Bạn chưa mình biết mình muốn gì và sẽ xây dựng sự nghiệp trong tương lai như thế nào? Hoặc bạn đã có công việc yêu thích rồi, nhưng khi bắt đầu làm lại nhận ra nó không khớp với kỳ vọng ban đầu của mình… Sẽ luôn có những khoảnh khắc chúng ta cảm thấy bị kẹt lại trên hành trình xây dựng sự nghiệp và không biết phải xoay sở ra sao.
Trong những thời điểm khó khăn ấy, mình luôn luôn nhắc đi nhắc lại trong đầu một câu nói đã truyền cảm hứng cho bản thân suốt từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cho đến ngày trở thành một giáo sư ở trường đại học tại Mỹ.
Đó là câu văn trong truyện ngắn Mùa Lạc của nhà văn Nguyễn Khải:
Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh gian khổ. Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy.
Câu nói này đã cho mình nguồn động lực rất lớn về mặt tinh thần, giúp mình vững vàng hơn khi đối mặt với những thách thức. Nhưng chỉ sức mạnh tinh thần thôi chưa đủ. Mình cần có cả những phương pháp cụ thể để có để xây dựng lộ trình vượt qua khủng hoảng, hướng tới một sự nghiệp dài lâu và hạnh phúc.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các bạn 3 bài học lớn mà chính mình đã áp dụng để vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất trong hành trình sự nghiệp của mình.
1. Tự hỏi "Tại sao mình bị kẹt?"
Điều đầu tiên mình cần làm để vượt qua những ranh giới trong giai đoạn khủng hoảng là hiểu tại sao mình lại rơi vào tình thế này? Theo cuốn sách Time Management from the Inside Out của Julie Morgan, tác giả đã chỉ ra 3 lý do cụ thể cho câu hỏi này.
Sai sót về kỹ thuật
Sai sót về kỹ thuật nghĩa là bạn đang bị thiếu hụt kiến thức, kỹ năng cụ thể nào đó khiến cho quá trình xử lý công việc gặp khó khăn. Chẳng hạn, bạn đang cảm thấy mắc kẹt với công việc hiện tại và muốn đổi sang một công việc tốt hơn có cơ hội thăng tiến cùng mức lương tăng thêm. Vậy hãy tự đo lường các yếu tố chứng chỉ, bằng cấp, kỹ năng, kiến thức, quan hệ,... của bạn ở hiện tại, nếu muốn có được công việc mới bạn sẽ cần cải thiện yếu tố nào.
Lý do sai sót kỹ thuật này không khó để thay đổi, vì nó là yếu tố bạn dễ nắm quyền kiểm soát và dễ dò xét bản thân để nắm được tình hình. Phát hiện sai ở đâu thì mình sửa ở đó.
Trở ngại về tâm lý
Lý do này có phần khó nhận biết hơn. Giống như khi bạn nghĩ rằng đây là công việc trong mơ của mình, bạn sẽ mãi đắm chìm trong hạnh phúc với nó. Nhưng khi vào làm mới nhận ra rằng công việc này không hoàn hảo như bạn đã từng nghĩ và bạn cho rằng mình đã chọn sai rồi. Nhưng thực chất vốn không có công việc nào hoàn hảo 100%, luôn có khoảng 20% là những điều mình không muốn làm.
Vậy nên không phải bạn gặp khủng hoảng vì đã ra quyết định sai mà là bạn gặp trở ngại trong tâm lý đặt ra kỳ vọng quá cao. Và ở phía ngược lại, khi bạn quá sợ hãi nỗi thất bại, sợ bị người khác đánh giá, hay thậm chí sợ rằng sẽ có điều không may xảy đến ngay khi mình đạt thành công, nên chẳng dám kỳ vọng gì cũng tạo thành trở ngại tâm lý.
Và dù ở trong trường hợp nào, bạn cũng cần vén màn tìm hiểu động cơ thực sự gây nên những suy tư, lo lắng đó là gì? Đôi khi những khó khăn tâm lý đấy đến từ lỗi của mình, nhưng có khi nó đến từ lý do thứ ba.
Tác động từ bên ngoài
Đây là những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả công việc. Chẳng hạn, bạn nộp đơn vào một vị trí yêu thích và có ấn tượng tốt về người phỏng vấn. Thế nhưng, khi họ đột ngột rời đi, bạn lại phải làm việc với người quản lý mới mà bản thân không thấy thoải mái.
Hoặc có thể bạn đang hài lòng với công việc, thu nhập tốt, nhưng vì thị trường suy thoái hay công ty gặp khó khăn, bạn bị cắt giảm lương hoặc giờ làm, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và công việc.
Khi đối mặt với những yếu tố ngoại cảnh như vậy, điều quan trọng là phải kiên nhẫn với chính mình. Hãy dành chút thời gian để ngồi lại, xem xét định hướng tương lai, tự hỏi liệu mình có chấp nhận được thay đổi này không, hay cần tìm kiếm một công việc mới, một hướng đi thứ hai trong sự nghiệp.
