Năm 1998, giải Ngoại hạng Anh và cúp C1 châu Âu lần đầu tiên được tường thuật trực tiếp trên sóng Đài quốc gia. Mùa hè năm đó, Đội tuyển Việt Nam của Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Trương Việt Hoàng... làm người hâm mộ cả nước vỡ òa sau trận thắng lịch sử 3-0 trước Thái Lan tại Tiger Cup.
Bình luận viên Quang Huy là người đã có mặt trong tất cả những cột mốc đáng nhớ đó của đài Việt Nam. Từ Tiger Cup đến AFF Cup, từ Euro cho đến World Cup, giọng bình luận của anh đã đi sâu vào ký ức người hâm mộ bóng đá ở Việt Nam mỗi khi xem TV.
Chúng tôi gặp anh Quang Huy sau khi đội tuyển Việt Nam vừa thắng giòn giã Indonesia 4-0 ở vòng loại World Cup, vài ngày trước khi VCK Euro 2020 khởi tranh. Phía bên ngoài cabin, anh chia sẻ với Vietcetera về công việc nói cho rất nhiều người nghe nhưng lại ít khi nói về mình.
Không thể làm thể thao nếu không đam mê
Với bình luận thể thao, đam mê là điều kiện đầu tiên. Nó đến trước mọi yếu tố khác, dù là năng khiếu hay chất giọng.
Một bình luận viên sẽ không thể khiến khán giả thích thú theo dõi trận đấu nếu chính bản thân không yêu thích những điều mình đang chứng kiến.
Khi một người nói về điều mình thật sự say mê, cách họ kể chuyện hấp dẫn hơn, lồng ghép nhiều chi tiết thú vị và lôi cuốn hơn. Sự ham thích thôi thúc họ lao vào đọc nhiều, xem nhiều, ghi nhớ và chắt lọc những thông tin đắt giá, hiếm có hơn.
Những bình luận viên nổi tiếng như Gary Bloom hay Tiziano Crudeli (năm nay đã 77 tuổi) đều là những cổ động viên bóng đá cuồng nhiệt. Nếu không đam mê, sự vất vả và căng thẳng của nghề này sẽ dễ khiến bạn bỏ cuộc.
“Khi 10 tuổi, mình được thế hệ tiền bối như chú Trần Tiến Đức, chú Vũ Huy Hùng truyền lửa như thế nào thì cũng muốn mang sự đam mê ấy lan tỏa đến khán giả. Những cậu bé đang ngồi nghe mình tường thuật, rất có thể một ngày nào đó sẽ mơ ước trở thành cầu thủ, hoặc bình luận viên.”
Đọc càng nhiều càng tốt
Bất cứ một sự kiện xã hội nào cũng có thể ảnh hưởng đến bóng đá. Bình luận viên cần có kiến thức tổng hợp để nói cho khán giả những điều có thể họ chưa biết.
Khi camera quay kỹ một nhân vật trên khán đài, chắc chắn họ phải có liên hệ đặc biệt với trận bóng. Tháng Lễ ăn chay Ramadan có ảnh hưởng đến phong độ của những cầu thủ theo đạo Hồi? Bàn thắng với cách ăn mừng đặc biệt này dành để tri ân nhân vật nào?
Vì sao Jong Tae Se khóc như mưa khi hát quốc ca Triều Tiên ở World Cup 2010? Giọt nước mắt ấy chứa đựng cả một câu chuyện về lịch sử. Anh ấy sinh ra ở Nhật Bản, bố mẹ là người Hàn Quốc nhưng lại chọn thi đấu cho CHDCND Triều Tiên.
Hãy đọc càng nhiều càng tốt, không chỉ về bóng đá. Bởi bóng đá không chỉ hấp dẫn với diễn biến trên sân, mà còn nhờ rất nhiều câu chuyện xung quanh nó.
Đặt trải nghiệm của khán giả lên trên hết
Đối với nghề bình luận trên đài truyền thành, các bình luận viên kỳ cựu như chú Đình Khải, Hoài Sơn nói gần như kín sóng suốt 90 phút. Khi khán giả chỉ được nghe bằng tai, bình luận viên thậm chí cần miêu tả theo hướng cường điệu để tưởng tượng của khán giả sinh động hơn.
Với mỗi chương trình, bình luận viên giúp khán giả kết nối dữ liệu nhìn được bằng mắt với thông tin nghe được qua tai. Khi mắt với tai đồng thời tiếp nhận, thông tin sẽ dễ lĩnh hội và dễ ngấm hơn.
Điều này lý giải vì sao nếu bình luận viên sa đà vào một câu bình luận quá dài, để nói được hết câu sẽ bỏ lỡ tình huống và khiến trận đấu lệch nhịp.
Cho đến bây giờ, cách bình luận phù hợp nhất với khán giả Việt Nam vẫn là bám sát diễn biến, đọc tên cầu thủ lúc có bóng để định hình vị trí khi thi đấu. Khi bóng chết hoặc trận đấu không căng thẳng, BLV sẽ tỉa thêm thông tin và nhận xét về lối chơi, phong độ cầu thủ hai đội để giữ nhịp độ và tăng sức hấp dẫn.
