phải tự mình bước trên hành trình này và thiếu đi sự công nhận từ bên ngoài.
Tuy nhiên, tự học không nhất thiết phải là “tự mình học”, nếu thấy cần có ai đó giúp mình định hướng kiến thức và hướng dẫn, cứ chủ động đăng ký các khóa học, tìm kiếm mentor thay vì cứ tự mình xoay sở.
Tự học cách tự học
Mình nghĩ có bốn khía cạnh ảnh hưởng trực tiếp lên rất nhiều tới khả năng tự học ở mỗi người.
Thứ nhất là khát vọng. Đây là một thuộc tính tạo ra động lực. Nó trả lời cho câu hỏi WHY – Vì sao tôi cần học thứ gì đó?
Thứ hai là sự tò mò. Khi tò mò, chúng ta sẽ đi sâu đến tận cùng gốc rễ của vấn đề. Ta được hiểu rõ, được giải thích vì sao cần làm việc đó, tại sao lại phải biết kiến thức đó.
Chẳng hạn, bạn có thể chủ động đặt những câu hỏi như: “Tại sao làm UX/UI thì cần phải biết tâm lý học?”, “Đâu là những xu hướng tâm lý xuất hiện ở nhiều quốc gia, dân tộc?”, “Tại sao người dùng Việt nam là thích màu đỏ hơn màu xanh da trời?”...
Thói quen tự hỏi, tự trả lời sẽ giúp ta duy trì hứng khởi tìm kiếm kiến thức, từ đó quá trình tự học mới có thể được tiếp diễn. Và sự tò mò sẽ trả lời cho những câu hỏi HOW, WHAT, WHY – Điều này làm thế nào, nó là gì, tại sao lại cần nó.
Thứ ba là tự nhận thức. Trong tự học, nó là khả năng tự đánh giá bản thân một cách khách quan, nghĩa là ta có nhìn ra được lý do cốt lõi khi mình không làm được điều gì đó không và có biết bản thân cần thay đổi điều gì không.
Ví dụ: Bạn xem 10 bài viết từ các nguồn khác nhau về “The Speak-easy Effect” (hiệu ứng tâm lý mô tả hiện tượng những từ dễ đọc thì dễ mang lại sự tin tưởng hơn) mà vẫn chưa biết cách sẽ ứng dụng chúng vào thiết kế như thế nào. Nếu bạn có khả năng tự nhận thức, bạn có thể sẽ nhìn nhận bản thân cần sự giúp đỡ từ người có kinh nghiệm hơn, thay vì cho rằng hiệu ứng này quá khó và bỏ qua luôn.
Liên quan đến việc tự nhận thức là khả năng chấp nhận sự tổn thương. Liên tục học những thứ mới, nghĩa là ta phải luôn dấn thân vào những việc chưa từng làm và chấp nhận những kết quả không tốt từ lần đầu tiên. Nếu chỉ làm 1-2 lần rồi từ bỏ vì kết quả không như mong đợi, sự học sẽ bị chấm dứt, hay nói cách khác chúng ta sẽ “dậm chân tại chỗ”.
Nó trả lời cho câu hỏi WHAT NEXT – Ta phải học gì và làm gì tiếp theo để có kết quả tốt hơn.
Kinh nghiệm tự học của mình
Mình hy vọng từ việc hiểu được bốn khía cạnh ở trên, kết hợp nhiều phương pháp tự học có sẵn, các bạn sẽ tìm được cách tự học phù hợp cho mình. Còn đây là những kinh nghiệm nhỏ mình đã áp dụng cho cả việc học thiết kế lẫn viết lách nhiều năm qua và đã rất hiệu quả:
1. Thu thập và lưu trữ thông tin
Cố gắng đọc một loại thông tin từ nhiều nguồn nhất có thể, như mình thì thường có thói quen lặn lội tới trang thứ 13-15 của Google Search, và mở 8-10 tabs để đọc cho một từ khoá nào đó.
Có một cuốn sổ tay nhỏ để note những kiến thức quan trọng và những kiến thức cần đào sâu dưới dạng tự khoá, để lúc rảnh có thể lôi ra nghiên cứu đọc thêm. Bạn có thể thay bằng các phần mềm ghi chú trong điện thoại cũng được, còn mình không thích chuyển tab khi đang tập trung đọc nên cầm bút vẫn tiện hơn.
Đánh dấu (bookmark) thông tin hay. Trong quá trình đọc, sẽ có nhiều bài viết dẫn link đến thêm các khái niệm mới, chưa kể là mình cũng không thể nhớ hết được mọi thứ. Nên cứ thấy thông tin nào hay thì sẽ bookmark lại và chia theo chủ đề như UX Psychology, UX Pattern, UI Principles,... Chỉ cần biết là có ở đó để sau này cần áp dụng thì lôi ra đọc lại.
2. Hệ thống và thẩm thấu thông tin
Đầu tiên là xâu chuỗi các kiến thức lại thành hệ thống. Nó sẽ trở thành bản đồ giúp bạn quyết định nên học gì tiếp theo. 10 năm về trước, với UX/UI, mình vẫn còn phải mày mò góp nhặt nhiều lắm. Bây giờ thì đã có nhiều nguồn tổng hợp đủ tốt rồi.
