“Lấy chồng không phải là ‘tấm bằng’ đảm bảo tài chính” | Vietcetera
Billboard banner
04 Thg 06, 2022

“Lấy chồng không phải là ‘tấm bằng’ đảm bảo tài chính”

Không chỉ nói về chủ nghĩa tối giản, hay làm việc, học tập hiệu quả, chị Chi Nguyễn sẽ nói gì về sự nghiệp, tài chính cá nhân?
“Lấy chồng không phải là ‘tấm bằng’ đảm bảo tài chính”

Chị Chi Nguyễn. | Nguồn: NVCC

Như nhiều bạn đọc khác, tôi biết đến chị Chi Nguyễn qua “khu vườn” The Present Writer từ vài năm về trước. Đó là khu vườn mà tôi tin đã rất nhiều người bước vào rồi sẽ không muốn bước ra.

Không chỉ vì nó “xanh yên tĩnh” như lời giới thiệu, mà còn vì sự sống động với nhiều thông tin thực tiễn được truyền đạt bởi một Tiến sĩ Giáo dục tại Mỹ.

Chị thường được biết đến với các nội dung về chủ nghĩa tối giản, hay làm việc và học tập hiệu quả. Nhưng ở dịp được ngồi lại và trò chuyện cùng chị vào một ngày tháng 5, tôi được biết thêm chị là một người rất cởi mở khi nói về chuyện tiền bạc.

Trong cuộc hội thoại chập chờn vì sóng internet giữa hai bán cầu, tôi thêm tin sự kiên nhẫn là một yếu tố đã mang đến cho chị nhiều thành công. Mời các bạn cùng lắng nghe những chia sẻ lần đầu về tài chính “cá nhân” của chị Chi Nguyễn nhé!

1. Một công việc mà bạn từng nghĩ mình sẽ không làm trong đời?

Nếu so với những suy tư ở cột mốc năm 20 tuổi, Chi nghĩ những công việc mình đang làm đều là những thứ mình chưa từng tưởng tượng bản thân có thể làm.

Công việc đầu tiên của mình là dạy tiếng Anh vào năm 2 đại học, nhưng phải qua một chuyến đi tới Mỹ và Peru, mình mới vỡ ra nhiều điều và biết rằng bản thân muốn theo đuổi sự nghiệp giáo dục.

Mình cũng từng làm quản lý cho một tổ chức xã hội, rồi viết lách và kiếm được nhuận bút trong những năm tháng còn trên giảng đường. Nhưng để phát triển thành một người sáng tạo nội dung đa kênh với cộng đồng có hàng trăm ngàn người theo dõi như hiện tại, nó còn là cái duyên đến từ trong khoảng thời gian mình sinh con và chăm con nhỏ ở nhà. Thời điểm này mình nhận ra mình muốn làm điều gì đó cho bản thân và xây dựng thương hiệu riêng theo đam mê.

Và đặc biệt với lần tái bản gần đây nhất của tác phẩm đầu tay Một Cuốn Sách Về Chủ Nghĩa Tối Giản, Chi còn có cảm giác mình là một doanh nhân (cười). Những lần xuất bản trước, mình chỉ giao phó cho nhà sách và nhận tiền nhuận bút như một tác giả bình thường. Bây giờ thì mình lo từ khâu xin giấy phép xuất bản, in ấn đến khâu phân phối, chăm sóc khách hàng.

Ngoài ra, trong năm vừa rồi, sau hơn 5 năm chỉ làm việc độc lập, mình cũng bắt đầu có thêm đồng đội ở The Present Writer, gồm có một bạn trợ lý, hai bạn kiểm duyệt nội dung và hình ảnh video, podcast, một bạn vẽ minh hoạ và một bạn điều phối việc xuất bản tại Việt Nam.

Đây thật sự là điều mình không thể ngờ tới, đặc biệt khi nghĩ lại một kỷ niệm vui thời mình còn học lớp 2. Lúc đó, mình đã bán truyện tranh tự vẽ cho các bạn cùng lớp với giá 500-1000đ một tập, mà mỗi tập chỉ có khoảng 10 bản photocopy từ tranh vẽ tay sơ sài. Nhưng mình cũng không dám nghĩ rằng một ngày mình sẽ trở thành tác giả và kiếm tiền từ sức sáng tạo như bây giờ (cười).