Viết tay để ghi nhớ tốt hơn
Những ngày đầu vào nghề cách đây 26 năm, khi internet chưa phổ biến, nguồn thông tin duy nhất các bình luận viên có được là từ những tờ báo đặt ở nước ngoài gửi về.
Thông tin về cầu thủ, đội bóng của các giải đấu lớn được chép tay cẩn thận hoặc cắt ra, kẹp vào quyển sổ để đối chiếu khi đọc trong cabin. Đó là cách duy nhất để lưu trữ và tích lũy kiến thức vào thời điểm công nghệ và máy móc cho nghề này vẫn còn thô sơ.
Việc chép tay khiến kiến thức được bám lâu hơn, các dữ liệu được ghi nhớ tốt hơn. Điều này càng quan trọng khi công việc bình luận đòi hỏi phản xạ nhanh để theo kịp tình huống trên sân.
Cho đến tận bây giờ, dù laptop kết nối internet luôn sẵn có, thói quen chép tay này vẫn được anh Quang Huy duy trì. Chữ viết tay là một phần của mình, thông tin khi đến với khán giả cũng gửi gắm cảm xúc của mình. “Anh vẫn thích một mình trong cabin với rất nhiều tờ giấy chép tay xung quanh”.
Giữ cái đầu lạnh và trái tim nóng
Dưới thời HLV Park Hang Seo, mọi thứ đều rất… khó đoán. Ngay cả các ký giả tác nghiệp cũng hạn chế về thông tin. Đây là cách thầy Park bảo toàn yếu tố bất ngờ trước đối thủ.
Đó là một trong số rất nhiều ví dụ để chỉ ra rằng bình luận viên cũng cần đặt mình vào trạng thái như một cầu thủ ra sân: có cái đầu lạnh, trái tim nóng và học cách tiết chế. Không nên áp đặt ý kiến của mình rằng đội tuyển cần đá thế này, hay nên đá thế kia. Không ai biết rõ hơn huấn luyện viên về chiến thuật của đội bóng.
Trái bóng tròn và chứa đựng nhiều bất ngờ. Học cách tiết chế cảm xúc để giữ vững sự khách quan là điều cần thiết khi bình luận. Nếu cố theo đuổi và chứng minh một phỏng đoán cá nhân, rất có thể sẽ giống như các CĐV Indonesia: tức điên lên khi không đoán được ĐTVN sẽ chơi như thế nào.
Đừng phá cách bằng mọi cách
Mỗi bình luận viên có một chất giọng khác nhau, mang một sắc thái, tâm hồn khác nhau. Riêng điều đó thôi cũng đã tạo nên bản sắc của mỗi người.
Nguyên lý từ những người đặt nền móng cho tường thuật bóng đá ở Việt Nam như chú Đức, chú Hùng vẫn còn giá trị đến tận bây giờ, bởi đó là cách thức phù hợp.
Bình luận viên có thể làm mới mình theo nhiều cách: học kiến thức mới, cách nhìn trận đấu mới… Không nhất thiết phải phá cách bằng sự lộng ngôn, bằng những từ sốc hay sến. Không phải tạo ra một phong cách bình luận độc, lạ mới là có bản sắc.
Khán giả có nhiều sở thích khác nhau. Họ có thể không đồng tình với phong cách hay quan điểm của bạn, nhưng họ vẫn sẽ dành cho bạn sự tôn trọng vì kiến thức và lòng tận tâm với nghề. Đó là điều kiện căn bản để được thừa nhận.
“Bóng đá ảnh hưởng đến xã hội rất lớn. Anh vẫn làm việc để mình là người được xã hội thừa nhận, chứ không phải mạng xã hội thừa nhận. Mạng xã hội có những đặc thù riêng, xã hội thực tế lớn hơn rất nhiều. Nếu mình được xã hội thừa nhận, mạng xã hội cũng sẽ thừa nhận”.
Hãy coi mình là cái mắc áo
Trận đấu với 22 cầu thủ trên sân đã là một cái áo đẹp rồi. Vai trò của bình luận viên chỉ nên là chiếc mắc áo mà thôi.
Một chiếc mắc tốt sẽ tôn lên vẻ đẹp của cái áo, để khán giả chiêm ngưỡng và thưởng thức. Kiến thức và lòng yêu nghề chính là chất liệu để làm nên chiếc mắc áo tốt nhất.
Nếu bình luận viên sa đà vào việc phô diễn kiến thức và thể hiện dấu ấn cá nhân, người đó sẽ trở thành tâm điểm của trận đấu thay vì bản thân trận đấu. Khán giả sẽ chỉ nhìn thấy cái mắc mà quên đi cái áo.
“Điều quan trọng nhất, hãy nhớ mình ở đâu và vai trò của mình là gì. Anh sẵn sàng chìm đi, làm cái mắc áo suốt đời, để treo những chiếc áo đẹp nhất”.