“Không đủ kinh tế có nên đẻ con?” và câu chuyện quy trách nhiệm về cá nhân | Vietcetera
Billboard banner

“Không đủ kinh tế có nên đẻ con?” và câu chuyện quy trách nhiệm về cá nhân

Hay xã hội nên cất tiếng nói như thế nào và ở đâu, trong bi kịch của mỗi con người?
 “Không đủ kinh tế có nên đẻ con?” và câu chuyện quy trách nhiệm về cá nhân

Nguồn: Nhi Thanh cho Vietcetera

Có một niềm tin phổ biến trong xã hội rằng, “không có kinh tế đừng nên đẻ con.” Quả thực, kỳ thai sản và quá trình nuôi dưỡng một đứa trẻ cần đầu tư nhiều thời gian và công sức, thậm chí phải hi sinh cả sức khoẻ của người chăm sóc. Đứa trẻ sẽ phải đối diện với nhiều thử thách nếu như đấng sinh thành không chuẩn bị đủ vật chất và tinh thần để đón chào con mình vào thế giới.

Nhưng khi đưa ra những luận điểm gay gắt như: Tại sao lại sinh con rồi than khổ? Không có tiền thì đừng đẻ con, hay nếu đẻ thì phải nuôi được…, chúng ta dường như quy trách nhiệm về một cá nhân hay đổ lỗi cho điều kiện cuộc sống của họ, mà không thấy bối cảnh lớn hơn.

Nếu bạn nghĩ bài viết cổ vũ việc sinh con dù không có khả năng nuôi nấng nó, thì đó không phải lập trường của chúng tôi. Thay vào đó, chúng tôi muốn đặt vấn đề trách nhiệm cá nhân vào một cấu trúc xã hội, để thấy thực tế từng con người không có nhiều lựa chọn tự do đến vậy.

Nói cách khác, chuyện sinh con hay không còn là kết quả của sự lèo lái của áp lực gia đình, văn hoá, và cả một hệ thống xã hội. Liệu có công bằng không, khi mỗi đứa trẻ sinh ra đều có thể trở thành nhân công làm lợi cho xã hội tương lai, nhưng trách nhiệm nuôi dạy đứa trẻ thế nào rơi vào một mình bố mẹ chúng?

“Không có kinh tế thì đừng đẻ con”

Các quan niệm về việc đủ kinh tế rồi mới đẻ, được phần lớn mọi người đồng ý là: Đừng ai bảo ai cũng xứng đáng có con. Có con là nghĩa vụ thiêng liêng, dù nghèo cũng phải đẻ. Hay cứ muốn có con bằng được mà chưa từng nghĩ rằng: sẽ nuôi đứa trẻ đó như thế nào.”

Ngoài ra, còn có thêm những dẫn chứng khác: “Đã đẻ, thì phải có kế hoạch, ít nhất phải có một khoản tiền tiết kiệm để chăm con, rồi sau đó tiếp tục lao động mà nuôi nó.”

Nếu chỉ lập luận như thế, chúng ta dễ dàng bị cuốn theo cái “đúng, nhưng chưa đủ” của quan điểm này. Chúng ta “đúng” khi cân nhắc các nguồn lực vật chất có thể để chăm sóc một đứa trẻ. Song lại chưa cân nhắc đến yếu tố cơ bản dẫn lối quyết định cá nhân, đó là “hệ thống xã hội” (social system) theo quan điểm của nhà xã hội học Talcott Parsons.

Parsons cho rằng, một cá nhân có thể thuộc nhiều hệ thống xã hội cùng một lúc. Vì thế, khi phân tích vào quyết định của một cá nhân trong xã hội, chúng ta nên nhìn họ như người chơi tuân theo luật của từng thiết chế họ thuộc về.

Một cặp vợ chồng lao động di cư, phải tính toán đến cơm áo gạo tiền hàng ngày, có thể đưa ra quyết định sinh con vì tình yêu đôi lứa, vì áp lực duy trì huyết thống của dòng họ, vì định kiến của cộng đồng... Thậm chí, các cảnh báo nguy cơ dân số già trên báo đài cũng can thiệp vào quyết định của từng cá nhân.

alt
Liệu có công bằng không, khi mỗi đứa trẻ sinh ra đều có thể trở thành nhân công làm lợi cho xã hội tương lai, nhưng trách nhiệm nuôi dạy đứa trẻ thế nào rơi vào một mình bố mẹ chúng? | Nguồn: Nhi Thanh cho Vietcetera

Với việc người nghèo lựa chọn đẻ con, đó là lựa chọn mang tính xã hội, chứ không phải của cá nhân họ. Hơn vậy, theo thuyết "phân tầng xã hội" (social stratification) của nhà xã hội học Neil Smelser, lựa chọn đẻ hay không đẻ trong trường hợp này còn mang đặc thù giai cấp.

Một người có điều kiện kinh tế đủ đầy, ít gặp trở ngại trong quá trình sinh nở và nuôi con có thể dễ dàng đưa ra lời phán xét rằng ai thì xứng đáng đẻ con hơn người khác.