2. Bạn có từng vay tiền để lập nghiệp không?

Nếu nói The Present Writer là một dự án “khởi nghiệp” thì mình chưa từng vay để lập nghiệp.

Cho đến hiện tại chỉ có hai khoản vay trong đời mình.

Một là khoản vay khi còn học cao học. Khi đó mình có học bổng, nhưng học bổng không đủ để chi trả cho chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Mỹ. Ngoài ra, một số môn mình vẫn phải trả học phí, mà học phí trường tư trong hệ Ivy League là rất đắt. Khi đó mình chỉ nghĩ đi làm rồi mình sẽ trả được hết nợ thôi. Nhưng lãi mẹ đẻ lãi con và con số cuối cùng mình phải trả vượt quá sức tưởng tượng.

Khi chỉ còn khoảng 200 đô một tháng để sinh hoạt, mình đã quyết tâm học thêm nhiều kiến thức về quản lý tài chính và tăng thu nhập để trả nợ. Và kết quả mỹ mãn là mình không chỉ trả hết nợ mà còn trả nợ nhanh hơn kế hoạch nhiều năm liền.

Sau lần vô cùng căng thẳng để trả nợ đó, mình đã quyết tâm không để mắc nợ nữa. Mình đặt ra nguyên tắc là nếu vay nợ thì chỉ vay để mua nhà tại Mỹ, nhằm xây dựng tài sản thôi. Những khoản vay gắn với tiêu sản mình sẽ nói không, dù hấp dẫn thế nào đi chăng nữa.

Vậy nên đầu năm nay (2022), mình đã ký khoản nợ thứ hai và khả năng cao là cuối cùng trong đời để mua nhà tại Mỹ (cười). Hiện tại mình không chỉ mua một, mà là hai căn nhà, trong đó có một căn cho bố mẹ.

Chị Chi cugraveng gia đigravenh
Chị Chi cùng gia đình trong căn nhà mới. | Nguồn: NVCC

Nói thêm về việc vay tiền, nếu phải chọn giữa vay để kinh doanh, đi học, hay mua nhà thì mình chọn vay để mua nhà, vì mua nhà là một đầu tư rất lớn. Đặc biệt ở Mỹ, nếu không vay sẽ phải đợi rất lâu mới mua được nhà, trong khi giá nhà đất ngày càng lên cao.

Đầu tư mua nhà cũng là một đầu tư ổn định, vững chắc. Những khoản đầu tư khác mình nghĩ có thể tìm các con đường khác để huy động vốn nhanh hơn, chẳng hạn như tiết kiệm đầu tư, tìm nguồn tài trợ để thực hiện, thay vì nghĩ rằng vay là con đường duy nhất.

3. Để mua nhà, cần có kế hoạch thế nào?

Mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này. Riêng đối với Chi, trước khi nói đến kế hoạch, mình cần trả lời được tại sao mình “cần” mua nhà.

Và mình có 3 lý do chính như sau.

Thứ nhất, mình đã kết hôn và có một gia đình nhỏ với nhu cầu về nơi ở và sự ổn định cao. Thứ hai, mình xác định sẽ làm công việc hiện tại (giáo sư đại học tại Arizona) ít nhất là 6 năm, hay thậm chí là trọn đời. Như vậy, mình dự định sẽ ở lại nơi này dài lâu.

Thứ ba, giá nhà cho thuê đang trở nên ngày càng đắt đỏ. Trong khi đó, nhà đất đối với mình là một món tài sản, thậm chí là tài sản đầu tư. Vì khác với một chiếc xe ô tô vừa chạy khỏi ‘showroom’ đã có thể xuống giá, giá nhà đất ở những vị trí tốt, trung tâm thường chỉ tăng lên.

Những lý do này đều được xác định trong khoảng thời gian gần đây, nhưng việc mình chuẩn bị cho lựa chọn này đã diễn ra từ nhiều năm trước. Ngay khi trả xong nợ cao học, mình đã bắt đầu kế hoạch tiết kiệm, kết hợp với đầu tư và tăng thu nhập bằng nhiều công việc khác nhau.

Một năm trước khi mua căn nhà đầu tiên, vợ chồng mình “tăng tốc” bằng cách thuê một hộ nhỏ có hai phòng ngủ cho tiết kiệm. Một phòng dành cho con. Một phòng ngủ đáng lẽ cho hai vợ chồng nhưng phải đổi thành phòng làm việc. Phòng ngủ của hai vợ chồng là phòng khách. Hàng đêm mình mở chiếc sofa ra để biến nó thành chiếc giường ngủ trong suốt một năm liền.

