Số liệu luôn là nỗi ám ảnh lớn đối với người làm content (nội dung). Trước khi nhận vị trí managing editor ở Vietcetera, tôi từng là thành viên của một team phân tích nội dung (content analysis). Nhiệm vụ của chúng tôi là am hiểu hành vi tương tác giữa người dùng với thông điệp. Từ đó, toà soạn hoặc công ty suy tính điều chỉnh cách sản xuất nội dung của mình, từ việc thay đổi câu từ, cấu trúc bài viết, cho đến khai phá nội dung mới.
Một người đồng nghiệp cũ từng tâm sự với tôi rằng đối với anh ấy, số liệu cũng giống như ông Trời. Phiên bản thô của nó không được sắp xếp theo bất cứ trật tự nào, và không có nghĩa vụ phải thể hiện xu hướng hay trình tự. Chúng đơn giản chỉ là hằng hà sa số “vết chân” mà người dùng ngẫu nhiên bỏ lại. Dữ liệu và ông Trời giống nhau ở tính ngẫu nhiên này.
Anh nói tiếp, phân tích dữ liệu chẳng khác gì xem bói là bao. Sự hỗn độn của dữ liệu có thể được đọc theo nhiều cách, giống như mỗi thầy bói có cách đọc “tín hiệu vũ trụ” riêng vậy. Công việc của tôi, một người được đào tạo về nghiên cứu định tính, là tìm ra công thức “xem bói,” còn của đồng nghiệp tôi, một người làm định lượng, là sử dụng công thức đó để cắt lớp dữ liệu thành những thông tin. Từ đó, dữ liệu thô được “phiên dịch” thành xu hướng, chỉ báo hữu dụng.
Tôi nhớ như in câu nói lặp lại của người đồng nghiệp cũ khi anh mở SPSS (một phần mềm phân tích dữ liệu phổ biến): “Hôm nay anh với chú lại diện kiến ông Trời.”
Tôi có phần sốc khi nhận vị trí mới, vốn có tính chất rất khác so với công việc phân tích dữ liệu và viết lách. Từng là contributor trong một khoảng thời gian đủ dài, tôi chỉ cần cam kết về chất lượng bài viết của mình. Từng là một nhân viên phân tích dữ liệu, tôi chỉ cần diễn giải những gì mình đọc được từ con số, chứ không phải cam kết rằng, từ phân tích của mình, traffic sẽ tăng.
Ở Vietcetera, tôi vừa cam kết với chất lượng của bài viết, vừa giao kèo với số liệu. Tôi sắm một chiếc màn hình phụ. Nhiệm vụ của nó là hiển thị số liệu theo thời gian thực. Tôi quan sát sự thay đổi của các đồ thị khi một bài viết mới được xuất bản và chia sẻ trên mạng xã hội. Tôi quan sát thời gian người dùng dành ra để đọc hết hoặc bỏ dở đối với từng bài viết…
Hàng loạt câu hỏi hiện lên trong đầu tôi hàng ngày: Độc giả của mình là những ai? Điều gì đang giữ chân họ đọc bài? Thế nào là một góc nhìn đủ hấp dẫn? Đặt câu này ở đây và câu kia ở chỗ khác có thay đổi cách độc giả tương tác với bài viết? v.v.
Cảm xúc của tôi xê dịch cùng số liệu. Khi biểu đồ đạt đỉnh, dường như dopamine trong não tôi tiết ra nhiều hơn. Và trường hợp ngược lại thì… bạn biết rồi đó.
Một số bộ dữ liệu sẽ cho kết quả vào 12 giờ đêm. Tôi “canh me” cho tới tận lúc đó rồi mới đi ngủ. Những day dứt công việc theo tôi vào giấc mơ. Sáng ngủ dậy, đồ thị là thứ tôi kiểm tra đầu tiên, chứ không phải thông báo trên Facebook.
Một người với nghề viết thường tự vấn: “Thế nào là một bài viết hay?” Dường như không có bộ tiêu chí cứng nào có thể đo đạc đặc điểm nhiều phần mơ hồ này. Với một cây viết, sự “hay” nằm ở cách trau chuốt câu từ và độ sâu của luận điểm. Với một người kiểm duyệt nội dung, cái “hay” trải dài từ cấu trúc của toàn bài cho đến vị trí đặt dấu câu. Với một nhà đầu tư, dường như con số là tiêu chuẩn của mỹ học…
Ở vị trí của tôi, cái “hay” nằm việc giữ cân bằng giữa mong cầu của các bên, và dữ liệu thống kê. Tôi mất nhiều thời gian để thích nghi với tình thế “tiến thoái lưỡng nan” này nếu nói một cách kịch tính. Nhưng nếu thành công với khả năng “đi trên dây” ấy, có lẽ tôi sẽ đạt đến “con đường trung đạo” như Đức Phật đã dạy.
Nhưng lý tưởng ấy dễ nằm trên mặt chữ này hơn là xảy ra trong thực tế. Đôi lúc, tôi vẫn hỏi, điều gì đang kéo đời sống công sở của mình về phía trước? Để rồi tôi chấp nhận rằng số liệu là người bạn mình không quá hứng thú để gặp mặt hàng ngày, nhưng nếu không có nó, tôi sẽ cô đơn và vô hướng.