Phán xét này liệu có công bằng, khi người có ít điều kiện kinh tế hơn vừa phải đối diện với áp lực gia đình, làng xóm, dòng tộc, vừa phải tính toán xem có nên tự lược bớt đi một quyền con người của mình?

Cho nên, nếu chỉ kết luận rằng “không có kinh tế thì đừng đẻ con", ta sẽ rất dễ rơi vào hoàn cảnh giản lược cá nhân về vấn đề thu nhập. Ta chỉ được xem như có thể thực hiện đầy đủ quyền con người khi ta đã có điều kiện vật chất, bằng không, khao khát sống hạnh phúc và tự quyết định cuộc đời có thể sẽ bị gác lại.

Ở góc nhìn vĩ mô, ta cần tự hỏi, trong một xã hội đối diện với già hoá dân số và nhận lợi ích trực tiếp từ việc sinh nở, các chính sách an sinh xã hội có thể hỗ trợ người nghèo đến đâu, khi họ quyết định sinh con?

Xã hội không vô can trước bi kịch cá nhân

Từ bức tranh nhỏ là tranh cãi xem người nghèo có nên sinh con hay không, hãy thử bắt đầu bằng việc nhìn vào bức tranh xã hội tổng quát hơn.

Việt Nam tuy đã đạt được nhiều thành tích giảm nghèo ấn tượng, nhưng bất bình đẳng gia tăng lại đang và sẽ đe dọa sự phát triển của nhiều thập kỷ tới đây. Thu nhập trong một năm của nhóm 210 người siêu giàu ở Việt Nam dư sức để đưa 3.2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt nghèo cùng cực trên cả nước. Tuy nhiên, điều này khó lòng xảy ra.

Bất bình đẳng về kinh tế đi cùng với bất bình đẳng về tiếng nói và cơ hội, khiến nhóm người nghèo nhất bị lề hóa. Hãy thử nghĩ tới nghịch lý là, nếu 210 người siêu giàu này cùng đồng loạt tuyên bố 3.2 triệu người đang thoát khỏi cảnh “không có kinh tế" khoan hẵng đẻ, thì có lẽ nền sản xuất đang kiếm tiền về cho giới thượng lưu sẽ thiếu lao động trầm trọng.

Câu chuyện ở đây là, dù quy kết trách nhiệm cá nhân kiểu "không đủ kinh tế đừng đẻ con" dễ dàng được đưa ra hướng đến nhiều đôi vợ chồng nghèo, song về mặt hệ thống xã hội, thị trường lại ngấm ngầm cổ vũ sinh sản vì nó sinh lời. Thêm dân số tức là thêm nhân công và thêm người tiêu dùng.

alt
Bất bình đẳng về kinh tế đi cùng với bất bình đẳng về tiếng nói và cơ hội, khiến nhóm người nghèo nhất bị lề hóa trong khi lợi ích tập trung vào nhóm giàu. | Nguồn: Nhi Thanh cho Vietcetera

Áp lực tới từ việc cung cấp đủ nhân công cho xã hội có thể vô hình, song thực tế có tác động rất lớn đối với quan niệm sống của nhóm đa số ít điều kiện vật chất hơn.

Theo nhà xã hội học Pierre Bourdieu, tiêu chuẩn cuộc sống của người giàu, thông qua truyền thông đại chúng và nhiều hình thức lan truyền thông tin khác, biến thành cái đích phấn đấu tất yếu của tầng lớp dưới. Họ cố gắng hàng ngày để có cuộc sống được như nhóm tinh hoa.

Truyền thông vẽ ra những bức tranh sặc sỡ rằng những gia đình hạt nhân chưa đủ điều kiện kinh tế vẫn có thể mang hạnh phúc đến cho con mình, miễn là họ đủ chăm chỉ. Nhưng hạnh phúc của thế hệ tương lai chỉ bị gói gọn ở chuyện "đi siêu thị không cần nhìn bảng giá", hay niềm ao ước của thế hệ cha mẹ khi đã lớn tuổi là "được đi resort 5 sao một lần trong đời."

Những mơ ước đó có thể không thành hiện thực dù ta có chăm chỉ đến mấy. Lấy ví dụ ở Trung Quốc, mất 3 triệu năm lao động để một người bình dân có thể giàu bằng tỷ phú nhiều tiền nhất nước này.

Vì trong cuộc đua từ kẻ yếu trở thành kẻ mạnh, người có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn, như có nhiều quan hệ xã hội đáng giá, hoặc thực hành một thứ văn hoá được xã hội coi là tiêu chuẩn, được ưu ái hơn. Bourdieu gọi lợi thế này là "vốn" (capital), đồng thời khẳng định, vốn kinh tế, hay tiền, quy định mọi lợi thế còn lại.

Điều này rất đúng với một câu ca dao Việt Nam: “Con vua thì lại làm vua/Con sãi ở chùa thì quét lá đa."

