Việc sinh con thay đổi người bố và người mẹ như thế nào | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
05 Thg 08, 2020
Gia Đình

Việc sinh con thay đổi người bố và người mẹ như thế nào

Khám phá sự thay đổi của bố mẹ sau khi có con dưới góc nhìn khoa học và chia sẻ từ người trong cuộc. 3. Thay đổi về mặt sinh học.
 Việc sinh con thay đổi người bố và người mẹ như thế nào

Nguồn: Freepik

Trước khi quyết định chào đón thêm một thành viên trong gia đình, bố mẹ có rất nhiều trăn trở. Một trong những băn khoăn thường gặp của các cặp đôi là: sau khi trở thành bố mẹ, mình sẽ thay đổi như thế nào?

Bên cạnh những tham khảo từ nghiên cứu khoa học, bài viết này cũng sẽ chia sẻ những góc nhìn cá nhân, để các “phụ huynh tương lai” có thể chuẩn bị sẵn sàng hơn trong hành trình này.

1. Thay đổi thói quen sinh hoạt

Việc sinh con thay đổi người bố vagrave người mẹ như thế nagraveo0

Sinh hoạt của bố mẹ thay đổi để thích nghi với nhu cầu của con | Nguồn: Freepik

Một lẽ tất yếu, thói quen sinh hoạt của cả hai trước và sau khi có con sẽ có rất nhiều thay đổi. Thời gian mà mẹ dành cho công việc và chăm sóc bản thân (làm đẹp, mua sắm,...), sẽ nhường chỗ cho những nhu cầu của con. Các cuộc gặp gỡ xã giao hay sở thích cá nhân của bố (chơi game, thể thao,...) cũng phải dựa theo thời gian sinh hoạt của đứa bé.

Đôi khi, bạn sẽ rất nhớ những thói quen ngẫu hứng của mình trước khi có con: những xuất phim chiếu muộn, những buổi mua sắm khi lương về, những ngày cuối tuần thức dậy vào giữa trưa.

Những thay đổi sẽ không dừng lại ở khoảnh khắc khi bạn chuyển từ trạng thái “vợ chồng son” sang “mới có con”, mà sẽ còn biến chuyển theo quá trình phát triển của trẻ.

2. Thay đổi những ưu tiên trong cuộc sống

Việc sinh con thay đổi người bố vagrave người mẹ như thế nagraveo1

Sự ưu tiên sẽ tập trung vào đứa trẻ | Nguồn: Unsplash

Trước khi có con, các ông bố bà mẹ dồn rất nhiều tâm huyết vào việc phát triển sự nghiệp. Nhưng khi con chào đời, sự ưu tiên sẽ được chuyển sang đứa trẻ. Từ những đắn đo hàng ngày như ai là người sẽ đón con, thay đổi thực đơn thế nào cho phong phú,... đến những lo toan dài hạn như tìm người chăm bé, chọn trường chất lượng, hay làm sao để con phát triển toàn diện.

Giờ đây, bạn chỉ nghĩ đến việc dành dụm cho con thay vì chỉ cho mình. "Bố mẹ mình kể, trước khi sinh mình, tất cả tiền đều được mang đi đầu tư kinh doanh hết. Khi có mình rồi, bố mẹ luôn dành ra một khoản cho mình học lên đại học trước, còn lại bao nhiêu mới tính đến chuyện khác." – Đinh Thư (23 tuổi). Nhiều bố mẹ cho rằng điều này mang lại ý nghĩa mới cho cuộc sống của họ.

Bên cạnh sự nghiệp, là những thay đổi về cách bạn nhận định bản thân. Nhiếp ảnh gia Carmen Visser, cũng là một bà mẹ, tin rằng: “Trong khi mang thai, bạn có thời gian để suy nghĩ và lo lắng về việc mất đi bản sắc cá nhân. Nhưng một khi đứa trẻ ra đời, sẽ không có thời gian để lo lắng về điều đó, bởi vì cuộc sống luôn tiếp diễn. Cuộc sống với một đứa trẻ phong phú hơn là sợ mất đi bản sắc của chính mình”.

3. Thay đổi về mặt sinh học

Sự thay đổi còn diễn ra ở não bộ và nội tiết tố (hormone) của cả bố lẫn mẹ. Hầu hết tất cả các động vật có vú đều trải qua những thay đổi trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh. Các thay đổi nội tiết tố có thể làm tăng trưởng kích thước của các tế bào thần kinh ở một số vùng và thay đổi cấu trúc ở một số vùng khác của não bộ.