Từ hệ thống này, bạn hãy chọn ra một vài khía cạnh phù hợp hoặc có hứng thú để bắt đầu tìm hiểu và đào sâu hơn. Như mình từng đào sâu vào phần UI và Interaction Design trước khi đi tiếp qua UX.
Song song với đó bạn có thể tìm kiếm cơ hội thực hành và tiếp tục ghi chú lại kết quả, bài học sau đó. Nếu không có cơ hội ngay, thì chuyển qua thu thập khía cạnh khác trong khi chờ đợi cơ hội khác tới.
3. Các mẹo khác
Khi bắt đầu tự học thiết kế mình thường bắt đầu bằng những thói quen nhỏ, ngắn hạn.
Chẳng hạn, xem design trên Dribbble/Behance 30 phút để tìm kiếm chủ đề, đọc tối thiểu 5 bài blog về chủ đề đó mỗi ngày. Đồng thời viết ra giải thích ngắn gọn cho chủ đề đó, vừa có tác dụng lưu giữ, ghi nhớ vừa có thể kiểm tra xem đã thực sự hiểu hay chưa.
Khi note không cần quá đẹp đẽ, bắt mắt, chỉ cần gọn gàng, đọc được và dễ kiếm. Vì quá chú tâm vào trình bày như thế nào sẽ làm mất thời gian, phân tâm ra khỏi thông tin chính.
Cuối cùng là hãy học theo tốc độ của riêng bạn, nghĩa là không cần phải có thời gian biểu quá khắt khe, nhưng cũng đừng cho phép bản thân nghỉ ngơi quá dài ngày.
Các câu hỏi mình thường nhận được về tự học
1. Học hoài một thứ mà không hiểu thì phải làm sao?
Thử thay đổi cách tiếp cận kiến thức, kỹ năng đó. Nếu trước giờ chỉ đọc, xem thì hãy thử tìm ai đó giải thích trực tiếp. Nếu được dạy nhiều lần mà vẫn thấy khó hiểu, thì thử thực hành rồi đem kết quả hỏi thêm vài người. Hãy nhớ tự học không có nghĩa là không cần người khác hướng dẫn.
2. Học hoài không thấy giỏi lên thì làm sao?
Để biết mình có đang tiến bộ hay không, phải có những yếu tố có thể đo lường được. Do đó, hãy xem bạn đã chọn thước đo phù hợp chưa. Tất nhiên có những thứ khó đo lường, chẳng hạn lượng kiến thức bạn hấp thu được từ sách. Khi đó, bạn có thể tiếp cận theo hướng: sau một tuần, ghi chú lại những kiến thức hay ho từ cuốn sách bạn đang đọc.
Hãy nhớ mục tiêu của việc học không phải là để thấy mình giỏi hơn ngắn hạn, mà là hoàn thiện bản thân cho lâu dài.
3. Học hoài mà không có cơ hội áp dụng?
Tích lũy kiến thức cũng như tích lũy nội lực. Cứ giữ mình trong môi trường phù hợp sẽ có lúc khối nội lực này có cơ hội sử dụng. Nội lực càng thâm hậu, kết quả càng vững vàng.
4. Để mai học được không?
Được, nếu lý do là cảm thấy cơ thể mệt mỏi, chứ không phải bận thõa mãn nhu cầu khác. Không nên nghỉ quá 2 ngày liên tục khi đang đào sâu một chủ đề cụ thể, vì sẽ làm mất hứng thú và cần thêm thời gian nhớ lại.
5. Học gì tiếp theo đây?
Nếu chưa làm thì bạn hãy lập cho mình một bản đồ hệ thống kỹ năng trong lĩnh vực mình làm. Bạn hãy xem các kỹ năng gần với điểm mạnh hiện tại và quyết định.
Nếu lĩnh vực bạn làm không có hệ thống kỹ năng cụ thể, thì mẹo là hãy để ý khi đào sâu một chủ đề, người ta thường phải kết hợp với các chủ đề khác. Thường sẽ có từ khóa hoặc dẫn link cho nó. Đó sẽ là nơi tiếp theo bạn nên tìm hiểu.
Những suy nghĩ cuối
Sự học tiến hóa theo mục đích ở mỗi giai đoạn con người. Nhỏ thì thường học thụ động vì phải học theo ý người khác. Lớn thì phải học chủ động một cách gượng ép, vì chẳng còn ai chịu trách nhiệm cho bản thân mình nữa. Mình phải học vì công việc.
Trưởng thành trong việc học là khi mình thật sự học chủ động vì bản thân, lúc đó mình sẽ không còn sợ sự thiếu hiểu biết, sẽ luôn sẵn sàng cho cơ hội mới. Sẽ tích lũy kiến thức, tạo ra lãi suất kép khi áp dụng chúng qua lại nhiều lĩnh vực. Sẽ thấy vẫn còn nhiều thứ thú vị, mới lạ để sống vui.
Chính vì thế để tự học – ta cũng cần phải tự học.