Không có con người “chuẩn" và con người “chưa đạt chuẩn", chỉ có con người mà thôi

Câu chuyện “không đủ kinh tế có nên đẻ con?” cho thấy tầng lớp yếu thế trong xã hội phải đối mặt hàng ngày với bạo lực ngầm. Họ bị tước đoạt quyền con người của mình một cách không công khai.

Điều này đến từ quan niệm giả định về một con người “chuẩn” trong xã hội. Để được công nhận là tiến gần với hình mẫu này, nhiều khả năng là bạn phải thuộc về tầng lớp trên: giàu có, là nam giới, dị tính, không khuyết tật,... Trên phương diện toàn cầu, nhóm này có thêm yếu tố sắc tộc (da trắng) và tôn giáo (Thiên Chúa Giáo).

Vậy những người “chưa đủ chuẩn” nằm ở đâu trong nấc thang phân tầng xã hội? Dễ thấy, “chuẩn” và “chưa đủ chuẩn” nằm ở hai cực trong một cặp nhị nguyên, giống như hai mặt của một đồng xu. Có người giàu thì phải có người nghèo, có người mạnh thì phải có người yếu.

Nhưng nhà triết học Jacques Derrida đã chỉ ra một logic ngầm ẩn phức tạp hơn. Kẻ yếu không đứng cân xứng với kẻ mạnh, mà nằm ở ngoài lề. Họ trở thành yếu tố mà kẻ mạnh sử dụng để ám chỉ “đây không phải là tôi.”

alt
Ai sinh ra cũng đều nên được nhìn nhận với toàn bộ quyền con người của mình, bất kể họ xuất thân từ đâu. | Nguồn: Nhi Thanh cho Vietcetera

Hay dễ hiểu hơn, “Thế giới bình thường rất nguyên tắc, nó âm thầm loại bỏ dị vật. Người không ra gì sẽ bị đào thải” - Murata Sayaka tác giả cuốn sách “Cô nàng cửa hàng tiện ích" đã đúc kết như vậy.

Bi kịch của hai nhân vật Keiko và Shiraha trong tác phẩm diễn ra vì họ không theo đúng quy chuẩn mà xã hội đã áp đặt lên mọi người. Đó là quy chuẩn tạo nên khuôn khổ của một con người bình thường, một con người thành công. Nếu như không đi theo quy chuẩn đó, con người sẽ bị lên án, bị kỳ thị, bị đào thải.

Quay lại câu chuyện “người nghèo có nên đẻ con?”, chúng ta không nên rơi vào lối tư duy này. Vì mặc định, nó đẩy nhóm yếu thế vào mác con người “chưa đạt chuẩn”. Điều đó vô hình trung loại đi những quyền cơ bản của con người như quyền được yêu, quyền được lập gia đình, quyền được mưu cầu hạnh phúc…

Cuối cùng thì, ai sinh ra cũng đều nên được nhìn nhận với toàn bộ phẩm giá của mình, bất kể họ xuất thân từ đâu.

Để làm được điều đó, tư duy đổ lỗi cho từng cá nhân riêng lẻ rằng “bạn chưa đủ cố gắng” hay “chưa giàu thì đừng đẻ” cần phải biến mất. Hơn vậy, trách nhiệm của hệ thống an sinh xã hội công cộng cần phải được nghiêm túc đặt ra.

Để con người chung sống hoà bình với con người

Năm 1915, nhà văn Franz Kafka ra mắt tiểu thuyết Hoá thân (The Metamorphosis), kể về một anh chàng tên Gregor Samsa, bỗng nhiên buổi sáng thức dậy biến thành một con bọ.

Cá nhân tôi cho rằng Samsa giống như một nạn nhân, là người bị định vị bởi quá nhiều chuẩn mực và thiết chế xã hội. Bi kịch của Samsa diễn ra không phải vì anh biến thành con bọ vô dụng gớm ghiếc, chỉ đơn giản vì anh không còn theo đúng cái quy chuẩn mà người ta đã áp đặt lên anh nữa.

Nhìn lại câu chuyện từ đầu, biết đâu mỗi chúng ta lại là một anh chàng Samsa theo nghĩa khác nhau, luôn bị áp đặt bởi những ý thức cá nhân, ước lệ xã hội và giá trị sẵn có, rằng phải giỏi mới có tương lai, gầy thì sẽ xinh đẹp, giàu có mới nên đẻ con....?

Xét cho cùng, “con người" - tổng hòa các mối quan hệ xã hội, luôn cần những tiếng nói khác nhau, dáng hình khác nhau, bối cảnh khác nhau, địa vị khác nhau để làm nên một xã hội đa dạng và không bị đóng khung trong một hệ thống sẵn có.

Nhưng dù khác nhau thế nào, hãy luôn tìm ra cách chung sống hòa hợp và tôn trọng quyền con người của nhau. Đó cũng là vấn đề mà xã hội học và nhân học luôn nghiêm túc nghiên cứu từ trước đến nay.