Đó là ba lý do có thể giải đáp cho câu hỏi tại sao bạn lại gặp khủng hoảng? Đôi khi chỉ có 1 nguyên nhân duy nhất, nhưng cũng có khi mức độ thử thách tăng lên, chúng ta phải đối mặt với khó khăn ở cả ba yếu tố cùng lúc.
Hệ thống 3 lý do này sẽ giúp bạn lần lượt bóc tách từng lớp của vấn đề và phân loại các nguyên nhân để hiểu rõ được cốt lõi tình thế của mình. Qua đó, tạo tiền đề vững chắc để tiến tới những bước tiếp theo trong quá trình xử lý khủng hoảng.
2. Học cách chấp nhận
Học cách chấp nhận khác với cam chịu. Cam chịu có nghĩa là khó khăn xảy ra với mình thì mình không làm được gì cả và chỉ có chịu đựng thôi. Ngược lại, chấp nhận là khi mình nhìn nhận khó khăn như một phần tất yếu của hành trình, nhưng đồng thời hiểu rằng chúng chỉ mang tính tạm thời.
Trong cuốn sách nổi tiếng Vùng Trũng của Seth Godin, ông nói về một quy luật tất yếu mà ai cũng sẽ trải qua khi theo đuổi một điều gì đó, đặc biệt là trong sự nghiệp. Ban đầu, chúng ta thường rất hào hứng, nhưng rồi sẽ đến giai đoạn "vùng trũng" – nơi đòi hỏi nhiều nỗ lực và sự bền bỉ để vượt qua.
Đó sẽ vừa là một thử thách vừa là một phép thử quan trọng, giúp chúng ta nhận ra liệu đây có phải con đường mình thực sự muốn đi tiếp hay không. Nếu như bạn cảm thấy quá sức, thiếu niềm tin, hoặc vì những tác động bên ngoài và kỳ vọng không như mong đợi, bạn có thể bỏ cuộc.
Nhưng nếu vượt qua được vùng trũng, bạn sẽ có cơ hội chạm đến một nấc thang mới trong sự nghiệp và cuộc sống. Chính vì vậy, việc chấp nhận vùng trũng như một phần không thể thiếu trong hành trình phát triển bản thân là điều rất quan trọng. Thành công không đến dễ dàng – ai cũng phải trải qua những vùng trũng của riêng mình.
3. Xây dựng và duy trì các mối quan hệ
Khi đối mặt với khó khăn, chúng ta thường có xu hướng thu mình lại, tránh xa mọi người vì cảm giác tự ti, không muốn làm phiền người khác, hoặc đơn giản là vì mình muốn tự xử lý vấn đề của mình. Thế nhưng, thực tế cho thấy, những mối quan hệ tích cực lại là nguồn sức mạnh lớn, giúp ta cảm thấy được thấu hiểu, an ủi và đôi khi còn nhận được những lời khuyên quý báu từ những người có kinh nghiệm.
Bản thân mình trong những ngày sắp tới ‘deadline’ nộp bài báo khoa học không khác gì một quả bóng bị bơm thật căng rồi chuẩn bị xịt hết hơi. Dự án đã trải qua không biết bao giai đoạn thăng trầm. Đặc biệt trong tháng cuối cùng, mình vừa phải làm việc, vừa đi công tác nước ngoài, lệch múi giờ, ốm mệt, rồi lo tổ chức tiệc sinh nhật, Halloween cho con…
May mắn là những người đồng tác giả bài báo với mình đều là mother-scholar (những người mẹ học giả) nên rất hiểu và thông cảm cho nhau. Nhờ vậy mà cuối cùng bài báo đã hoàn thành và được gửi tới một tạp chí khoa học đầu ngành.
Điều này không chỉ đúng đối với riêng mình mà thực sự đã được chỉ ra trong một nghiên cứu. Những người có mạng lưới quan hệ xã hội phong phú và nhận được sự hỗ trợ khi gặp khó khăn có khả năng vượt qua khủng hoảng nhanh chóng hơn, đồng thời sớm tìm lại được niềm vui và động lực trong cuộc sống.
Kết
Trong hành trình xây dựng sự nghiệp, chúng ta đều sẽ phải đối mặt với những thời điểm thử thách mà đôi khi chỉ muốn buông xuôi. Nhưng nếu hiểu rõ ba bài học mình đã đúc rút được thì mình tin chắc bạn sẽ sớm tìm ra lối đi ngay cả khi tưởng chừng đã bị mắc kẹt với con đường cụt.
Giống như câu văn mình đã chia sẻ từ đầu: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới”. Một khi đã vượt qua được ranh giới, cũng là lúc chúng ta sẽ tìm lại sự tự tin và thấy mình mạnh mẽ hơn rất nhiều.