Sự thay đổi về não bộ

Việc có con luôn đi cùng những thay đổi về cảm xúc. Các nhà khoa học đã xác định mối liên hệ giữa sự thay đổi này và não bộ của mẹ. Hệ thống xử lý cảm xúc (emotion-processing network) của não gia tăng hoạt động, khiến mẹ có cảm giác yêu thương, che chở mãnh liệt và lo lắng thường trực đối với trẻ.

Sự thay đổi về mặt sinh học khocircng chỉ diễn ra ở mẹ magrave cograven ảnh hưởng đến bố Nguồn Unsplash
Sự thay đổi về mặt sinh học không chỉ diễn ra ở mẹ mà còn ảnh hưởng đến bố | Nguồn: Unsplash

Vào năm 2014, Tiến sĩ Pilyoung Kim - nhà phát triển thần kinh học tại Đại học Denver, đã chứng thực rằng bộ não của người cha cũng xuất hiện những thay đổi về cấu trúc để tăng cường các kỹ năng phù hợp với việc nuôi dạy con cái.

Vùng mạng lưới tinh thần hoá (mentalizing network) của não khiến bố mẹ nhạy cảm hơn với nhu cầu của đứa trẻ. Nhờ đó, họ có thể hiểu được những tín hiệu không lời và phỏng đoán cảm nhận của con mình. Ngoài ra, nó thúc đẩy ý thức bảo vệ, gắn bó, hoà hợp và dự trù của bố mẹ dành cho con.

Bên cạnh những thay đổi tương đồng như trên, các nhà thần kinh học tại Đại học Bar-Ilan ở Israel cũng phát hiện vài điểm khác biệt giữa bố và mẹ. Với người mẹ, các vùng gần với lõi não hoạt động tích cực nhất, cho phép họ chăm sóc, nuôi dưỡng và phát hiện rủi ro. Còn với người bố, bề mặt ngoài của não được tăng cường hơn. Nơi đó đảm nhận chức năng nhận thức như: suy nghĩ, định hướng mục tiêu, lập kế hoạch và giải quyết vấn đề.

Sự thích nghi thông qua thay đổi nội tiết tố

Đối với các ông bố, testosterone chịu trách nhiệm thúc đẩy việc tìm kiếm bạn đời và người đàn ông có mức testosterone cao hơn có xu hướng hấp dẫn hơn. Nhưng để trở thành người cha đồng nghĩa với việc tập trung vào gia đình và chống lại mong muốn tìm kiếm một đối tác khác. Theo nghiên cứu, testosterone của nam giới giảm đi trung bình 34% khi trở thành bố (so với người đàn ông độc thân hay kết hôn mà chưa có con).

Còn theo nhà nghiên cứu Ruth Feldman, nồng độ oxytocin của mẹ bầu (chịu trách nhiệm liên kết giữa mẹ và con) sẽ tăng đột ngột trong thời kỳ mang thai và sau sinh. Khi mẹ càng dành thời gian chăm sóc trẻ thì lượng oxytocin càng tăng.

Nghiên cứu cho thấy sự thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai muộn, giúp giảm phản ứng căng thẳng vật lý lẫn tâm lý để tập trung vào nhu cầu của đứa trẻ hơn. Nhưng điều này không hẳn sẽ giúp họ bớt căng thẳng trước những thử thách của cuộc sống sau khi đứa bé ra đời. Hơn thế, nó còn đi liền với hiện tượng suy giảm trí nhớ.

4. Ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất và tinh thần

Đây là những thay đổi rõ rệt và phổ biến nhất ở các cặp vợ chồng vừa có con. Ảnh hưởng sức khoẻ thể chất bao gồm hồi phục sau khi sinh, những thay đổi cơ thể của người mẹ để cung cấp sữa cho con, rối loạn dinh dưỡng, cảm giác mệt mỏi và thiếu ngủ thường trực.

Cả hai cũng cần điều chỉnh tâm lý khi đón nhận vai trò bố và mẹ. Ngoài những ảnh hưởng tâm lý sau sinh, họ còn phải đối mặt với những cảm xúc hoặc tổn thương từ thời thơ ấu. Đồng thời, nội tiết tố thay đổi cùng tình trạng thiếu ngủ sẽ sản sinh ra những cảm xúc như giận dữ, sợ hãi, đau buồn, bị cô lập hoặc tù túng.

Kết

Trở thành bố mẹ là một bước ngoặt lớn trong đời. Ngoài những thay đổi về lối sinh hoạt, sự ưu tiên trong cuộc sống, hay những ảnh hưởng tâm lý và thể chất không mong muốn, cơ thể của bạn cũng sẽ tự điều chỉnh giúp bạn thích nghi với vai trò mới. Vì thế, hãy chắc chắn rằng mình đã cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên kiến thức xã hội và hiểu biết về bản thân trước khi quyết định có con.