Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast "M.A.D" tại: Spotify | YouTube.
Trở lại với MAD tập 5, cùng host Tuân Lê gặp gỡ VJ Lê Thanh Tùng, hay còn được gọi là Tùng Khỉ. Anh hiện đang là nhà sáng lập và giám đốc sáng tạo tại The Box Collective. Không khó để nhận ra các sản phẩm sáng tạo của Tùng từ các video cho thương hiệu lớn như Audi, Geox, Sprite,... cho đến các buổi triển lãm nghệ thuật, và nhất là các hiệu ứng hình ảnh trên các sân khấu lớn.
Theo đuổi lĩnh vực hiệu ứng đồ họa thị giác, Tùng đã có hơn 10 năm kinh nghiệm và mở ra không ít cơ hội thương mại lẫn nghệ thuật cho thị trường sáng tạo tại Việt Nam. Tuy kéo dài chưa đến 40 phút, tập podcast lần này vẫn mang lại nhiều góc nhìn bổ ích và những thực tế mà người làm sáng tạo còn khúc mắc, cũng như các xu hướng mới của ngành đồ hoạ.
Sáng tạo cũng cần đi đôi với tính thực tế
Cuộc đối thoại đặt lên bàn cân hai môi trường làm việc: agency và công ty sáng tạo độc lập. Là một người đã trải nghiệm cả hai, Tùng chia sẻ rằng bộ máy vận hành chặt chẽ của agency cho người làm sáng tạo một “giang sơn” rộng lớn, tức là họ hoàn toàn được bay nhảy trong vùng sáng tạo của riêng mình.
“Đây là một môi trường đầy đủ và lý tưởng. Nhưng khi đưa người làm sáng tạo vào mô hình nhiều lớp, họ sẽ dễ bị ‘lười’ bởi những ý tưởng ấy là do người khác thực thi.”
Sáng tạo cũng cần đi đôi với tính thực tế, và một ý tưởng cũng nên nằm trong khả năng về nhân sự và công cụ. Một công ty sáng tạo độc lập sẽ cân bằng tốt hai yếu tố này, bởi mô hình và phương thức hoạt động của họ thường tinh giản hơn. Rèn luyện được tư duy sáng tạo-thực tế song hành sẽ đòi hỏi bạn luôn cập nhật những công nghệ mới.
Bắt tay với tập đoàn lớn cần cân nhắc gì?
Tùng chia sẻ, thời điểm sáp nhập với Capital Studio, The Box Collective đã phát triển và vận hành được 5 năm. Không còn phải đối mặt với áp lực công việc, lúc này anh bắt đầu đương đầu với các trọng trách và áp lực về nhân sự cũng như bộ máy vận hành. Biết mình vẫn còn phải học nhiều về kỹ năng quản lý, Tùng quyết định đưa The Box Collective sang một chương mới, bởi đây là nước đi không chỉ cho anh mà còn cho cả tập thể.
Việc sáp nhập một startup sáng tạo vào tập đoàn lớn sau vài năm đầu hoạt động độc lập dường như là chặng đường lý tưởng cho những ai chọn sáng tạo làm sự nghiệp. Song, Tùng cũng nhấn mạnh việc cân nhắc các khả năng trước khi đưa ra quyết định sau cùng.
Sáp nhập vào một tập đoàn sẽ cho startup những điều kiện rất tốt, nhất là về tài chính và công nghệ. Ngược lại, startup sẽ phải chịu sự khoanh vùng và ràng buộc nhất định về nhân sự hay định hướng. Điều này không phải tập thể sáng tạo nào cũng dễ dàng thoả hiệp.
Những xu hướng mới của ngành đồ hoạ
Thời gian COVID-19 vừa qua đã tạo ra cơ hội cho The Box Collective áp dụng các công nghệ mới vào những dự án thực tế ảo và chương trình trực tuyến: virtual production (tạm dịch: công nghệ thực tế ảo).
Cụ thể, thời gian trước đó Tùng và đội ngũ đã tìm hiểu và trau dồi thực hành real-time graphic (tạm dịch: đồ hoạ trực tiếp) nhằm thử nghiệm các ý tưởng đồ hoạ đột phá hơn. Anh kỳ vọng real-time graphic nói riêng và virtual production nói chung sẽ là xu hướng tiếp theo cho các giải pháp truyền thông số.
Real-time graphic cũng không khó để mày mò; bạn chỉ cần bắt đầu với việc tìm kiếm trên Google, hoặc với tựa sách Generative Graphic. Tất nhiên, đầu tư vào các công nghệ này cần một lượng tài chính vững và độ hứng thú, cam kết nhất định với ngành.