Trong khoảng thời gian đó, vợ chồng mình cũng mở rộng công việc, đầu tư nhiều hơn để tăng thu nhập.

Chiếc sofa linh động coacute thể biến phograveng khaacutech thagravenh phograveng ngủ Nguồn NVCC
Chiếc sofa linh động có thể biến phòng khách thành phòng ngủ. | Nguồn: NVCC

Vậy đến khi nào mình biết đã sẵn sàng để mua nhà?

Mình cũng thực hiện theo quy tắc chung của nhiều chuyên gia tài chính thôi. Đầu tiên là phải chuẩn bị tiền mặt được cho ít nhất 10-20% giá trị ngôi nhà.

Số còn lại có thể đi vay ngân hàng, nhưng số tiền mình phải trả hàng tháng cho ngôi nhà không được quá 25-30 % thu nhập. 65-70% còn lại mình cần giữ lại để phòng trường hợp có vấn đề đó gì xảy ra mình còn bảo vệ được gia đình.

Tóm lại là, không có công thức cụ thể cho việc mua nhà hay thuê nhà. Khi bạn còn trẻ, bạn không biết công việc của mình có thể thay đổi hay không, hay mình có ở đây lâu dài hay không, thì có thể tạm thời cứ thuê nhà. Với Chi, mua nhà chỉ có thể tạo ra lãi khi mình ở đó từ 2-5 năm trở lên.

4. Điều bạn luôn nhắc bản thân khi mua sắm?

Có 2 “câu thần chú” mình luôn nhắc bản thân.

Một là, đây là món mình cần hay món mình muốn? Thứ mình cần là thứ mà không có thì cuộc sống của mình sẽ trở nên bất tiện, hoặc thậm chí mình không thể sinh hoạt như bình thường được, như nồi cơm điện, một chiếc bình đun siêu tốc.

Thứ mình muốn là thứ có cũng được, không có cũng không sao. Cơ bản là chúng giúp cuộc sống của mình đã thoải mái trở nên thoải mái hơn. Chúng có thể là quần áo, là các món đồ chơi.

Đôi khi rất khó để phân biệt thứ mình cần và thứ mình muốn. Trong trường hợp này, mình sẽ đưa chúng vào “danh sách chờ” để cảm xúc nguội xuống. Thời gian chờ là khoảng 24, 72 tiếng đồng hồ hoặc thậm chí một tuần tuỳ vào giá trị của món đồ và mức độ hào hứng của mình tại thời điểm nhìn thấy nó.

Câu thần chú thứ hai là, nếu món đồ này không giảm giá thì mình có mua nó không? Việc mua đồ giảm giá thực chất không có gì xấu, nhưng chiếc mác giảm giá đôi khi làm chúng ta quên đi mục đích mua hàng và giá trị thực sự của món đồ (câu thần chú số 1).

Để hạn chế cảm giác hối hận khi mua đồ giảm giá, mình luôn có sẵn một danh sách các món đồ cần thiết. Khi món đồ đó giảm giá, mình được mua chúng với giá yêu thương hơn.

working
Góc làm việc của chị Chi Nguyễn. | Nguồn: NVCC

5. Một công cụ không thể thiếu để làm việc hiệu quả?

Trong dịp sinh nhật vừa rồi, mình được ông xã tặng cho một chiếc đồng hồ thông minh. Dù chỉ mới dùng được vài ngày nhưng mình rất thích vì có thể kiểm tra được tin nhắn, email hay lịch làm việc một cách nhanh chóng. Thời gian tới, nó sẽ là một công cụ làm việc quan trọng với mình.

Nhưng mình tin không cần phải sở hữu một món đắt tiền để làm việc hiệu quả. Trong suốt bao năm qua, thứ mình luôn mang theo bên cạnh là một cuốn sổ mà mình tự thiết kế và in ra để dùng.

Đầu năm 2023, mình cũng dự định ra mắt một phiên bản hoàn thiện của cuốn sổ này để giới thiệu đến với bạn đọc như một sản phẩm của The Present Writer.

