Mặt tối ít người nhắc đến của việc đặt mục tiêu | Vietcetera
Billboard banner
31 Thg 01, 2021

Mặt tối ít người nhắc đến của việc đặt mục tiêu

Tiếp nối lợi ích của việc đặt mục tiêu, trong phần này Mark Manson chia sẻ về mặt tối và cạm bẫy ít người nhắc đến của nó.

Mặt tối ít người nhắc đến của việc đặt mục tiêu

Nguồn: Shutterstock.

Tiếp nối bài viết "Quên mục tiêu đi nếu bạn không biết dùng nó để làm gì“, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết "The Surprising Science of Goal Setting (And Why You’re Probably Doing It Wrong)", được đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.

Đặt mục tiêu cũng có mặt tối mà ít ai bàn đến. Nếu không cẩn thận, bạn có thể bị nó đánh bại.

Lý do khiến việc đặt mục tiêu có tác dụng là vì khi phải tập trung vào một kết quả hoặc khuôn khổ cụ thể, bạn sẽ dễ loại bỏ những thứ không quan trọng hoặc không giúp ích gì cho mình.

Nhưng, cũng như bất kỳ điều gì khác trong cuộc sống, có khả năng bạn sẽ để nó đi quá đà. Như câu chuyện về vị luật sư tài giỏi nhưng không thể nhận ra các con của mình vì cô luôn bận rộn suốt 90 tiếng hàng tuần liền. Hay một sinh viên không có người bạn nào vì cậu ấy quá ám ảnh với việc học mỗi ngày.

Khi chúng ta ám ảnh với các mục tiêu của mình, chúng ta có thể dễ dàng hy sinh ý nghĩa ban đầu của những mục tiêu đó.

Mặt tối của việc đặt mục tiêu
Nguồn: Mark Manson

Đó là chưa kể, bị ám ảnh phải theo đuổi một mục tiêu có thể dẫn đến việc lạm dụng những hành vi thiếu đạo đức. Các nghiên cứu cho thấy những người tập trung toàn lực vào các mục tiêu cụ thể có khả năng cao sẽ lừa gạt hoặc gian lận để đạt được chúng.

Có hai cạm bẫy mà bạn cần lưu ý khi đặt mục tiêu. Đầu tiên là đặt mục tiêu không phù hợp với giá trị của mình. Thứ hai là ngay từ đầu đã chọn những mục tiêu không hiệu quả.

Đặt mục tiêu không phù hợp với giá trị của mình

Một số người xem trọng thành tích và việc cải thiện bản thân. Một vài người khác lại xem trọng những mối quan hệ sâu sắc. Số khác tập trung vào việc thay đổi thế giới hoặc xây dựng cộng đồng. Tìm ra giá trị cốt lõi của bạn trước khi đặt mục tiêu là điều rất quan trọng, vì nó ngăn bạn phá hỏng mọi thứ.

Nghe thì có vẻ quá hiển nhiên, nhưng tôi từng thấy một số người trân trọng các mối quan hệ lại dùng phần lớn thời gian để kiếm nhiều tiền hơn, vì họ nghĩ nó sẽ giúp họ có được những mối quan hệ sâu sắc.

Tôi từng thấy một số người muốn thay đổi thế giới nhưng lại ám ảnh về cải thiện bản thân, lối sống lành mạnh và tối ưu mọi thứ trong cuộc sống cá nhân, tới mức họ quên mất sự tồn tại của thế giới bên ngoài.

Và rồi họ tự hỏi sao mình lại khổ sở thế? Dù họ vẫn đang thực hiện mục tiêu, hoàn thành phần này phần nọ, nhưng vẫn cảm giác mọi thứ không đi đúng hướng.

Vấn đề nằm ở chỗ những mục tiêu mà họ theo đuổi không gắn liền với giá trị của họ. Đó chính là nguồn cơn của sự khổ sở ấy.

Mặt tối của việc đặt mục tiêu 1
Chúng ta thường để người khác lựa chọn mục tiêu thay mình, rồi đi ngược lại với giá trị của bản thân. | Nguồn: Unsplash

Lý do thường thấy nhất khiến chúng ta rơi vào cái bẫy này đó là vì chúng ta để người khác điều khiển mục tiêu của mình. Bởi vì khi nhìn quanh, chúng ta thấy ai cũng kiếm được nhiều tiền, đi du lịch khắp nơi hoặc tập luyện ba lần một ngày. Thế là chúng ta nghĩ, “Ồ, cuộc sống của họ có vẻ vui, vậy thì mình cũng nên làm theo họ.”

Chúng ta đang để người khác lựa chọn mục tiêu thay mình theo cách tinh vi như thế, chưa một lần ngẫm lại xem liệu mình có thật sự muốn những thứ đó hay không.

Kệ mục tiêu của người khác đi, cứ sống với giá trị của chính mình thôi.

Bạn cần phải chắc chắn rằng mục tiêu của bạn là cho bạn, không phải cho người khác. Nhiều người lẫn lộn giá trị mình trân trọng với giá trị của người khác. Chúng không hề giống nhau đâu. Và nếu bạn có nhầm lẫn như thế, có thể bạn đang tốn hết mấy năm cuộc đời chỉ để theo đuổi thứ khiến bạn cảm thấy tệ hơn.

Đặt mục tiêu mà chỉ tạo ra kết quả tồi tệ cho bạn

Một sai lầm khác mà nhiều người thường mắc phải khi đặt mục tiêu, đó là khiến vấn đề của họ tệ hơn chứ chẳng giải quyết được gì.

Một ví dụ khá thú vị đó là khi có người nói “Tôi muốn mở công ty riêng để có thể tự do giờ giấc và không phải chịu áp lực từ cấp trên nữa.”

Họ chưa từng một lần ngừng lại suy xét để nhận ra làm sếp còn áp lực gấp ba lần. Bạn phải chịu trách nhiệm cho mọi quyết định, mọi thất bại, mọi sơ suất và mọi đánh giá sai lầm.

Ừ thì đúng là bạn có thể tự do giờ giấc… nhưng khi bạn phải làm việc hết 12 tiếng một ngày thì chẳng còn nhiều lựa chọn để sắp đặt giờ giấc lắm đâu.

Mặt tối của việc đặt mục tiêu 2
Đôi khi cách chúng ta theo đuổi mục tiêu lại phản tác dụng với mục tiêu ban đầu. | Nguồn: Unsplash

Rất nhiều mục tiêu chỉ toàn phản tác dụng. Chẳng hạn một số người mua xe hơi đắt tiền chỉ để cảm thấy mình giàu có. Hoặc một số người hẹn hò với người mình không thích vì muốn có một mối quan hệ. Hay một số khác giảm cân bằng cách bỏ đói bản thân vì họ muốn khỏe mạnh hơn.

Cách bạn theo đuổi mục tiêu thường quan trọng không kém, thậm chí còn hơn cả bản thân mục tiêu đó.

Nếu bạn theo đuổi một mục tiêu và đạt được nó bằng cách đánh đổi toàn bộ đời sống xã hội của mình, xa lánh gia đình, huỷ hoại danh tiếng của bản thân, liệu bạn có thật sự đạt được mục tiêu đó không? Tôi e rằng là không.