6. Một tôn chỉ về tài chính cá nhân mà bạn luôn tuân theo?

Đó là chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được. Nếu bạn muốn tiêu nhiều hơn thì cần kiếm tiền nhiều hơn. Nếu thu nhập hạn chế thì tiết kiệm nhiều hơn.

Việc chi tiêu và kiếm tiền vì vậy đôi khi có thể trở thành vòng lặp không dừng. Tuy nhiên, mình nghĩ quan trọng là bản thân chúng ta nắm rõ được mục đích chi tiêu và kiếm tiền của mình.

Mình không kiểm soát chi tiêu bằng cách chia tiền vào các lọ như một số phương pháp phổ biến được chia sẻ, vì nó tùy thuộc vào ưu tiên của mình trong từng giai đoạn nhất định.

Khi cần mua nhà thì lọ tiết kiệm hay lọ trả nợ chắc chắn phải chiếm phần trăm cao nhất, chứ không thể nào san đều và chính xác từng % theo kế hoạch.

Nếu tập trung vào từng mục đích thì mình sẽ đi nhanh hơn. Nếu dàn trải mục đích ra thì cuộc sống của mình có thể bình ổn, cân bằng hơn. Nhưng với Chi, mình sẽ dàn trải chỉ khi mục đích lớn của mình đã đạt được.

7. Trên thang điểm từ 1-10, việc tiết kiệm quan trọng ở mức nào? Vì sao?

Đối với mình, độ quan trọng của việc tiết kiệm nằm trong khoảng từ 6 đến 8.

Mình chọn số 6 làm con số bắt đầu vì tiết kiệm là việc lúc nào cũng nên làm, nhưng mục tiêu và độ cấp bách cho việc tiết kiệm sẽ dao động. Tiết kiệm để đầu tư cho một kế hoạch dài hạn thì độ quan trọng có thể lên đến con số 8, số 10.

8. Lời khuyên tệ nhất về tài chính cá nhân hoặc sự nghiệp mà bạn từng nghe?

“Phụ nữ không cần biết kiếm tiền. Chỉ cần tìm một tấm chồng giàu.”

Đây không hẳn là lời khuyên, mà đôi khi chỉ là bình luận hay một câu nói đùa. Nhưng mình tin sức ảnh hưởng đến mức thay đổi cuộc đời của người khác từ câu nói đùa này là thật.

Nó gieo vào đầu các bạn nữ không chỉ tư tưởng rằng sứ mệnh của cuộc đời mình là kiếm chồng, mà còn là cú pháp lập trình rằng “là phụ nữ thì mình không thể…” Điền vào dấu ba chấm đó có thể là “kiếm tiền, kinh doanh, xử lý số liệu tốt.”

Khi biết mình sắp sang Mỹ để học Thạc sĩ, một cô người quen thậm chí nói với mình với đại ý rằng: Học thì học, chứ không có tấm bằng nào giá trị hơn tấm bằng “lấy chồng” đâu con. Nói cách khác, lấy chồng là một bằng cấp, một thành tựu đáng được tán thưởng hơn cả việc mình cố gắng, xây dựng tương lai cho bản thân.

Dù mình không đồng ý với lời khuyên đó, nhưng nó vẫn luôn lởn vởn đâu đó trong đầu mình, tựa như một nhân vật phản diện luôn chực vồ lấy mình mỗi khi mình gặp khó khăn trên hành trình tới thành công.

Đến lúc này thì mình biết phụ nữ và đàn ông không có nhiều khoảng cách như người ta nói. Phụ nữ thậm chí có thể làm được hơn cả đàn ông nếu tập trung học hỏi, mở mang kiến thức.

Chị Chi Nguyễn
Phụ nữ hoàn toàn có thể độc lập về mặt tài chính, và san sẻ hạnh phúc đó với một người bạn đời. | Nguồn: NVCC

Tài chính cá nhân chỉ là những phép tính cộng-trừ-nhân-chia đơn giản như cấp 2 thôi. Nếu bạn thấy cái gì cao siêu quá thì có thể chúng là những thứ không thực sự sát thực.

Không có vấn đề gì ở việc bạn muốn lấy chồng và trở thành "tay hòm chìa khóa" của gia đình. Nhưng hãy để nó là lựa chọn của bạn, chứ không phải là một điều bắt buộc, giới hạn tiềm năng của bản thân.

Phụ nữ hoàn toàn có thể độc lập về mặt tài chính, và san sẻ hạnh phúc đó với một người bạn đời.